Để con được … bẩn

Cho trẻ chơi đùa với với thiên nhiên, với bùn đất là điều nên làm, nhưng bạn cần hiểu không phải bùn đất nào cũng an toàn. Ảnh TL (minh họa)

Trong một thế giới mà hầu như ai cũng khiếp đảm với các loại vi sinh vật, các bậc cha mẹ cũng luôn muốn giữ con mình sạch sẽ đến mức tối đa. Tuy nhiên, sạch sẽ tuyệt đối đôi khi lại gây ra vấn đề với sức khỏe. Trên thực tế, có nhiều lý do để bạn yên tâm cho phép con mình được chơi bẩn với các loại bùn đất. Các nghiên cứu khoa học cũng đã làm rõ điều đó, chúng ta hãy tìm hiểu vấn đề này.

1. Duy trì hệ vi khuẩn thường trú lành mạnh

Tất cả mọi người đều có một hệ vi khuẩn thường trú riêng biệt của mình, đó là một hệ thống các loại vi sinh vật sống bên trong và trên bề mặt cơ thể. Theo Viện nghiên cứu sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ (NIH), có khoảng 100 tỷ tỷ vi sinh vật thường trú trên cơ thể một người, gồm vi khuẩn, nấm, virus và protozoa.

Có nhiều vi sinh vật có lợi, giúp hỗ trợ tiêu hóa, sản xuất vitamin và chống lại vi khuẩn gây hại. Theo thời gian, đặc biệt là trong thời thơ ấu, mỗi người sẽ tự hình thành nên hệ vi khuẩn thường trú cơ bản. Việc dùng thuốc kháng sinh cũng như các sản phẩm diệt khuẩn khác sẽ giết chết cả vi khuẩn có hại lẫn có lợi, từ đó làm biến đổi hệ vi khuẩn thường trú.

Cho trẻ được chơi bẩn một chút sẽ giúp bổ sung và phục hồi lại hệ vi khuẩn, duy trì sự cân bằng giữa vi khuẩn có hại và có lợi.

2. Nâng đỡ hệ miễn dịch

Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng điều này hoàn toàn hợp lý. Khi tiếp xúc sớm với các tác nhân gây bệnh, cơ thể sẽ có những đáp ứng miễn dịch với bệnh, đây là cách mà cơ thể “học” cách đối phó với bệnh tật trong suốt cuộc đời, tương tự như việc bạn tiêm vaccine cho trẻ vậy.

Năm 2012, một nghiên cứu trên chuột thí nghiệm từ Trường y khoa Harvard, Hoa Kỳ cho thấy một kết quả thú vị: chuột được tiếp xúc sớm với các loại vi sinh vật sẽ có lượng tế bào lympho T lớn hơn so với chuột lớn lên trong môi trường vô khuẩn (tế bào T đóng vai trò rất quan trọng trong miễn dịch tế bào của cơ thể). Tiếp xúc với vi sinh vật giúp phòng ngừa một số bệnh qua trung gian miễn dịch, ví dụ như bệnh viêm ruột.

3. Giảm căng thẳng và tăng cường khả năng não bộ

Các chất “bẩn” thông thường như đất, bụi… chứa một loại vi khuẩn vô hại là Mycobacterium vaccae. Một nghiên cứu của Trường y khoa Bristol, Vương quốc Anh vào năm 2007 chỉ ra rằng vi khuẩn này kích thích sản xuất serotonin trong não bộ. Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh có vai trò trong điều hòa cảm xúc và các chức năng khác. Nồng độ serotonin thấp được coi là một yếu tố góp phần gây trầm cảm.

Một nghiên cứu khác trên chuột Khoa sinh học, Đại học Sage, Hoa Kỳ, cũng cho thấy chuột tiếp xúc với Mycobacterium vaccae thì ít bị căng thẳng và tỏ ra “thông minh” hơn khi ghi nhớ đường đi mê cung.

4. Vui

Một lý do đơn giản, trẻ thích chơi bẩn vì vui. Bất cứ lúc nào có thể, chúng sẽ đi lòng vòng và nhảy lên những vũng bùn. Và những yêu cầu khắt khe từ trường học, hoạt động ngoại khóa, sự nghiêm khắc của gia đình làm chúng phát ngán lên.

Trẻ đang thực sự bận rộn hơn bạn nghĩ. Hãy để chúng được vui chơi thỏa thỉnh và tận hưởng tuổi thơ của mình. Chơi với bùn đất là một hoạt động mà cả trẻ lẫn bố mẹ đều tham gia được.

5. Hỗ trợ phát triển giác quan

Bùn bẩn có ảnh hưởng đến các giác quan của con bạn. Nhiệt độ và kết cấu của đất tác động đến xúc giác. Mùi thơm tự nhiên của đất ảnh hưởng đến khứu giác. Màu đất thay đổi và các loại côn trùng là một bài học thú vị cho thị giác. Khi trẻ chơi ngoài trời, các âm thanh của mẹ tự nhiên sẽ kích thích đôi tai của trẻ.

Và có lẽ sẽ khó tránh được một ít đất rơi vào miệng, vị giác của chúng cũng được kích thích.

6. Phòng tránh bệnh dị ứng và hen

Đừng vội lau đi những vết bẩn mà con bạn mang vào nhà.

Năm 2011, một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí New England Journal of Medicine so sánh tỉ lệ mắc hen (suyễn) ở trẻ sống trên những nông trại và những trẻ khác. Nghiên cứu kết luận rằng trẻ sống trên các nông trại (tiếp xúc nhiều loại vi khuẩn và nấm) có tỉ lệ mắc hen thấp hơn.

Theo Trường y khoa Johns Hopkins, Hoa Kỳ, trẻ em trên 1 tuổi mà tiếp xúc với bụi đất, thú nuôi và các vi sinh vật có nguy cơ thấp mắc hen và các bệnh dị ứng.

7. Giúp trẻ yêu thiên nhiên

Điều này dễ hiểu. Khi trẻ chơi đùa trên những bãi đất, chúng sẽ chơi cùng các loại bọ, giun, ấu trùng, và thỉnh thoảng là cóc hay ốc sên. Đất cũng là nơi mà những khóm hoa hay vườn rau mọc lên. Được chơi đùa ở đó, trẻ được tự mình trải nghiệm và khám phá thiên nhiên, học được cách trồng cây hay quan sát đời sống của côn trùng.

8. Thoát khỏi lối sống thụ động

Theo Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh Hoa Kỳ (CDC), 18% trẻ em từ 6-12 tuổi bị béo phì ở nước này.

Hầu hết trẻ dành thời gian để chơi video game, xem ti-vi hơn là chơi đùa giữa thiên nhiên. Ngồi trên sofa và ăn khoai tây chiên là một nguy cơ lớn dẫn đến tăng cân và béo phì. Vì vậy, cho trẻ được chơi đùa với bùn đất sẽ làm giảm lối sống thụ động này, từ đó giảm nguy cơ béo phì và các bệnh liên quan khác.

9. Xây dựng tính tự lập

Theo Hội học thuật Nhi khoa Hoa Kỳ, những hoạt động tự do của trẻ như chơi đùa với bùn đất sẽ giúp phát triển những kĩ năng vận động, thúc đẩy khả năng sáng tạo và kĩ năng giải quyết vấn đề. Đây là những kĩ năng thiết thực giúp trẻ xây dựng tính tự lập cho mình.

Lời bàn:

Cho trẻ chơi đùa với với thiên nhiên, với bùn đất là điều nên làm, nhưng bạn cần hiểu không phải bùn đất nào cũng an toàn. Không cho trẻ chơi đùa ở nơi mà chó, mèo hay các loại động vật không an toàn đã tắm hoặc có chất thải của chúng. Trẻ cũng không được chơi đùa ở vùng đất có thuốc trừ sâu hay các loại hóa chất. Rửa tay là việc làm cần thiết, đặc biệt là trước khi trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh. Tuy nhiên bạn cũng không cần phải tuyệt đối rửa sạch mọi vết bẩn trên cơ thể trẻ, hãy để trẻ được tận hưởng sự khám phá thiên nhiên.

Tuyến Trần