Đi chợ hàng Mỹ

    59120
    Một boutique chuyên trị nón ở Mỹ.

    (Vietnamtimes) – Ở Mỹ có tất cả nhãn hiệu quốc tế từ bình dân đến cao cấp. Bên cạnh đó, muốn tìm sản phẩm mang bản sắc địa phương – chỉ có và bán tại Mỹ – cũng không khó kiếm.

    1. Ở Mỹ, các điểm mua sắm thường rất rộng và thường chỉ có tầng trệt với bãi đậu xe rộng bao xung quanh.

    Muốn vào mua sắm phải đi bộ qua bãi đậu xe mỏi cả chân. Thế nhưng, các cửa tiệm boutique chuyên bán sản phẩm mang nhãn hiệu địa phương của Mỹ thường nhỏ, hình ống với bề ngang hẹp, tập trung tại các khu phố đông khách du lịch như con đường Newbury ở Boston (bang Massachusetts, viết tắt MA), thành phố Portland (bang Maine, viết tắt ME), thành phố Providence (bang Rhode Island, viết tắt RI).

    Bước vào con đường nhỏ Newbury ở Boston, bạn sẽ thấy dãy phố hai bên màu đỏ sậm đặc trưng của gạch trông như phố cổ, thường là những cửa tiệm kiểu boutique có cách trang trí rất khác nhau bán hàng thời trang, phụ kiện và quà lưu niệm “handmade”.

    Vào một cửa tiệm dành cho phụ nữ dưới tầng hầm, chợt thấy câu slogan: “Do everything in love”… được in bằng kiểu chữ viết bằng tay trên tem sản phẩm. Hàng rất đẹp, giá không rẻ: một món nữ trang nhỏ giá thấp nhất chừng 10 USD, còn một áo choàng tầm 40 USD trở lên, đều là nhãn hiệu Mỹ… lạ, chưa thấy ở đâu.

    Trong các cửa tiệm boutique ở Portland (bang ME) ngoài nữ trang và quần áo in những hoạ tiết về biển, bạn còn có thể thấy đồ gốm vẽ tay, các đồ gia dụng làm bằng gỗ, túi xách và nón bằng da thuộc, các món đồ trang trí nhà cửa làm bằng vỏ ốc, tranh phong cảnh địa phương do hoạ sĩ địa phương vẽ…

    Giá hàng boutique, một cái áo là trên dưới 50 USD, còn quần jeans có khi cả trăm USD. Bạn mua nữ trang, nếu người bán cũng thiết kế sản phẩm thì bạn phải trả từ 20 USD cho một cái nhẫn và trên 50 USD cho một sợi dây chuyền.

    Bông tai handmade tại một boutique trên phố Newbury ở Boston.

    2. Cách phân bổ các chợ địa phương ở Mỹ rất hay.

    Mỗi một vùng (quận) hay thành phố của Mỹ thường có một khu chợ dành cho dân địa phương. Gọi là “chợ” chứ thực ra bao gồm một chuỗi cửa hàng trong đó có siêu thị, có shop đồ gia dụng, shop quần áo, nhà hàng, quán càphê (thường là Starbucks hay Dunkin Donuts).

    Chợ địa phương thường bán những loại thực phẩm phù hợp với đa số dân sống ở vùng đó. Có thực phẩm dành cho người Mỹ gốc Nam Mỹ (Spanish), người Mỹ gốc Do Thái (Israel) hoặc người Mỹ gốc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Thái…). Tỷ lệ nhiều ít tuỳ theo  đặc điểm cư dân ở vùng đó. Ở bang MA, do cộng đồng người Việt Nam chỉ tập trung ở Dorchester (một quận ngoại ô Boston) nên ở đó mới có khu chợ dành cho người Việt. Tuy nhiên, người Việt không sống ở Dorchester vẫn có thể tìm mua thực phẩm châu Á ở chợ “Tàu” hay chợ “Hàn” – ở ngay trung tâm Boston hoặc các thành phố lân cận có đông người Á châu như Quincy.

    Điều thích nhất trong các siêu thị thực phẩm của Mỹ là có những hộp rau làm sẵn đóng gói rất tiện, mua về chỉ việc mở ra nấu. Thực phẩm tươi sống như cá, tôm, mực… cũng được sơ chế sạch sẽ rồi mới treo bảng giá, mua về chỉ cần ngâm muối rửa lại. Cách đóng gói cá cũng rất hay, là luôn được gói bằng giấy sau đó mới cho vào túi nhựa. Còn mực và sò điệp thì đựng trong hộp nhựa.

    Mấy năm trước hệ thống siêu thị Whole Foods nổi tiếng với thực phẩm hữu cơ (organic) và cách đóng gói đẹp, nhưng hiện nay các chợ địa phương ở Mỹ cũng kinh doanh loại thực phẩm này, từ rau, trái cây đến trứng, thịt gia súc gia cầm… với giá mềm hơn. Ở Boston không có sự hiện diện của Whole Foods, thì Trader Joe’s thay thế gần như hoàn hảo: trưng bày đẹp, các bàn tính tiền làm bằng gỗ và đóng gói cho khách hàng bằng túi giấy. Tuy là nước đa văn hoá, đa sắc tộc, nhưng về thức uống hình như ít đa dạng.

    Nổi trội nhất là Starbucks, đi đâu cũng gặp nhưng vào chỗ nào cũng phải xếp hàng chờ. Tuy thực đơn giống nhau nhưng cách trang trí của Starbucks mỗi nơi mỗi khác, trên tường luôn treo một bức hình hay tranh ảnh phong cảnh địa phương trên một cái nền nội thất chung: màu trầm của gỗ và đất. Vừa thống nhất để dễ nhận dạng vừa có sự riêng biệt. Startbucks ở Mỹ không chỉ dành cho giới trẻ mà cho mọi lứa tuổi, kể cả dạng khách gia đình mang theo cả trẻ em.

    Một loại “đặc sản” nữa của Mỹ là các loại vitamin và các loại hạt, yến mạch (oat) mà ai đến Mỹ du lịch cũng mua mang về. Mỹ sản xuất nhiều loại vitamin, từ viên nén đến xirô, bột và cả gummies – kẹo dẻo được đóng gói đa dạng từ hộp giấy, bao gói dùng một lần, đến chai, hộp nhựa, cho đủ lứa tuổi. Các loại hạt và yến mạch cũng đa dạng, pha nhiều loại hoặc pha cả trái cây. Bao bì thì không chỉ đẹp mà luôn đúng chuẩn và hoàn chỉnh về thông tin.

    Với người muốn nấu ăn tại nhà mà không có thời gian đi chợ, ở Mỹ có dịch vụ đi chợ giùm và hướng dẫn nấu ăn theo món, đặt hàng trên mạng Homechef. Một món set thành hai phần ăn, với giá từ 10 – 15 USD một người, đặt 100 USD giao hàng tận nhà.

    Chỉ nhìn cách đóng gói thôi cũng thấy chuyên nghiệp và tiện dụng, luôn có một cuốn hướng dẫn in rất đẹp chỉ cách nấu từng món ăn mà khách hàng chọn.

    Du lịch ở Mỹ là một trải nghiệm nên có trong đời của bất kỳ ai. Đi để thấy cái hay của người với hy vọng mai sau sẽ trở thành cái hay của mình.

    Thanh Thuỷ (Theo TGTT)