Đường sắt Việt Nam mở chuyến tàu container đến Bỉ

424
Ngày 20/7, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức chạy chuyến tàu chuyên container đầu tiên sang Bỉ. Tàu xuất phát từ ga Yên Viên (Việt Nam), điểm đến là thành phố Liege (Bỉ). Ảnh: Ratraco
Tiêu điểm:

Đường sắt Việt Nam mở chuyến tàu container đến Bỉ

Công ty cổ phần Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) hôm 20/7 khai trương chuyến tàu chuyên chở container đầu tiên xuất phát từ ga Yên Viên (Gia Lâm) đến thành phố Liege (Bỉ), sau đó chuyển bằng đường bộ đến điểm đích là thành phố Rotterdam của Hà Lan.
Đoàn tàu sẽ chở 23 container loại 40 feet vận chuyển các loại hàng hóa như dệt may, da giày. Hành trình đoàn tàu xuất phát từ ga Yên Viên tại Gia Lâm, Hà Nội đến ga Trịnh Châu ở Trung Quốc, sau đó được kết nối vào tàu liên vận Á – Âu để đến điểm đích ở châu Âu.
Hiện nay, Ratraco và đối tác châu Âu đang bắt đầu xây dựng kế hoạch và tổ chức vận chuyển 8 chuyến mỗi tháng xuất phát tại Việt Nam. Tổng thời gian vận chuyển dự kiến cho toàn bộ hành trình từ 25 đến 27 ngày.
Dự kiến đoàn thứ hai xuất phát tại Yên Viên ngày 27/7 với các sản phẩm điện tử và đoàn tàu thứ ba xuất phát ngày 3/8.  
Đa số các hãng tàu biển chính trên thế giới cắt giảm mạnh hoạt động từ tháng 2/2020 sau khi nhu cầu giảm sâu khi dịch lên đỉnh điểm ở Trung Quốc và sau đó lan khắp thế giới. Cước tàu biển tăng mạnh và đều từ tháng 5, nhưng các hãng tàu lại chậm gia tăng năng lực vận chuyển cho đến đầu tháng 9/2020.
Nhưng năng lực vận tải gia tăng không đủ sức để chặn đà cước phí tăng phi mã. Cước dần tăng 3-5 lần trước cho các chuyến hàng đến Mỹ và châu Âu trong mùa Giáng sinh 2020. Sau đó, cước dần tăng đạt đỉnh gấp 8-10 lần trong những tháng gần đây dù rằng chính phủ Mỹ và Trung Quốc đã can thiệp.
Bộ Công Thương Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ làm việc với các hãng tàu biển để tăng chuyến và tăng số container rỗng về Việt Nam từ tháng 12 năm ngoái nhưng tình hình không khá hơn.
Một số đơn vị xuất khẩu Việt Nam đã sử dụng đường hàng không trong việc xuất các loại trái cây và nông sản từ tháng 6/2021 vừa rồi.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện vẫn đang ở ngưỡng 56,9 – 57,55 triệu đồng/lượng, không đổi so với giá khảo sát ngày hôm trước. Chênh lệch giá hai đầu vẫn như cũ là 650.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.815,7 USD/ounce, tăng nhẹ 3,5 USD, tương đương 0,19% so với chốt phiên trước. Theo giới phân tích, hiện vàng đang bị vướng vào cuộc chiến giằng co giữa đồng USD tăng, vốn là yếu tố gây áp lực lên vàng và sự suy yếu của nhu cầu đối với vài rủi ro, là yếu tố hỗ trợ vàng.
2/ Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Taxi Vinasun) tiếp tục trải qua quý thua lỗ thứ 6 liên tiếp từ đầu năm 2020 với doanh thu thấp nhất từ khi niêm yết trên sàn. Theo đó, quý vừa qua, Vinasun chỉ đạt doanh thu 150 tỷ đồng, mức thấp kỷ lục từ khi hãng taxi này niêm yết trên sàn chứng khoán. Doanh thu dưới giá vốn, Vinasun lỗ gộp 28 tỷ đồng. Sau khi hạch toán lãi vay, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, Vinasun lỗ thuần 75 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh. Khoản thu nhập khác 8 tỷ đồng chủ yếu đến từ việc thanh lý xe cũ giúp hãng taxi lâu đời giảm khoản lỗ ròng còn 66 tỷ đồng. So với quý II/2020 khi lỗ kỷ lục tới 111 tỷ đồng, mức lỗ của Vinasun đã có cải thiện đáng kể.
3/ Theo báo cáo mới nhất của S&P Global Market Intelligence, Nike hiện đang đương đầu với rủi ro không còn sản phẩm giày thể thao “made in Vietnam (sản xuất tại Việt Nam) khi mà đại dịch Covid-19 trở nên căng thẳng trên khắp toàn cầu. Theo đó, tình trạng gián đoạn do đại dịch Covid-19 đang gây tổn hại đến chuỗi cung ứng của Nike trong bối cảnh mùa cao điểm học sinh, sinh viên trở lại trường đang đến gần. Lời cảnh báo này được S&P đưa ra sau khi 2 nhà cung cấp của Nike tại Việt Nam bao gồm Chang Shin Vietnam và Pou Chen Corp gần đây đã phải ngừng sản xuất khi mà đại dịch Covid-19 bùng phát trong khu vực. Theo phân tích từ Panjiva, bộ phận phân tích kinh doanh thuộc S&P Global Market Intelligence, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam chiếm khoảng 49% trong tổng số sản phẩm Nike trong quý 2/2021.
Ảnh: GettyImages
4/ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2021. Trong đó, hạ thấp triển vọng tăng trưởng đối với các khu vực Nam Á, Thái Bình Dương, Đông Nam Á. Trong báo cáo, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á ở mức 7,2% cho năm 2021. Đáng chú ý, mức tăng trưởng này thấp hơn so với dự báo 7,3% mà ADB đưa ra hồi tháng 4. Đáng chú ý, dự báo tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam đã được điều chỉnh giảm xuống còn 5,8% so với mức 6,7% được đưa ra hồi tháng 4. Việc triển triển khai tiêm chủng tương đối chậm, và áp dụng các biện pháp giãn cách kéo dài ở các khu vực tăng trưởng lớn nhất nước có ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông thương mại và hạn chế các hoạt động kinh tế trong năm 2021.
5/ Nông dân trồng mía ở Thái Lan đang đối mặt với hạn hạn nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và ý thức về sức khỏe ngày càng tăng của người tiêu dùng.
Theo dự báo của Tập đoàn các nhà máy sản xuất mía đường Thái Lan (TSMC), sản lượng đường nội địa trong niên vụ 2020-2021 (từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 10 năm nay) sẽ đạt khoảng 6,6 triệu tấn, mức thấp nhất trong một thập kỷ qua và chưa bằng một nửa so mức sản lượng kỷ lục 14,7 triệu tấn trong niên vụ 2017-2018. Rangsit Hiangrat, Tổng Giám đốc TSMC, nói rằng sản lượng đường suy giảm chủ yếu do sản lượng mía không đạt kỳ vọng. Ông nói: “Các nhà máy đường dự báo sản lượng mía chỉ đạt khoảng 70-75 triệu tấn trong niên vụ mới”.
Hạn hán là một yếu tố chính ảnh hưởng đến sản lượng mía. Thái Lan ghi nhận lượng mưa ít hơn bình thường ngay cả trong mùa mưa năm nay. Thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng Thái Lan cũng phần nào giải thích cho sự sụt giảm sản lượng mía đường trong những năm gân đây. Nhằm giải quyết các vấn đề sức khỏe như bệnh béo phì và tiểu đường, Thái Lan bắt đầu áp thuế tiêu thụ đặc biệt tăng thêm đối với đồ uống có đường từ năm 2018. Thuế sẽ tăng dần dựa vào hàm lượng đường có trong 100 ml của sản phẩm được chia theo 5 mức 6-8 g, 8-10 g, 10-14 g, 14-18 g và trên 18 g.
6/ Cơ quan xếp hạng quốc tế Fitch Ratings đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Indonesia từ 5,3% xuống 4,8% trong năm 2021 vì những rủi ro do sự gia tăng đột biến các ca mắc Covid-19 thời gian gần đây. Cơ quan này cho biết mặc dù hạ dự báo tăng trưởng của Indonesia, nhưng Fitch vẫn hy vọng rằng cuộc suy thoái kinh tế ở nước này dự kiến sẽ không trầm trọng thêm trong tương lai. Nguyên nhân là do chính phủ Indonesia đang nỗ lực kiểm soát sự gia tăng các ca mắc Covid-19 bằng lệnh hạn chế các sinh hoạt cộng đồng khẩn cấp (PPKM). Mặt khác, cơ quan trên cũng cho biết không chỉ làm giảm tốc độ phát triển của nền kinh tế, sự gia tăng đột biến các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng có thể tác động đến lĩnh vực tài chính.
7/ Trong phiên giao dịch 19/7 vừa qua, đồng bitcoin đã giảm xuống dưới 30.000 USD lần đầu tiên kể từ ngày 22/6, kéo theo các đồng tiền kỹ thuật số khác cũng xuống giá. Theo số liệu của CoinMarketCap, khoảng 90 tỷ USD đã bị “bốc hơi” khỏi thị trường tiền kỹ thuật số trong 24 giờ qua. Đồng bitcoinđã tụt giảm sau đợt bán tháo trên các thị trường chứng khoán toàn cầu. Trước đó, việc các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về sự biến động của các đồng tiền kỹ thuật số cùng với việc Trung Quốc đang siết chặt hoạt động “đào” bitcoin đã khiến giá trị đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới này ngày 22/6 đã giảm xuống dưới mức 30.000 USD/BTC lần đầu tiên sau gần 5 tháng qua.
8/ Nhật báo Kommersant dẫn nguồn tin cho hay một số nhà sản xuất bánh mỳ Nga đã thông báo với các chuỗi bán lẻ về kế hoạch tăng giá bán thêm khoảng 7-12% từ tháng 8 do chi phí sản xuất cao. Nga, một trong những nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đưa ra một loạt hạn chế xuất khẩu ngũ cốc và giới hạn giá bán lẻ đối với dầu hướng dương và đường kể từ cuối năm 2020, với hy vọng giúp làm giảm tình trạng lạm phát lương thực cao trong nước. Một số nhà sản xuất bánh mì nói với Tờ Kommersant rằng mặc dù giá bán dầu hướng dương và đường đã ổn định, song giá bán các mặt hàng này lại tăng đối với một số nhà sản xuất bánh mỳ. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Nga lại cho biết rằng không có lý do nào để tăng giá bán bánh mỳ bởi giá lúa mỳ trong nước đã giảm 7,2% kể từ đầu năm đến nay.
Một số nhà sản xuất bánh mỳ Nga đã thông báo tăng giá bán thêm khoảng 7-12% từ tháng 8. Ảnh: Reuters
9/ Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) cho biết, Triều Tiên đang thiếu hụt tới 860.000 tấn lương thực và dự báo sang tháng 8 tới quốc gia này sẽ cực kỳ căng thẳng. Nguyên nhân được cho là do hoạt động giao thương giữa Trung Quốc và Triều Tiên 6 tháng đầu năm nay bị gián đoạn vì đại dịch Covid-19 cùng với việc sản xuất nông nghiệp hạn hẹp trong nước đã gây ra tình trạng khủng hoảng thiếu lương thực tại quốc gia trên 25 triệu dân. Số liệu mới nhất của hải quan Trung Quốc vừa công bố cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên đã giảm tới 85,2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 56,77 triệu USD, mức thấp nhất kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu công bố dữ liệu vào năm 2001.
10/ Công ty cung cấp dịch vụ họp trực tuyến Zoom Video Communications Inc của Mỹ đã thông báo thỏa thuận trị giá 14,7 tỷ USD trả bằng cổ phiếu để mua công ty điều hành trung tâm cuộc gọi trên công nghệ điện toán đám mây Five9 Inc cũng của Mỹ, một vụ thâu tóm lớn chưa từng có, khi cạnh trạnh trong lĩnh vực họp trực tuyến cốt lõi của Zoom trở nên khốc liệt hơn. Zoom đã trở thành cái tên quen thuộc và thu hút các nhà đầu tư kể từ khi đại dịch bùng phát khiến các doanh nghiệp và các trường học sử dụng dịch vụ của công ty này để tổ chức các lớp học, các cuộc họp trực tuyến. Five9 Inc sẽ là sự bổ sung cho Zoom Phone, với các khách hàng doanh nghiệp và phần mềm trung tâm cuộc gọi nhằm tối ưu hóa tương tác của khách hàng qua các kênh. Các khách hàng tên tuổi của Five9 bao gồm Under Armour, Lululemon Athletica Inc và Olympus Corp.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Bồi bổ gia đình với các sản phẩm từ Duy Anh Foods