Hăm hở mở rộng ở nước ngoài, doanh nghiệp Nhật Bản lại e ngại đầu tư trong nước

123
Tăng trưởng kinh tế ở Nhật Bản khá trầm lắng, khiến nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vốn ra nước ngoài hơn là đầu tư nhà xưởng và thiết bị trong nước. Đồ họa: Nikkei Asia

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tránh đầu tư vào nhà xưởng hay thiết bị trong nước bởi e ngại khả năng thừa mứa nguồn cung. Chuyến hướng đầu tư ra nước ngoài khiến vốn đầu tư trong nước vì thế mà ảm đạm, kéo theo đà tăng trưởng giảm sút ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Tăng trưởng trầm lắng

Dự trữ vốn sản xuất của quốc gia – hoặc tổng giá trị của tất cả các cơ sở sản xuất và thiết bị do các công ty tư nhân nắm giữ được đánh giá bằng cách sử dụng hồ sơ hiệu quả làm việc theo tuổi tác và mô hình nghỉ hưu – đã tăng ít hơn 10% trong hai thập niên qua. Theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), con số thua xa mức tăng 50% ở Mỹ và 60% ở Anh

Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm chỉ 0,8% trong giai đoạn 2001-2019 ngay trước khi Covid bùng phát. Tốc độ này ở Mỹ là 2,1% và ở Anh là 1,8%.

Kyoji Fukao, giáo sư danh dự tại Đại học Hitotsubashi ở Tokyo, đánh giá: “Sự trì trệ của chi tiêu đầu tư trong nước là một yếu tố lớn làm tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trở nên trầm lắng”. Vấn đề này được xem những vấn đề nhức nhối hàng đầu trong thời gian dài, vượt qua cả chuyện lão hóa dân số và quy mô dân số ngày càng giảm ở Nhật Bản.

Giáo sư Fukao nói rằng sự ra đời của thiết bị và phần mềm mới có thể thúc đẩy năng suất và kinh tế tăng trưởng. Trong số 5 nền kinh tế phát triển lớn, ông ước tính Nhật Bản là nước duy nhất có tốc độ tăng trưởng vốn thực tế giảm so với tốc độ lý thuyết.

Chi tiêu vốn trong nước trên đà suy giảm bất chấp thu nhập ngày càng cao của nhiều công ty Nhật Bản. Dữ liệu do Bộ Tài chính tổng hợp cho thấy: Lợi nhuận trước thuế cao nhất được ghi nhận là 84.000 tỷ yen (745 tỉ đô la), tăng 73% so với tài khóa 2012 khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe bắt đầu thực hiện các cải cách được gọi là Abenomics (chính sách kinh tế của ông Abe). Trong khi đó, đầu tư vào nhà máy và thiết bị chỉ tăng 42%.

Bên cạnh đó, nguồn cung lao động tăng ở Nhật Bản trong những năm 2010 bất chấp quy mô dân số thu hẹp, với số lượng lao động trong biên chế tăng 3,78 triệu người trong thập niên qua. Đặc biệt, việc làm cho phụ nữ và những người từ 65 tuổi trở lên cũng gia tăng.

“Các công ty có thể đã tăng sử dụng số lao động rẻ tiền, kỹ năng thấp. Họ cũng trì hoãn đâu tư vào robot để tiết kiệm nhân công bởi vốn đầu tư công nghệ có thể cao hơn hiệu quả thật sự trong giai đoạn đầu”, giáo sư Fukao nói.

Đầu tư vào nguồn nhân lực – chẳng hạn như chi cho các chương trình giáo dục và đào tạo – cũng bị đình trệ. Tỷ lệ đầu tư vào vốn con người trên giá trị gia tăng do doanh nghiệp tạo ra chỉ là 3% ở Nhật Bản, so với 9% ở Anh và 7% ở Mỹ – theo OECD. Điều đó có thể cho thấy các công ty Nhật Bản “ít sẵn sàng chi tiêu cho con người và hàng hóa để tăng trưởng”.

Vốn đầu tư trong nước của Nhật Bản tăng trưởng rất thấp khi so với bốn nền kinh tế tiên tiến Đức, Pháp, Mỹ và Anh. Nguồn: OECD

Bóng ma quá khứ ám ảnh

Nhưng nguồn cung lao động ổn định có vẻ sớm hay muộn sẽ cạn kiệt khi dân số thu hẹp. Một đất nước Nhật Bản “công nghệ cao” đồng nghĩa với quá trình tự động hóa và các nỗ lực tiết kiệm lao động khác được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nhiều quốc gia khác. Tuy vậy, nhiều công ty của xứ hoa anh đào lại do dự. Bởi họ vẫn bị những ký ức của quá khứ ám ảnh.

Sau khi “bong bóng kinh tế” bị vỡ trong thập niên 1990, các công ty Nhật buộc phải tái cơ cấu nghiêm ngặt khi đối mặt với tình trạng dư thừa thiết bị, dư dôi nhân công và khối nợ khủng. Nhiều người vẫn còn lo sợ về tình trạng thừa mứa năng lực hay công suất.

Và các công ty Nhật Bản đã chi tiêu mạnh mẽ ở nước ngoài, với đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đạt 28.000 tỷ yen trong năm 2019, tăng bốn lần so với đúng 10 năm trước đó. Vốn đầu tư ra nước ngoài vẫn tăng vọt trong hai năm Covid hoành hành.

Hitachi đã mua lại công ty công nghệ thông tin hàng đầu GlobalLogic của Mỹ với giá 1.000 tỉ yen hồi tháng 7 vừa rồi. Còn Panasonic sẽ tiếp quản nhà phát triển phần mềm Blue Yonder của Mỹ với giá hơn 700 tỉ yen.

Nhưng cả Hitachi và Panasonic đều tỏ ra thận trọng khi nói đến chi tiêu vốn. Trong năm tài chính 2020, Hitachi đầu tư 356 tỉ yen vào nhà máy và thiết bị trên cơ sở hợp nhất, trong khi Panasonic đầu tư 231 tỉ yen.

Gieo mầm tăng trưởng hay tìm kiếm cơ hội phát triển ở nước ngoài có xu hướng ảnh hưởng mạnh đến đầu tư trong nước. Bởi lợi nhuận kiếm được ở nước ngoài thường được tái đầu tư ở đó.

Các công ty Nhật Bản giờ trong thế tiến thoái lưỡng nan. Họ không thể bỏ bê các chương trình nâng cao chất lượng việc làm trong nước, trong khi đó lại mở rộng đầu tư khắp thế giới. Doanh nghiệp Nhật giờ cần đẩy nhanh quá trình số hóa hoạt động doanh nghiệp để tinh giản hóa, tăng cường đào tạo lại các kỹ năng cho người lao động và các chương trình khác.

Nikkei Asia bình luận: “Nhật Bản cần áp dụng các chính sách kinh tế có mục đích thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, nhưng đồng thời cũng chấm dứt vòng luẩn quẩn đang đè nén sự tăng trưởng nguồn vốn đầu tư trong nước”.

Ricky Hồ / BSA

Canon sản xuất máy ảnh có độ nhạy sáng gấp 10 lần, chụp ảnh màu trong bóng đêm