Hãng bia Nhật Bản hỗ trợ nông dân Việt kỹ thuật trồng cà phê bền vững

Tiêu điểm:

Hãng bia Nhật Bản hỗ trợ nông dân Việt kỹ thuật trồng cà phê bền vững

Hãng bia Kirin của Nhật Bản đang giúp đỡ 350 trang trại trồng cà phê của Việt Nam có được giấy chứng nhận phát triển bền vững của Liên minh Rừng mưa nhiệt đới (Rainforest Alliance). Đây là một trong những loại giấy chứng nhận chính về tiêu chuẩn có thể giúp tăng lượng tiêu thụ cà phê ở các nước tiên tiến.
Để được chứng nhận của tổ chức phi chính phủ đặt tại Hoa Kỳ, chủ trang trại không được sử dụng quá liều nông dược cho phép, phải bảo đảm sự đa dạng sinh học cũng như hiệu quả và năng suất canh tác, bên cạnh việc cải thiện điều kiện sống của nông dân.
Kirin mong muốn sẽ tăng gấp đôi số lượng trang trại lên 700. Hãng bia Nhật sẽ chuyển giao những bí quyết có được trong việc giúp các trang trại trà ở Sri Lanka từ năm 2013 trong việc đạt chứng nhận phát triển bền vững theo các mục tiêu của Liên Hiệp Quốc đề ra. Hiện họ đang giúp nông dân Việt bảo tồn nguồn nước, ngăn ô nhiễm nước sông, ứng dụng các biện pháp canh tác tốt hơn cho những nơi có ít nắng.
Hãng bia dự đoán sự gia tăng doanh số của các loại thực phẩm và đồ uống được sản xuất trong các chuỗi bền vững. Theo Nikkei Asia, doanh nghiệp Nhật mong muốn có được nguồn cung ổn định từ các trang trại cà phê ở Việt Nam. Hiện cà phê Việt Nam chiếm tỷ lệ 30% trong các loại đồ uống của Kirin. Hãng bia này nói sản lượng của các nông trại cà phê nhỏ ở Việt Nam “thất thường”, nên họ không thể tăng tỷ lệ nguyên liệu từ Việt Nam.
Hiện số lượng cà phê của Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững chỉ 10% so với lượng cà phê bền vững của Brazil – quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Trong khi đó, lượng tiêu thụ cà phê có chứng nhận của Rainforest Alliance lại tăng 15% trên thế giới trong năm ngoái.
Ngoài Rainforest Alliance, còn có các loại giấy chứng nhận chính trong ngành cà phê như organic (hữu cơ), fair trade (công bằng trong mua bán), CF (trồng trong bóng râm) và CF 4C (trồng trong bóng râm của các cộng đồng).
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 56,2 – 56,55 triệu đồng/lượng, tiếp tục tăng 120.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 70.000 đồng/lượng chiều bán ra. Chênh lệch giá mua vào – bán ra ở mức 350 ngàn đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.883,5 USD/ounce, tăng 2,8 USD/ounce, tương đương 0,15% giá trị so với chốt phiên trước. Như vậy đây là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của kim loại quý này.
2/ Tập đoàn Masan đã ký kết thỏa thuận mua lại 20% vốn tại Công ty CP Phúc Long Heritage, chủ sở hữu thương hiệu Phúc Long, một trong những chuỗi bán lẻ trà và cà phê lớn nhất Việt Nam hiện nay. Thương vụ này có giá trị 15 triệu USD, tương đương với việc Masan định giá chủ chuỗi trà sữa Phúc Long vào khoảng 75 triệu USD, tương đương hơn 1.700 tỷ đồng. Cùng với giao dịch mua lại vốn này, VinCommerce (công ty thành viên của Masan) cũng thiết lập thỏa thuận hợp tác chiến lược với Phúc Long để cùng phát triển mô hình “Kiosk Phúc Long”. Chiến lược này sẽ mang các sản phẩm đồ uống của Phúc Long bán tại hơn 2.200 cửa hàng VinMart+ trên cả nước.
Một điểm bán thử nghiệm mô hình Kiosk Phúc Long tại cửa hàng VinMart+ ở TP.HCM.
3/ Dù đang bước vào mùa thu hoạch rộ, nhưng giá các loại trái cây tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã ghi nhận giảm mạnh so với trước; đồng thời, mức giá bán nhiều loại trái cây chênh lệch nhau khá lớn. Cụ thể, giá nhiều loại trái cây như dâu, mãng cầu, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, cam xoàn, xoài, bơ, vải… hiện đã giảm ít nhất từ 5.000 – 30.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng. Theo các tiểu thương, giá phần lớn các loại trái cây đang có xu hướng giảm so với các tháng trước do nguồn cung tăng khi bước vào mùa thu hoạch rộ. Dự kiến, giá nhiều loại trái cây sẽ còn giảm trong thời gian tới do nông dân mở rộng diện tích trồng, sản lượng thu hoạch ngày càng tăng. Bên cạnh đó, giá nhiều loại trái cây giảm mạnh do tình hình dịch bệnh làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu trái cây. Người dân hạn chế chi tiêu khiến cho sức tiêu thụ tại thị trường trong nước chậm hơn so với mọi năm.
4/ Văn phòng Tổng thống Philippines đã phát đi thông báo quyết định giảm thuế nhập khẩu gạo xuống còn 35% (trước đây là 40% đối với gạo nhập khảu theo hạn ngạch và 50% đối với gạo nhập khẩu ngoài hạn ngạch) trong vòng 1 năm để tăng nguồn cung gạo, duy trì giá gạo phải chăng và giảm sức ép lạm phát. Do vậy, Bộ Công Thương cho rằng quyết định này sẽ mở ra cơ hội cho gạo Việt xuất khẩu ổn định sang thị trường này. Năm 2020, Philippines là thị trường nhập khẩu lớn nhất lúa gạo từ Việt Nam trong với sản lượng trên 2,2 triệu tấn, trị giá trên 1 tỷ USD. Giá xuất khẩu sang thị trường này cũng đã tăng cao trong năm qua cũng là nguyên nhân quan trọng giúp kim ngạch xuất khẩu gạo sang Philippines đạt mốc trên 1 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu sang Philippines đạt bình quân 476 USD/tấn, tăng 14,7% so với năm 2019.
5/ Theo trang Material Handling & Logistics của Mỹ, 43% doanh nghiệp Mỹ được hỏi đều khẳng định Việt Nam nằm trong số 3 điểm đến họ ưu tiên tìm kiếm nguồn cung trong đầu năm 2021, tăng gấp đôi so với năm 2019. Sự tín nhiệm hàng hóa từ các nhà cung ứng Việt Nam của DN Mỹ được thể hiện qua nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2021. Số liệu của Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp Mỹ nhập khẩu lượng hàng hóa tri giá 30,26 tỷ USD từ Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, Mỹ tăng mua hầu hết những nhóm mặt hàng mà Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn. Được biết, khoảng 30% tổng số người mua trên toàn cầu và 38% người mua tại Mỹ đều nêu tên Việt Nam trong số các quốc gia họ dự định tăng lượng mua hàng trong năm 2021.
6/ Tổng cục Thống kê vừa công bố thông tin về khảo sát mức sống dân cư năm 2020. Theo đó, thu nhập bình quân một người/một tháng chung cả nước năm 2020 theo giá hiện hành đạt khoảng là 4,2 triệu đồng, tương đương 50,4 triệu đồng/năm (2.200 USD). Được biết, người dân tại tỉnh Bình Dương có thu nhập bình quân năm 2020 đạt 7 triệu đồng/tháng, cao nhất cả nước. Người Hà Nội và TP.HCM đạt lần lượt 5,9 triệu đồng và 6,5 triệu đồng. Bình quân mỗi năm trong thời kỳ 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người một tháng chung cả nước tăng bình quân 8,1%. Thu nhập của một người ở khu vực thành thị đạt 5,5 triệu đồng/tháng, gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn (3,4 triệu đồng).
7/ Trong phiên giao dịch sáng 24/5, giá đồng Bitcoin đã giảm xuống còn 32.601 USD, mất khoảng 4.899 USD so với mức chốt phiên trước đó. Giá đồng Bitcoin đã giảm 13% sau khi tiếp tục chứng kiến tình trạng bán tháo ồ ạt khiến đồng tiền kỹ thuật số nổi tiếng nhất thế giới này lao dốc không phanh và mất gần 50% giá trị so với mức đỉnh ghi nhận trong năm nay. Tuần trước, lần đầu tiên trong hơn 3 tháng trở lại đây, thì đồng Bitcoin cũng đã rớt giá xuống dưới mức 40.000 USD sau khi Trung Quốc tuyên bố cấm sử dụng tiền kỹ thuật số trong các giao dịch, đồng thời cảnh báo giới đầu tư về hoạt động đầu cơ loại tiền này. Được biết, đồng tiền này trước đó đã đạt mức giá cao kỷ lục trong năm nay là 64.895 USD vào ngày 14/4 vừa qua.
8/ Theo số liệu từ Counterpoint Research, iPhone 12 đứng đầu về độ ăn khách trong quý 1/2021, chiếm 5% tổng lượng máy xuất xưởng toàn cầu. Xếp ở vị trí thứ 2 là mẫu iPhone 12 Pro Max cao cấp với 4% thị phần. Kể từ khi ra mắt vào tháng 10 năm ngoái, dòng sản phẩm iPhone 12 giúp Apple gặt hái nhiều thành công về mặt doanh thu. Sản phẩm còn lại trong top 3 cũng thuộc về Apple với iPhone 12 Pro, chiếm 3% thị phần so với phần còn lại của thế giới smartphone. Các vị trí còn lại trong top 10 smartphone bán chạy nhất quý 1/2021 đều thuộc về Xiaomi và Samsung, 2 nhà sản xuất đánh mạnh vào phân khúc điện thoại giá rẻ. Theo thống kê, doanh thu smartphone trong quý 1/2021 đạt mức kỷ lục là 100 tỷ USD. Đóng góp phần lớn trong doanh thu này là các mẫu điện thoại cao cấp. 10 mẫu smartphone doanh thu cao nhất, chiếm tổng 46% doanh thu smartphone toàn cầu.
Top 10 smartphone bán chạy nhất (bên phải) và top 10 smartphone đem về doanh thu cao nhất trong quý 1/2021. Ảnh: Counterpoint
9/ Theo giới phân tích và kinh tế học, Trung Quốc hiện đang giúp Australia trở nên giàu có hơn trong bối cảnh giá quặng sắt phá kỷ lục, đẩy thu nhập của các nhà khai thác mỏ và chính phủ lên cao. Canberra có khả năng đã thu về thêm 37 tỷ AUD (28,75 tỷ USD) trong năm qua do giá quặng sắt tăng vọt, vượt mức 230 USD/tấn trong tuần trước và phá kỷ lục của 10 năm trước. Được biết, Bất chấp những mâu thuẫn gay gắt trong năm qua khiến Trung Quốc chặn nhiều mặt hàng xuất khẩu của Australia như than và rượu vang, hoạt động thương mại giữa hai nước vẫn không bị ảnh hưởng. Xuất khẩu quặng sắt từ Australia sang Trung Quốc tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu vật liệu thô để sản xuất thép tăng khi chính phủ thúc đẩy các dự án bất động sản và hạ tầng. Australia vẫn đang là nhà xuất khẩu quặng sắt lớn nhất sang Trung Quốc với thị phần khoảng 60%.
10/ Theo Nikkei, chính phủ nhiều nước Đông Nam Á đang cố gắng tăng nguồn thu từ thuế doanh nghiệp khi mà họ đang phải đương đầu với tình trạng ngân sách thâm hụt ngân sách do tình hình đại dịch Covid-19. Cụ thể, giới chức ngành thuế nhiều nước Đông Nam Á đang đẩy nhanh các quá trình điều tra, đồng thời áp dụng quy định chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp, ví như rút ngắn thời hạn nộp hồ sơ thuế. Xu thế này chắc chắn khiến cho nhiều công ty đa quốc gia trong khu vực phải lo lắng, họ có thể dễ dàng trở thành mục tiêu của các biện pháp thuế mới. Theo công ty kiểm toán Deloitte Singapore, chính phủ các nước trong khu vực đang đẩy mạnh thực hiện các sáng kiến đánh thuế chống chuyển giá, các sáng kiến này tập trung vào các giao dịch giữa trụ sở các công ty Nhật và các đơn vị thành viên trong khu vực Đông Nam Á.
11/ Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) hôm 24/5 thông báo kế hoạch triển khai thử nghiệm chức năng của đồng tiền kỹ thuật số do một ngân hàng trung ương phát hành (CBDC), một phần trong kế hoạch nghiên cứu khả năng đưa loại tiền này vào lưu hành chính thức. BOK cho biết dự định tổ chức đấu thầu để chọn ra một đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện thử nghiệm kiểm tra các chức năng CBDC trong một không gian ảo. Dự kiến, kế hoạch được triển khai vào tháng 8 tới và kéo dài tới tháng 6/2022. Hiện nhiều ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã và đang đẩy mạnh nghiên cứu các loại tiền kỹ thuật số nhằm đảm bảo năng lực sẵn sàng thích ứng trong bối cảnh nhu cầu giao dịch bằng tiền mặt giảm và tiền kỹ thuật số đang ngày càng được sử dụng nhiều trong lĩnh vực tư nhân.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Lựa chọn Gas South là lựa chọn an toàn