Trưởng ban pháp chế VCCI: Đề xuất giảm VAT đến hết năm 2026 là “Nhà nước đang cùng doanh nghiệp vượt khó”

Chia sẻ bên lề hội thảo: “Dòng chảy pháp luật 2024–2025 & Những khuyến nghị cho doanh nghiệp”, do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao (HVNCLC) phối hợp cùng Trung tâm BSA tổ chức hôm 15-5, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – đã có những chia sẻ đáng chú ý xoay quanh đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% trong giai đoạn từ năm 2025 đến hết năm 2026.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, đề xuất này là một trong những chính sách quan trọng và cần thiết, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và cộng đồng doanh nghiệp chưa thể phục hồi hoàn toàn sau đại dịch.
“Các doanh nghiệp và người dân chắc chắn chưa thể trở lại thời kỳ trước dịch, do đó, chính sách giảm thuế VAT là một giải pháp hợp lý để chia sẻ gánh nặng và kích thích tăng trưởng,” ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn phân tích, việc giảm thuế VAT không chỉ hỗ trợ hoạt động kinh doanh mà còn tác động trực tiếp đến người tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tiêu dùng nội địa – một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Đây là điều kiện then chốt giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, mở rộng thị trường, duy trì việc làm và tạo ra chu kỳ sản xuất ổn định.
Bên cạnh đó, chính sách này còn mang ý nghĩa thông điệp chính sách rõ ràng từ Nhà nước, thể hiện vai trò đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn nhiều thách thức.
“Trong giai đoạn khó khăn, khi Nhà nước giảm thuế, đó là một lời khẳng định, Nhà nước đang cùng doanh nghiệp vượt khó,” ông Tuấn nói.
Một điểm mạnh đặc biệt của chính sách giảm VAT là tính hiệu quả và trực tiếp. Khác với nhiều gói hỗ trợ khác cần qua các lớp triển khai, chính sách này đi thẳng vào hoạt động mua bán, sản xuất – “tiền tươi thóc thật” đến tay doanh nghiệp và người tiêu dùng, không bị phân tán hay trì trệ. Thực tế từ các giai đoạn áp dụng giảm thuế trước đây đã chứng minh hiệu quả tích cực của chính sách.
Do đó, ông Tuấn cũng đánh giá cao việc Quốc hội đang thảo luận và xem xét kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết năm 2026. Khác với trước đây, các gói giảm thuế thường chỉ có thời hạn ngắn, khoảng 6 tháng, thì lần này, với thời gian áp dụng lên đến 1,5 năm, doanh nghiệp sẽ có thêm cơ sở để lập kế hoạch sản xuất – kinh doanh dài hạn và ổn định hơn.
“Chính sách lần này không chỉ là giải pháp tình thế, mà còn là một bước đi thể hiện sự thay đổi trong tư duy hỗ trợ doanh nghiệp, từ ngắn hạn sang bền vững và ổn định hơn”, ông Tuấn khẳng định.
Trước đó, trong giai đoạn từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2025, Quốc hội đã quyết nghị giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế VAT 10% (còn 8%), trong đó trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Giải pháp giảm thuế VAT cùng với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.
Để góp phần tạo động lực thúc đẩy, phát triển nền kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu dùng trong nước trong năm 2025 và năm 2026, cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT. Do đó, về nội dung dự thảo, Chính phủ đề xuất giảm 2% VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%).
Bài, ảnh: Trần Quỳnh