Giá thức ăn chăn nuôi tăng 40%, doanh nghiệp phải hủy con giống, ngừng nuôi mới

399
Tiêu điểm

Giá thức ăn chăn nuôi tăng 40%, doanh nghiệp phải hủy con giống, ngừng nuôi mới

Vừa sang tháng 8, nhiều hãng thức ăn chăn nuôi trong nước đã gửi thông báo tới  khách hàng và đại lý về đợt điều chỉnh giá mới. Trong khi đó, do hạn chế đi lại và vận chuyển của các địa phương, gà, bò và heo đến lứa bị nghẽn kênh tiêu thụ. Một số nơi buộc phải hủy đàn gà giống.
Hàng loạt doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi đã thông báo tăng thêm ít nhất là 250 đồng, có nơi 4.000 đồng mỗi ký thức ăn, tùy chủng loại. Tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 8 lần liên tiếp, thậm chí có doanh nghiệp tăng tới 9 lần, mắc hơn trước 30-40%. Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói nguyên nhân giá thức ăn chăn nuôi tăng là do “biến động của thị trường nguyên liệu thế giới”.
Trong diễn đàn trực tuyến cuối tuần rồi, Cục Chăn nuôi cho biết tình hình chăn nuôi của các địa phương ổn định, nguồn cung lớn. Tuy vậy, các biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc di chuyển và vận tải hàng hóa, việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, nhất là gia cầm.
Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, cho biết gà lông trắng hiện có giá chỉ 6.000-7.000 đồng/kg, giá chỉ bằng 20% so với giá 32.000 đồng lúc trước. Nhưng với giá rẻ bèo “một con gà không bằng ký cà”, nhiều nơi vẫn không bán được, phải đem đi cho.
Trong khi đó, Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân cho biết tỉnh còn tồn đọng khoảng 1 triệu con gà không tiêu thụ được dù giá đã xuống rớt sàn còn 7.000 đồng/ký. Ông nói người chăn nuôi đang chịu lỗ khoảng 20.000 đồng mỗi con gà nặng 2,5-3 ký. Như vậy, đàn gà dư thừa đang là món lỗ đến 50 tỉ đồng – theo tính toán của ông Xuân.
Nhiều trang trại đã phải đốt bỏ cả gia sản là đàn gà. “Một quyết định không hề đơn giàn”, ông Xuân phát biểu.
Đại diện của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ nói rằng chuyện đốt bỏ gà giống là chuyện của mấy chục năm trước do kiểu chăn nuôi theo phong trào, không cần thị trường. “Giờ trang trại có đầu ra, có nơi tiêu thụ thì mới bắt đầu làm. Thực tế lại là số con giống lẽ ra phải từ lò ấp ra trại nuôi lại phải đem đi thiêu hủy bởi lứa gà thịt trước đang còn nằm trại,”, ông Quyết cho biết.
Các trại gà giống buộc phải dừng ấp trứng. “Gà mái vẫn phải tiếp tục cho ăn để đẻ trứng, chứ không thể ngưng được vì ngưng coi như sạt nghiệp”, ông Quyết tiếp tục. Thay vì trứng đưa vào lò ấp thành gà giống được bán 7.000-8.000 đồng thì người dân chuyển sang bán hột gà thương phẩm 3.000-4.000 đồng/trứng, tức giảm 50-60% so với trứng gà để làm giống.
Đại diện của hiệp hội chăn nuôi cho biết, theo kế hoạch thì vài ngày nữa, trại gà của ông sẽ thả nuôi mới với số lượng 250.000 con. Dự kiến 32 ngày sau, gà sẽ xuất chuồng. “Tình hình dịch Covid-19 rất khó đoán định, không biết sắp tới như thế nào. Giờ tôi rất đắn đo là nên thả nuôi tiếp hay đốt bỏ con giống”.
Bản Tin Thị Trường

1/ Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhiều nhà máy thuỷ sản khó thực hiện 3 tại chỗ nên đã ngưng sản xuất và số còn lại cũng đang duy trì trong khó khăn. Theo đó, hiện nay chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”. Nhưng các doanh nghiệp này cũng cực kỳ khó khăn trong duy trì sản xuất vì chi phí tăng vọt và chỉ có thể huy động 30-50% số lượng lao động. Đặc biệt, công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây. Dự tính công suất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30-40%. Các vật tư, phụ liệu, bao bì… phục vụ chế biến thủy sản cũng bị thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%.1/

2/ Theo WSJ, nền kinh tế châu Á đối mặt nguy cơ bị thế giới bỏ lại phía sau khi nhiều quốc gia buộc phải kéo dài giãn cách để chống biến chủng Delta, khiến sản xuất và xuất khẩu lao dốc. Báo cáo của IHS Markit cho biết các nền kinh tế Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia và Malaysia, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi biến chủng Delta hoành hành. Hoạt động sản xuất ở các quốc gia này gặp rất nhiều khó khăn. Các chuyên gia cũng cho rằng nếu biến chủng Delta tiếp tục lây lan nhanh trong khi tốc độ tiêm chủng không theo kịp, châu Á có thể hứng chịu những hậu quả kinh tế dài hạn. Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoảng 40% dân số ở các nền kinh tế phát triển đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Tỷ lệ này ở các nền kinh tế mới nổi chỉ là 20%. Tại nhiều quốc gia Đông Nam Á, tỷ lệ tiêm đủ hai mũi rất thấp, ví dụ Thái Lan chỉ 6%, Indonesia và Philippines 8%.

3/ Giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn hiện vẫn đang ở mức 56,5 – 57,2 triệu đồng/lượng, không đổi so với giá ngày hôm trước 2/8. Chênh lệch giá mua vào và bán ra vẫn đang ở mức 700.000 đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.811,2 USD/ounce, giảm 2,6 USD, tương đương 0,14% so với chốt phiên trước.

4/ Theo số liệu của Counterpoint Research, doanh số smartphone tại Việt Nam trong quý 2 vừa rồi tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các hãng Trung Quốc chiếm khoảng một nửa thị phần. Nhu cầu tăng nhanh và nhiều người dùng mới ở phân khúc điện thoại phổ thông đóng góp vào sự tăng trưởng này. Thị trường điện thoại thông minh tăng trưởng tốt trong 2 tháng đầu quý trong khi tháng thứ 3 chứng kiến sự sụt giảm mạnh về sản lượng do Việt Nam đối mặt với đợt dịch bùng phát mạnh nhất từ trước tới nay trong tháng 6. Được biết, Samsung đứng đầu thị trường với 37% thị phần với các sản phẩm chủ chốt thuộc phân khúc tầm trung và giá rẻ. Trong khi Xiaomi chiếm vị trí thứ 2 với 17% thị phần nhờ thành công của dòng Redmi 9 và dòng Note 10. Ngoài ra, Oppo và Vivo lần lượt đứng ở vị trí thứ 3 và thứ 4.

Thị phần smartphone tại Việt Nam trong quý 2/2020 và quý 2/2021. Nguồn: BizLive

5/ Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 7 đã giảm hơn 1,35 tỷ USD, tương đương khoảng 2,5%, so với tháng 6, trong đó chủ yếu giảm ở xuất khẩu. Hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam giảm do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tại một số trung tâm công nghiệp như Bắc Ninh, Bắc Giang, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội… Hiện chỉ có các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang đã thoát ra khỏi vòng vây dịch bệnh và hoạt động bình thường. Còn nhiều nhà máy, doanh nghiệp ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai vẫn phải tạm ngừng hoạt động do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng đầu năm, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn gia tăng.

6/ Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông qua đợt bơm tiền quy mô đến 650 tỷ USD nhằm hỗ trợ cho các nước giải quyết gánh nặng nợ chồng chất và tác động tồi tệ của đại dịch Covid-19. Đây là đợt xuất quỹ lớn nhất của định chế tài chính quốc tế này từ khi thành lập. Theo Bloomberg, IMF đã lập quỹ dự trữ, vốn được biết đến với cái tên quyền rút vốn đặc biệt (SDR), đầu tiên tính từ khi các nước được cho phép rút ra 250 tỷ USD trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.

Trong đợt bơm tiền lần này, khoảng 21 tỷ USD sẽ đến các nước nghèo và đang phát triển; 212 tỷ USD sẽ đến các nước mới nổi và đang phát triển khác. Việc phân bổ vốn lần này có ý nghĩa rất lớn với châu Phi, khu vực này hưởng lợi khoảng 33 tỷ USD quyền rút vốn SDR. Pháp đã cam kết sẽ phân bổ một phần SDR cho các nước trên châu lục này.

7/ Hãng hàng không lớn thứ ba Brazil là Azul đã công bố kế hoạch chi 1 tỷ USD để mua 220 máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng bằng điện (eVTOL) từ công ty Lilium của Đức, với mục đích triển khai mạng lưới “taxi bay” này tại Brazil vào năm 2025. Thỏa thuận mua eVTOL với Lilium của Azul nằm trong chiến lược giảm lượng khí thải carbon với việc xây dựng đội bay chạy 100% bằng điện của hãng này. Theo Lilium, “taxi bay” của hãng có sức chở tối đa năm hành khách và hoàn toàn chạy bằng điện, một thành phần quan trọng trong việc tạo ra một chiếc xe sử dụng năng lượng bền vững di chuyển trong các thành phố với tác động sinh thái ở mức tối thiểu. Công ty này đã được Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) cấp giấy chứng nhận theo quy định mẫu máy bay eVTOL đầu tiên trên thế giới.

Máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng bằng điện (eVTOL) từ công ty Lilium của Đức. Ảnh: Lilium

8/ Trung Quốc đang đưa an toàn sinh học cho heo lên một tầm cao mới. Một tòa nhà cao 13 tầng ở miền nam nước này đã được trưng dụng để nuôi 10.000 con heo. Heo tại đây được sống trong môi trường an ninh nghiêm ngặt với camera giám sát, lối ra vào hạn chế, dịch vụ thú y tại chỗ và bữa ăn được chuẩn bị cẩn thận. Theo đó, “khách sạn cao tầng” dành cho heo đang là một giải pháp mới của Trung Quốc để bảo vệ đàn heo trước những dịch bệnh như tả heo châu Phi. Được biết, mô hình này được xây dựng bởi các công ty bao gồm Muyuan Foods và New Hope Group, mô phỏng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt mà các nhà cung cấp lớn ở các quốc gia khác đã sử dụng để ngăn chặn sự bùng phát của căn bệnh.

9/ Nhật Bản dự định sẽ bắt đầu tiêm mũi thứ ba vaccine phòng Covid-19 cho người dân từ năm 2022.  Vaccine Pfizer và Moderna sẽ được sử dụng cho mũi tiêm thứ ba này. Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ thiếu giường bệnh khi biến thể Delta đang lây lan nhanh, chính phủ đã khuyến nghị người nhiễm Covid ở Tokyo và một số khu vực khác điều trị và tự hồi phục ở nhà, không bị ốm nặng hoặc không có triệu chứng nghiêm trọng. Ngoài ra, kể từ khi Tokyo Olympics 2020 khởi tranh từ ngày 23/7 cho đến này, đã có 294 ca mắc Covid-19 là vận động viên, quan chức, nhân viên tình nguyện… tham gia sự kiện thể thao này.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Xuất khẩu chip và xe hơi tiếp tục là bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế ở châu Á