EVFTA : Cơ hội lớn cho ngành tôm

59

Kim ngạch xuất khẩu tôm vẫn giữ được sự ổn định từ quý II/2020 đến nay khi các nước gần như kiểm soát được dịch bệnh. Theo bà Tô Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong nửa đầu tháng 8/2020 xuất khẩu tôm tiếp tục tăng 17,8% (đạt 182,4 triệu USD). Xuất khẩu tôm đến 15/8/2020 tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ 2019 là 8,5% đạt gầbsan 2,1 tỷ USD, chiếm 43,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành thủy sản.

Nuôi tôm công nghệ cao ở Bạc Liêu

Trong các ngành hàng xuất chủ lực, cá tra có mức giảm sâu nhất, trong khi cá ngừ giảm khoảng 15,4 %, tôm tăng 8,5%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam từ 1/1 – 15/8 đạt gần 4,8 tỷ USD, giảm khoảng 5,9% so với cùng kỳ năm 2019. Báo cáo VASEP tại hội nghị “Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ thủy sản” do Bộ NN&PTNT tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 19/9/2020 cho thấy xuất khẩu tôm thẻ chiếm 71,3% kim ngạch xuất khẩu tôm, trong khi tôm sú chỉ chiếm 16,9% kim ngạch xuất khẩu tôm, giảm hơn 14% so với 2019.

Top 5 thị trường xuất khẩu chính của tôm Việt Nam vẫn là: Mỹ, Nhật, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc. Xuất khẩu tôm đã bắt đầu phục hồi và tăng trưởng trở lại ở tất cả các thị trường từ tháng 7 và nửa đầu tháng 8/2020, chỉ riêng thị trường Nhật vẫn  giảm 7,8% trong tháng 7 và giảm 9,9% trong nửa đầu tháng 8/2020. Thị trường EU giảm 2% (giá trị trên 284 triệu USD).

Tính lũy kế đến 15/8/2020 có hai thị trường vẫn tiếp tục giữ được sự tăng trưởng là Mỹ tăng 32%, Anh tăng 14% và Hàn Quốc tăng 8,5%, các thị trường còn lại đều giảm nhẹ từ 0,4 – 2,9%. Tôm là sản phẩm được ưa thích và tiêu thụ ngày càng tăng tại phân khúc nhà hàng, khách sạn. Sự gia tăng sản phẩm tôm tại kênh bán lẻ. Phân khúc sản phẩm tôm organic là xu hướng mới tại thị trường này. Vấn đề là khả năng cung cấp của Việt Nam. Các quốc gia cạnh tranh thủy sản với Việt Nam như: Ấn Độ, Ecuador, Indonesia… đang phải phong tỏa, cách ly chống dịch Covid 19. Do đó nguồn cung giảm 30 -50% sản lượng. Đây là cơ hội lớn cho Thủy sản Việt Nam gia tăng thị phần trên các thị trường, trong đó cơ hội tăng xuất khẩu mạnh ở nhóm các sản phẩm đồ hộp và hàng đông lạnh. Các Doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu tốt, biết tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU trong những tháng cuối năm. Cũng theo VASEP, tỷ trọng sản phẩm tôm GTGT chiếm 40%. Hiện chỉ có sản phẩm tôm Việt Nam là được bày bán trong các siêu thị lớn của Châu Âu; tuy nhiên chỉ mới tập trung tại các nước Bắc và Tây Âu.

Quản lý chất lượng đang là thách thức với ngành tôm. Giá thành tôm Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực Châu Á, trong khi đó hai quốc gia cạnh tranh là Indonesia và Ấn Độ có giá bán thấp hơn nhiều so với tôm Việt Nam. Vấn đề này có thể kể đến khâu nuôi (quản lý từ con giống, thức ăn đến các công đoạn nuôi thành phẩm); Các chương trình kiểm soát dư lượng hóa chất kháng sinh.

Các vấn đề về mạ băng, tăng trọng đang được các nước châu Âu tăng cường kiểm soát. Đặc biệt kiểm soát chặt chẽ việc công bố trên nhãn hàng hóa.

bài, ảnh: Ngọc Bích