Gần 100 doanh nghiệp nước mắm hội tụ tại Lễ hội Nước mắm truyền thống lần thứ 1-2024
Tối ngày 23/10, tại khu vực Thương xá Tax (cũ) – 141 Nguyễn Huệ, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hiệp hội nước Mắm truyền thống Việt Nam và các Sở, Ban, Ngành thành phố tổ chức Lễ hội Nước mắm truyền thống – Lần I năm 2024. Lễ hội diễn ra từ ngày 23/10 đến ngày 27/10/2024 với nhiều chương trình hoạt động.
Lễ hội Nước mắm truyền thống với quy mô trên 150 gian hàng, của gần 100 doanh nghiệp. Đây là hoạt động kết nối du lịch trải nghiệm ẩm thực Việt Nam cho các sản phẩm nước mắm truyền thống, các món ăn đặc trưng vùng miền đến người tiêu dùng, khách du lịch trong nước và quốc tế. Đặc biệt là việc quảng bá văn hoá ẩm thực nước mắm truyền thống của người Việt Nam đến các cơ quan ngoại giao, tham tán nước ngoài, đầu bếp, chuyên gia ẩm thực quốc tế tại Việt Nam. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của ngành, góp phần thúc đẩy du lịch, thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm nước mắm truyền thống và ẩm thực có sử dụng nước mắm trong chế biến, góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia nước mắm truyền thống Việt Nam tại thị trường thế giới.
Phát biểu khai mạc Lễ hội Nước mắm truyền thống, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, thông qua Lễ hội này, TPHCM mong muốn tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển và sản xuất nước mắm theo hướng bền vững, vừa bảo tồn những giá trị truyền thống, vừa thích ứng với nhu cầu của thời đại mới. Thành phố cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy các sản phẩm truyền thống, không chỉ trong nước mà còn cả trên thị trường quốc tế.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Lễ hội Nước mắm truyền thống là một nỗ lực đáng ghi nhận nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của nước mắm, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp này. Thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, Lễ hội tạo ra những cơ hội quý giá để các doanh nghiệp kết nối, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm nước mắm truyền thống đến với đông đảo người tiêu dùng.
Chia sẻ tại Lễ hội, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM cho biết, những năm gần đây, nước mắm truyền thống Việt Nam đang nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng quốc tế. Do đó, sự kiện lễ hội về nước mắm được xem là một bước tiến mới cho nghề làm nghề nước mắm truyền thống trong bối cảnh thị trường đang khó khăn hiện nay. Và tại buổi khai mạc, bà Lý Kim Chi cũng giới thiệu đến quan khách và các doanh nghiệp những đối tác đến từ Mỹ đến lễ hội để xúc tiến nước mắm truyền thống Việt Nam đến hệ thống siêu thị bên Mỹ.
Là một doanh nghiệp tham gia có gian trưng bày tại Lễ hội nước mắm, ông Võ Thành Duy – Đại diện công ty Nước mắm Khải Hoàn – Phú Quốc tại TP.HCM cho hay, “Khải Hoàn đến sự kiện với mong muốn quảng bá nước mắm truyền thống Phú Quốc. Đây là một cơ hội tiếp cận thị trường mới tới người tiêu dùng tại thành phố. Trước đây, chúng tôi đa phần tập trung vào sản xuất mà thiếu đi tính quảng bá, truyền thông, marketing để mọi người biết và hiểu về sản phẩm của Khải Hoàn”.
Bên cạnh đó, theo ông Duy, trong những năm gần đây, người tiêu dùng đã có sự thay đổi tích cực trong việc lựa chọn và sử dụng nước mắm truyền thống. Họ không chỉ dùng nhiều hơn cho gia đình mà còn mua làm quà tặng cho người thân, bạn bè, đặc biệt là trong dịp Tết và lễ. Nước mắm truyền thống đã trở thành một lựa chọn quà tặng hữu ích và gắn kết tình cảm.
Về thị trường xuất khẩu, theo ông Duy, đây là một bài toán hiện tại và tương lai mà các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống và bản thân Khải Hoàn đang hướng tới. Với Khải Hoàn chúng tôi đã chuẩn bị nền tảng tốt cho điều này. Thị trường Mỹ là một thị trường khó tính, nhưng chúng tôi đã xuất khẩu thành công.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Thiên Ân – Phó giám đốc Phụ trách kinh doanh và Truyền thông nước mắm Hạnh Phúc, sản phẩm nước mắm của công ty định vị thương hiệu sản phẩm ở phân khúc cao rất tương xứng và phù hợp với tiêu chuẩn, chất lượng mà doanh nghiệp áp dụng.
“Do đó, trong hơn 20 năm qua, sản phẩm nước mắm cao đạm của Hạnh Phúc luôn có một nhóm khách hàng trung thành và hiểu giá trị của thương hiệu này, và Lễ hội nước mắm truyền thống là dịp để chúng tôi tăng cường sự tương tác và tri ân khách hàng”, ông Thiên Ân nói.
Còn với đầu bếp Trần Ngọc Nghĩa, từ lâu chị đã coi nước mắm là một trong những nguyên liệu quan trọng trong chế biến thức ăn của mình.
Đầu bếp Nghĩa cho hay, nước mắm là một thành phần không thể thiếu trong các món ăn truyền thống của Việt Nam, từ bếp nhà đến nhà hàng, khách sạn. Khi cho nước mắm vào các món như canh chua, cá kho, thịt kho, nó sẽ tạo nên hương vị đặc trưng và màu sắc đẹp mắt cho các món ăn.
“Khi đi quảng bá ẩm thực Việt Nam ở các nước châu Âu, châu Á, nước mắm truyền thống được mang theo cùng với các nguyên liệu khác. Khi giới thiệu các món như gỏi cuốn, chả giò, nước mắm truyền thống đóng vai trò quan trọng, tạo nên hương vị đặc trưng. Tại những sự kiện này, khi thực khách quốc tế thử nước mắm, họ rất hài lòng và thích thú với hương vị của nó, dù ban đầu, thực khách quốc tế không muốn thử nước mắm vì nghĩ là “nước sốt lạ”. Tuy nhiên, sau khi thử, họ rất hài lòng và khen ngợi hương vị của nước mắm, yêu cầu ăn thêm”, đầu bếp Trần Ngọc Nghĩa kể.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động bên lề Lễ hội Nước mắm truyền thống được Ban tổ chức thực hiện như:
Không gian triển lãm, trưng bày và giới thiệu nước mắm truyền thống và gia vị Việt được xếp đặt theo chủ đề: Giới thiệu lịch sử, quy trình sản xuất nước mắm truyền thống, giá trị di sản làng nghề, văn hoá ẩm thực thông qua hình ảnh, phim, tài liệu,…; Di sản Làng nghề nước mắm Việt Nam; Triển lãm ứng dụng nước mắm truyền thống Việt Nam trong thực phẩm, ẩm thực theo hướng Đổi mới sáng tạo, bền vững.
Không gian Ẩm thực Việt gắn với nước mắm truyền thống Việt Nam: Giới thiệu vai trò của nước mắm truyền thống trong văn hoá ẩm thực, thói quen ăn uống của người Việt. Nước mắm truyền thống không chỉ là nguyên liệu chế biến, gia vị đặc hữu trên mâm cơm Việt, món ăn Việt; Các hoạt động giới thiệu món ăn, thức uống sử dụng nước mắm truyền thống Việt Nam trong chế biến, với các phong cách truyền thống và đổi mới sáng tạo, hội nhập; Giá trị dinh dưỡng của nước mắm truyền thống;
Không gian trải nghiệm hành trình nước mắm Việt bằng nghệ thuật xếp đặt, nơi khách tham dự có thể tham gia các hoạt động cộng đồng, check in các cụm tiểu cảnh: Khu vực nước mắm truyền thống, không gian muối Việt, công cụ, dụng cụ, nguyên liệu,…theo vùng miền liên quan đến phương thức sản xuất nước mắm truyền thống đặc trưng.
Không gian thương mại sản phẩm nước mắm truyền thống và phát triển đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong chế biến sâu các sản phẩm từ nước mắm truyền thống Việt Nam; Khu vực ẩm thực vùng miền với các món ăn sử dụng nước mắm trong chế biến nhằm phục vụ thực khách tham quan và trải nghiệm tại Lễ hội trong các ngày diễn ra sự kiện.
Một số hình ảnh tại sự kiện Lễ hội nước mắm truyền thống lần thứ nhất tại TP.HCM: