Doanh nghiệp linh hoạt thích ứng quản trị trong bình thường mới

92
Các diễn giả trong buổi tọa đàm: “Doanh nghiệp linh hoạt thích ứng quản trị trong ‘bình thường mới”, ngày 29/3, tại khách sạn REX Sài Gòn. Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Lễ công bố và Trao chứng nhận HVNCLC 2022.
Ba diễn giả: ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Phúc Sinh Group, bà Vưu Lệ Quyên – TGĐ Công ty Biti’s, và ông Phạm Đình Huỳnh – GĐ khối Dịch vụ Deloitte Private chia sẻ trải nghiệm dẫn dắt DN qua đại dịch Covid-19 vừa qua, cũng như cách lập kế hoạch kinh doanh thích ứng linh hoạt với sự biến động không ngừng của thị trường và thế giới.
Thế nào là bình thường mới trong kinh doanh?
Bà Vưu Lệ Quyên – TGĐ Công ty Biti’s: Đối với Biti’s, chúng tôi luôn linh hoạt thích ứng. Đó là thực tế từ 40 năm trước khi Biti’s khởi nghiệp. Biti’s luôn lắng nghe từ nhu cầu của cộng đồng, làm sao đôi giày, dép đáp ứng cho nhu cầu mới, cũng như mình làm sao thay đổi để bản thân cán bộ, công nhân viên của Biti’s cũng có thể thích ứng được. Chẳng hạn, Biti’s rất linh hoạt trong thời gian làm việc, on-offline linh hoạt kết hợp tùy theo tình hình thực tế dịch bệnh.
Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phúc Sinh Group: Phúc Sinh xuất khẩu nông sản và thực phẩm. Chúng tôi nói thật là chưa có nghỉ ngày nào trong suốt mấy năm dịch vừa qua. Đó là may mắn rất lớn, là những ngày dịch chúng tôi vẫn làm việc. Riêng mảng xuất khẩu khoảng 250 triệu USD/năm. Mảng bán thực phẩm, thương mại điện tử, lần đầu tiên không kịp làm đơn. Nếu so với mọi người thì Phúc Sinh thực sự may mắn, nên chúng tôi vẫn giữ nhịp độ đó khi bình thường mới. Đúng ra, bình thường mới thì chúng tôi phải làm việc nhiều hơn để cạnh tranh với các đối thủ cạnh tranh từ mảng thương mại điện tử.
Mảng thương mại điện tử và kinh doanh nội địa chỉ chiếm khoảng 1%. Tất cả khách hàng ở châu Âu của chúng tôi đều cảm thấy rất lo sợ. Họ cảm thấy chiến tranh gần kề với họ rồi. Ai cũng nói vừa bước ra khỏi Covid-19, thì thế giới lại bước vào chiến tranh.
Phúc Sinh xuất khoảng 30 triệu USD sang Nga và Ukraine, khi cuộc chiến nổ ra có một số lô hàng cà phê, hồ tiêu của Phúc Sinh đang trên đường đến. Khi các đối tác nói họ không có khả năng thanh toán thì chúng tôi dừng lại, như tại Singapore, Thụy Sĩ… và bán luôn cho các khách hàng tại cảng mà Phúc Sinh dừng lại.
Nhưng cái chúng tôi mất mát, thì các khách hàng ở Nga và Ukraine đang là số 10 thì biến thành số 0. Đó là cái mất mát rất lớn của chúng tôi.
Ông Phạm Đình Huỳnh – Giám đốc khối Dịch vụ Deloitte Private: Gần đây tôi hay nghe các diễn đàn và doanh nghiệp nói khái niệm là “bình thường mới thường xuyên”. Gần đây chúng ta có thể thấy thế giới có rất nhiều biến động, từ Thương chiến Mỹ – Trung, rồi đến đại dịch Covid-19, và bây giờ là xung đột Nga – Ukraine.
Cùng với độ mở của nền kinh tế, cũng như sự hội nhập sâu rộng thì doanh nghiệp VIệt Nam bây giờ lúc nào cũng ở trong các bình thường mới thường xuyên cùng với sự biến động của thế giới.

“Ba của tôi là một người kỹ trị nên kỷ luật ở Biti’s là yếu tố hàng đầu. Còn với Quyên hiện nay, chúng tôi đặt yếu tố hạnh phúc lên hàng đầu, đó là văn hóa mà chúng tôi đang cố gắng gieo trồng. Nói như vậy không phải là chúng tôi giảm kỷ luật. Bởi vì, để đạt được hạnh phúc và bình an thì chúng ta cần kỷ luật hơn nhiều, nhưng kỷ luật không phải từ sự sợ hãi mà từ sự yêu thương” – bà Vưu Lệ Quyên – TGĐ Công ty Biti’s nói.

Nhìn lại những ngày đại dịch
Bà Vưu Lệ Quyên – TGĐ Công ty Biti’s: Lúc đó tôi phải lo lắng cho 10 ngàn lao động, mà phía sau là 10 ngàn gia đình, đó thực sự là mối lo lớn nhất của tôi. Thực sự, quyết định quan trọng nhất lúc đó của tôi là làm sao phải đảm bảo cuộc sống của họ. Phải đảm bảo làm sao để họ có một mức lương để đảm bảo cuộc sống của họ và gia đình trong thời gian thời gian cách ly, giãn cách. Lúc đó quả thực tôi bỏ hết tất cả chỉ số kinh doanh, dịch vụ ra khỏi đầu, không quan tâm, chỉ quan tâm một thứ, đó là an sinh thôi.
Thêm nữa, cách đây 4 năm chúng tôi có tổ chức một chương trình gọi là Happy Biti’s giúp cho mọi người trong Biti’s gieo trồng lối sống hạnh phúc, bình an. Và trong thời gian đại dịch vừa rồi, có lẽ chương trình này đã phát huy tác dụng, công nhân viên của Biti’s đã vượt qua đại dịch, và thậm chí còn hạnh phúc, bình an và gắn kết hơn.
Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phúc Sinh Group: Khi Việt Nam bị Covid-19 thì phương Tây đã bị trước rồi. Nói chuyện với họ tôi thấy họ rất căng thẳng, căng thẳng thậm chí hơn cả Việt Nam. Nhưng tôi thấy ngành thực phẩm của họ vẫn duy trì ổn định, trong khi chúng tôi lại xuất khẩu thực phẩm chủ yếu sang phương Tây, nên khi Covid-19 xảy ra thì các ngành thực phẩm vẫn được kinh doanh.
Tôi vẫn nhớ ngày đầu tiên giãn cách tôi vẫn lái xe đi làm. Tôi luôn nghĩ các công ty thực phẩm và hàng thiết yếu không bao giờ nghỉ, nên tôi cũng không nghĩ rằng sẽ nghỉ. Các văn phòng của Phúc Sinh có đầy đủ hạ tầng từ phòng ngủ, phòng ăn đến phòng gym… nên việc để nhân viên ở lại làm việc tại chỗ của Phúc Sinh cũng không thành vấn đề.
Phúc Sinh một năm doanh thu 6.000 tỷ nên tỷ lệ quay vòng vốn rất nhiều, nên chỉ cần nghỉ ở nhà một tháng nợ xấu sẽ rất lớn. Thực phẩm và hàng thiết yếu không thể nghỉ ở nhà được, nên chúng tôi làm sao để tất cả cùng đi làm, không nghỉ ngày nào. Phúc Sinh là một trong ít doanh nghiệp không bị nợ xấu năm 2021.
Kế hoạch kinh doanh trong “bình thường mới thường xuyên”
Ông Phạm Đình Huỳnh – Giám đốc khối Dịch vụ Deloitte Private: Kế hoạch kinh doanh trong điều kiện bình thường hay bình thường mới thường xuyên thì cũng chỉ gồm có ba hành động và một kết quả. Ba hành động đó là:
– Thứ nhất là có chiến lược, doanh nghiệp có mục đích hành động là gì? Trong bình thường mới thì có cái khác là phải ưu tiên làm gì trước. Ưu tiên hai việc, thức nhất làm gì phải để ra kết quả ngay. Hai là ưu tiên cái gì không phải mất mát nhiều mà lại củng cố nền tảng niềm tin trong doanh nghiệp và doanh nghiệp với đối tác.
– Thứ hai là doanh nghiệp phải có nguồn lực sẵn có để làm. Nguồn lực đó là tài sản, công cụ, dụng cụ, dây chuyền sản xuất. Nguồn lực gì là cần thiết cho ưu tiên trên. Nhiều thứ ta nghĩ là cố định thì nay là biến động thì nay là cố định. Có những thứ là biến động thì nay là cố định
– Thứ ba là có nguồn lực rồi thì có phải có người để làm, để đạt mục tiêu để chúng ta làm ra.
Từ ba cái đó thì bình thường chúng ta đã làm, nay chỉ là lựa chọn ưu tiên cái gì. Khi làm ba cái đó rồi thì chúng ta sẽ đạt kết quả, không chỉ kết quả kinh doanh mà còn xây dựng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Bà Vưu Lệ Quyên – TGĐ Công ty Biti’s: Tôi rất đồng ý với anh Huỳnh, đúng là ở Biti”s việc đặt ưu tiên cho mục tiêu nào trong “bình thường mới” rất quan trọng. Trong thời gian dịch, ở Biti’s chúng tôi tạo ra sân chơi, đặt ra thách thức cho các nhân viên để mọi người cùng bàn bạc và đưa ra sáng kiến để vượt qua khó khăn. Tất nhiên, mục tiêu của Biti’s bây giờ, hậu dịch sẽ khác. Mục tiêu của Biti’s là hồi phục lại con số của 2019. Đó là mục tiêu rất khó khăn. Lạm phát đang tăng cao, sức mua đang giảm. Năm 2021 doanh thu của Biti’s đã giảm rất nhiều. Do đó ưu tiên chúng tôi là hồi phục trở lại con số của năm 2019, đó cũng là động lực, là một phần kích thích mọi người để mọi người phấn đấu, nỗ lực hơn.
Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phúc Sinh Group: Quan điểm của tôi trong quản trị là thích nghi. Khi có sự cố của Nga và Ukraine có nhiều công ty gọi điện cho mình nói rằng bế tắc rồi, mất hết rồi, mà họ không nghĩ rằng họ có thể có những con đường khác, còn những cánh cửa khác mà họ chưa nghĩ rằng có thể mở ra. Đó là tư duy mình phải thay đổi.
Đó là sự thích nghi, làm thế nào để thích nghi buôn bán? Ai cũng hỏi tại sao Phúc Sinh lại có thể làm việc thoải mái với các nước Tây Âu vậy? Đó là chúng tôi cố gắng hiểu họ. Khi Covid-19 xảy ra, hay xung đột Nga – Ukraine xảy ra thì sự thích nghi là quan trọng. Nếu anh nghĩ là khó thì nó khó, nhưng nếu nghĩ rằng nó có thể giải quyết thì sẽ có cách để anh giải quyết.
Đại dịch đã đặt ra nhiều thứ mà chúng ta phải thay đổi tư duy. Nếu mình có thể làm mọi thứ thì mình làm ngay mọi thứ, vì không biết ngày mai sẽ như thế nào. Khi Phúc Sinh lập kế hoạch năm 2022 thì Nga là thị trường hấp dẫn, nhưng giờ Nga từ số 10 đã thành số 0. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phải thích nghi với việc này, sẽ phải xử lý tính huống này.
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp
Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phúc Sinh Group: Phúc Sinh là công ty tư nhân, khởi nghiệp cách đây 16 năm. Quan điểm của mình là tự do, không biên giới. Năm 2007 Phúc Sinh đã làm ERP. Phúc Sinh có một đội ngũ IT để kết nối với bên ngoài, để làm mềm các sản phẩm phần mềm mà Phúc Sinh mua về để sử dụng.
Phúc Sinh cũng có phòng thí nghiệm từ năm 2008 để kiểm tra đầu vào, đầu ra. Đó là điều tôi học được từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Thứ hai là kiểm toán, Phúc Sinh làm kiểm toán với Big 4 đã 15 năm nay rồi. Phúc Sinh muốn vay ngân hàng rất dễ dàng vì chúng tôi báo cáo kiểm toán của các công ty Big 4 nên rất dễ thuyết phục ngân hàng.
Một điều nữa tôi muốn chia sẻ, trước khi làm ERP các phòng ban có nhiều quyền lực, nhiều lúc, nhiều việc họ có thể làm chậm một vài ngày. Nhưng sau khi có ERP thì họ không thể làm chậm được. Vì khi làm ERP tất cả các báo cáo, dữ liệu anh phải cập nhật ngay. Tất cả những chuyện đó là thách thức lớn để người lãnh đạo phải làm được. Có nhiều thứ anh có tiền anh bỏ ra là được, nhưng có nhiều thứ có tiền cũng không làm được, như việc triển khai ERP này chẳng hạn.
Bà Vưu Lệ Quyên – TGĐ Công ty Biti’s: Tính hệ thống là cực kỳ quan trọng. Doanh nghiệp bền vững là những doanh nghiệp có xây dựng hệ thống. Biti’s đã sử dụng SAP và ERP đã 11 năm. Chính tôi là người triển khai hệ thống này. Tôi nhớ lúc đó rất lo lắng vì hầu như các doanh nghiệp triển khai ERP đều thất bại. Hồi đó chúng tôi huy động 50 trong dự án và gần 6 tháng là đi vào hoạt động.
Ở thời điểm này quan tâm nhất của tôi trong việc chuyển đổi số là làm sao để mọi người sử dụng doanh nghiệp hiệu quả và nhanh gọn. Người quản lý phải tự trải nghiệm trước và thuyết phục mọi người cũng sử dụng.
Đầu tư công nghệ là một trong những tài sản của doanh nghiệp, nhưng phải thực tế và hiệu quả chứ không phải thấy doanh nghiệp khác triển khai mình cũng triển khai mà không quan tâm đến hiệu quả. Tức là người lãnh đạo doanh nghiệp phải đi tiên phong trải nghiệm và kiểm nghiệm xem phần mềm đó có hiệu quả để triển khai cho doanh nghiệp của mình hay không.
Ông Phạm Đình Huỳnh – Giám đốc khối Dịch vụ Deloitte Private: Chuyển đổi số nay không phải là chuyện cần hay không cần mà là bắt buộc. Sự cần thiết phải chuyển đổi số không chỉ doanh nghiệp  Việt Nam mà cả trên khu vực và thế giới. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cũng có những thuận lợi riêng của người đi sau, tức là có thể rút ngắn thời gian.
Tôi cũng đồng ý với chị Vưu Lệ Quyên tức là chuyển đổi số không phải ở công cụ mà là ở tư duy, mà tư duy đầu tiên từ người lãnh đạo.
 Toạ đàm do Hội DN HVNCLC tổ chức với sự tham gia của ba diễn giả:
1 – Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phúc Sinh Group.
2 – Bà Vưu Lệ Quyên – TGĐ Công ty Biti’s: Thích ứng linh hoạt trong quản trị và phát triển
3 – Ông Phạm Đình Huỳnh – Giám đốc khối Dịch vụ Deloitte Private: Xây dựng Bussiness Plan trong bình thường mới.
Toạ đàm được phát livestream trên Kênh YouTube BSA Channel và fanpage Hàng Việt Nam Chất lượng cao.

Một số hình ảnh buổi Tọa đàm: