Đài Loan “thần tốc” hóa giải cú bùm hàng triệu đô của Trung Quốc

647
Theo số liệu của Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan, tính đến trưa hôm qua 2/3 tức bốn ngày sau khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn kêu gọi “giải cứu dứa”, người dân và doanh nghiệp Đài Loan đã cam kết mua 41.687 tấn dứa, tức hơn 26 tấn so với tổng khối lượng dứa xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2020. - Ảnh: The Guardian
Tiêu điểm:
Đài Loan “thần tốc” hóa giải cú bùm hàng triệu đô của Trung Quốc
Chỉ trong bốn ngày Đài Loan đã giải cứu được hơn 41.000 tấn dứa (thơm) – tương đương với sản lượng dứa xuất khẩu trong một năm sang Trung Quốc.
Trung Quốc đưa ra lệnh cấm nhập khẩu dứa từ Đài Loan trong tuần rồi với lý do “có sinh vật gây hại” khi mùa thu hoạch dứa ở Đài Loan bắt đầu rộ trong tuần này và sẽ kéo dài đến hết tháng 6 tới. Thị trường khổng lồ này tiêu thụ đến 90% dứa xuất khẩu của Đài Loan. Trong năm 2020, Đài Loan xuất sang đại lục 41.661 tấn dứa, trị giá 1,5 tỷ Tân Đài tệ, tức khoảng 53,9 triệu USD.
Theo số liệu của Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan, tính đến trưa hôm qua 2/3 tức bốn ngày sau khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn kêu gọi “giải cứu dứa”, người dân và doanh nghiệp Đài Loan đã cam kết mua 41.687 tấn dứa, tức hơn 26 tấn so với tổng khối lượng dứa xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2020.
Trang tin Newtalk của Đài Loan cho biết, trong tổng số này trên 180 công ty đã đặt mua 7.187 tấn dứa nguyên liệu, 19 hãng khác đặt mua 15.000 tấn dứa đã chế biến, 14 tiệm nước giải khát mua 4.500 tấn, các nhà bán sỉ và người bán hàng rong đặt mua 10.000 tấn, và các nhà xuất khẩu và các nhóm nước ngoài ủng hộ Đài Loan mua 5.000 tấn.
Các số liệu này có ý nghĩa như thế nào?
Trước tiên, thị trường nội địa bao giờ cũng sức tiêu thụ lớn và công nghệ chế biến thực phẩm của Đài Loan đã tiêu thụ hầu hết lượng dứa dự định xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Và với những ai đã từng du lịch Đài Loan, từng ăn bánh dứa ở đây và mua về Việt Nam làm quà thì bánh dứa Đài Loan quả là “danh bất hư truyền”.
Kế đến, các lời hứa ngoại giao quốc tế chỉ nghe cho vui thôi. Không nhà ngoại giao nào hay người tiêu dùng nước ngoài nào có thể ăn dứa tươi, uống nước ép dứa, ăn mứt dứa hay bánh dứa miệt mài cả năm hay năm này sang năm khác để ủng hộ cho nông dân trồng dứa ở Đài Loan.
Vụ hứa ăn dứa này lại gợi nhớ đến chuyện hàng chục nhà ngoại giao các nước đã lên Facebook hay livestream đang uống rượu vang Úc để thể hiện tình đoàn kết với nước Úc khi Trung Quốc cấm nhập khẩu vang Úc với lý do “có sinh vật gây hại”.
Các lời hứa ngoại giao có cánh hay các màn trình diễn trên mạng xã hội đã không giúp các nhà vang Úc tìm được lối thoát nào cho mùa rượu 2020-2021 và nhiều năm tới. Úc phải cấp tốc tìm các thị trường thay thế cho rượu vang và nông sản bị Trung Quốc cấm nhập khẩu. Họ tìm đến Việt Nam, Indonesia và các nước Nam Á như là thị trường tiềm năng cho nông sản Úc.
Và dường như tìm kiếm con đường ngoài thị trường Trung Quốc lại là lối đi buộc mọi nhà xuất khẩu đang bán hàng vào Trung Quốc phải đi, dù thời gian đầu có thể gập ghềnh và sóng gió đôi chút.
Trái dứa Đài Loan cũng đang tìm một con đường như vậy.
Hôm 26-2, sau khi gọi lệnh cấm của Trung Quốc là một cuộc phục kích, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đã cam kết ngân khoản 1 tỷ Tân Đài tệ, khoảng 36 triệu USD, để giúp trái dứa Đài Loan thoát lệ thuộc vào thị trường đại lục, tìm kiếm các thị trường mới như Nhật Bản, Hoa Kỳ và châu Âu… Bà Thái cũng đặt mục tiêu khiêm tốn là xuất 30.000 tấn dứa mỗi năm.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC ở mức 55,75 – 56,15 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, chênh lệch hai đầu là 400.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.733,3 USD/ounce, tăng 8,5 USD/ounce, tương đương 0,49% so với chốt phiên trước. Theo giới phân tích, giá vàng phục hồi từ đáy hơn 8 tháng vì đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm, theo đó thúc đẩy nhu cầu đối với tài sản an toàn là vàng.
2/ Thương hiệu Big C sẽ không còn hiện diện tại Việt Nam sau 22 năm gắn bó với người tiêu dùng ở đây. Theo đó, 7 siêu thị Big C nằm trong các tòa nhà sẽ được đổi tên mới là Tops Market và 5 đại siêu thị Big C hoàn tất đổi tên thành GO!.
Kế hoạch đổi tên thực tế đã diễn ra chậm gần 5 năm so với tuyên bố của đại diện Central Group. Vào thời điểm tập đoàn này hoàn tất thương vụ mua thành công Big C Việt Nam từ Casino Group hồi năm 2016, dù có quyền sử dụng tên này trong 10 năm nhưng nhà bán lẻ Thái vẫn muốn đổi tên ngay sau đó. Dự kiến trong năm 2021, một số đại siêu thị Big C khác cũng sẽ được chuyển đổi sang tên mới theo kế hoạch.
Thương hiệu Big C sẽ được đổi tên thành Top Market
3/ Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast và Công ty Công nghệ ProLogium (Đài Loan – Trung Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác chiến lược hôm 3/3. Theo thỏa thuận, VinFast và ProLogium sẽ thành lập liên doanh sản xuất pin thể rắn cho xe điện tại Việt Nam. Liên doanh này sẽ được tiếp cận các bằng sáng chế và được phép sử dụng công nghệ đóng gói pin thể rắn MAB (Multi-Axis Bipolar + Technology – công nghệ lưỡng cực đa trục +) của ProLogium để sản xuất gói pin thể rắn CIM/CIP tại Việt Nam. Việc sử dụng pin thể rắn sẽ giúp cho các mẫu xe điện VinFast có thể đi được quãng đường dài hơn, giảm thời gian sạc và tăng tổng số lần có thể sạc pin. Việc hợp tác với ProLogium là bước đi tiếp theo của VinFast trong lộ trình hướng đến mục tiêu trở thành thương hiệu xe điện thông minh được ưa chuộng toàn cầu.
4/ Trong báo cáo Thịnh vượng 2021 (Wealth Report) của Knight Frank vừa được công bố hôm qua, Việt Nam hiện có 390 người siêu giàu (sở hữu từ 30 triệu USD trở lên) năm 2020. Không chỉ vậy, số người có 1 triệu USD trở lên tại Việt Nam đã giảm từ 20.645 xuống còn gần 19.500 người, tương đương 6%. Dù vậy, theo dự báo về giai đoạn 2020 – 2025, Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh hàng đầu thế giới (31%). Dự kiến, đến năm 2025, Việt Nam có 511 người sở hữu trên 30 triệu USD và hơn 25.800 người sở hữu trên 1 triệu USD. Để lọt vào nhóm 1% giàu nhất Việt Nam, cần có 160.000 USD (gần 3,7 tỷ đồng) trở lên. Điều kiện ở các quốc gia Đông Nam Á khác như Indonesia, Philippines là 60.000 USD, Malaysia là 540.000 USD và Singapore là 2,9 triệu USD. Trong năm đại dịch vừa qua, không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia khác cũng chứng kiến lượng người sở hữu 1 triệu USD trở lên giảm mạnh.
5/ Theo đề xuất được Bộ Tài chính đưa ra trong việc quản lý thu thuế của các nhà cung cấp nước ngoài tại Việt Nam, do không có cơ sở kinh doanh cố định nên Google, Facebook, YouTube, Netflix sẽ được phép nộp thuế trực tuyến tại Việt Nam thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Các nhà cung cấp nước ngoài sẽ được cấp các mã số thuế 10 số và cơ quan quản lý sẽ xây dựng các quy định về khai, nộp thuế với nhiều phương án, giải pháp khác nhau để họ lựa chọn. Hiện Google, Facebook, YouTube, hay Netflix và cả sàn thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc) cũng đang hoạt động, kiếm lợi nhuận tại Việt Nam. Doanh thu của các nhà cung cấp này lên đến hàng tỷ USD. Dự kiến số thu thuế của các nhà cung cấp nước ngoài có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
6/ Apple đang có rất nhiều thông tin tốt để ăn mừng. Doanh số bán hàng tốt của dòng iPhone 12 đã giúp đưa đưa hãng công nghệ này vượt mặt Samsung để giành vị trí hãng smartphone số 1 thế giới sau nhiều năm. iPhone 11 là điện thoại tiêu thụ tốt nhất thế giới vào năm ngoái. Cổ phiếu Apple cũng tăng mạnh. Niềm vui tiếp tục đến với CEO Tim Cook và các cộng sự khi lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu tấn công Mỹ vào tháng 3 năm ngoái, tất cả 270 Apple Store đều kinh doanh trở lại. Tuy vậy, một số dịch vụ, bao gồm cả mua sắm có thể phải hẹn trước, tùy thuộc vào Apple Store. Công ty khuyên người mua nên kiểm tra trang web trước khi đến. Ngày 13/3 năm ngoái, Apple đóng cửa tất cả Apple Store trên thế giới trừ ở Trung Quốc.
7/ Trung Quốc tiếp tục là nước dẫn đầu về số lượng các tỷ phú mới, với hơn 490 người trong 5 năm qua, trong khi Mỹ chỉ có 160 người gia nhập câu lạc bộ tỷ phú. Trong năm 2020, Trung Quốc đã có thêm 200 tỷ phú mới nhờ thị trường chứng khoán bùng nổ và hàng loạt doanh nghiệp niêm yết mới, góp phần giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19. Quy mô của câu lạc bộ các tỷ phú ở Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua khi nền kinh tế lớn hai thế giới tiếp tục phát triển nhanh, vượt xa các nước khác và tránh được những tác động tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19. Cũng theo tạp chí này, hiện có 6 trên 10 thành phố tập trung nhiều tỷ phú nhất trên toàn cầu thuộc về Trung Quốc. Trong đó, đây là năm thứ 6, Bắc Kinh dẫn đầu các thành phố này.
Đứng đầu danh sách các tỷ phú Trung Quốc là ông Zhong Shanshan (Chung Thiểm Thiểm), ông chủ của hãng nước đóng chai Nongfu. Đây là lần đầu tiên ông Zhong gia nhập câu lạc bộ tỷ phú với tài sản ròng 85 tỷ USD. – Ảnh: New York Post
8/ Tổng thống Indonesia đã quyết định hủy nghị định của chính phủ về việc mở rộng đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh đồ uống có cồn, đặc biệt là bia rượu. Ông nhấn mạnh quyết định này được đưa ra dựa trên nguyện vọng của đông đảo người dân Indonesia. Các tổ chức Hồi giáo và đại đa số người dân Indonesia không muốn việc đầu tư, kinh doanh rượu bia được mở rộng. Theo Nghị định của số 10/2021 về đầu tư bia rượu, Chính phủ Indonesia đã quy định chỉ có bốn tỉnh, thành được phép kinh doanh bia rượu là đảo du lịch Bali, tỉnh Đông Nusa Tenggara, tỉnh Bắc Sulawesi và tỉnh Papua, dựa trên các yếu tố tôn giáo, văn hóa của từng địa phương. Các tổ chức Hồi giáo tại Indonesia đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với quyết định của Tổng thống Jokowi về một trong những lĩnh vực vốn đã gây ra nhiều tranh cãi tại quốc gia có hơn 85% dân số theo đạo Hồi này.
9/ Doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) chuyên về giao hàng Instacart của Mỹ thông báo đợt huy động vốn mới theo đó định giá doanh nghiệp này ở mức 39 tỷ USD, gấp đôi so với 5 tháng trước. Instacart cho biết, đại dịch đã làm tăng giá trị dịch vụ của công ty này – hiện đang hợp tác với hàng trăm nhà bán lẻ tại Mỹ và Canada. Instacart hiện đang hợp tác với khoảng 600 nhà bán lẻ trong nước, khu vực và quốc tế, với 45.000 cửa hàng ở khắp Bắc Mỹ, tiếp cận trên 85% các gia đình ở Mỹ và 70% các gia đình Canada. Hồi tháng 10/2020, Instacart đã thu được 200 triệu USD trong đợt huy động vốn định giá công ty này ở mức 17,7 tỷ USD.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Nhiều công ty Nhật Bản dời xưởng từ Trung Quốc sang Indonesia