Ga Sài Gòn

Ga Sài Gòn

(Vietnamtimes)-Ga Sài Gòn là một trong những nhà ga xe lửa lớn của VN, tọa lạc tại Quận 3, TP. Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố khoảng 1 km. Ga Sài Gòn là nhà ga cuối cùng trên tuyến đường sắt Bắc Nam, là điểm cuối của đường sắt Việt Nam. Ga được xây dựng từ thời Pháp thuộc và được nâng cấp sửa chữa nhiều lần.

Vietnamtimes xin giới thiệu đến độc giả chùm ảnh Ga Sài Gòn của tác giả Hữu Khoa:

Nằm ở điểm cuối hành trình trên tuyến đường sắt xuyên Việt nhưng ga Sài Gòn lại là công trình đầu tiên do người Pháp khởi công khi tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho dài 71 km được xây dựng năm 1881 và hoàn thành năm 1885.

Ngày 20/07/1885, chuyến tàu đầu tiên xuất phát từ ga Sài Gòn, vượt sông Vàm Cò Đông bằng phà tại Bến Lức, đến ga cuối cùng tại trung tâm thành phố Mỹ Tho đánh dấu sự ra đời của tuyến Đường Sắt Việt Nam. Đến nay toàn bộ tuyến đường sắt sài Gòn -Mỹ Tho đã bị tháo dỡ, nhưng những ký ức về tuyến Đường sắt đầu tiên tại Việt Nam đã in sâu vào trong tâm trí của người dân Sài Gòn và các tỉnh phía Nam.

Hồi ấy, ga Sài Gòn tọa lạc cạnh bùng binh chợ Bến Thành (trên nền khuôn viên công viên 23/9 Quận 1 – thành phố Hồ Chí Minh bây giờ). Xuất phát từ ga Sài Gòn, đường sắt mở thêm 2 tuyến: Sài Gòn – Lộc Ninh dài 127 km có 17 ga và Sài Gòn – Hà Nội khởi công năm 1906, hoàn thành thông tuyến 1936, giúp cho việc đi lại trở nên thuận tiện, hàng hóa miền Tây, miền Đông và khu vực miền Trung lưu thông.

Nam bộ kháng chiến, ga Sài Gòn là nhân chứng của thời kỳ 1946-1954, tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho lại bị chia cắt nhiều đoạn, tuyến Lộc Ninh cũng hư hại… Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, chính quyền Sài Gòn cố gắng đầu tư khôi phục tuyến Sài Gòn – Đông Hà để phục vụ chiến tranh nhưng bị quân và dân ta liên tục đánh phá cắt vụn tuyến đường này. Đến năm 1974, đường sắt Việt Nam chỉ còn 365 km trong đó có khu đoạn Sài Gòn – Biên Hòa còn hoạt động thường xuyên.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 14-11-1975, Chính phủ quyết định khôi phục tuyến đường sắt Bắc Nam sau 30 năm gián đoạn. Trong thời gian hơn một năm, Nhà nước và nhân dân ta đã tập trung nhân lực, vật lực hoàn thành thông tuyến vào ngày 31-12-1976. Ga Sài Gòn tưng bừng cờ hoa tiễn đoàn tàu Thống Nhất đầu tiên ra thủ đô Hà Nội và tay bắt mặt mừng đón đoàn tàu từ Hà Nội chạy vào trong niềm hân hoan phấn khởi của nhân dân cả nước.

Năm 1978, thực hiện chủ trương chỉnh trang quy hoạch đô thị của uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ga Sài Gòn rời về ga Bình Triệu, đồng thời nâng cấp, tu sửa ga hàng hóa Hòa Hưng cũ để thành ga hành khách Sài Gòn.

Tháng 11-1983, ga Sài Gòn chính thức đi vào hoạt động, khai thác. Với diện tích 40.000 m2, thuộc phường 9, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, ga Sài Gòn nhanh chóng lấy lại vị thế, tên tuổi và tình cảm của người dân Nam bộ, đặc biệt là hành khách đi tàu Nam Bắc.

Sau hơn 15 năm đổi mới đến nay, ga Sài Gòn không ngừng được nâng cấp, cải tạo, tu bổ, chỉnh trang, đầu tư nhiều trang thiết bị nghe nhìn, máy lạnh, máy rút tiền tự động, bán vé điện toán…

Hiện nay ga Sài Gòn là ga hành khách trọng điểm của ngành Đường sắt, là đầu mối giao thông quan trọng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và tuyến đường sắt Thống nhất Bắc Nam, ga trực thuộc sự quản lý của Công ty Vận tải hành khách Đường sắt Sài Gòn.

Hữu Khoa