“Dắt mẹ đi thi” với dự án Lên men trái mơ rừng

156
Có mặt Hội trường Thống Nhất, nơi diễn ra Chung kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo” lần thứ 8, ông Masaaki Tabata – Founder Seeker Co.,Ltd đến từ Nhật Bản tham quan nhiều gian hàng. Ông dừng bước trước gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của công ty TNHH Nông sản Cô Tâm, và tỏ ra ngạc nhiên, thích thú với nhiều dòng sản phẩm từ nông sản Việt.
Khi thử những sản phẩm như giấm mơ trà xanh, nước cốt mơ, ông Masaaki Tabata cho rằng nó có hương vị, chất lượng rất lạ, chua nhẹ, thanh mát…
“Tôi có làm về mảng nhà hàng sushi và ở Việt Nam 4 năm nay nhưng chưa từng thử sản phẩm nào có vị đặc biệt, lạ như trên”, Masaaki Tabata nói.
Những sản phẩm trên của tràng trai đến từ Nam Định, tên là Vũ Minh Ngọc, người sáng lập công ty Nông sản Cô Tâm, Ngọc còn được nhiều người thân thương đặt cho cái tên khác là “Người lên men”.
Dẫn theo mẹ của mình là bà Nguyễn Thị Minh Tâm tới dự thi, Ngọc cho biết, chính mẹ là người thúc đẩy mình quyết tâm đi theo con đường kinh doanh từ nghề truyền thống của gia đình.
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, người trực tiếp đứng giới thiệu sản phẩm cho hay, nghề làm giấm từ trái mơ bắt nguồn từ bố của bà, ông vốn là cán bộ ở công ty dược phẩm Hà Nam Ninh. Ông đã tìm tòi, nghiên cứu ra công thức làm giấm từ trái mơ rừng.
Sau đó nghề này được tiếp tục đến đời của Ngọc hiện nay tại làng Bách Cốc, xã Thành Lợi (Vụ Bản, Nam Định).
Chia sẻ tại buổi thi, Ngọc cho biết, khác biệt của giấm mơ trà xanh truyền thống của gia đình so với sản phẩm cùng loại trên thị trường là sử dụng công nghệ ngâm ủ chiết dịch hoa quả trước khi lên men, không sử dụng hoa quả tươi. Nước mơ được ngâm cùng đường, mật mía lâu năm kết hợp cùng nước trà xanh theo tỷ lệ nhất định trong vài tháng để lên men hoàn toàn tự nhiên. Khi ra sản phẩm có vị chua nhẹ, vị dịu ngọt và thanh.
“Vùng đất Tây Côi Sơn, thị trấn Gôi quê em nổi tiếng với món chè xanh đặc sản, hương thơm ngát, màu vàng xanh, sóng sánh và ngọt đậm. Nên khi làm giấm có kết hợp cùng chè xanh này cho ra hương vị đặc biệt mà không nơi nào có được”, Ngọc cho biết.
Có những niềm vui nhỏ khiến em quyết tâm theo nghề này, Ngọc kể, “Có chị chủ quán nói rằng, sở dĩ quán của chị tồn tại được và ngày một đông khách hơn là trong gần 15 năm qua vì sử dụng giấm của gia đình em”.
Sản phẩm của Vũ Minh Ngọc mang đến cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo
Ông Masaaki Tabata – Founder Seeker Co.,Ltd tìm hiểu và dùng thử sản phẩm nước cốt mơ và giấm mơ

Xây dựng kênh phân phối
Cho đến nay, sản phẩm giấm mơ trà xanh đã có mặt tại chuỗi cửa hàng của Hiệp hội nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định, các cửa hàng thực phẩm sạch, các chợ đầu mối, chợ truyền thống, nhà hàng, quán ăn ở nhiều tỉnh, thành. Trung bình hiện nay mỗi tháng Ngọc cho ra thị trường gần 3.000 lít giấm mơ.
Là một người trẻ, nên Ngọc cũng đang bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, online khá nhiều trong thời gian qua.
Chia sẻ bên lề cuộc thi Ngọc khoe, “Có những đối tác là công ty thực phẩm đến đặt yêu cầu mua số lượng giấm lên men rất lớn, nhưng em không chuẩn bị kịp số lượng nhiều như thế, nên đành cung cấp trước cho họ khoảng 2.000 lít, số còn lại sẽ giao vào quý II năm 2023”.
Con đường tự học, hợp tác cùng nông dân
Để có thêm kiến thức, kinh nghiệm cho mình trong lĩnh vực lên men thực phẩm, Ngọc tìm hiểu thực tế tại một số nhà máy bia, các khoa, viện, hỏi chuyên gia, (trong đó chuyên gia Đàm Sao Mai – Người đã hướng dẫn tận tình).
Ngọc thông tin, những trái mơ nguyên liệu được lấy từ vùng Mộc Châu (Sơn La).
“Ban đầu em tìm hiểu nguồn trồng mơ của gần 40 hộ gia đình, sau quá trình làm việc lâu dài, chọn được 3 hộ nông dân đảm bảo yêu cầu, có tâm huyết, nguyện vọng phát triển loại cây này để hợp tác”.
“Các mẫu sản phẩm mơ này em đều có kiểm nghiệm về các chỉ tiêu ở CDC Nam Định, sau khi đạt thì mình mới ngâm, ủ”.
Tuy nhiên, một khó khăn hiện nay, dù trái mơ là loại nông sản có giá trị dinh dưỡng cao, nhưng vùng núi người dân lại chặt mơ, trồng mận khá nhiều. Nhưng những gia đình mà em đã làm việc và có cam kết với nhau về việc giữ chất lượng, sản lượng mơ, họ để cây mơ tự nhiên.
Năm 2010, Vũ Minh Ngọc tốt nghiệp lớp 12 và thi đỗ vào trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhưng cũng trong năm này, Ngọc có giấy gọi nhập ngũ, và anh quyết định gác việc học lại để vào môi trường quân đội. “Gia đình em có nhiều người thân trong quân ngũ, tham gia các cuộc kháng chiến”, Ngọc kể.
Sau khi hết thời gian trong quân đội, Ngọc trở về quê, và bắt đầu lại con đường học của mình và thi đỗ vào trường đại học Kiến Trúc Hà Nội. Năm 2017 ra trường đi làm, trong suốt quá trình này Ngọc thường về nhà làm giấm phụ giúp mẹ mỗi khi được nghỉ làm. Đây cũng là hành trình cho việc quyết tâm khởi nghiệp năm 2018 của Vũ Minh Ngọc – “Người lên men”. Và trong buổi Chung kết Cuộc thi dự án Khởi nghiệp nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo này, Vũ Minh Ngọc đã xuất sắc giành giải 3 của cuộc thi.
Bài, ảnh: Trần Quỳnh