ĐBSCL: Chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp

202
Sáng ngày 8/9, tại TP.HCM, Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) tổ chức buổi kết nối B2B trực tuyến, giữa DN trong Hội với đối tác Ausviet Food và Tae Han food. Đây là nhà phân phối khá lớn ở thị trường Úc.
Hầu hết nông sản tham gia chuỗi giá trị (CGT) toàn cầu của ta thuộc loại hình “do người mua quyết định” – ngành sử dụng nhiều lao động với năng suất lao động và chất lượng sản phẩm thấp; giá trị gia tăng từ nông sản của ta cũng thấp so với hàng hóa cùng loại của các nước phát triển nên năng lực cạnh tranh nông sản không cao.
Kế đến, CGT nông sản của ta chỉ mới dừng lại ở việc cung cấp đầu vào là nông sản thô, trong khi đó thị trường đòi hỏi giá trị gia tăng của hàng hóa nông sản được tạo ra theo quy trình chế biến, đóng gói và thương mại tinh tế và sáng tạo hơn. Chính vì vậy, mặc dù khối lượng hàng hóa nông sản xuất khẩu của ta lớn, nhưng giá trị xuất khẩu lại không như mong nuốn.
Để làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp nâng cao CGT nông sản toàn cầu, việc nhận diện được điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội cũng như thách thức của nông sản Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng khi tham gia vào CGT toàn cầu trở nên rất cần thiết. Dựa trên các yếu tố thuận lợi và khó khăn được nhận diện (Xem box trang sau), sử dụng phân tích ma trận SWOT, trong khuôn khổ Mekong Connect 2020 – tôi xin được đề xuất một số giải pháp sau đây cho Vùng ĐBSCL.
Đối với các hộ sản xuất/tổ chức kinh tế hợp tác (Hợp tác xã/Tổ hợp tác)
(i) Đẩy mạnh việc áp dụng các quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng sạch/an toàn/hữu cơ (Localg.a.p, GLOBALG.A.P, Organic) để đáp ứng nhu cầu của thị trường;
(ii) Thành lập/củng cố các tổ chức kinh tế hợp tác để xây dựng các cánh đồng lớn sản xuất những nông sản, tạo tiền đề cho việc xây dựng mối liên kết sản xuất và tiêu thụ với các doanh nghiệp cung cấp đầu vào, cũng như thu mua sản phẩm đầu ra. Bên cạnh đó, các tổ chức kinh tế hợp tác này từng bước thực hiện các dịch vụ cung ứng và tiêu thụ tập trung để nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo thị trường đầu ra ổn định cho nông sản;
(iii) Các hộ sản xuất nên hướng đến việc tối đa hóa lợi nhuận trên diện tích sản xuất và các tư liệu sản xuất khác hiện có, hơn là hướng đến mục tiêu chạy theo gia tăng sản lượng. Nói cách khác, đã đến lúc các hộ sản xuất nông nghiệp phải tự đặt ra câu hỏi “Mình có được bao nhiêu lợi nhuận trên số nông sản thu hoạch” hơn là “Mình thu được bao nhiêu tấn nông sản”.
Đối với doanh nghiệp nông nghiệp
(i) Đẩy mạnh việc phát triển thương hiệu của doanh nghiệp và nông sản được kinh doanh bởi doanh nghiệp;
(ii) Tăng cường đầu tư công nghệ vào các khâu chế biến, đóng gói và thương mại để tạo sản phẩm giá trị gia tăng và tạo điều kiện tham gia sâu vào CGT toàn cầu;
(iii) Mở rộng xây dựng vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp để có thể kiểm soát được số lượng và chất lượng nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến;
(iv) Cải thiện hiệu quả khâu quản trị thông qua việc đào tạo và nâng cao trình độ quản lý cho đội ngũ quản lý của doanh nghiệp;
Để thực thi các giải pháp nêu trên, tôi có một số kiến nghị sau đây đối với các tổ chức/đơn vị hỗ trợ/thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản toàn cầu
(i) Tăng cường kêu gọi đầu tư nước ngoài và trong nước thông qua hình thức hợp tác công tư để tăng cường nguồn lực sản xuất và kinh doanh cho doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế hợp tác;
(ii) Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và liên kết sản xuất-tiêu thụ đến doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế hợp tác;
(iii) Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại các nông sản chủ lực để mở rộng thị trường các nông sản tham gia sâu vào các CGT toàn câu;
(iv) Nhà nước có cơ chế khuyến khích các trường đại học, các viện nghiên cứu và các nhà khoa học tạo ra ngày càng nhiều các sản phẩm khoa học-công nghệ có chất lượng cao phục vụ nông nghiệp;
(v) Cần đầu tư nghiên cứu và phát triển những giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, có khả năng đề kháng tốt trước dịch bệnh. Công nghệ sinh học tập trung giải quyết vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và góp phần cải thiện môi trường nông nghiệp, nông thôn để tạo ra một nền nông nghiệp sạch, bền vững.
(vi) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp;
(vii) Xây dựng các chương trình hợp tác với các tổ chức nông nghiệp quốc tế trong việc nâng cao năng lực khuyến nông; khuyến công, khuyến thương.
(viii) Thường xuyên tổ chức các diễn đàn hợp tác, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, hội chợ, triển lãm quốc tế, liên kết đào tạo, huấn luyện về lĩnh vực khoa học nông nghiệp với các nước trong khu vực và thế giới.
(ix) Tăng cường đầu tư hạ tầng nông thôn, nhất là hệ thống điện sản xuất, giao thông, thông tin liên lạc viễn thông, cấp thoát nước để khuyến khích doanh nghiệp chế biến nông sản đặt cơ sở chế biến tại địa phương, hỗ trợ nông dân vào mùa thu hoạch;
(x) Về lâu dài, Nhà nước cần quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng sơ chế và bảo quản nông sản để nông dân thuê làm kho chứa tạm thời hoặc thuê địa điểm sơ chế; hình thành các Trung tâm điều phối- chế biến hàng chất lượng cao
(xi) Phát triển nhanh các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistic để tạo điều kiện cắt giảm chi phí kinh doanh và nâng cao hiệu quả cho cả người sản xuất và doanh nghiệp, nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc xây dựng các kho hiện đại, các silo để dự trữ hàng khi mùa thu hoạch tập trung cao điểm;
(xii) Tăng cường đầu tư hệ thống cung cấp thông tin thị trường. Hoàn thiện hệ thống thông tin về môi trường kinh doanh, hệ thống phân phối, giá cả nông sản trong nước và thế giới, cũng như thông tin dự báo cả trong ngắn và dài hạn,…
(xiii) Đầu tư xây dựng – hợp tác lực lượng nghiên cứu dự báo và thông tin thị trường: thường xuyên tổ chức các hoạt động thông tin thị trường (hội nghị dự báo ngành hàng, bản tin thị trường, kênh truyền thanh, truyền hình về thị trường,…); bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời cho nông dân cũng như các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị các ngành hàng. Đặc biệt chú trọng 3 trụ cột “số hóa – chuẩn hóa – Chinh phục thị trường”.

Thuận lợi và khó khăn bên trong và bên ngoài của nông sản Việt Nam khi tham gia CGT toàn cầu
Điểm mạnh (S)
  • S1: Một số mặt hàng nông sản của Việt Nam có thị phần lớn và được xếp thứ hạng cao (như nhân điều, tiêu, gạo, cà phê, cao su).
  • S2: Giá trị xuất khẩu nông sản tăng bình quân hàng năm 12%/năn; Thủy sản tăng 8,91%; Chăn nuôi tăng 11,6% trong giai đoạn 2008-2018;
Cơ hội (O)
  • O1: Có sự chuyển dịch của các công ty xuyên và đa quốc gia từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á nói chung, trong đó có Việt Nam từ sau Đại dịch Covid-19;
  • O2: Thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh cho ngành nông nghiệp ngày càng thuận lợi hơn (Nghị định số 98/2018/NĐ-CP
  • O3: 15 FTAs đang thực hiện. Trong đó, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và các nước thuộc Hội đồng chung Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết và có hiệu lực vào ngày 01/8/2020 và 14/01/2019, đang có nhiều cơ hội tốt.
Điểm yếu (W)
  • W1: Nông sản của ta chưa xây dựng được thương hiệu mạnh.
  • W2: Hàng hóa nông sản của ta chỉ mới tham gia được vào những khâu có giá trị gia tăng thấp trong CGT (khâu trồng trọt/chăn nuôi; thu gom; sơ chế; xuất khẩu sản phẩm thô).
  • W3: Phân phối lợi nhuận giữa các tác nhân tham gia trong CGT nông sản chưa hợp lý.
  • W4: Qui trình kỹ thuật trong các khâu sản xuất, thu gom, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa hoàn chỉnh nên đã dẫn đến chất lượng thấp, và do vậy giá bán thấp.
  • W5: Phần lớn qui mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ.
  • W6: Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ giữa các tác nhân tham gia trong CGT, cũng như giữa các tác nhân trong cùng một khâu trong CGT chưa chặt chẽ và chưa sâu
Thách thức (T)
  • T1: Hội nhập kinh tế thông qua các Hiệp định Thuwong mại Tự do gia tăng gây áp lực cho những hộ/cơ sở/doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhỏ và vừa trong bối cảnh cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu.
  • T2: Hệ thống logistics trong vùng ĐBSCL và của tỉnh Đồng Tháp phát triển manh mún và thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực phục vụ ngành logistics rất hạn chế cả về số lượng và chất lượng.
  • T3: Chịu ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19
  • T4: Rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu nông sản của ta ngày càng gay gắt.
  • T5: Năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu nông sản còn hạn chế.
PGS.TS Nguyễn Phú Son Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ