Để trẻ có thói quen và say mê đọc sách

    106
    Khi đi đến các địa phương, trường học, nhà trẻ giao lưu với các phụ huynh, giáo viên tôi thường nhận được câu hỏi “Làm thế nào để trẻ có thói quen và say mê đọc sách?”. Tần suất xuất hiện câu hỏi này khá lớn và người đưa ra câu hỏi thường là các phụ huynh, giáo viên trẻ dưới 40 tuổi.
    Tôi có ba người con, đứa lớn nhất sáu tuổi (chưa biết chữ), đứa thứ hai ba tuổi và đứa nhỏ nhất một tuổi. Cả ba đều ham mê nghe cha mẹ đọc và muốn học con chữ. Mỗi buổi tối cho dù đi làm về mệt mỏi thế nào, bao giờ tôi cũng phải đọc sách cho nghe, chúng mới chịu đi ngủ.
    Tạo ra môi trường gần gũi với sách
    Trước khi trả lời câu hỏi “Làm thế nào để trẻ có thói quen và say mê đọc sách?” tôi thường hỏi lại phụ huynh để biết trong ngôi nhà của họ, sách có vị trí như thế nào so với các phương tiện nghe nhìn khác chẳng hạn như tivi, điện thoại thông minh, ipad… Không quá bất ngờ là đa phần ở những gia đình mà trẻ chưa có thói quen đọc sách mà dành nhiều thời gian cho tivi, điện thoại, iPad là vì nhà không có phòng đọc sách, giá sách riêng cho trẻ, cho cả gia đình. Nghĩa là sự hiện diện của sách trong ngôi nhà rất nhỏ bé so với sự tồn tại của các phương tiện giải trí khác. Thực tế đó cùng những kết quả nghiên cứu của giới khoa học, giáo dục cho thấy môi trường thân thiện với sách có tác dụng to lớn đối với thói quen đọc sách của trẻ.
    Do đó trước tiên, muốn trẻ có thói quen đọc sách và say mê đọc sách thì trong gia đình, sách phải được ưu tiên về vị trí tốt nhất trong nhà. Cần phải có giá sách riêng dành cho trẻ hoặc tủ sách gia đình. Tủ sách đó phải được bố trí ở không gian thích hợp chẳng hạn như trong phòng của trẻ, được thiết kế thân thiện, phù hợp với tầm với của trẻ để trẻ có thể dễ dàng lấy sách và quản lý. Nếu nhà rộng rãi, cần có phòng đọc – thư viện của gia đình để lưu giữ, trưng bày và đọc sách. Ở gia đình tôi, cho dù sống ở chung cư chật chội tôi biến luôn phòng khách trở thành thư viện, nơi không đặt tivi mà chỉ có giá sách lớn chạy dọc tường. Trong phòng ngủ của con cũng có giá sách riêng dành cho chúng.
    Rất cần cha mẹ cầm cuốn sách đọc
    Nhiều cha mẹ tuy biết đọc sách là cần thiết, muốn con mình đọc sách nhưng bản thân họ lại không có đủ ý chí, sức mạnh nội tâm để thay đổi bản thân. Vì vậy, trong khi họ yêu cầu con đọc sách, muốn con đọc sách thì họ vẫn dành phần lớn thời gian rỗi rãi trong gia đình cho tán gẫu, xem tivi, chơi trò chơi điện tử, lướt mạng xã hội và xem phim trực tuyến… Bây giờ, bạn hãy làm ngược lại, vào thời điểm chơi hay trò truyện với con, thay cho lướt điện thoại là bạn cố gắng cầm lấy sách đọc, trò chuyện với trẻ về các câu chuyện trong sách, đọc sách cho trẻ nghe, thái độ của trẻ với việc đọc sách sẽ thay đổi tích cực.
    Lý tưởng nhất là bạn cũng tập thói quen cầm sách đọc. Bạn có thể bắt đầu từ các cuốn sách mình yêu thích, dễ đọc và đặt ra lịch đọc sách cố định hàng tuần. Tự quy định ra một khoảng thời gian đọc sách trong ngày. Thường thì mỗi tối, gia đình tôi, cả vợ và chồng đều đọc sách và có khi trong gia đình cùng một lúc cả nhà sẽ cùng đọc chung một cuốn sách hoặc mỗi người im lặng đọc cuốn sách của mình.
    Đọc sách cho con nghe từ khi trẻ ra đời
    Việc đọc sách cho trẻ nghe từ sớm rất quan trọng. Ở Nhật, tổ chức Book-Start (tổ chức phi lợi nhuận nhận ủy thác của chính phủ và các chính quyền địa phương) tiến hành chiến dịch tặng sách và hướng dẫn cha mẹ đọc sách cho trẻ nghe khi trẻ chào đời. Con trai tôi khi được ba tháng tuổi đi khám sức khỏe định kỳ đã được tổ chức này tặng một cuốn sách tranh và được thủ thư thành phố hướng dẫn cách đọc sách và làm thẻ, mượn sách ở thư viện trẻ em thành phố. Từ đó trở đi chúng tôi chăm chỉ đọc sách cho trẻ nghe và cháu sớm có tình yêu đối với sách.
    Ngay khi trẻ còn là bào thai, cha mẹ đã có thể đọc sách cho bé và sẽ rất tuyệt vời nếu cha mẹ đọc cho nhau nghe những cuốn sách có nội dung nhân văn, sâu sắc. Khi trẻ chào đời, việc ru trẻ bằng ca dao, thơ ca cũng giống như là đọc sách cho trẻ để gieo vào lòng chúng tình yêu và sự rung động sâu xa với tiếng mẹ đẻ. Khi trẻ cứng cổ, cha mẹ có thể đọc sách cho trẻ nghe khi ôm trẻ vào lòng. Ban đầu mỗi lần đọc chỉ cần một, hai phút. Dần dần khi trẻ tập trung tốt hơn thì tăng dần thời lượng với các cuốn sách phong phú phù hợp với độ tuổi. Nếu kiên trì làm tốt việc này thì hầu hết trong các trường hợp nếu trẻ không gặp vấn đề gì về nhận thức và khỏe mạnh bình thường, trẻ sẽ trở thành đứa trẻ yêu thích sách.
    Lựa chọn các cuốn sách phù hợp và học hỏi cách đọc
    Ban đầu trẻ sẽ tiếp nhận sách chủ yếu thông qua hình ảnh. Cha mẹ nên chọn những cuốn sách tranh vẽ màu càng đẹp càng tốt. Những sách đó hiện nay đang bán rất nhiều trên thị trường như sách thuộc dòng ehon Nhật Bản, những cuốn từ điển bằng hình, các câu chuyện có minh họa bằng tranh… Các nhà sách và nhà xuất bản hiện tại đã có cân nhắc đến chuyện này, vì vậy cần tham khảo thông tin trên bìa sách về độ tuổi mà sách hướng tới để lựa chọn sách cho phù hợp. Việc đọc sách trước tiên là để vui, để giải trí. Sau khi trẻ ham thích, những tác dụng khác như giáo dục, rèn luyện tư duy… sẽ tới.
    Cha mẹ cũng có thể kể lại những gì mình đã đọc được cho trẻ nghe và lắng nghe những câu chuyện mà trẻ đã đọc được trong sách. Nếu trẻ đã nói tốt, cha mẹ có thể thảo luận với trẻ về nội dung sách đã đọc hoặc một luận điểm, câu chuyện nào đó. Chúng tôi thường nói chuyện với nhau về sự tuyệt chủng của khủng long, về độ lớn của cá voi, cá nhà táng, cá mập, về những chiếc áo giáp của chiến binh Hy Lạp, kể cho nhau nghe về nàng Bạch Tuyết, chú lùn tí hon…. Những cuộc trò chuyện đó có thể diễn ra tự nhiên trong bữa ăn, sau bữa ăn, lúc rỗi rãi chơi cùng con hoặc trước khi đi ngủ. Càng thường xuyên trò chuyện về một cuốn sách mà cha mẹ đọc chung cùng con, sẽ kích thích cho trẻ muốn đọc thêm nhiều hơn nữa.
    N.Q.V
    Quà tặng ý nghĩa cho Ngày của Mẹ với Áo mưa Sơn Thủy