Dân túng, chợ ế, doanh nghiệp thấm khó

    76
    Ảnh minh họa
    Người tiêu dùng chi tiêu ngày càng tiết kiệm hơn, doanh nghiệp bán lẻ khó bán hàng và hiệu ứng dây chuyền đối với nền kinh tế bắt đầu.
    Chợ ế
    Tiểu thương các chợ nhỏ ở TP.HCM than vãn chợ càng ngày càng ế ẩm. Cộng thêm những ngày mưa gió vừa qua khiến đầu vào giá rau củ tăng từ 3.000-10.000 đồng/kg. Chủ sạp vừa phải giảm lãi khi bán hàng theo giá cũ, vừa chịu cảnh doanh số bán giảm.
    Dịch bệnh khiến người dân thắt chặt túi tiền, chi tiêu dè xẻn. Theo khảo sát từ Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, Việt Nam vươn lên vị trí đứng đầu nhóm quốc gia có nhiều người tiêu dùng tiết kiệm nhất thế giới, sau Hồng Kông và Singapore trong quý 2 vừa rồi. Phần lớn người tiêu dùng giảm tần suất ghé thăm các cửa hàng, nhà hàng và các địa điểm bên ngoài khác.
    Các hệ thống siêu thụ cũng đồng loạt giảm giá để kích thích tiêu dùng. Big C bán thịt heo không lợi nhuận, hệ thống Co.opmart giảm giá nhiều mặt hàng thực phẩm… Riêng Lotte Mart bán đồng giá 89.000 dụng cụ học tập, quần áo, giày dép và giảm 50% các sản phẩm bánh kẹo, gia vị, dầu ăn, dụng cụ làm bếp, đồ dùng cho em bé…
    Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 2.800.000 tỷ đồng, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, sau khi loại trừ yếu tố giá giảm 4,8%. Cần nhắc lại, tổng mức bán lẻ của bảy tháng đầu năm 2019 tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
    Tạm nghỉ, chờ phá sản
    Cục Thuế TP.HCM cho biết hơn 47.000 hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm nghỉ do dịch Covid-19. Số hộ này thuộc diện hỗ trợ kinh doanh theo Nghị quyết 42 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng chỉ có hơn 2.000 hồ sơ đã nộp để được hỗ trợ, cơ quan thuế đã thẩm định 1.409 hồ sơ và xác định 1.001 hồ sơ đủ điều kiện để nhận hỗ trợ. Tức là số người đủ điều kiện được hỗ trợ đến giờ chỉ là 2% – một tỷ lệ siêu thấp đối với các doanh nghiệp nhỏ li ti thế này.
    Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ chờ giải thể là nhiều nhất. Cụ thể, trong thời gian trên cả nước có đến hơn 8.100 doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ chờ giải thể – chiếm 37,2%.
    Đáng chú ý, theo cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong vòng 7 tháng đầu năm 2020 là 32.722 doanh nghiệp, tăng 41,5% với cùng kỳ năm 2019. Đây là một trong những mức tăng cao nhất về số lượng đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong các kỳ 7 tháng giai đoạn 2015-2020, thể hiện sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 đến việc tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp.
    Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Thống kê công bố hồi tháng 6 vừa rồi nói có đến 31 triệu lao động bị mất việc làm hay bị giảm thu nhập do dịch bệnh. Nếu tình hình không cải thiện, cuối năm sẽ có thêm ít nhất 5 triệu người gia nhập đội quân nhàn rỗi. Đợt dịch mới bùng phát ở Đà Nẵng cuối tháng 7 khiến dự báo này có thể sẽ trở thành hiện thực.
    Chính những lúc này, người dân và doanh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ li ti, nhỏ và vừa – đang trông chờ sự hỗ trợ và giải ngân các gói tài chính hàng trăm ngàn tỷ đồng Chính phủ công bố vào tháng 3 và tháng 4 vừa rồi.

    BSA tổng hợp