Google không ăn cắp và gây hại cho giới làm báo

344
Người làm báo ở Úc phản đối vì mất việc làm tương lai.

Google giúp báo chí phát triển, chứ không “trộm” bài viết, “cướp” thu nhập và gây hại cho giới làm báo, là tuyên bố của ông Jason Pellegrino, Giám đốc điều hành Google ở Úc và New Zealand.

Trong một bài viết đăng trên tờ Financial Review, ông Jason Pellegrino nêu ở Úc, nhiều hãng tin, tờ báo đã phải cắt giảm nhân viên, điều dẫn đến việc nhiều chính khách, giới truyền thông và công nghệ đặt câu hỏi làm sao đảm bảo cho giới báo chí Úc có một tương lai tốt đẹp hơn.

Chỉ cần nhìn vào những bài báo lớn của các tờ báo này trong 12 tháng qua sẽ hiểu vì sao những sự cắt giảm tác động thế nào đến nghề làm báo trong tương lai. Các bài phóng sự điều tra giúp người nắm quyền lực ở Úc phải trung thực, bảo vệ công dân đã chứng thực giá trị và tác động đến xã hội rất đáng kể của nghề báo. Nhưng riêng các phóng sự điều tra không thể thanh toán được những hóa đơn để giúp các tờ báo tiếp tục hoạt động bình thường và các nhà xuất bản phải đối mặt với những thách thức ghê gớm: lượng độc giả và nguồn thu từ quảng cáo bị sụt giảm mạnh, sau hàng chục năm ổn định.

Google bị cáo buộc

Tuy nhiên, ông Pellegrino cho rằng vẫn còn nhiều lý do để lạc quan: người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn, các tờ báo đang thay đổi cách thức đưa tin, xây dựng kế hoạch tìm nguồn thu mới. Nhưng đối với bất kỳ ngành nào, sự thay đổi thường luôn gặp phải khó khăn.

Ông Pellegrino ngạc nhiên vì cuộc tranh cãi gần đây cho rằng Google là kẻ thù của nghề báo. Ông viết: “Chúng tôi bị cáo buộc trộm nội dung của người khác, cướp nguồn thu của các nhà xuất bản và không đóng góp gì cho nghề báo”. Ông khẳng định tất cả những cáo buộc này đều sai, nhưng ông hiểu vì sao suy nghĩ đó vẫn tồn tại. “Khi nhìn vào sự thay đổi lớn trong hành vi của người tiêu dùng để tìm nguyên nhân dẫn đến những khó khăn cho nghề báo hiện tại, thật khó bỏ qua các yếu tố công nghệ: internet, điện thoại di động, các công cụ tìm kiếm và các mạng xã hội.

Và rõ ràng Google là một trong những công ty đang là động lực cho sự phát triển công nghệ này”, ông Pellegrino viết. Vị Giám đốc còn nêu ra việc người ta thường nói về vai trò của các công cụ tìm kiếm trên internet như Google và các công cụ khác đã giữ vai trò trong việc thay đổi cách người ta tìm kiếm và hấp thụ thông tin. Vai trò này giúp ngành quảng cáo được phân phối nhiều hơn trên hàng triệu trang web, trong đó có sự giúp đỡ của Google, gây áp lực lên mô hình báo chí truyền thống vốn dựa vào quảng cáo để sống.

Nhưng theo ông Pellegrino, công nghệ cũng đem lại nhiều lợi ích cho các tờ báo. Báo chí cũng không đứng ngoài sự phát triển của công nghệ: nhiều tờ báo đã sử dụng các trang web và giao diện di động để tiếp cận và thu hút người đọc. Ông Jason Pellegrino, Giám đốc điều hành Google ở Úc và New Zealand.

Ông Jason Pellegrino, Giám đốc điều hành Google ở Úc và New Zealand.

Nếu không có Google

Ông còn nêu nhiều tờ báo cho rằng Google sử dụng “chùa” nội dung của họ, nhưng họ lại sử dụng các công cụ tối ưu hóa tìm kiếm, để nội dung của họ được xuất hiện nhiều nhất trên mục Tìm kiếm hoặc mục Tin tức của Google.

Và các tờ báo biết họ dễ dàng rút nội dung của họ khỏi mục Tìm kiếm hoặc mục Tin tức của Google vào bất kỳ lúc nào, nên sẽ rất “kỳ cục” nếu nói Google ăn cắp nội dụng của các tờ báo. Ông Pellegrino viết rằng chỉ có người đề nghị xuất hiện trên mục Tin tức của Google và đáp ứng các tiêu chuẩn của công ty mới được đăng tải nội dung ở mục này. Và cho đến nay đã có 80.000 đơn vị ở khắp thế giới đăng ký.

Vì công cụ Tìm kiếm của Google mỗi tháng đã đạt 10 tỉ lượt truy cập cho đối tác của những tờ báo. Trong khi đó, không hề có quảng cáo trên mục Tin tức của Google và nguồn thu Google có được từ những tìm kiếm trên mục Tìm kiếm thường do các tờ báo tự trả cho mình, khi họ tiếp thị bài báo. Theo ông Pellegrino, Google không xuất bản báo chí, nhưng giúp các tờ báo kiếm ra tiền nhờ tải quảng cáo bên cạnh bài viết, hoặc chuyển người đọc cho các tờ báo, nơi mà họ có thể bán các dịch vụ như đăng ký đọc báo. Bằng cách này, Google giúp các nhà xuất bản trên toàn thế giới kiếm được nguồn thu hàng tỉ đôla trong năm 2016.

Ông Pellegrino cho biết Google hợp tác chặt chẽ với các nhà xuất bản, để xây dựng sản phẩm và dịch vụ giúp ngành báo chí, ví dụ công nghệ nguồn mở Accelerated Mobile Pages cho phép người đọc truy cập nhanh tin tức trên điện thoại di động trong vòng chưa tới nửa giây, từ mục Tìm kiếm của Google.

Mối quan hệ cộng sinh

Vị giám đốc điều hành cho biết: Google ở Úc đã tài trợ chương trình đổi mới báo chí thông qua quỹ Walkley, huấn luyện miễn phí cho các nhà báo về cách xác minh thông tin, cách sử dụng dữ liệu, video và bản đồ. Bên cạnh đó, Google tích cực hợp tác với các tờ báo ở Úc để tăng nguồn thu quảng cáo, tiếp cận độc giả mới thông qua nền tảng DoubleClick, huấn luyện đội nhóm kinh doanh và dạy nghề báo.

Google còn nỗ lực phát triển thị trường kỹ thuật số, vì mục tiêu của Google là Google chỉ có thể kiếm tiền từ các nền tảng này khi các đối tác có thể kiếm tiền. Về mặt kinh doanh, Google không hề có ý định làm suy yếu các phương tiện truyền thông hay báo chí. Ông Pellegrino viết công nghệ đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo tương lai tươi sáng cho báo chí Úc và Google cam kết sẽ đồng hành cùng với báo chí để xây dựng một nền báo chí vững chắc, tự do, cởi mở.

“Thông qua sự đổi mới và hợp tác, Google có thể làm được nhiều hơn nữa để giúp các tờ báo. Chúng ta cần cùng nhau làm việc để xây dựng các mô hình kinh doanh mới nhằm bảo tồn nền báo chí của Úc, nơi cung cấp cho người tiêu dùng đúng thứ mà họ mong muốn”, ông viết.

Vĩnh Thụy ((Theo Thời Đại/Finance Review)