Hãng bia San Miguel trồng đước, nuôi cua để xây sân bay 15 tỷ USD
Tiêu điểm:
Hãng bia San Miguel trồng đước, nuôi cua để xây sân bay 15 tỷ USD
Để xây sân bay quốc tế Bulacan trị giá hơn 15 tỷ USD ở khu vực phía Bắc thủ đô Manila luôn bị ngập lụt, San Miguel sẽ nuôi cua xanh hay cua bùn (mud crab)!
Hãng bia lớn nhất của Philippines sẽ trồng 190.000 cây đước ở vùng ven biển gần thủ đô để ngăn nước ngập khu vực dự định sẽ xây sân bay lớn nhất của quốc gia này. Để bảo vệ rừng, San Miguel cũng sẽ nuôi 100.000 con cua xanh mỗi tháng ở một trang trại rừng đước rộng 10ha thuộc tỉnh Bulacan. Số cua này sẽ là sinh kế của người dân trong khu vực – Chủ tịch Ramon Ang cho biết.
“Các giải pháp giảm thiểu ngập lụt là một phần trong dự án tổng thể phát triển sân bay. Cần phải giải quyết các vấn đề về môi trường trước khi đầu tư hơn 15 tỷ USD vào sân bay”, vị chủ tịch hãng bia phát biểu.
Cách sân bay quốc tế Ninoy Aquino (NAIA) 35km về hướng Bắc, sân bay quốc tế do tập đoàn San Miguel đầu tư sẽ có 4 đường băng và có thể mở thành 6, với năng lực 100 triệu hành khách mỗi năm. Dự kiến sân bay sẽ hoạt động từ năm 2026.
Dù được xem là giải pháp hàng không tối ưu cho sự tắc nghẽn trong thời gian qua của sân bay quốc tế Ninoy Aquino, sân bay mới Bulacan vẫn vấp phải sự chỉ trích của các nhóm bảo vệ môi trường. Một trong những vấn đề quan trọng mà các nhóm này đưa ra là vấn đề rừng đước và chất lượng không khí của tỉnh Bulacan và khu vực Metro Manila. Bên cạnh đó là vấn đề di dời và sinh kế của dân địa phương bị sân bay mới ảnh hưởng.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC iện đang ở mức 55,5 – 55,85 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 280.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.788,6 USD/ounce, tăng 12,8 USD/ounce, tương đương 0,72% giá trị so với chốt phiên trước. Giá vàng đã đi lên khi đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất không đổi và khẳng định lại chính sách thích nghi để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
2/ iPrice vừa công bố bản so sánh chi phí sinh hoạt trung bình hàng tháng của 6 thành phố lớn tại Đông Nam Á dựa trên số liêu từ Numbeo, một trong những cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới do người dùng đóng góp. Số liệu cho thấy, TP. HCM đứng thứ nhì về mức độ chi phí sinh hoạt rẻ. Cụ thể, các khoản tiền để duy trì mức sống ổn định bao gồm các chi phí thuê nhà, thực phẩm, di chuyển và các tiện ích khác cho một người ở TP HCM khoảng 816 USD (khoảng 18,8 triệu đồng). Trong khi đó, thành phố “dễ thở” nhất khu vực là Kuala Lumpur. Chi phí trung bình một tháng tại đây là 789 USD (khoảng 18,2 triệu), nhưng cũng không chênh lệch nhiều so với TP. HCM. Báo cáo của iPrice chỉ ra rằng Singapore là thành phố có chi phí sinh hoạt cao nhất trong khu vực, với 2.467 USD (tương đương 57 triệu đồng).
3/ Khảo sát thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Visa vừa công bố cho biết, mức độ thanh toán không dùng tiền mặt của người Việt Nam tăng cao trong năm vừa qua. Cụ thể, thanh toán qua mã QR đã tăng vọt, đặc biệt trong các giao dịch hàng ngày như thanh toán hóa đơn (71%), mua sắm trong lĩnh vực bán lẻ (58%) và tại siêu thị (57%). Giai đoạn đầu năm nay, thanh toán không tiền mặt vẫn tiếp tục tăng cao. Theo số liệu từ mạng lưới VisaNet, tổng giá trị giao dịch của người tiêu dùng Việt Nam trên thẻ tín dụng và ghi nợ Visa tăng 34% trong quý I/2021 so với cùng kỳ năm ngoái. Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào cho rằng, kể từ khi đại dịch bùng phát, thói quen mua sắm và thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi đáng kể.
4/ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Ủy ban Chống bán phá giá Australia (ADC) đã ban hành kết luận điều tra sơ bộ và bản thông tin về dữ liệu trọng yếu, trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm dây đai thép phủ màu có xuất xứ từ Việt Nam. Theo đó, bản thông tin về dữ liệu trọng yếu của ADC chỉ ra rằng, Chính phủ Việt Nam không tác động bóp méo thị trường nguyên liệu để doanh nghiệp xuất khẩu bán phá giá; biên độ bán phá giá của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không đáng kể và không gây thiệt hại cho ngành sản xuất của Australia. Do vậy, trong kết luận sơ bộ, ADC cho rằng không cần thiết áp dụng biện pháp ký quỹ thuế chống bán phá giá tạm thời đối với dây đai thép phủ màu có xuất xứ từ Việt Nam.
5/ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2021, trong đó dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức 6,7% trong năm nay và 7% trong năm 2022. Mức dự báo này là cao hơn so với mức 6,3% mà ADB đưa ra hồi đầu năm và cao hơn 0,7 điểm phần trăm so với chỉ tiêu mà Quốc hội đặt ra. Theo ADB, dự báo này xuất phát từ thành công của Việt Nam trong việc kiềm chế dịch Covid-19 và các động lực tăng trưởng có tín hiệu lạc quan. Theo ADB, các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước mới được dự báo sẽ thành lập nhờ có vaccine Covid-19 tạo thuận lợi cho việc đi lại trong nước cũng như cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Việt Nam cũng sẽ được hỗ trợ bởi sự phục hồi của hai nền kinh tế lớn là Mỹ và Trung Quốc. Dự báo, xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng 8% trong năm nay và năm sau.
6/ Theo tổ chức Lương thực Quốc tế (FAO), chỉ số giá lương thực toàn cầu đã tăng 2,1% trong tháng 3/2021 và ở mức cao nhất kể từ tháng 6/2014. Nguồn cung bị gián đoạn, tỷ lệ dự trữ nông sản thấp và đồng Đô la Mỹ suy yếu có thể là nguyên nhân khiến giá lương thực tăng cao gần đây. Xu hướng giá này dự kiến sẽ tiếp tục tăng do triển vọng mùa vụ năm 2021 bị ảnh hưởng do thời tiết bất lợi và sự phục hồi nhanh hơn kỳ vọng tại Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu về lương thực tăng cao. VNDIRECT nhận định, phía hưởng lợi sẽ là các công ty xuất khẩu gạo, sản xuất đường (LTG, TAR) trong khi đó những doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng là sản xuất sữa, thức ăn chăn nuôi, dầu ăn (VNM, DBC, MML, KDC, TAC, VOC).
7/ Theo Nikkei Asia, Apple sẽ giảm sản lượng dự kiến đối với mặt hàng tai nghe không dây AirPods từ 25% đến 30% trong năm nay do áp lực cạnh tranh ngày càng lớn khiến doanh số bán hàng giảm. Theo đó, hãng dự kiến sẽ sản xuất 75 – 85 triệu chiếc AirPods cho năm 2021, giảm từ mức dự báo ban đầu là 110 triệu chiếc. Sự điều chỉnh trong kế hoạch sản xuất này cho thấy nhu cầu tiêu thụ AirPods đang suy yếu. Động thái này diễn ra trong bối cảnh thị trường tai nghe không dây gặp phải sự cạnh tranh lớn từ Samsung, Xiaomi và các hãng khác. Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu Counterpoint Research, Apple đã xuất xưởng khoảng 72,8 triệu chiếc AirPods vào năm ngoái, và trở thành hãng thống trị thị trường tai nghe không dây với 31% thị phần.
8/ Bộ trưởng điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia cho biết, Indonesia hiện là nhà sản xuất dầu diesel sinh học lớn nhất thế giới với sản lượng đạt 137.000 thùng mỗi ngày, cao hơn nhiều so với mức 112.000 thùng của Mỹ, 99.000 thùng của Brazil và 62.000 thùng của Đức. Thành công này đã định vị Indonesia là một quốc gia đáng chú ý trên thị trường dầu diesel sinh học thế giới. Dầu diesel sinh học là nhiên liệu sinh học bao gồm hỗn hợp các hợp chất metyl este của axit béo chuỗi dài và được sử dụng làm nhiên liệu thay thế trong động cơ diesel. Indonesia sử dụng dầu cọ thô (CPO) làm nguyên liệu chính để sản xuất dầu diesel sinh học. Giám đốc Cơ quan Quản lý Quỹ Trồng trọt Dầu cọ (BPDP-KS) cho biết, tốc độ sản xuất diesel sinh học của Indonesia đã có sự tăng trưởng tích cực với sản lượng tăng 300% lên 8,5 triệu kilolit vào năm 2020 từ 3 triệu kilolit vào năm 2016.
9/ Vụ phá sản của quỹ đầu cơ Archegos Capital Management (Mỹ) của doanh nhân Bill Hwang khiến các ngân hàng toàn cầu thua lỗ tới 10 tỷ USD. Đây là số liệu đã được cập nhật sau khi các ngân hàng Nomura (Nhật Bản) và UBS (Thụy Sĩ) công bố số tiền thiệt hại cao hơn dự kiến. Trong báo cáo doanh thu, Ngân hàng Nomura công bố khoản lỗ khoảng 245,7 tỷ yen (2,3 tỷ USD) trong năm tài chính 2020-2021, đồng thời dự báo khoản lỗ khoảng 570 triệu USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2022. Trong khi đó, Tập đoàn ngân hàng UBS (ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ) báo lỗ khoảng 861 triệu USD. Hai ngân hàng trên nằm trong số những ngân hàng thua lỗ lớn nhất do sự sụp đổ nhanh chóng của Archegos sau khi các ngân hàng như Goldman Sachs và Morgan Stanley buộc công ty của ông Hwang phải bán hàng tỷ USD cổ phiếu đang nắm giữ do sử dụng đòn bẩy tài chính cao.
10/ Trong quý I, Alphabet – công ty mẹ của Google tiết kiệm được 268 triệu USD chi phí khuyến mại, du lịch và giải trí cho nhân viên so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ đại dịch. Nếu tính cả năm, số tiền tiết kiệm sẽ là hơn 1 tỷ USD. Trong báo cáo thường niên đầu năm nay, Alphabet cho biết chi phí quảng cáo, khuyến mại giảm 1,4 tỷ USD năm 2020 trong bối cảnh công ty giảm chi tiêu, dừng hoặc thay đổi một số chiến dịch, và chuyển bớt sự kiện sang hình thức trực tuyến. Doanh nghiệp này cũng giảm được 371 triệu USD tiền du lịch và giải trí. Khoản tiết kiệm này đã bù đắp được chi phí thuê thêm hàng nghìn nhân viên. Google nổi tiếng với các chế độ cho nhân viên như bàn massage, dịch vụ ăn uống và nghỉ ngơi tại công ty. Tuy nhiên, hầu hết nhân viên hãng công nghệ Mỹ làm việc từ xa và không được hưởng các dịch vụ này từ tháng 3 năm ngoái. Tuy nhiên, Google hiện vẫn lên kế hoạch cho nhân viên trở lại văn phòng cuối năm nay.
11/ Quốc hội Trung Quốc vừa thông qua “Luật chống lãng phí thực phẩm” nhằm chống lại sự lãng phí đồ ăn thức uống và khẳng định tầm quan trọng của an ninh lương thực nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định cho khoảng 1,4 tỷ dân. Theo bộ luật này, các nhà hàng hướng dẫn sai khiến thực khách gọi đồ ăn quá mức cần thiết có thể bị phạt lên đến 10.000 nhân dân tệ (khoảng 36 triệu đồng). Người kinh doanh sản xuất thực phẩm gây lãng phí nghiêm trọng sẽ chịu mức phạt cao nhất là 50.000 nhân dân tệ (khoảng 180 triệu đồng). Đặc biệt, hành vi sản xuất, chiếu phát các chương trình video truyền bá việc ăn uống vô độ sẽ phải chịu mức phạt tối đa lên tới 100.000 nhân dân tệ (khoảng 360 triệu đồng).