Doanh nghiệp Việt làm thiện nguyện mùa dịch

    113
    Trao quà vào khu phong tỏa.
    Buổi trưa tôi nhận được tin nhắn của một “phây hữu”: “Cô ơi, con lang thang trên Wikipedia, thấy có bài về “Bánh mì thanh long” của chú Kao Siêu Lực, mừng ghê đó cô”. Vậy là sáng kiến hồi tháng 2-2020 của “vua bánh mì” đã đi vào tự điển mở.
    Nhưng cô bạn nhỏ không biết là sau đó, anh Kao còn làm ra “bánh mì dinh dưỡng” để tặng cho các y bác sĩ và nhân viên y tế tuyến đầu để “cầm cự” trong những ca trực đêm. Kèm với bánh mì, có bột mía sấy đông khô – sáng kiến được cấp chứng nhận công nghệ mới của Vinamit hay bột rau má Quảng Thanh của một doanh nghiệp trẻ. Tôi nhớ lại, trong tháng 4-2020, đợt dịch đầu của năm 2020, 25 doanh nghiệp đã cùng nhau tổ chức đem những suất ăn dinh dưỡng cho các cơ sở y tế, không ít lần giao bánh – nước vào nửa đêm.
    Đó là phản ứng tình cảm rất tự nhiên của người làm doanh nghiệp với tư cách công dân. Không chỉ trút túi, trút kho mà còn sáng tạo sản phẩm mới hay thay đổi quy cách cho phù hợp với hoàn cảnh sử dụng. Có những giám đốc rất trẻ, kể là bỏ luôn việc công ty để chạy lo nhu yếu phẩm cho những xóm trọ chưa có trên bản đồ ở Bình Đông (quận 8) hay ở Bình Chánh.
    Có bạn vừa mở công ty xuất khẩu nông sản đã dành hết rau củ mua và chuyên chở được từ đồng bằng về (vượt hàng chục chốt) giao luôn cho các bếp ăn từ thiện. Bạn ấy, Vũ Ánh Tuyết, vốn là Phó giám đốc Công ty tư vấn BCG toàn cầu, từng điều phối một ngành hàng của sàn thương mại điện tử Lazada, tối về còn tổ chức cho gần 100 hộ các “phu nhân” ở chung cư đảo Kim Cương cùng… nấu sữa bắp tiếp tế các bệnh viện.
    “Cơ xưởng” nấu sữa bắp ngoài trời có nhóm admin tới 7 người (lo nguyên liệu 300 ki lô gam bắp mỗi tuần, liên hệ nhận yêu cầu các bệnh viện, liên hệ manh thường quân, tổ chức nấu bếp, thu chi, kho chứa, kế hoạch, thông tin) để khi nấu xong thì các ông chồng tự chở đi, đúng như một thương vụ (0 đồng) được nhà quản trị bán lẻ điều phối nhuần nhuyễn.
    Khi tình hình giãn cách căng thẳng, công ty phải ngưng hoạt động thì họ xoay sang đi mua, chở nông sản từ xa về đưa đến tiếp tế cho các ổ dịch nóng như Bình Tân, Bình Chánh. Đó là câu chuyện của Richard Nguyên, ông chủ hãng cà phê hòa tan Meet More, Việt kiều Úc về nước tìm hàng để xuất khẩu thì kẹt vì dịch, đã thành một anh “lái cá” rất sành sõi, bất chấp hiểm nguy…
    Các doanh nghiệp lớn của Hàng Việt Nam Chất lượng cao như Nutifood, Tấn Vương, Vissan, Saigon Foods, Cholimex, Seaspimex… dù công suất còn 30-40% vì “3 tại chỗ” cũng ưu tiên bán giảm giá và có khi bán thiếu. Có cả những công ty đa quốc gia như Suntory Pepsi, Coca Cola, Nestle… thành viên của Liên minh tái chế bao bì Pro VN, thay vì tặng thực phẩm lại sẵn sàng góp tiền mua tặng gần 300 máy lọc nước cho các bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19, giải quyết nạn rác nhựa trong bệnh viện (các chai nước suối hay các đồ đựng bằng nhựa…).
    Trao quà dinh dưỡng cho nhân viên trạm y tế phường.
    Là một tổ chức hội, sau gần bốn tháng (6, 7, 8, 9-2021), chúng tôi đã trao gần 50 tỉ đồng hiện kim và hiện vật trong công tác cứu trợ, tất cả đều do doanh nghiệp đóng góp. Cái tâm hết lòng chăm lo cho người nghèo và “người ơn ở tuyến đầu” của doanh nghiệp thật to lớn.
    Nhìn lại hoạt động thiện nguyện của doanh nghiệp Việt Nam, cũng phải thấy rằng hoạt động này rất sôi nổi, tận tụy nhưng chưa được tổ chức chuyên nghiệp đúng như mong muốn của chính các doanh nghiệp. Một phần vì chính sách còn chưa thực sự khuyến khích, phần khác vì thương trường quá khốc liệt nên việc tổ chức, phát triển linh vực này cũng đang phải hoàn thiện dần.
    Hình thức làm từ thiện phổ biến nhất hiện nay là cho đi, trao tặng hiện kim hay sản phẩm chính mình. Việc quyết định thường do người chủ hay ban giám đốc, chưa có sự tham gia nhiều của đông đảo nhân viên.
    Theo nghiên cứu của các công ty tư vấn quốc tế, hiện nay những người trẻ có khả năng thường chọn làm việc ở công ty cho họ cơ hội đóng góp tài năng cho các hoạt động xã hội hay các tổ chức phi lợi nhuận.
    Nếu xem xét cách làm thiện nguyện của các công ty Fortune 500, thấy họ cung cấp tài chính cho các tổ chức phi lơi nhuận để làm các chương trình dài hạn như chăm sóc sức khỏe, phát triển kinh tế… Họ cũng cung cấp cả các dịch vụ chuyên nghiệp của chính công ty mình cho các tổ chức xã hội. Ví dụ, công ty chuyên về an ninh mạng có thể cử chuyên viên đến trung tâm y tế cộng đồng giúp về việc đảm bảo lưu trữ dữ liệu an toàn và cập nhật (loại hỗ trợ này thì rất cần cho hàng loạt app ghi nhận tiêm chủng đang náo loạn về dữ liệu, thiếu và không chính xác).
    Cũng có công ty dịch vụ đồng hành với một công ty khác đang vận động quỹ từ thiện bằng cách trao tài trợ bằng hoặc gấp mấy lần số tiền quyên góp được (hai bên cùng có lợi) như trường hợp công ty phát hành phim N. đồng hành với Quỹ Chung tay vì Việt Nam của Việt kiều ở Silicon Valley cứu trợ dịch ở Việt Nam.
    Một hình thức làm thiện nguyện khá phổ biến ở các nước là các công ty cung cấp gói tài trợ tính theo số giờ làm việc tình nguyện của nhân viên. Hoặc công ty trợ cấp cho nhân viên để nhân viên tùy thích chọn tổ chức phi lợi nhuận và công ty sẽ gửi séc tặng, dưới danh nghĩa nhân viên.
    Các chính phủ ở các nước này thường có chính sách cụ thể khuyến khích hoạt động thiện nguyện của các công ty như chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp tên khoản tiền làm từ thiện. Ngoài ra họ cũng có nhiều chính sách khuyến khích người lao động tham gia làm từ thiện.
    Một xu hướng được quan tâm nhiều hiện nay là qua hoạt động thiện nguyện mà mở rộng vị trí xã hội của công ty thay vì chỉ “vung tiền lấy tiếng sang”. Một bài viết về chủ đề “Lợi thế cạnh tranh của hoạt động từ thiện của công ty” do hai chuyên gia kinh tế tên tuổi là Michael E. Porter và Mark R. Kramer, đăng trong tạp chí của Đại học Harvard (HBR) có phân tích xu hướng này.
    Nhiều công ty đã chú trọng hoạt động từ thiện như một thế mạnh để tối đa hóa giá trị kinh tế và xã hội, cũng là cải thiện tiềm năng cạnh tranh lâu dài của doanh nghiệp. Đánh bóng hình ảnh bằng số tiền tài trợ ấn tượng cũng có ích nhưng doanh nghiệp có thể và cần làm hơn thế nữa để tác động đáng kể, sâu sắc làm thay đổi các vấn đề xã hội liên quan tới đông người.
    Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận khác, nghiêm ngặt hơn hiện nay: cần kết hợp chặt chẽ việc quản lý hoạt động từ thiện với các hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Thay vì giao việc làm từ thiện cho một bộ phận chuyên trách thì giám đốc điều hành phải bao quát luôn.
    Theo quan niệm đó, những thay đổi xã hội, những lợi ích lớn của đời sống kinh tế-xã hội lại cần phải có những hành động tập thể và những quan hệ đối tác có nguyên tắc, biết nghĩ tới những lợi ích và giá tri lớn hơn một thương hiệu riêng mình.
    Phải chăng theo xu hướng đó, chương trình Vòng tay Việt – Sài Gòn đã nhìn ra nhu cầu liên kết rộng hơn, và thực tế, đã quy tụ bốn nhóm tổ chức và doanh nghiệp để phối hợp cùng nhau: (1) Thành đoàn với Hội Doanh nhân trẻ YBA – (2) Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao – (3) Hội Nữ doanh nhân thành phố Hawee và Công ty Vàng bạc Đá quý PNJ và (4) Chương trình Sai Gòn thương nhau (gồm các CLB doanh nghiệp và đặc biệt Liên minh tái chế bao bì Việt Nam Pro VN).
    Qua thực tế hoạt động Vòng tay Việt – Sài Gòn trong mùa dịch Covid-19 đang diễn ra ở TPHCM cho thấy các công ty nhỏ và vừa vẫn có thể sát cánh cùng các công ty dẫn đầu. Nhiều công ty nhỏ đĩnh đạc làm từ thiện với định hướng rõ ràng, chăm lo cho nhu cầu bức bách của người nghèo mùa dịch nhưng cũng nhắm tới những mục tiêu lâu dài: xây dựng môi trường xanh, phát huy tài nguyên bản địa, đào tạo nguồn nhân lực cho lâu dài.
    Triển vọng nâng cao chất lượng và khẳng định tầm nhìn chiến lược cho hoạt động từ thiện của doanh nghiệp Việt đang còn dư địa hứa hẹn.
    Theo KTSG
    Những người khởi nghiệp từ Trung tâm BSA đưa nông sản ra thế giới trong đại dịch