Doanh nghiệp nước ngoài mong sớm tiêm đầy đủ cho công nhân để sản xuất bình thường trở lại

399
Khi tiếp tục áp dụng giãn cách, TP. HCM sẽ tìm phương án cho hoạt động sản xuất an toàn, đảm bảo không làm đứt gãy chuỗi sản xuất. Ảnh: NDT
Tiêu điểm

Doanh nghiệp nước ngoài mong sớm tiêm đầy đủ cho công nhân để sản xuất bình thường trở lại

Không xin giảm thuế hay giãn nợ, nhưng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mong chuỗi cung ứng nội địa không bị phá vỡ, để bảo đảm hoạt động sản xuất diễn ra bình thường.
Các doanh nghiệp FDI đã bày tỏ mong muốn trên tại cuộc gặp với lãnh đạo TP.HCM ngày 20-8. Cuộc gặp này được UBND TP HCM tổ chức nhằm có được đầy đủ thông tin về những khó khăn của doanh nghiệp FDI và giúp thành phố có những kế hoạch cùng doanh nghiệp gỡ khó, tạo điều kiện đưa hoạt động sản xuất – kinh doanh nhanh chóng ổn định trở lại.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết thành phố đang ở trong giai đoạn rất khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. “Thành phố là đô thị đặc biệt với dân số đông nên dịch bệnh ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất là rất lớn, nếu không có giải pháp kịp thời”, ông Hoan phát biểu.
Tổng Giám đốc Công ty Datalogic Vietnam Trần Tiến Phát cho biết công ty có hơn 800 lao động, nhưng hiện chỉ còn 502 lao động làm việc theo mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm”. Doanh số công ty đã sụt giảm hơn 40% từ 18,5 triệu USD trong tháng 6-2021 xuống còn 11 triệu USD trong tháng 7 vừa rồi.
“Công ty bị thiếu hụt nguồn lao động khi áp dụng các giải pháp phòng tránh dịch và nhiều người lao động có tay nghề, đã có gia đình không thể bỏ cha mẹ, con nhỏ để vào nhà máy làm việc. Chúng tôi mong TP HCM có giải pháp để chuỗi cung ứng nội địa không bị phá vỡ, bởi nếu cứ giãn cách xã hội kéo dài thì các nhà cung ứng nguyên vật liệu không thể đáp ứng, không bảo đảm hoạt động sản xuất”, vị tổng giám đốc Datalogic Vietnam nói.
Trong khi đó, bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc truyền thông của Intel tại thị trường Việt Nam và Malaysia, nói nhà máy sản xuất vi mạch của họ hiện chiếm tới 64% giá trị xuất khẩu của Khu công nghệ cao Sài Gòn (SHTP) trong sáu tháng đầu năm 2021. Nhưng chi phí lưu trú cho 1.800 lao động tại các khách sạn hay ở tại chỗ ở SHTP là “rất lớn”, lên đến 140 tỷ đồng trong thời gian qua. 
Ông Lê Hữu Bình, đại diện Công ty Jabil Việt Nam với nhà máy trong Khu công nghệ cao cũng cho biết chi phí phát sinh khi thực hiện “2 địa điểm, 1 cung đường” trung bình mỗi ngày là 4 tỷ đổng, tương đương 120 tỷ đồng mỗi tháng. Nhiều đối tác đã hủy đơn hàng để chuyển sang các nhà máy tại Mexico hay Ấn Độ, giá trị hợp đồng mất khoảng 200 triệu USD, dẫn đến rủi ro thu hẹp quy mô hoạt động tại Việt Nam. 
Là một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam, dù không áp dụng “3 tại chỗ”, tập đoàn AEON Việt Nam cho biết đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến nhân lực. 
“Hiện công ty chúng tôi có nhiều trường hợp người lao động do đang sinh sống trong các vùng cách ly y tế, bị nghi nhiễm Covid-19, dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực vận hành hoạt động kinh doanh hàng ngày và thiếu hụt lực lượng giao hàng. Bên cạnh đó là các khó khăn trong việc giao hàng liên quận”, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam nói.
Kế hoạch ưu tiên tiêm vaccine đầy đủ cho lực lượng công nhân tuyến đầu để doanh nghiệp khôi phục hoàn toàn sản xuất đã được các đại diện doanh nghiệp nêu ra cùng lúc.
Bà Hồ Thị Thu Uyên nói Intel Vietnam đề xuất sớm cho nhân viên được tiêm mũi thứ hai để có miễn dịch cộng đồng và cho phép người lao động hoạt động bình thường sau khi đã tiêm đầy đủ. Ý kiến này cũng được đại diện của Aeon nêu. Giám đốc AmCham Mary Tarnowka và Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit cùng đề nghị ưu tiêm cho công nhân ở TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Đại diện Hội Doanh nghiệp Singapore (SBG) – ông Seck Yee Chung – cũng cho rằng cần thống nhất tiêu chuẩn về kết quả xét nghiệm Covid-19 và thời gian có hiệu lực của chứng nhận xét nghiệm giữa TP.HCM và các tỉnh thành khác để đảm bảo thông suốt về lưu thông hàng hóa.
Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ yêu cầu các sở, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để cùng vượt qua trong bối cảnh TP HCM đã bước sang ngày thứ 42 giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đối với các kiến nghị vượt thẩm quyền của TP HCM, lãnh đạo TP HCM đã yêu cầu sở ngành liên quan tổng hợp để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp áp dụng mô hình 3 tại chỗ; kiến nghị chính sách tín dụng tài chính…
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,45 – 57,15 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 100.000 ngàn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, chênh lệch hai đầu vẫn giữ mức 700.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.783,2 USD/ounce, giảm nhẹ 4,9 USD, tương đương 0,27% so với chốt phiên trước.
2/ Theo Tổng Cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu hạt điều sang Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất  (UAE) trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt xấp xỉ 23 triệu USD, tăng 200%. Đây là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong số các sản phẩm Việt Nam xuất sang thị trường Tây Á này. Xếp sau hạt điều về tốc độ tăng trưởng là tiêu, ở mức tăng 185%. Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, hạt điều, tiêu và một số loại nông sản khác vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng hàng đầu khi xuất khẩu sang thị trường UAE. Được biết, UAE hiện là một trong 10 đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trên thế giới, và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông và châu Phi. Trong cán cân thương mại, Việt Nam luôn ở thế xuất siêu lớn với thị trường này. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam tại đây luôn giữ ở mức cao.
3/ Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings đã công bố báo cáo mới nhất liên quan đến tăng trưởng khu vực Đông Nam Á trước diễn biến của làn sóng lây nhiễm Covid-19 do biến chủng Delta. Theo đó, 4 nước Thái Lan, Philippines, Myanmar và Việt Nam đều bị điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng cho cả năm 2021, trung bình trong khoảng 0,9% – 2,3%. Cụ thể, đối với Việt Nam, thì cơ quan này đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 xuống 4,8%, giảm mạnh so với mức tăng 7,3% trong dự báo hồi tháng 6. Mặc dù vậy, GDP của Việt Nam theo dự báo của tổ chức này năm 2021 vẫn cao hơn so với một số quốc gia khác trong khu vực như Philippines, Malaysia và Thái Lan.
S&P Global đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7,9% trong năm 2022, tăng 0,4% so với mức 7,5% dự báo hồi tháng 6. Ảnh: Bloomberg
4/ Sailfish Group, đồng hành bởi Alibaba Cloud, đã đăng cai tổ chức cuộc thi Create@ Alibaba Cloud Global Contest 2021 – Khởi nghiệp Toàn cầu 5G & IoT Track tại Việt Nam. Theo đó, cuộc thi khởi nghiệp này sẽ mang đến cho startup Việt một sân chơi được mệnh danh là ‘thế vận hội’ dành cho các nhà đầu tư mạo hiểm. Trải qua 7 năm tổ chức, ban tổ chức cho biết, năm nay cuộc thi đã thu hút hàng chục quốc gia và hơn 100 thành phố lớn trên thế giới tham dự. Cuộc thi gồm 5 vòng từ khu vực đến quốc tế để bước tới chung kết toàn cầu, với tổng giá trị giải thưởng lên tới 23.000 USD. Được biết, trước bối cảnh diễn biến phức tạp của Covid-19, vòng loại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á sẽ diễn ra trực tuyến từ ngày 16/8 đến 22/9.
5/ Theo Bloomberg, bắt đầu từ tháng sau, Singapore sẽ thử nghiệm đón khách du lịch quốc tế không cách ly chỉ với điều kiện khách đã tiêm đầy đủ hai mũi vaccine Covid-19. Bốn nước và vùng lãnh thổ, thành phố đầu tiên mà Singapore lựa chọn để đưa vào chương trình này chính là Đức, Brunei, Hồng Kông và Macao. Cụ thể, khách du lịch đã tiêm đủ vaccine Covid-19 đến từ các khu vực trên sẽ được phép nhập cảnh vào Singapore mà không cần phải cách ly từ ngày 8/9/2021, họ cũng sẽ không cần phải trình bày về lý do đến Singapore hay cần phải có người bảo lãnh tại nước này. Được biết, Singapore hiện là nước đầu tiên trong nhóm các nước từng có quan điểm không COVID giờ đây đang chuyển sang chiến lược sống chung với bệnh dịch này.
6/ Theo dữ liệu của Coin Desk ngày 20/8, sau khi rơi xuống dưới mức 44.000 USD/đồng, giá Bitcoin đã bất ngờ bật tăng bật và quay lại mốc 47.000 USD/đồng, tăng 6,67% so với một ngày trước đó. Vốn hóa thị trường tiến sát mức 900 tỷ USD. Ngoài ra, các loại tiền mã hóa khác cũng đồng loạt tăng giá mạnh. Trong tuần qua, giá Bitcoin cũng đã vượt mức 48.000 USD/đồng, chạm mức cao nhất trong vòng 3 tháng. Theo hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ), triển vọng của Bitcoin vẫn đang tăng lên khi châu Á tiếp tục chấp nhận tiền mã hóa. Được biết, việc giá các loại tiền mã hóa tăng vọt đã đưa tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa lần đầu quay lại ngưỡng 2.000 tỷ USD kể từ hồi giữa tháng 5.
7/ Bộ Giao thông vận tải Mỹ đã thông báo sẽ giới hạn năng lực tải một số chuyến bay của Trung Quốc ở mức 40% so với bình thường trong 4 tuần, sau khi Trung Quốc áp đặt biện pháp tương tự với 4 chuyến bay của hãng United Airlines. Theo đó, Bộ này đã nêu rõ 4 hãng bay của Trung Quốc bay tới Mỹ gồm Air China, China Eastern Airlines, China Southern Airlines Co và Xiamen Airlines chỉ được vận chuyển số hành khách bằng 40% so với công suất vận tải thông thường. Quyết định có hiệu lực trong 4 tuần. Trước đó, Trung Quốc đã công bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt sau khi cáo buộc 5 hành khách đi từ San Francisco (Mỹ) tới Thượng Hải (Trung Quốc) có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 vào ngày 21/7.
8/ Nhằm đẩy mạnh hiện diện trong lĩnh vực bán lẻ truyền thống của Mỹ, tập đoàn thương mại điện tử Amazon (Mỹ) có kế hoạch mở một số địa điểm mua sắm đa năng, tương tự như các cửa hàng bách hóa. Những đồn đoán này đã xuất hiện sau khi Amazon mua lại chuỗi cửa hàng tạp hóa Whole Foods Market năm 2017 với giá 13,7 tỷ USD, giúp mở rộng đáng kể sự hiện diện của “gã khổng lồ thương mại điện tử” trong lĩnh vực bán lẻ truyền thống. Với diện tích khoảng 2.787 m2, các cửa hàng mới sẽ nhỏ hơn nhiều so với các cửa hàng bách hóa truyền thống, nhưng lớn hơn hầu hết các nhà bán lẻ thực tế trong mạng lưới hiện nay của Amazon, bao gồm các hiệu sách và cửa hàng tạp hóa nhỏ. Theo nguồn tin của WSJ, một số cửa hàng đầu tiên dự kiến sẽ được mở tại bang California và Ohio.
Ảnh minh họa: Internet
9/ Ủy ban châu Âu (EU) mới đây đã chính thức cho phép sử dụng nguồn protein động vật có nguồn gốc từ côn trùng làm thức ăn chăn nuôi, cho gia cầm và heo. Theo các chuyên gia nhận định, việc phê duyệt côn trùng được dùng làm thức ăn chăn nuôi được coi là một bước đột phá trong sự phát triển của ngành côn trùng châu Âu. Sự chấp thuận này sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu “Farm to Fork” (từ trang trại đến bàn ăn), bởi nó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuỗi tuần hoàn trong sản xuất lương thực, đồng thời cải thiện tính bền vững và khả năng tự cung tự cấp của ngành chăn nuôi châu Âu. Theo lộ trình, sự cho phép này dự kiến ​​sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 9 tới, tức 20 ngày sau khi điều luật được công bố trên tạp chí chuyên ngành chính thức của EU.
10/ Microsoft Corp đã thông báo sẽ tăng giá bán lên tới 20% cho gói phần mềm có tên Microsoft 365, bao gồm các ứng dụng phổ biến như Teams và Outlook. Theo đó, Microsoft cho biết việc tăng giá bán gói phần mềm này sẽ được áp dụng trong vòng 6 tháng. Được biết, việc tăng giá bán này sẽ làm ảnh hưởng đến các khách hàng thương mại và là lần đầu tiên kể từ khi Microsoft triển khai dịch vụ cách đây 10 năm. Microsoft 365 là sản phẩm chủ lực của Microsoft, được phát triển như một bộ ứng dụng hỗ trợ đắc lực cho các công việc văn phòng. Riêng sản phẩm này đã mang về doanh thu 53,9 tỷ USD trong năm tài chính gần đây nhất cho Microsoft, chiếm khoảng 1/3 trong tổng doanh thu 168 tỷ USD của hãng.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Sơn Thủy đạt giải nhì hội thi Sáng tạo kỹ thuật công nhân lao động Thành phố Hải phòng 2020-2021