Du học Mỹ ngành STEM: Nên không?

Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

(Vietnamtimes)- Là một nước phát triển mạnh về các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học), chính phủ Mỹ khá ưu đãi cho sinh viên quốc tế theo học khối ngành này, chẳng hạn như tạo điều kiện cho sinh viên có thể ở lại làm việc hoặc định cư lâu dài sau khi học xong.

Đây là lý do khiến ngày càng nhiều bậc cha mẹ lựa chọn cho con du học ngành STEM với hy vọng con có cơ hội ở lại Mỹ.

STEM viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học) là thuật ngữ rất “thời thượng” ngày nay trong giáo dục.

Triển vọng ngành STEM

Tại Mỹ, sinh viên STEM không chỉ được tiếp xúc với những ứng dụng công nghệ cao mang tính thực tiễn mà còn được học tập với các chuyên gia hàng đầu trong ngành. Theo Bộ Thương mại Mỹ, các nhân viên trong ngành STEM đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển ổn định và bền vững của nền kinh tế. Vì vậy, những ngành nghề trong nhóm STEM ở Mỹ có mức tăng trưởng 17%, trong khi các ngành nghề khác chỉ tăng khoảng 9,8%.

Báo cáo của American Action Forum (AAF) đưa ra mới đây dự báo đến năm 2024, nước Mỹ sẽ thiếu đến 1,1 triệu lao động trong các ngành STEM. Theo ông Trần Đức Cảnh, điều này có ý nghĩa trực tiếp đến chính sách nhập cư của Hoa Kỳ, đặc biệt đối với sinh viên nước ngoài tham gia chương trình định cư H-1B.

Sinh viên Đại học San Jose (Mỹ) trong giờ học STEM

Trong những năm gần đây, với chiến dịch phát triển và thu hút sinh viên quốc tế, Mỹ đã công bố danh sách mở rộng các chuyên ngành thuộc lĩnh vực Khoa học – Công nghệ – Kỹ thuật – Toán học và kéo dài thời gian cho phép tham gia các chương trình Đào tạo thực tiễn tùy chọn (Optional Practical Training – OPT) lến đến 29 tháng (thay vì 12 tháng) đối với sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành trên.

Đây là điểm thuận lợi cho sinh viên Việt Nam nhằm có được kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực học tập. Trong 27 tháng này, nếu sinh viên thể hiện được năng lực tốt thì cơ hội được giữ lại làm việc là rất khả quan.

Theo thống kê, Mỹ chiếm 37% sinh viên quốc tế du học khối ngành STEM trên toàn thế giới. Theo sau là các nước Anh Quốc (26%), Canada (25%) và Úc (21%)

Bên cạnh đó theo báo cáo, nhân viên nhóm ngành STEM có mức lương cao hơn đến 29% so với các nhóm ngành khác. Mức lương trung bình của một sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế tại Mỹ vào khoảng 52.000 USD – 65.000 USD/năm, còn ngành Công nghệ thông tin (Information System) là từ 90.000 USD/năm, ngành Lập trình máy tính (Computer Programming) từ 80.000 USD/năm, ngành Toán (Mathematics) từ 100.000 USD/năm, ngành Kỹ sư (Engineering) từ 100.000 USD/năm, ngành Khoa học thông tin máy tính (Computer and Information Sciences) từ 136.000 USD/năm.

Sự đào tạo và giáo dục trong nhóm ngành STEM đồng thời còn tạo ra những trí thức có tư duy phản biện, các nhà khoa học… giúp cộng đồng tăng sự hiểu biết về khoa học, tạo ra sự đổi mới và phát triển qua nhiều thế hệ. Sự đổi mới và tri thức khoa học này duy trì nền mức thịnh vượng của nền kinh tế. Rõ ràng là hầu hết các công việc trong tương lai đều cần sự hiểu biết cơ bản về toán học và khoa học.

Quan trọng nhất là đam mê

Du học Mỹ khối ngành STEM, SV quốc tế nhiều cơ hội việc làm không chỉ ngay tại Mỹ mà còn có thể tìm được công việc tốt tại bất kì quốc gia nào trên thế giới với mức lương cao.

Mặc dù học sinh Việt Nam có nhiều điều kiện phù hợp khi du học ngành STEM tại Mỹ nhưng tương lai thành công không mở ra với tất cả mọi người. “Quan trọng nhất vẫn là ngành học phải phù hợp với đam mê và sở thích của sinh viên, dù ngành STEM hay bất cứ ngành nào đi nữa.

Công việc là một phần quan trọng của cuộc đời. Thế nhưng, nhiều sinh viên Việt Nam lại chưa có ý thức lựa chọn ngành nghề theo năng lực và đam mê. Cha mẹ thì có xu hướng chọn con theo phong trào hoặc theo ước muốn của mình.

Đó là một trong những lý do tại sao hiện nay có rất nhiều cử nhân đại học thất nghiệp do chọn sai ngành, sai nghề”, ông Trần Đức Cảnh, chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm quản lý và xây dựng chính sách cho các Chương trình Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực tại bang Massachusetts (Hoa Kỳ) nhận xét.

Ông Trần Đức Cảnh cho biết thêm: “Một người sẽ khó thành công nếu không có đam mê. Khi nào xã hội có 70 – 80% những học sinh từ tiểu học, trung học, đại học đi theo năng khiếu, năng lực của các em thì nền kinh tế mới phát triển mạnh. Giáo dục nước Mỹ thành công là nhờ phát huy được năng khiếu, sở thích của từng cá nhân gắn với ngành học của mình”.

Giáo dục STEM sẽ phá đi khoảng cách giữa hàn lâm và thực tiễn, tạo ra những con người có năng lực làm việc “tức thì” trong môi trường làm việc có tính sáng tạo cao và sử dụng trí óc có tính chất công việc ít lặp lại trong thế kỷ 21.

Thực tế, môi trường giáo dục ở Việt Nam hiện nay rất khó để sinh viên có thể sớm nhận ra được sở thích thật sự của mình. Vì vậy, cha mẹ cần tạo điều kiện cho các em trải nghiệm sớm hơn trước khi thi đại học để có thể có quyết định đúng đắn cho tương lai.

Bên cạnh đó, sinh viên cần phải tự tìm hiểu thông tin về tất cả các ngành mà mình định theo học, đọc thật nhiều về các ngành đó và thử làm một công việc nào đó có liên quan đến lĩnh vực đó để xem có cảm thấy thích hay không.

Hãy hình dung xem nếu mỗi ngày đều làm công việc ấy thì sẽ như thế nào…

Tường Lam (theo DNSGCT)