Đưa các công đoạn sản xuất và bán hàng lên ứng dụng 3D

    144
    Nguyên liệu, quy trình sản xuất và đóng gói, chi tiết sản phẩm, số lượng, mẫu mã, kích cỡ, màu sắc và rồi không gian trưng bày. Tất cả đều hiện trên một showroom 3D mà chỉ cần smartphone và máy tính là khách có thể truy cập. Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ và trang trí nội thất Việt Nam đang đưa hầu hết hoạt động sản xuất và kinh doanh lên môi trường số.
    Showroom 3D bán đồ gỗ nội thất
    Bà Lê Hải Liễu – chủ tịch HĐQT công ty CP chế biến gỗ Đức Thành, nói rằng khách ở xa có tham quan nhà máy, như được “nhìn tận mắt, sờ tận tay” mọi sản phẩm và quy trình của công ty. “Showroom 3D sinh động, súc tích, ấn tượng hơn nhiều so với việc chụp hình hay làm video đưa lên mạng”,bà Liễu cho biết.
    Theo bà Liễu, số hóa và ứng dụng các nền tảng công nghệ đã là xu hướng xã hội mà các doanh nghiệp không thể bỏ qua. Quan trọng nhất những nhà lãnh đạo, quản lý là người đầu tiên ủng hộ. Nhiều doanh nghiệp sợ “số hóa”, cụ thể là làm showroom 3D, sẽ tốn bộn tiền. Nhưng bà Liễu không cho là vậy. Bà cho rằng, nếu doanh nghiệp là thành viên của một hiệp hội hay tổ chức nào đó, hãy tìm đến họ để đặt vấn đề cùng nhau làm, tìm đối tác, chia sẻ chi phí sao cho dễ tiếp cận nhất. “Làm theo cách này, số tiền doanh nghiệp bỏ ra không đáng kể”, bà nói.
    Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ trong mùa Covid-19, thay vì tham dự các hội chợ trực tiếp, họ chọn đi hội chợ trực tuyến – theo lời ông Nguyễn Chánh Phương – phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA). Ông cũng cho rằng chuyển đổi số trong ngành gỗ có hai điểm nổi bật.
    Đầu tiên, doanh nghiệp trong ngành gỗ chuyển đổi số ở phương thức bán hàng, chuyển từ showroom thật thành ảo. Họ chuyển đổi cách tiếp cận, từ trực tiếp thành trực tuyến và quản lý tất cả hệ thống bán hàng trên nền tảng trực tuyến.
    Thứ hai, doanh nghiệp chuyển đổi quá trình sản xuất. Trong hai năm Covid-19, số lượng doanh nghiệp ngành gỗ sử dụng các ứng dụng, phần mềm về công nghệ, hệ thống ERP, phần mềm quản lý… tăng lên khá nhiều. Điều này giúp doanh nghiệp giữ được khách hàng, năng suất làm việc trong mùa dịch bệnh.
    Ông Phương nhìn nhận rằng, đây là sự thay đổi khá lớn ở các doanh nghiệp Việt Nam, bởi phần lớn doanh nghiệp Việt thường có thế mạnh về sản xuất hơn là ứng dụng công nghệ.

    Covid-19 thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn
    Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nhung – giám đốc công ty TNHH TM nội thất Huyền Trang, một đơn vị chuyên về các loại rèm cửa kể rằng, năm 2019 doanh nghiệp đã bắt đầu tính đến những phương án đưa “số hóa” vào trong sản phẩm của mình. Tuy nhiên, mọi việc vẫn diễn ra một cách bình thường, chậm rãi. Nhưng cho đến đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát và lan nhanh, việc chuyển đổi số của doanh nghiệp bắt đầu “có những bước đi nhanh hơn, mạnh hơn”. Bà Nhung kể, trước đây việc chào hàng chỉ đơn giản là đưa cho khách hàng những mảnh vải để xem. Nên khi áp dụng thành công ứng dụng 3D giúp khách hàng cảm nhận được sản phẩm như thật.
    Bà Nhung cho hay, ứng dụng 3D mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, khi doanh nghiệp không cần phải chào hàng, giải thích nhiều về các kiểu dáng, mẫu mã, màu sắc cho khách hàng. “Người tiêu dùng có thể tự mình xem, tìm hiểu và trải nghiệm đến hàng trăm mẫu thiết kế vải rèm cửa, màn sáo…”, bà Nhung khẳng định.
    Không chỉ là xem sản phẩm bằng công nghệ 3D, ngay đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, lãnh đạo doanh nghiệp đã ngay lập tức có những thay đổi. “Kể từ tháng 2.2020, chúng tôi đã phát hành tem chống hàng giả. Tất cả sản phẩm đều có tem nhận biết. Tem chống hàng giả này do Trung tâm chống hàng giả HATAP phía Nam phát hành”, bà Nhung kể.
    Để người tiêu dùng thuận tiện hơn, đơn vị này còn tích hợp những ứng dụng thông minh, giúp người tiêu dùng có thể điều khiển các loại rèm cửa, màn sáo của mình chỉ trên một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet.
    Các doanh nghiệp gỗ vẫn giữ được đà tăng trưởng đáng chú ý trong năm 2020. Từ nửa cuối năm 2020 đánh dấu kỷ lục chưa từng có trong ngành gỗ, liên tục trong năm tháng liền, từ tháng 7 đến tháng 11, tháng nào cũng đạt hơn 1 tỷ USD giá trị xuất khẩu. Những tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ tiếp tục khẳng định vị thế với tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu lâm sản ba tháng đầu năm 2021 đạt xấp xỉ 4 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,699 tỷ USD, tăng 41,5%. Ngành gỗ trở thành cỗ máy dẫn đầu trong việc kéo kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng nông – lâm sản tăng trưởng.
    Trần Quỳnh (Theo TGHN)
    Chuyển đổi số cho đồng ruộng “made in Tra Vinh”