Hàn Quốc tranh luận về “thu nhập căn bản phổ quát” để vượt qua đại dịch

261
Thống đốc Lee Jae-myung đang đề nghị mức thu nhập căn bản 500.000 won trong năm 2020 cho cư dân tỉnh Gyeonggi - Ảnh: Nikkei Asia
Dù bạn là ai, nghề nghiệp gì, thu nhập ra sao, từ mới sinh cho đến lão niên, bạn đều được một khoản thu nhập như nhau, mỗi tháng. Các cuộc tranh luận về thu nhập căn bản phổ quát đã trở nên nóng bỏng hơn ở Hàn Quốc, khi dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế và khoảng cách thu nhập ngày càng lớn buộc mọi người nghĩ lại về hệ thống an sinh xã hội hiện tại.  
Mô hình Gyeonggi
Đợt bùng phát Covid-19 đã khiến các quốc gia tung ra chương trình thu nhập căn bản khẩn cấp và xem xét các chính sách để hồi phục sau dịch. Điều này cũng góp phần tháo bỏ bớt các hàng rào ý thức hệ xoay quanh UBI. Đặc biệt nhiều yếu tố đã xuất hiện ở Hàn Quốc, báo hiệu khởi đầu rõ ràng của việc đưa ý tưởng UBI áp dụng rộng rãi.
Tháng 3 vừa rồi, Hàn Quốc đưa ra chương trình cứu trợ khẩn cấp quốc gia hay còn gọi là kế hoạch thu nhập căn bản khẩn cấp để giải quyết những thiệt hại kinh tế nặng nề do dịch Covid-19 gây ra. Liền sau đó, thủ đô Seoul và nhiều tỉnh thành khác cũng thực hiện phiên bản địa phương. Trong đó, Seoul đưa ra mức hỗ trợ thu nhập khẩn cấp với một số đối tượng chọn lọc có thu nhập giảm đến 70% do tác hại từ dịch bệnh.
Khái niệm thu nhập phổ quát không phân biệt độ tuổi, giới tính hay nghề nghiệp và tiền lương của tỉnh Gyeonggi được thế giới chú ý. Trong một chương trình thử nghiệm, khoảng 200.000 dân của tỉnh này được cấp mỗi tháng 250.000 won mỗi tháng, tức 215 đô la Mỹ, để vượt qua khó khăn tiền bạc trong mùa dịch. Nữ sinh viên Lee Myeong-ah nói với kênh truyền hình số của Wall Street Journal (WSJ) rằng, sau khi nhận khoản trợ cấp này cô tập trung vào việc học hơn. “Trước đây, tôi phải làm nhiều công việc bán thời gian để chi trải các khoản cá nhân. Giờ, tôi đỡ căng thẳng hơn, có thể đi ăn nhà hàng ở địa phương và tập trung hoàn tất bằng cử nhân”, cô nói.
Hầu hết các doanh nghiệp ở tỉnh Gyeonggi đóng cửa trong tháng 3 vừa rồi, và mất hơn 90% doanh thu. Họ nhận ra các khoản chi trả này thực sự hữu hiệu trong việc vực dậy và nâng đỡ doanh nghiệp trong mùa dịch. Lee Chung-hwan, một người bán cá khô, nói với kênh WSJ rằng nhiều người trẻ ở độ tuổi 20-30 đã đến chợ để mua sắm với các khoản chi trả của chính quyền. Viện Nghiên cứu Gyeonggi nói rằng doanh số của các doanh nghiệp trong tỉnh tăng 45% trong thời gian thực hiện chương trình thử nghiệm.
Trong tuần này, kế hoạch thử nghiệm được mở rộng ra toàn tỉnh Gyeongi với hơn 13,5 triệu dân. Thống đốc Gyeonggi Lee Jae-myung đã đề nghị mức thu nhập căn bản 500.000 won, tương đương 430 đô la, cho mỗi người trong năm nay. Ông Lee dự định rằng sẽ đưa mức này lên 500.000 mỗi tháng – tương đương với mức chi trả an sinh xã hội của Hàn Quốc hiện nay.
Với dân số chiếm 25% tổng dân số Hàn Quốc, Gyeonggi có thực hiện được kế hoạch đầy thử thách này không?
Các quan chức tỉnh này nói về lâu dài tỉnh này tin rằng họ sẽ đạt được.
“Chúng tôi không thể đạt mục tiêu 500.000 won mỗi tháng ngay bây giờ. Nhưng chúng tôi có thể đạt được trong 15-20 năm nữa bằng cách tăng thu thế địa sản, vốn được xem là tài sản công. Bên cạnh đó là thuế đánh tỷ lệ thải carbon dioxide từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch và thu nhập từ các dịch vụ số mà chúng ta khai thác từ nguồn dữ liệu chúng tôi có”, Thống đốc Lee phát biểu.
Ông Lee ủng hộ việc phân phối thu nhập căn bản này bằng loại tiền tệ khu vực – thông qua thẻ tín dụng – mà tỉnh Gyeonggi đã thử nghiệm với các khoản hỗ trợ liên quan dịch Covid. Ban đầu, mỗi cư dân của tỉnh này nhận qua thẻ 100.000 won, tức 85 đô la. Họ cần phải chi xài trong ba tháng. Điều này khiến toàn bộ nguồn ngân quỹ từ chương trình được bơm ngược vào nền kinh tế của tỉnh. Các chi tiêu của cư dân tỉnh sẽ được hệ thống điện toán trung tâm ghi nhận.
“Việc ghi nhận dữ liệu có thể gây lo ngại về riêng tư ở phương Tây. Nhưng trong trường hợp Hàn Quốc, các dữ liệu này buộc người dùng phải tuân thủ quy định chi xài cho doanh nghiệp nhỏ ở địa phương. Đây là hướng đi đúng”, Tiến sỹ Ioana Mirinescu, phó giáo sư Đại học Pennsylvania ở Mỹ, nhận định với WSJ. Bà Mirinescu là người chuyên nghiên cứu về thu nhập căn bản phổ quát.
Mười bốn nhà lập pháp có tư tưởng tiến bộ ở Gyeonggi đã đệ trình một dự thảo cuối tháng 9 vừa rồi. Họ đề nghị thành lập một hội đồng thảo luận làm thế nào phân bổ thu nhập căn bản với dự định bắt đầu phân phối 300.000 mỗi tháng vào năm 2022 và ít nhất 500.000 won mỗi tháng vào năm 2029.
Các nhà lập pháp địa phương dự định lấy một phần nguồn thuế địa phương để chi cho thu nhập căn bản. Khoản thiếu hụt sẽ được bù bằng cách điều chỉnh các khoản chi phúc lợi xã hội chưa sử dụng và xem lại miễn giảm thuế.
Nếu mở rộng ra toàn quốc, khoản chi 430 đô la mỗi năm này đồng nghĩa rằng ngân sách nhà nước phải chi 21,3 tỉ đô la cho số dân hơn 51 triệu người trong năm nay. Nguồn tiền này có thể được trích từ các khoản ngân sách đã điều chỉnh khác. Nhưng nếu chi trả 430 đô la mỗi tháng sẽ “ngốn” hết 256 tỉ, tức hơn một nửa ngân sách quốc gia.
Dịch Covid-19 dấy lên làn sóng tranh luận ở Hàn Quốc về các khoản thu nhập căn bản dành cho mọi công dân – Ảnh: Getty Images
Giải quyết bất bình đẳng xã hội
Khái niệm UBI của tỉnh Gyeongi được sự ủng hộ của các đảng phái, ngay cả phe bảo thủ.
Thu nhập căn bản “sẽ là chủ đề chính của cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Hàn Quốc”, Thống đốc Lee khẳng định.
Khoảng cách giàu nghèo ở Hàn Quốc là chủ đề chính trong các cuộc tranh luận giữa các đảng phái. Nhóm 20% dân có thu nhập cao nhất  có nguồn thu gấp 5,26 lần nhóm 20% dân ở dưới đáy trong quí 4-2019. Tỉ lệ chênh lệch này trong quí 4-2015 chỉ là 4,37. Các nhà phân tích ghi nhận mức chênh lệch còn gấp bội với các công việc bán thời gian hay theo hợp đồng ngắn hạn vốn có tiền lương thấp.
Khoảng cách thu nhập sẽ chỉ có thể nới rộng trong tương lai trung và ngắn hạn, bởi các tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác sẽ làm số việc làm suy giảm. Số việc làm do robot đảm nhiệm sẽ chiếm 15% thị trường lao động Hàn Quốc vào năm 2024.
Các khoản chi tiền mặt khẩn cấp của chính phủ Hàn Quốc đã đến với mọi đối tượng, trừ các gia đình giàu có nhất ở xứ kim chi, trong các chiến dịch hỗ trợ vừa qua. Điều này cũng khiến mọi người đặt câu hỏi về chương trình UBI.
Ngay cả chính phủ Hàn Quốc vẫn còn cảnh giác đối với ý tưởng này. “Ưu tiên của chúng tôi hiện nay là vượt qua khủng hoảng dịch bệnh. Và các tranh luận về thu nhập căn bản hãy để đó”, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hong Nam-ki phát biểu hồi tháng 7.
Mức chi an sinh xã hội của Hàn Quốc chỉ bằng một nửa mức trung bình của khối nước giàu có thuộc Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD). Nhiều người tin rằng chính phủ cần tập trung nhiều nhất vào các hộ gia đình có thu nhập thấp. Đây là đối tượng cần hỗ trợ nhiều nhất.
Thế nào là thu nhập căn bản phổ quát?
Ý tưởng về mức thu nhập cơ bản cho tất cả mọi người trong xã hội (uinversal basic income – UBI) thực ra khá cũ. Theo hai nhà nghiên cứu Lê Thị Hồng Loan và Lê Hồng Hiệp thuộc Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Thomas Paine – nhà triết học, nhà hoạt động chính trị người Mỹ gốc Anh, trong một bài viết xuất bản năm 1797 đã lập luận rằng “để đổi lấy sự đồng thuận xã hội nhằm ủng hộ quyền sở hữu tư nhân, chính phủ nên trả tất cả mọi người 15 bảng mỗi năm”. Các nhà chính trị đã thảo luận khái niệm này trong suốt cuộc cách mạng công nghiệp. Tựu trung, họ đã xây dựng nhà nước phúc lợi theo hướng khác, ví dụ các chương trình bảo hiểm cho người không có việc làm hay kém may mắn.
Trong thập niên 2010-2020, theo The Diplomat, khái niệm UBI lại thu hút sự chú ý lớn hơn của xã hội trước các lo ngại ngày càng gia tăng về bất bình đẳng thu nhập ngày càng mở rộng và hậu quả mà quá trình tự động hóa gây ra với thị trường lao động. Thụy Sỹ đã thực hiện trưng cầu dân ý năm 2016 về khoản thu nhập 2.500 franc Thụy Sỹ cho một người mỗi tháng và cho tất cả mọi người, nhưng kế hoạch thất bại. Phần Lan gần đây thực hiện kế hoạch thử nghiệm UBI nhỏ hơn, nhưng kết quả người chống, kẻ ủng hộ. Tháng 11-2019, Andrew Yang tiến hành chiến dịch ứng cử ứng viên bầu cử tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ bằng mô hình UBI với kế hoạch chi mỗi người 1.000 đô la Mỹ mỗi tháng. Theo Nikkei Asia, Yang thất bại, nhưng ý tưởng của ông được tỷ phú Elon Musk và các đảng viên Cộng hòa ủng hộ. Cho đến nay, chính sách thu nhận căn bản trên toàn quốc gia chưa được thực hiện ở bất cứ nước nào.
Ricky Hồ (Theo TBKTSG Online)
Bạn có quan tâm: Giỏ quà Tết Tân Sửu 2021?