Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cảm thấy sức ép từ các công ty Trung Quốc

Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) Kim Hyong-mo: "Nhà đầu tư Hàn Quốc bắt đầu cảm nhận sức ép của đối thủ Trung Quốc tại Việt Nam". Ảnh: Nikkei Asia

Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam đang cảm thấy sức ép, bị các công ty Trung Quốc đẩy lùi tại thị trường này theo ông Kim Hyong-mo, trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) tại Hà Nội.

“Nhìn vào lượng đầu tư tích lũy vào Việt Nam kể từ năm 1988, Hàn Quốc đứng đầu với 85,8 tỷ USD, vượt qua Singapore và Nhật Bản. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Hàn Quốc đang phải cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc”, Kim Hyong-mo nói với Nikkei Asia.

Từ Samsung Electronics đến LG, các công ty Hàn Quốc từ lâu đã dẫn đầu đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Năm 2023, Hàn Quốc đứng thứ tư về FDI vào Việt Nam, xếp sau Hồng Kông, Trung Quốc và Singapore.

Trong số các khoản đầu tư lớn của Hàn Quốc được công bố năm ngoái. LG Innotek đã chi 1 tỷ USD để mở rộng sản xuất máy ảnh tại Hải Phòng.

Tuy nhiên, ông Kim nói rằng các công ty Hàn Quốc vẫn thận trọng với các khoản đầu tư mới do kinh tế toàn cầu suy thoái. “Nhiều công ty Hàn Quốc gặp khó khăn khi mở rộng đầu tư vào Việt Nam do chi phí lao động tăng cao, đặc biệt khi các công ty Trung Quốc cũng tăng cường hiện diện tại Việt Nam”, trưởng đại diện KCCI nói.

Hàn Quốc dẫn đầu về tổng vốn đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn 1988-2023, với hơn 85 tỷ USD. Tuy nhiên, trong năm ngoái Hàn Quốc đứng thứ tư về FDI vào Việt Nam, xếp sau Hồng Kông, Trung Quốc và Singapore. Nguồn: Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam

Ông Kim cho rằng môi trường đầu tư và thương mại cởi mở của Việt Nam, cùng với lợi thế địa chính trị và sự ổn định chính trị trong nước, sẽ tiếp tục giúp Việt Nam duy trì vị trí “điểm đến đầu tư hấp dẫn”.

Tuy nhiên, ông đề cập đến một số thách thức đã ảnh hưởng đến động lực đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm mức lương tối thiểu sẽ tăng trung bình khoảng 6% kể từ tháng 7 và tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao.

“Việt Nam chậm đưa ra các quyết định chính sách và thiếu đáng kể cơ sở hạ tầng, bao gồm cả điện. Các quy định mạnh mẽ như vấn đề lao động, đánh giá môi trường và luật dịch vụ phòng cháy chữa cháy đã khiến các công ty nước ngoài gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định đầu tư”, ông Kim phát biểu.

Ông Kim cho biết việc Việt Nam thực hiện mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ở mức 15% gần đây theo thỏa thuận toàn cầu có thể làm giảm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

“Quyết định áp dụng mức thuế tối thiểu của Việt Nam từ tháng 1-2024 là điều dễ hiểu vì Việt Nam đang tìm cách đảm bảo nguồn thu ngân sách từ thuế từ các công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, động thái này được cho là sẽ vô hiệu hóa lợi thế của Việt Nam với nhiều ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đã ban hành trước đây. Điều này có khả năng ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư trong tương lai. Một số công ty có thể ngần ngại đầu tư vào Việt Nam, trừ khi các biện pháp giảm bớt gánh nặng thay thế cho các ưu đãi thuế doanh nghiệp thông thường được ban hành kịp thời”.

Do quy định về thuế tối thiểu, doanh thu thuế của Việt Nam sẽ tăng hơn 14.600 tỷ đồng (588 triệu USD), trong đó các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng góp 10.000 tỷ trong năm 2024 này.

“Các công ty Hàn Quốc hiện đang hưởng thuế suất dưới 15% tại Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động nhất định. Tuy nhiên, mục tiêu không chỉ giới hạn ở các công ty Hàn Quốc như Samsung Electronics và LG”, đại diện KCCI nhận định. Ông cho biết thêm trong số 122 công ty phải đối mặt với mức thuế cao hơn có các công ty đa quốc gia như Intel, Panasonic, Foxconn, Pegatron và Bosch…

Khi được hỏi liệu các công ty Hàn Quốc có chuyển sang các nước khác như Ấn Độ hay không, ông Kim nói: “Xét đến bối cảnh nhiều công ty Hàn Quốc chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tìm kiếm chi phí lao động rẻ hơn, việc chi phí lao động ở Việt Nam cũng sẽ tăng là điều khó tránh khỏi. Các nhà đầu cũng có nhu cầu tìm kiếm các địa điểm đầu tư thay thế cho Việt Nam, nhưng sẽ không dễ dàng tìm được”.

Ông nhấn mạnh rằng các công ty thành viên KCCI mà ông nói chuyện gần đây không cân nhắc việc rút khỏi Việt Nam hoặc rút lui các khoản đầu tư bất chấp một loạt vấn đề. “Các công ty Hàn Quốc đã khẳng định vững chắc vị thế của mình thông qua thương mại, đầu tư và tiếp tục hoạt động sản xuất tại Việt Nam”. Đối với tình hình chung của nền kinh tế Việt Nam, ông Kim cho biết hiện có dấu hiệu cải thiện sau khi tăng trưởng GDP xuống 5% trong năm 2023 từ mức 8% của năm 2022. “Quan hệ ngoại giao được tăng cường giữa Hà Nội và Washington dự kiến ​​sẽ mang lại những tác động tích cực. Hơn nữa, , đầu tư trực tiếp từ các công ty đa quốc gia rút khỏi Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng lên”, trưởng đại diện KCCI nhấn mạnh.

Theo Nikkei Asia

Ricky Hồ / BSA Media

https://bsaonline.vn/trung-quoc-chinh-phu-lan-dau-can-thiep-vao-thi-truong-xe-hoi-ke-tu-nam-2018/