Giá laptop tại Việt Nam tăng đến 10% do dịch bùng phát tại Đài Loan

    491
    Trong một nhà máy của hãng bán dẫn TSMC của Đài Loan. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng của ngành chip Đài Loan ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp điện tử và xe hơi toàn cầu. Ảnh: TSMC
    Tiêu điểm:

    Giá laptop tại Việt Nam tăng đến 10% do dịch bùng phát tại Đài Loan

    Giá laptop tại thị trường Việt Nam có thể tăng từ 5-10% từ đầu tháng 7 tới do tình hình khan hiếm và gián đoạn chuỗi cung ứng chip tại Đài Loan – chủ yếu gây ra bởi dịch bệnh và nạn khô hạn tại đây.
    Trong thư gửi các đại lý và đối tác Việt Nam cách đây hai tuần, hãng Acer có trụ sở tại Đài Loan lưu ý rằng giá máy tính xách tay các loại sẽ tăng từ quý 3 do chi phí sản xuất gia tăng. Trên thị trường Việt Nam, giá các dòng máy Acer Nitro 5 AN515-44-R9JM và AN515-55-5923 sẽ lần lượt tăng gần 5% và 10% lên 22 triệu đồng (956,5 USD) và 24 triệu đồng (1.043 USD).
    Hãng Asus của Đài Loan cũng có kế hoạch tăng giá tương tự từ 5-10%.
    Đài Loan chiếm vị thế “độc tôn” với hơn 60% sản lượng ngành công nghiệp chất bán dẫn trên toàn cầu (nhưng lại đứng sau Mỹ về doanh số do giá trị của từng loại chip xê dịch từ vài đô cho đến hàng ngàn đô). Các nhà máy chế tạo smartphone, máy tính, hàng điện tử tiêu dùng và xe hơi đều phụ thuộc vào các con chip sản xuất tại Đài Loan. Làm việc và giải trí tại nhà đã khiến số thiết bị điện tử sử dụng tăng vọt, gây ra nạn khan hiếm chip toàn cầu. Các đợt hạn hán từ tháng 3 năm nay tại Đài Loan đã khiến tình trạng khan hiếm chip trầm trọng hơn.
    Đợt bùng phát dịch mới từ cuối tháng 4 tại hòn đảo cũng khiến nhiều nhà máy chip đóng cửa. Hôm 6/5, nhà chức trách Đài Loan đã ra lệnh cho hãng điện tử King Yuan đóng cửa. Đây là hãng cung ứng dịch vụ kiểm tra chip hàng đầu thế giới với các khách hàng lớn như Nvidia, Intel, MediaTek và nhiều nhà phát triển chip lớn trên thế giới.
    Tiếp theo King Yuan, hãng cung ứng dịch vụ kiểm tra và đóng gói chip Greatek Electronics và hãng dịch vụ kết nối mạng Accton Technology hôm 7/5 đã tạm dừng hoạt động.
    Cả ba nhà máy trên đã có thêm 263 ca nhiễm mới tính đến hết ngày 6/5, trong đó có 219 công nhân người nước ngoài, phần lớn là Philippines và sau đó là Việt Nam.
    Tình hình gián đoạn cung ứng tại Đài Loan, cũng như Ấn Độ và Việt Nam do ảnh hưởng của dịch bệnh có thể khiến giá các mặt hàng điện tử gia tăng. Ông Nguyễn Ngọc Đạt, Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng Di Động Việt, nói rằng người tiêu dùng Việt Nam sẽ phải chi trả nhiều hơn khi mua laptop vào cuối năm nay. Giá máy tính xách tay tăng giảm phụ thuộc vào tốc độ hồi phục tại các trung tâm sản xuất trên toàn cầu.
    Hiện giá laptop tại Việt Nam sẽ giữ nguyên cho đến hết tháng 6 này vì các nhà bán lẻ có sự chuẩn bị tốt nguồn cung để thích nghi với diễn biến khó khăn hiện nay. Các chuỗi cửa hàng điện tử trong nước như CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) và FPT Shop đã tăng tốc nhập khẩu các loại máy tính xách tay, điện thoại thông minh và các sản phẩm điện tử khác để có kho hàng dồi dào.
    “Chúng tôi đã dự đoán được sự khan hiếm các mặt hàng chip. Vì vậy, chúng tôi đã liên tục tích trữ nguồn cung laptop để phục vụ nhu cầu công việc từ nhà trong mùa dịch”, Giám đốc quan hệ công chúng Đặng Thanh Phong của MWG nói. Hiện thương hiệu này vẫn giữ nguyên giá bán và thực hiện các kế hoạch khuyến mãi, giảm giá.
    FPT Shop cũng có bước đi tương tự. Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc bộ phận viễn thông di động FPT Shop, nói rằng hãng này đã dự trữ đủ hàng trong kho đối với các mặt hàng cốt lõi. Ông nói “hàng trong kho đủ bán 35-40 ngày trước khi có đợt nhập hàng mới”.
    MWG và FPT Shop đang dẫn đầu thị trường sản phẩm di động và điện tử trong nước với tổng thị phần gần 80% tính đến quý 1 năm nay. Hai hãng bán lẻ đạt tăng trưởng doanh số đầy ấn tượng do nhu cầu làm việc tại nhà lớn.
    Trong báo cáo tài chính mới nhất, MWG cho biết doanh thu từ mảng máy tính xách tay năm ngoái đạt 3.500 tỷ đồng (hơn 152 triệu USD), tăng 40% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng FPT Shop cũng ghi nhận mức tăng 60% trong mảng máy tính xách tay. 
    Bản Tin Thị Trường
    1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,75 – 57,35 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 200.000 đồng/lượng chiều bán ra, chênh lệch hai đầu vẫn giữ mức 600.000 đồng như tuần trước. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.887 USD/ounce, giảm nhẹ 5 USD, tương đương 0,26% so với chốt phiên trước. Trong tuần trước, giá vàng có phiên giảm mạnh khiến nhiều người lo ngại xu hướng tăng đã đứt gãy. Tuy nhiên, phiên hồi mạnh vào hôm Thứ sáu tuần rồi cho thấy đà tăng của kim loại quý vẫn còn khả năng kéo dài.
    2/ Theo Bộ Công Thương, dù khối lượng xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm nay giảm 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng bù lại giá xuất khẩu gạo lại tăng tới 11,9% (đạt bình quân 543 USD/tấn). Nhờ đó kim ngạch xuất khẩu gạo thu về trong 5 tháng đầu năm 2021 không giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ giảm 0,7%. Được biết, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Phân tích về các nước xuất khẩu gạo trên thế giới, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) mới đây đã đưa ra dự báo cho năm 2021, Ấn Độ tiếp tục là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, dự kiến xuất 15,5 triệu tấn, tăng 940.000 tấn so với năm 2020. Trong khi đó, Việt Nam duy trì giữ vị trí thứ hai với 6,4 triệu tấn, tăng 233.000 tấn. Đứng thứ ba là Thái Lan dự kiến đạt 6,1 triệu tấn, tăng gần 400.000 tấn.

    3/ Công ty cổ phần IPP Air Cargo mà ông Johnathan Hạnh Nguyễn là Chủ tịch Hội đồng quản trị đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thành lập hãng hàng không chở hàng. Đây là doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) có trụ sở tại TPHCM, tập đoàn kinh doanh bán lẻ và chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế tại Việt Nam. Theo hồ sơ, thì dự án hàng không của ông “vua hàng hiệu” có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
    Ông Johnathan Hạnh Nguyễn hy vọng được phê duyệt dự án đầu tư và nhận giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vào quý 3 năm nay; lấy chứng chỉ nhà khai thác tàu bay vào quý 4 và thực hiện chuyến bay đầu tiên vào quý 2/2022. “Ông vua hàng hiệu” cũng nói rằng hãng có thể khai thác 5 máy bay cargo trong năm đầu tiên, tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và có 10 chiếc trong năm thứ ba.
    4/ Bất chấp đại dịch, Kido vẫn ra mắt chuỗi cửa hàng, ki-ốt và xe đẩy bán kem, trà sữa, cà phê… với mục tiêu đạt 1.000 cửa hàng năm 2025. Chuỗi cửa hàng, ki-ốt và xe đẩy này sẽ bán các loại sản phẩm giải khát mang thương hiệu Chuk Chuk. Những cửa hàng đầu tiên của Chuk Chuk tại TP HCM sẽ mở cửa từ tháng 6. Ngoài ra, hệ thống ki-ốt và xe đẩy dự kiến cũng sẽ đi vào hoạt động trong tháng 7 năm nay. Thương hiệu Chuk Chuk sẽ trực thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại TTV – một thành viên của Tập đoàn Kido. Tổng vốn đầu tư là 100 tỷ đồng, trong đó Kido tham gia 61% vốn để nắm quyền chi phối và sẽ tiếp tục tăng vốn đầu tư để mở rộng quy mô trong tương lai. Tập đoàn đặt mục tiêu năm 2025 sẽ đạt 1.000 cửa hàng trên toàn quốc với tổng doanh thu 7.800 tỷ đồng.
    5/ Tiếp nối thành công của kỳ triển lãm đầu tiên vào năm 2020, Triển lãm quốc tế lần thứ 2 về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam – VIMEXPO 2021 sẽ chính thức trở lại từ ngày 27 đến 29/10/2021 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE Hanoi. Với mục tiêu “Kết nối để phát triển”, VIMEXPO 2020 là triển lãm chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo lần đầu tiên được tổ chức nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 115 của Chính phủ, đưa ra các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
    6/ Ngành chăn nuôi heo Trung Quốc đang hồi phục dần. Mặc dù vẫn chưa hồi phục hoàn toàn bằng mức trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi, song đàn heo nái vẫn giữ mức ổn định trong năm 2020 và dự báo sẽ tăng vào cuối năm nay, khi nước này tiếp tục nỗ lực tái đàn. Tuy nhiên, ngay cả khi sản lượng của Trung Quốc tăng thì dự báo nước này vẫn thiếu thịt heo và vẫn phải tiếp tục nhập khẩu với khối lượng lớn. Theo dự báo, thì trong năm 2021 Trung Quốc sẽ nhập khẩu tổng cộng 3,5 – 5 triệu tấn thịt heo và các loại thịt khác và không loại trừ khả năng xu hướng này sẽ còn tiếp diễn. Được biết, nguồn cung thịt trong nước ở Trung Quốc vẫn hạn chế và dự báo người dân sẽ vẫn phải mua thịt với giá cao trong những tháng tới.
    7/ Giá dầu mở đầu phiên đầu tuần sáng ngày 7/6 tiếp tục đà tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua nhờ triển vọng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu sáng sủa hơn. Cụ thể, giá dầu Brent giao kỳ hạn tháng 8 tăng 28 cent, tương đương 0,4% lên mức 72,17 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 5/2019. Giá dầu WTI giao kỳ hạn tháng 7 cũng cán mốc 70 USD lần đầu tiên kể từ tháng 10/2018. Theo các nhà phân tích, nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ vượt mức cung trong nửa cuối năm dù việc cắt giảm sản lượng của nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) đang được nới lỏng. Ngoài ra, tiến trình đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân tại Iran chậm lại và sự sụt giảm số lượng giàn khoan của Mỹ cũng là những nhân tố hỗ trợ giá dầu.
    8/ Theo CNBC, Tổng thống El Salvador sẽ đề xuất dự luật cho phép giao dịch hợp pháp Bitcoin tại quốc gia này. Nếu luật được thông qua, El Salvador có thể trở thành đất nước đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa các giao dịch Bitcoin. Được biết, chính phủ El Salvador sẽ hợp tác với công ty ví điện tử Strike để xây dựng khuôn khổ pháp lý dành cho tiền mã hóa. Strike cho rằng Bitcoin sẽ giúp các quốc gia như El Salvador tự bảo vệ trước những “tác động bất ngờ” mà tình trạng lạm phát của các loại tiền tệ truyền thống có thể gây ra. Theo CNBC, lượng kiều hối chiếm khoảng 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia Bắc Mỹ này. Nếu chấp nhận Bitcoin, các giao dịch sẽ diễn ra nhanh chóng hơn, không phải chịu phí cao như hiện nay.
    9/ Từ ngày 7/6, Tây Ban Nha bắt đầu mở cửa biên giới cho tất cả những người đã được tiêm chủng, với kỳ vọng sẽ hồi sinh lĩnh vực du lịch sau những tổn hại mà đại dịch Covid-19 đã gây ra. Quy định mới cũng cho phép các du thuyền cập cảng từ ngày 7/6. Công dân châu Âu chưa được tiêm chủng có thể nhập cảnh vào Tây Ban Nha với kết quả xét nghiệm PCR âm tính có hiệu lực trong 72 giờ. Họ cũng có thể được xét nghiệm kháng nguyên với chi phí rẻ hơn. Chính phủ Tây Ban Nha đã đặt mục tiêu thu hút 45 triệu khách du lịch vào cuối năm nay, nhưng mới chỉ đạt 1,8 triệu người tính đến cuối tháng 4. Lĩnh vực du lịch của Tây Ban Nha hy vọng vào làn sóng du khách tăng mạnh trong mùa du lịch Hè này.
    Trong khi đó, Pháp cũng sẽ mở cửa cho khách du lịch hè. Ngược lại, du khách Anh đang ở nước ngoài phải hủy bỏ chuyến đi giữa chừng để trở về nước. Họ lo ngại tình trạng bùng dịch ở nhiều địa phương có thể khiến chính phủ tiến hành phong tỏa, làm họ bị “nhốt” ở bên ngoài.
    Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại San Sebastian, Tây Ban Nha, ngày 22/5/2021.
    10/ Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 5 tăng tốc nhanh nhất trong 10 năm qua do giá cả hàng hóa tăng cao, trong khi tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn kỳ vọng. Theo đó, xuất khẩu của Trung Quốc (tính theo USD) trong tháng 5 tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng trưởng 32,3% của tháng 4 và đồng thời thấp hơn mức dự báo 32,1% của các nhà phân tích. Trong khi đó, nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 5 bật tăng 51,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức tăng 43,1% ghi nhận trong tháng 4. Đây là mức tăng trưởng nhập khẩu nhanh nhất của Trung Quốc kể từ tháng 1/2011.
    Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
    Singapore tăng cường tuyển dụng từ xa nhân tài công nghệ