Grab bị gián đoạn dịch vụ trên diện rộng 6/8 thị trường ASEAN

156
Lần đầu tiên Grab gặp gián đoạn dịch vụ trên diện rộng ở Đông Nam Á.
Grab đã gặp gián đoạn dịch vụ trên diện rộng trong hai ngày 16 và 17-11 ở sáu trên tám thị trường trong khu vực gồm: Việt Nam, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Malaysia. Đây là đợt gián đoạn dịch vụ tệ hại nhất trong nhiều năm qua.
Khách hàng và đối tác của Grab ở các nước trên đã không thể đặt xe hay gọi món ăn, trong khi đó tài xế không thể nhận các đơn hàng hoặc tài xế không nhận được tiền kết toán trong ngày.
Người phát ngôn ở Grab tại Singapore đã thừa nhận với Straits Times tình trạng gián đoạn. “Tình trạng này đã ảnh hưởng đến một số đối tác và người dùng trong khu vực”, người nữ phát ngôn nói. Bà giải thích thêm rằng gián đoạn là do Grab nâng cấp hệ thống theo kế hoạch và một số dịch vụ bị ảnh hưởng.
“Các dịch vụ chính của chúng tôi đã hoạt động trở lại bình thường từ cuối buổi sáng 16-11. Đối tác và người dùng đã có thể sử dụng các dịch vụ của Grab bình thường. Tuy nhiên, một phần nhỏ trong hệ thống vẫn gặp một số trục trặc nhỏ khi chúng tôi hoàn thiện quá trình nâng cấp”, người phát ngôn nói.
Hôm 11-11, Grab báo cáo khoản lỗ ròng 988 triệu USD trong quý kết thúc tháng 9-2021, cao hơn khoản lỗ 621 triệu USD của cùng kỳ năm trước. Grab giải thích, ngoài tác động từ dịch Covid-19, phần lớn khoản lỗ trong quý vừa qua bắt nguồn từ các chi phí phi tiền mặt như lãi dự thu, bồi thường dựa trên cổ phiếu và thay đổi giá trị hợp lý của các khoản đầu tư.
Grab cho biết doanh thu hằng quý giảm 9% xuống còn 157 triệu USD “do khả năng di chuyển giảm vì tình trạng giãn cách ở Việt Nam”. Doanh thu từ mảng kinh doanh dịch vụ đặt xe giảm 26% xuống 88 triệu USD, trong khi doanh thu mảng giao hàng tăng 58% trong năm lên 49 triệu USD.
Grab hiện hoạt động ở tám thị trường trong khu vực: Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Campuchia và Myanmar. Trong quý 2 vừa rồi, Grab Vietnam là thị trường duy nhất có lãi.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá bán ra vàng miếng SJC vượt ngưỡng 62 triệu đồng/lượng vào buổi sáng và sau đó giám dần xuống. Cuối ngày 17-11, giá vàng miếng SJC dao động quanh 61,05 – 61,85 triệu đồng/lượng, tăng 550.000 đồng/lượng so với ngày hôm trước, chênh lệch giá hai đầu mở rộng lên 800.000 đồng. Trong khi đó, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco là 1.855,6 USD/oz, tăng 5,2 USD.
2/ Nguồn hoa từ Đà Lạt cung cấp cho thị trường TP.HCM hiện giảm 50% vì sản lượng ít. Các cửa hàng dự báo nhu cầu hoa dịp 20-11 giảm 70% so với năm ngoái, nhưng giá dự kiến sẽ tăng nhẹ. Tiểu thương ở chợ Hoa Hồ Thị Kỷ và một số cửa hàng hoa khu vực đường Thành Thái (quận 10), đường Võ Thị Sáu (quận 3) cho biết giá hoa từ Đà Lạt tùy loại đều tăng 30-40% trong những ngày bình thường so với trước dịch.
3/ Tính từ đầu năm đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thu hút gần 1,1 tỷ USD, đạt 156,5% kế hoạch cả năm 2021 (700 triệu USD). Đây được xem là một kết quả khá ấn tượng trong bối cảnh địa phương này bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư vừa qua. Ngoài ra, cùng thời gian trên, Đồng Nai thu hút được 8 dự án đầu tư trong nước với số vốn hơn 1.138 tỉ đồng (tương đương 49,28 triệu USD) và 7 dự án trong nước tăng vốn gần 1.249 tỉ đồng (tương đương 54,04 triệu USD). Như vậy, tổng vốn đầu tư trong nước vào các KCN của tỉnh đạt hơn 2.387,5 tỉ đồng, tăng 19,4% kế hoạch năm.
4/ Tập đoàn NextTech công bố quỹ Next100 Blockchain trị giá 50 triệu USD đầu tư vốn cổ phần và tài sản số (token), với mong muốn trở thành bệ đỡ uy tín cho các startup công nghệ blockchain (công nghệ chuỗi khối) tại Việt Nam. Công nghệ blockchain đang dần trở thành một xu hướng lớn không thể đảo ngược của thế giới công nghệ. Cơn sốt đầu tư Crypto (tiền điện tử) trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã biến đây trở thành một kênh đầu tư tài chính quan trọng. Theo báo cáo của CB Insight, các startup blockchain trên thế giới đã lập kỷ lục thu hút vốn đến 4,38 tỷ USD trong quý 2/2021, tăng hơn 50% so với quý trước và gấp gần 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
5/ Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương cho biết: Bộ Thương mại Mỹ đã chính thức quyết định sẽ không khởi xướng điều tra chống lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với pin năng lượng mặt trời xuất xứ từ Việt Nam. Trước đó, tháng 9-2021, ngành sản xuất pin năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ đã nộp hồ sơ tới Bộ Thương mại Mỹ đề nghị điều tra chống lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với pin năng lượng mặt trời có xuất xứ từ Việt Nam, Malaysia và Thái Lan. Nhóm các sản phẩm này có mã HS 8501.61.0010, 8507.20.80, 8541.40.6015, 8541.40.6025, và 8501.31.8010 (theo hệ thống HS của Hoa Kỳ).
6/ Nhà ga hành khách T2 của Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, Hải Phòng sẽ sớm được khởi công đầu năm 2022 với tổng mức đầu tư 2.050 tỷ đồng có công suất thiết kế 5 triệu lượt khách mỗi năm. Hiện tại, lượng khách của Cát Bi đã vượt công suất 2 triệu hành khách/năm của nhà ga hành khách T1. Vì thế, đầu tư cho ga T2 là cần thiết.
7/ Hãng chip hàng đầu thế giới Qualcomm tuyên bố sẽ đa dạng hóa danh mục sản phẩm, khi dành hơn 50% chip cho nhiều ngành công nghệ mới như xe tự lái, thực tế ảo… thay vì tập trung cho smartphone như họ từng làm trước đây. Tổng Giám đốc Cristiano Amon cho rằng việc hợp tác với các tập đoàn công nghệ như Meta (tiền thân Facebook), Microsoft, BMW và công nghệ xe tự lái sẽ giúp mở ra một thị trường trị giá đến 700 tỷ USD.
8/ Tập đoàn Sea – công ty mẹ của trang thương mại điện tử Shopee – nâng dự báo doanh thu của Shopee lên 5 – 5,2 tỷ USD trong năm nay. Đây là lần nâng thứ hai trong năm. Sea có kế hoạch mở rộng qua các thị trường khác như châu Âu, Ấn Độ và Mỹ. Đồng thời cũng tập trung phát triển mảng thanh toán điện tử Shopee Pay.
9/ FedEx sẽ đóng cửa trụ sở dành cho phi hành đoàn (crew base) tại Hong Kong và đưa phi công sang địa điểm khác. Tuy nhiên, FedEx nói rằng hãng vẫn sẽ tiếp tục hoạt động tại Hong Kong bởi đây là một phần quan trọng trong mạng lưới châu Á – Thái Bình Dương và toàn cầu của hãng. FedEx không đưa ra các chi tiết cụ thể về kế hoạch mới của họ.
Động thái của FedEx là phản ứng mới nhất của các công ty đang kinh doanh ở Hong Kong với chính sách phòng dịch của chính quyền. Hôm 16-11, chính quyền Hong Kong nói sẽ thực thi các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt hơn sau vụ ba phi công lái máy bay vận chuyển hàng hóa của hãng Cathay Pacific bị nhiễm Covid khi trở về từ Frankfurt. Chính sách “zero Covid” của Hong Kong đang khiến nhiều tập đoàn nước ngoài đang hoạt động tại đây lên kế hoạch dời văn phòng sang nước khác.
Ricky Hồ / BSA

Pfizer cấp quyền sản xuất phi lợi nhuận thuốc viên trị Covid cho 95 nước