Gojek bán các suất ăn nhỏ hơn giúp người dân Indonesia chống chọi bão giá

100
Gojek cho rằng các phần ăn nhỏ hơn sẽ giúp người dân và doanh nghiệp chống chọi với lạm phát tốt hơn

Gojek đang kêu gọi các nhà hàng bán các khẩu phần ăn nhỏ hơn như là giải pháp giúp người người tiêu dùng và doanh nghiệp Indonesia đương đầu với bão giá.

Tỷ lệ lạm phát của Indonesia trong tháng 9 đã tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 7 năm do giá dầu tăng cao. Thiếu hụt ngân sách khiến chính phủ phải tăng 30% đối với giá nhiên liệu được trợ cấp, khiến biểu tình phản đối nổ ra ở Jakarta và các tỉnh thành khác.

Sau khi giá xăng tăng, dịch vụ giao đồ ăn GoFood của Gojek đã tăng cước phí. Lạm phát liên quan đến giao thông vận tải đạt 16% vào tháng trước, trong khi giá dịch vụ ăn uống cũng tăng, vượt mốc 4,5%.

“Lạm phát không chỉ ảnh hưởng đến giá nhiên liệu, ảnh hưởng đến giá giao hàng mà ngay cả giá thực phẩm. Chúng tôi xem đây là thách thức và suy nghĩ tìm giải pháp”, Catherine Sutjahyo, người phụ trách mảng GoFood nói với Nikkei Asia.

Gojek đã đưa ra sáng kiến sử dụng các đơn vị lưu trữ hàng chi phí rẻ (SKU) để thúc giục các nhà hàng và các doanh nghiệp thực phẩm cung cấp thêm các suất ăn nhỏ hơn bên cạnh các khẩu phần thông thường. Điều này sẽ khiến giá rẻ hơn và giảm lãng phí thực hiện.

“Chúng tôi làm việc với các doanh nghiệp bán hàng trên ứng dụng thường bán các phần ăn lớn mà một cá nhân không thể ăn hết và khuyến khích họ chia nhỏ khẩu phần ăn”, Sutjahyo nói.

Lạm phát đang gia tăng, khiến lượng hàng tồn đọng cũng phình to khi nhu cầu tiêu dùng suy yếu. Bà Sutjahyo cho rằng: “Các phần ăn nhỏ hơn có nghĩa là giá thấp hơn. Điều này giúp chúng tôi tăng lượng khách hàng, cũng như giảm bớt lượng rác thải”.

Ngoài ra, Gojek cũng bổ sung tính năng mới đề xuất lựa chọn nhà hàng trong phạm vi hai cây số, đồng nghĩa là đơn hàng được giao nhanh hơn và cước phí giao sẽ rẻ hơn.

Gojek sáp nhập với sàn thương mại điện tử Tokopedia vào tháng 5-2021 để hình thành GoTo. Hồi tháng 8, GoTo cho biết họ lỗ ròng 14.170 tỷ rupiah (925 triệu USD) trong sáu tháng đầu năm nay, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Sự cạnh tranh giữa GoTo với các đối thủ khu vực như Grab và Sea ngày càng gay gắt, khiến các khoản lỗ của các bên ngày càng lớn hơn. GoTo và Grab đã chi tiền cho các chương trình khuyến mãi và ưu đãi để thu hút tài xế và khách hàng.

Gojek hiện đứng thứ ba trong mảng dịch vụ giao nhận đồ ăn ở Đông Nam Á.

Theo hãng tư vấn Momentum Works của Singapore, Grab đứng đầu mảng giao đồ ăn tại Đông Nam Á trong năm ngoái với 49% thị phần, tiếp theo là Foodpanda với 22% và Gojek là 14%. Tại Indonesia, Grab kiểm soát 49% thị trường trong khi GoFood chiếm 43%.

Với tình trạng bán tháo cổ phiếu công nghệ toàn cầu, các startup tỷ đô buộc phải tập trung vào lợi nhuận hơn là tăng trưởng doanh thu. Công ty mẹ của Gojek cũng không phải là ngoại lệ.

“Tên của trò chơi là tìm kiếm lợi nhuận đúng không?” Sutjahyo nói và cho biết rằng Gojek cần thận trọng hơn với các khuyến mãi. “Trước đây, mọi người đều sử dụng khuyến mại để phát triển thị trường, nhưng hiện tại chúng tôi đang sử dụng nhiều dữ liệu từ học máy (machine learning) để nhắm mục tiêu quảng cáo của mình tốt hơn. Đó là việc tìm hiểu những người dùng nào sẽ phát triển và trở thành một người dùng trung thành”.

Ngành kinh doanh giao nhận thực phẩm ở Đông Nam Á phát triển mạnh khi dịch Covid bùng phát. Tuy nhiên, khi dịch đã lui và mọi người bắt đầu đi lại tự do hơn, các hãng công nghệ đang chịu áp lực phải điều chỉnh mô hình kinh doanh trước những thách thức mới.

Nhưng bà Sutjahyo lạc quan. “Những thói quen mới đã được tạo ra trong thời kỳ dịch bệnh, những người trước đây không sử dụng dịch vụ giao đồ ăn đã bắt đầu sử dụng dịch vụ của chúng tôi. Vì vậy, hoạt động kinh doanh của chúng tôi đang tiến triển tốt. Lượng khách của chúng tôi cũng vậy”.

Trong khi giải quyết vấn đề lạm phát thực phẩm và năng lượng, Gojek cũng đang mở rộng đội xe điện để giao hàng.

Năm ngoái, công ty đã thành lập liên doanh với tập đoàn năng lượng TBS Energi Utama để mở rộng cơ sở hạ tầng xe điện của xứ vạn đảo, góp phần hình thành mạng lưới vận tải xanh.

Các nhà đầu tư cũng đang gây áp lực nhằm buộc các startup tham gia giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu. Năm 2021, Gojek đã cam kết đưa mức phát thải ròng về zero vào năm 2030. “Đó là một mục tiêu siêu tham vọng”, Sutjahyo thừa nhận, nhưng nói rằng có thể thực hiện được mục tiêu đó.

Bà Sutjahyo nói hơn 60% những người sinh ra ở Indonesia trong ba thập niên qua, kể từ đầu những năm 1980, nói rằng họ sẽ luôn chọn mua sắm từ các công ty tập trung vào tính bền vững. “Đối với tôi, đó là một điều đáng ngạc nhiên,” cô nói.

Để đạt được mục tiêu không phát thải, Gojek tổ chức các buổi hội thảo cho hơn 170.000 merchant, hầu hết trong số đó là các doanh nghiệp vừa hoặc nhỏ. “Chúng tôi dạy họ cách đóng gói thực phẩm một cách an toàn, thiết thực và bền vững. Chúng tôi hy vọng sẽ giáo dục ngành công nghiệp, cả hệ sinh thái, vì cần rất nhiều sự sẵn lòng và giáo dục để mọi người đóng vai trò của mình”, Sutjahyo nói.

Vàng hết hấp dẫn khi giá đô la và lãi suất tiếp tục tăng