Điều gì đã gắn kết tuyển Olympic Toán quốc tế Việt Nam và Saudi Arabia?

3029
Và năm 2017 này, cùng với đội tuyển Việt Nam anh em, đội tuyển Sau Arabia đã có kỳ IMO rất thành công với 2 huy chương bạc, 2 huy chương đồng và 1 bằng khen.

Những ngày qua trên các báo mạng và mạng xã hội tràn ngập hình ảnh của các học sinh Việt Nam đạt thành tích cao tại kỳ thi Olympic toán quốc tế 2017 (IMO 2017). Bên cạnh những bức ảnh chụp chung với bạn bè quốc tế, nổi bật lên hình ảnh các học sinh Saudi Arabia và có cả những lời chúc mừng.

Điều gì đã gắn kết đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Saudi Arabia?

>> 11 huy chương vàng Olympic quốc tế: Bất ngờ Việt Nam

Thì ra là hai đội tuyển này có chung rất nhiều các huấn luyện viên (các bạn thường gọi các thầy là trainers, mặc dù trong giao tiếp giữa học sinh với các thầy, các bạn học sinh vẫn dùng từ teacher). Trưởng đoàn Lê Anh Vinh và phó đoàn Lê Bá Khánh Trình đã nhiều lần sang Saudi Arabia để dạy cho đội nước bạn.

Câu chuyện lùi về kỳ thi toán quốc tế năm 2014 tại Nam Phi. Năm nó khi thấy đoàn Việt Nam có kết quả tốt, học sinh và các thầy giáo dẫn đoàn thì vui vẻ, thân thiện, trưởng đoàn Fawzi Al-Thukair của Saudi Arabia đã đến tiếp xúc với thầy Lê Anh Vinh, phó đoàn Việt Nam để trao đổi về việc Việt Nam giúp đỡ Saudia Arabia trong việc đào tạo tài năng trẻ, không chỉ ở cấp độ IMO mà còn ở những cấp độ thấp hơn.

Sau những chuyến thăm qua lại để trao đổi, nắm tình hình, từ tháng 1/2015, các thầy giáo của Việt Nam bắt đầu sang Saudi Arabia tham gia bồi dưỡng đội tuyển bạn và các lớp ươm mầm.

Trong thành phần tham gia giảng dạy trong 3 năm qua, có những thầy giáo kinh nghiệm như thầy Trình, thầy Vinh, các thầy Đỗ Đức Thái, Nguyễn Duy Thái Sơn, Trần Nam Dũng, Nguyễn Chu Gia Vượng, Vũ Thế Khôi, Phạm Việt Hùng, Cao Sỹ Quang… Có các thầy giáo trẻ còn rất sung sức như Trần Quang Hùng, Võ Quốc Bá Cẩn, Lê Phúc Lữ… và có cả các bạn sinh viên, các bạn cựu IMO như Nguyễn Văn Linh, Trần Đăng Phúc, Nguyễn Thế Hoàn, Nguyễn Huy Hoàng…

Các thầy giáo Việt Nam là thành phần nòng cốt trong ban huấn luyện quốc tế của đội tuyển Saudi Arabia và các lớp ươm mầm. Ngoài Việt Nam còn có các thầy/cô đến từ Saudi Arabia, Algeria, Ai cập, Rumani, Armenia, Trung Quốc…

Sự tận tâm của các thầy trong ban huấn luyện cùng với tinh thần học tập rất hăng hái và chăm chỉ của các bạn học sinh đã đem đến những tiến bộ rõ rệt. Saudia Arabia ngày càng có thứ hạng cao trong các kỳ thi toán quốc tế và khu vực: cuộc thi toán vùng Vịnh (GMO), cuộc thi toán vùng Balkan (BMO và JBMO), cuộc thi toán cho nữ sinh châu Âu (EGMO), Olympic toán châu Á – Thái Bình dương (APMO) và kỳ thi toán quốc tế (IMO). Năm 2015, Saudi Arabia giành 1 huy chương bạc 3 huy chương đồng và 2 bằng khen, xếp thứ 41.

Năm 2016, Saudi Arabia giàn 4 huy chương đồng và 2 bằng khen, vẫn xếp ở thứ 41.

Và năm 2017 này, cùng với đội tuyển Việt Nam anh em, đội tuyển Sau Arabia đã có kỳ IMO rất thành công với 2 huy chương bạc, 2 huy chương đồng và 1 bằng khen.

Đặc biệt trong năm nay, Omar Alrabiah đã giành huy chương bạc với số điểm 24/42, chỉ thiếu đúng 1 điểm là sẽ giành huy chương vàng đầu tiên cho Saudia Arabia. Trước đó Omar đã được 2 huy chương đồng tại các kỳ IMO 2015, 2016 và nhiều huy chương tại các kỳ GMO, APMO, BMO.

Tại IMO năm nay, hai đội tuyển Việt Nam và Saudi Arabia đã đoạt tổng cộng 4 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 3 huy chương đồng và một bằng khen. Thật là một thành tích kép ấn tượng.

Cần phải nói thêm rằng Saudi Arabia không có nhiều học sinh giỏi để lựa chọn vào đội tuyển dự thi toán quốc tế như Việt Nam (bạn chưa có hệ thống trường chuyên, chưa có kỳ thi olympic toán). Công tác tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi các môn khoa học tự nhiên được giao cho Trung tâm tài năng trẻ Mawhiba do vua Abdullah sáng lập và cấp kinh phí.

Các học sinh được tuyển chọn từ các trường THCS (thường là từ lớp 7) và được bồi dưỡng dần dần qua các cấp độ 1, 2, 3, 4.

Đến cấp độ 3, 4 là có thể tham gia thi chọn đội tuyển dự thi IMO. Kỳ thi như thế chỉ có khoảng 15, 16 học sinh dự thi.

Saudi Arabia có rất nhiều cặp anh em cùng tham dự huấn luyện, thậm chí cùng tham dự IMO. Chẳng hạn trong đội hình đội tuyển IMO của Saudia Arabia có em Joud Tofig Saleh (đoạt huy chương đồng) là em gái của Salman Tofig Saleh (huy chương đồng IMO 2015).

Đặc biệt hơn Omar Habibullah, thành viên nhỏ tuổi nhất của đội Saudi Arabia  (em mới học lớp 10) là em ruột của Alzubair Habibullah, thủ lĩnh của đội tuyển năm nay.

Omar đã giải được trọn vẹn 2 bài toán, được bằng khen còn Alzubair giành chiếc huy chương bạc thứ hai cho đội tuyển (và cũng là chiếc huy chương bạc thứ hai của chính em, năm 2015 em đã giành huy chương bạc).

Như vậy, tại IMO năm nay, hai đội tuyển Việt Nam và Saudi Arabia đã đoạt tổng cộng 4 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 3 huy chương đồng và một bằng khen. Thật là một thành tích kép ấn tượng!

Câu chuyện lùi về kỳ thi toán quốc tế năm 2014 tại Nam Phi. Năm nó khi thấy đoàn Việt Nam có kết quả tốt, học sinh và các thầy giáo dẫn đoàn thì vui vẻ, thân thiện, trưởng đoàn Fawzi Al-Thukair của Saudi Arabia đã đến tiếp xúc với thầy Lê Anh Vinh, phó đoàn Việt Nam để trao đổi về việc Việt Nam giúp đỡ Saudia Arabia trong việc đào tạo tài năng trẻ, không chỉ ở cấp độ IMO mà còn ở những cấp độ thấp hơn.

Trần Nam Dũng – Giảng viên khoa Toán-Tin học trường ĐH KHTN TP.HCM – viết riêng cho Thời Đại