Trung Quốc vượt Hoa Kỳ để trở thành siêu cường quốc dữ liệu

585
Hãy quay ngược lại năm 2001! Vào thời điểm đó, Hoa Kỳ là quốc gia chiếm ưu thế vượt trội khi nhắc đến các dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới. Đó là những ngày sơ khai của kỷ nguyên bùng nổ Internet và khi Hoa Kỳ vẫn là cái nôi duy nhất của các công ty công nghệ và tệp khách hàng sành công nghệ.
Nhưng trật tự dữ liệu thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Trung Quốc đã chiếm mất vị trí dẫn đầu của Hoa Kỳ - Ảnh: Nikkei
Trung Quốc hiện chiếm đến 23% dữ liệu xuyên biên giới, gần gấp đôi so với vị trí thứ hai của Hoa Kỳ chỉ 12%. Vị trí dẫn đầu của Trung Quốc có thể biến thành lợi thế vượt trội khi hệ thống Internet toàn cầu bị phá vỡ thành những “pháo đài Internet” khi các nước cố xây dựng nền tảng thông tin riêng và dựng lên các hàng rào, thành lũy bảo vệ lợi ích quốc gia riêng của mình.
Một cuộc khảo sát của Nikkei về dòng dữ liệu xuyên biên giới từ các dữ liệu của Liên đoàn Viễn thông Quốc tế và hãng nghiên cứu TeleGeography của Hoa Kỳ đã cho thấy: dòng dữ liệu chảy từ Trung Quốc và lãnh thổ Hồng Kông trong năm 2019 đã vượt xa bất cứ 10 quốc gia và lãnh thổ khác được Nikkei khảo sát, bao gồm luôn Hoa Kỳ. Trong khoảng thời gian đó, trao đổi dữ liệu xuyên biên giới của Trung Quốc tăng 7.500 lần, trong khi Hoa Kỳ chỉ tăng 219 lần.
Nguồn tiếp liệu cho quyền lực mới của Bắc Kinh nằm ở các mối quan hệ với châu Á. Hoa Kỳ chiếm 45% của dòng dữ liệu ra vào Trung Quốc vào năm 2001, nhưng con số nay giảm xuống chỉ còn 25% trong năm ngoái. Các nền kinh tế châu Á nay chiếm hơn một nửa dòng chảy đó, đặc biệt Việt Nam chiếm đến 17% và Singapore 15%.
Bảng xếp hạng các dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới – Ảnh: Nikkei
Bắc Kinh đã dùng sáng kiến “nhất đới nhất lộ” để khuyến khích các hãng công nghệ như Alibaba và Tencent phát triển ở bên ngoài Trung Quốc. Nền tảng thanh toán di động Alipay của Alibaba hiện có mặt ở hơn 55 quốc gia và được 1,3 tỷ người sử dụng.
Trung Quốc đã vượt Hoa Kỳ vào năm 2014, nhưng sức ảnh hưởng của quốc gia này chỉ gia tăng rõ rệt trong vài năm gần đây.
Điều này có ý nghĩa như thế nào?
Khi Trung Quốc trở thành siêu cường dữ liệu toàn cầu, họ sẽ kiểm soát một khối lượng khổng lồ tài nguyên vô giá với sức mạnh cạnh tranh kinh tế của nước này trong tương lai. Dữ liệu từ các nước có thể tạo thế mạnh trong việc phát triển các công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.
Hơn thế nữa, Trung Quốc có thể trở thành người hưởng lợi lớn nhất đối với nền tảng Internet rạn nứt.
Đầu năm 2020, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh cấm ứng dụng WeChat mà nhiều triệu người dân Hoa Kỳ sử dụng trong đời sống thường nhật.
Đây chỉ là một trong nhiều bước để chặn các ứng dụng của Trung Quốc và loại bỏ Trung Quốc khỏi nền tảng hạ tầng mạng của Hoa Kỳ. Nhưng các nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc hình thành mặt trận đoàn kết các đồng minh của Hoa Kỳ trong việc chống lại “đại công nghệ Trung Quốc” đã thật sự không hiệu quả.
Hồi tháng 7, Tòa án Công lý EU đã phủ quyết một thỏa thuận quyền bảo mật dữ liệu đang thảo luận giữa EU và Hoa Kỳ với lý do “Washing chưa bảo vệ đúng mức với dữ liệu cá nhân”. Tòa đã viện đến vấn đề Hoa Kỳ giám sát công dân nước ngoài để phòng ngừa các nguy cơ khủng bố – một vấn đề khá mỉa mai mà Washington đang cáo buộc Bắc Kinh. Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross đã phản ứng rằng ông “thật sự thất vọng” với phán quyết này.
Sự gián đoạn trong dòng chảy dữ liệu toàn cầu đã ảnh hưởng đến chia sẻ kiến thức trên mạng Internet. Chẳng hạn như, trên 50 triệu lập trình viên và người dùng trên thế giới sử dụng nền tảng có tên GitHub để cùng làm việc chung trong một số hoạt động như viết code chẳng hạn. Nhưng các kỹ sư Trung Quốc hiện bắt đầu sử dụng một nền tảng riêng của họ – nhà phân tích Charlie Dai, 28 tuổi, thuộc hãng nghiên cứu Forrester ở Hoa Kỳ cho biết.
Bởi lo lắng căng thẳng Mỹ – Trung có thể ảnh hưởng đến việc tiếp cận GitHub – thuộc sở hữu của Microsoft – một số người dùng đã chuyển sang nền tảng tương tự có tên Gitee do Trung Quốc xây dựng.
“Gitee sẽ lớn mạnh hơn với sự hỗ trợ từ các công ty Trung Quốc”, nhà phân tích – kỹ sư Dai nhận xét.
Một hệ thống Internet rạn nứt hay gãy vỡ có nghĩa là các quốc gia có thể thu thập lượng lớn dữ liệu trong biên giới quốc gia họ và phát huy lợi thế phát triển công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Không đâu thể hiện rõ điều này như ở Trung Quốc, với 900 triệu người sử dụng Internet.
Hiện có nhiều dấu hiệu chỉ rõ ràng dân số đang trở thành động lực chính trong sáng tạo và phát triển kinh tế. Tỷ lệ các trích dẫn về báo cáo nghiên cứu AI của Trung Quốc đã tăng từ 10% lên 26,5% trong năm 2018, gần bắt kịp với con số 29% của Hoa Kỳ – theo Viện Allen về trí tuệ nhân tạo (AIAI). Giám đốc Carissa Schoenick của AIAI dự báo rằng Trung Quốc sẽ lật đổ ngôi vị hàng đầu thế giới của Hoa Kỳ trong vài năm tới.
Xu hướng của các dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới – Ảnh: Nikkei
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi cho các quốc gia đông dân số nhất trên thế giới, thế giới mạng bị phân nhỏ cũng ảnh hưởng đến khả năng của thế giới trong việc cùng giải quyết các vấn đề chung của nhân loại như dịch Covid-19, suy thoái môi trường và tình trạng bất bình đẳng.
Về tổng quan, chính phủ Trung Quốc tránh can thiệp quá mức vào lĩnh vực công nghệ, nhưng đã bất ngờ “trấn áp” vụ phát hành lần đầu cổ phiếu ra công chúng (IPO) của tập đoàn tài chính Ant Financial trong tháng này. Hệ sinh thái công nghệ của Bắc Kinh đang ngày phát triển, cùng với đó là việc chính phủ toan chiếm bất cứ thông tin nào khi họ có thể.
Đối với Nhật Bản, đất nước đang thúc đẩy “dòng chảy tự do dữ liệu với sự tin cậy” – data free flow with trust, viết tắt DFFT – một ý tưởng do cựu thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng, kỳ vọng đã được thay bằng sự thất vọng.
“Chữ T trong tin cậy đã biến mất”, một quan chức của Bộ Công nghiệp, thương mại và kinh tế (METI) nói về việc Ấn Độ và các nền kinh tế đang nổi lên đã xóa nhòa ý tưởng.
“Nếu bây giờ chúng ta từ bỏ việc xây dựng một thế giới mạng tốt hơn, chúng ta biến thế giới mạng này thành vô nghĩa” – Tim Berners-Lee, người sáng tạo ra world wide web nhận định. Một thế giới mạng rạn nứt không chỉ ảnh hưởng đến năng lực của một quốc gia trong việc lèo lái giữa một thế giới số hóa ngày một tăng, mà còn lấn át sự tiến triển chung của nhân loại.
Theo Nikkei 
CADIVI tự hào trở thành Thương hiệu quốc gia lần thứ 7 liên tiếp