Giới hạn của EU đối với nông, thủy sản Việt Nam: Quy định nào mới?

78
Ảnh minh họa
Câu hỏi: 
Trong các giới hạn của EU đối với hàng thuỷ sản và nông sản của Việt Nam thì quy định nào là mới (trước đây không có). Làm thế nào để có thể chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn này?
Trả lời:
Trên thực tế không có quy định nào là mới mà chỉ là các quy định hiện nay rõ ràng hơn, chi tiết hơn và cũng mang tính hệ thống hơn.
Đối với hàng thủy sản và nông sản từ trước khi có EVFTA đã phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, chuẩn hóa sản xuất, chế biến, các rào cản phi thương mại để vào được EU. Những năm gần đây, các quy định về môi trường, lao động, truy xuất nguồn gốc với sản phẩm nông – thủy sản EU vẫn áp dụng.
Khi hiệp định EVFTA đi vào thực thi, các quy định này được cụ thể hơn, hệ thống lại rõ ràng hơn và quan trọng nhất là hệ thống pháp luật sẽ phải tương thích với các cam kết này. Vì thế, có một số quy định được hiểu là “mới” một cách cụ thể, chi tiết hơn:
  • Có hạn ngạch rộng đối với nhiều mã HS (đến 6 số)
  • Quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn cho hàng hóa: chất lượng, thỏa mãn các giá trị xã hội, con người mà khách hàng hướng tới (đạo đức xã hội, quản lý, tính nhân văn trong sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững)
Chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn này như thế nào – từ góc độ doanh nghiệp? – gợi ý thực tế
  • Xác định mặt hàng mình quan tâm (đã-đang hoặc sẽ sản xuất, kinh doanh), hướng tham gia vào thị trường EU (trực tiếp hay chỉ tham gia vào chuỗi cung ứng…)
  • Lựa chọn 01 bộ tiêu chuẩn phát triển bền vững liên quan đến mặt hàng của mình
  • Thực hiện các quy trình từ sản xuất, kinh doanh đến hoàn thiện sản phẩm đáp ứng tối đa các quy chuẩn đó.
  • Tự đánh giá theo tiêu chuẩn, tiến tới xin chứng nhận cho quy chuẩn mình đã thực hiện.
Nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn này thì coi như có “thẻ xanh” vào EU.
NCS. Hoàng Ngọc Oanh (Chuyên gia về thị trường – Thành viên Hội đồng Tư vấn EVFTA – VCCI Cần Thơ)