Hãng dược Israel – Mỹ phát minh vaccine ngừa Covid-19 có thể uống, không cần tiêm

651
Nhiều loại vaccine - trong đó có vaccine ngừa Covid-19 – trong tương lai sẽ được bào chế thành thuốc viên nang. Ảnh: The Jerusalem Post
Tiêu điểm:
Hãng dược Israel – Mỹ phát minh vaccine ngừa Covid-19 có thể uống, không cần tiêm
Một hãng dược liên doanh Israel – Mỹ đang chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 loại vaccine ngừa Covid-19 mới có thể uống, mà không cần chích. Thành công của họ sẽ tạo nên cuộc cách mạng mới trong hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu, đặc biệt trong giai đoạn các loại vaccine ngừa Covid-19 cần phải có hệ thống trữ lạnh cực sâu trong khâu bảo quản và vận chuyển.
Tuần rồi, Oramed Pharmaceuticals Inc cùng với hãng Premas Biotech thành lập liên doanh Oravax Medical Inc phát triển loại vaccine mới với công nghệ củaTrung tâm Y khoa Đại học Hadassah. Công nghệ POD của Oramed có thể tạo một số liệu pháp dựa trên nền tảng đạm protein có thể uống hoặc có thể tiêm. Hiện Oramed đang trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và đang chờ Cơ quan quản lý Dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn loại thuốc viên nang insulin uống ngừa tiểu đường loại 1 và loại 2.
Từ tháng 3 năm ngoái, Premas đã nghiên cứu phát triển loại vaccine ngừa Covid-19. Cả hai công ty kết nối với nhau đầu năm nay và nhanh chóng nhận ra rằng công nghệ của họ có thể mang lại đột phá mới trên thị trường vaccine ngừa Covid-19 – theo CEO Nadav Kidron của Oramed.
“Loại vaccine ngừa Covid-19 có thể uống sẽ dỡ bỏ nhiều trở ngại trong việc phân phối nhanh chóng và trên diện diện rộng loại vaccine này, cho phép người dân tự ‘tiêm’ vaccine tại nhà. Đơn giản hóa khâu quản lý chiến dịch tiêm chủng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng tốc độ của chương trình. Loại vaccine có thể uống càng tăng thêm giá trị trong trường hợp vaccine ngừa Covid-19 có thể được khuyến nghị tiêm thường xuyên hàng năm giống như các loại thuốc tiêm ngừa cúm thông thường”, ông Kidron nói với nhật báo The Jerusalem Post.
Công ty đã hoàn tất việc thử nghiệm ở động vật và phát hiện vaccine thúc đẩy sự phát triển của kháng thể Immunoglobulin G (IgG) và Immunoglobulin A (IgA), trong đó IgA cần thiết cho việc miễn dịch lâu dài.
Loại vaccine ứng viên mới Oravax nhắm vào ba cấu trúc protein của virus corona, Kidron giải thích, khác với loại protein đơn mà các loại vaccine của Pfizer và Moderna nhắm đến. “Vì thế, vaccine này có thể chống lại nhiều chủng Covid-19 mới”, ông Kidron tuyên bố.
Ngoài ra, vaccine mới là loại dựa trên men, khiến thời gian sản xuất và chi phí rẻ hơn nhiều so với các loại vaccine đã được nhiều nước chuẩn thuận. Thuận lợi khác của vaccine có thể uống là an toàn và hiệu quả của nó, và vaccine có ít có tác dụng phụ so với các loại vaccine ngừa Covid-19 hiện nay. Vaccine có thể vận chuyển ở nhiệt độ tủ lạnh thường và thậm chí có thể lưu trữ ở nhiệt độ phòng. “Điều này khiến logistics, vận chuyển vaccine trên toàn cầu dễ dàng hơn”, CEO Kidron phát biểu.
Cuối cùng, vaccine mới không cần đòi hỏi tay nghề của y bác sỹ khi tiêm.
Oravax dự kiến sẽ được đưa vào thử nghiệm lâm sàng trong quý 2/2021 sắp tới. Ông Kidron nói rằng công ty đang xin phép thử nghiệm ở nhiều nước cùng lúc, gồm Mỹ, Israel, châu Âu và Mexico. Hãng hy vọng sẽ có “đất dụng võ” ở châu Phi khi vaccine có thể uống có thể chứng minh được hiệu quả kỳ diệu của nó trong điều kiện y tế thiếu thốn ở lục địa đen.
Ông Kidron cũng hy vọng dữ liệu của giai đoạn 1 thử nghiệm ở người sẽ được công bố trong vòng ba tháng tới.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,1 – 55,5 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với giá khảo sát cuối tuần trước. Chênh lệch giá mua vào – bán ra hiện được thu hẹp xuống còn 400.000 đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.734,8 USD/ounce, giảm 10,1 USD/ounce, tương đương 0,58% so với chốt phiên trước. Khảo sát của Kitco tuần này cho thấy, cả giới phân tích và nhà đầu tư đều tỏ ra lạc quan với xu hướng tăng của kim loại quý trong những ngày tới.
2/ Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong năm vừa qua, lượng và trị giá nhập khẩu xoài Việt Nam vào Mỹ tăng rất mạnh đạt 2.100 tấn, trị giá 4,61 triệu USD, tăng 66% về lượng và tăng 70,1% về trị giá so với năm 2019. Giá nhập khẩu bình quân xoài Việt Nam vào Mỹ ở mức cao đạt 2,2 USD/kg, tăng 2,5% so với năm 2019, cao hơn nhiều so với giá bình quân xoài nhập khẩu vào Mỹ năm 2020 (1,26 USD/tấn). Tuy nhiên, tỷ trọng của xoài Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ vẫn còn thấp, chỉ chiếm 0,3% tổng lượng xoài nhập khẩu của nước này. Vì vậy, Việt Nam hiện mới chỉ đứng thứ 14 trong những thị trường cung cấp xoài cho Mỹ.
3/ Tập đoàn Incheon International Airport Corp. (IIAC) cho biết, tập đoàn sẽ tham gia dự án phát triển sân bay trị giá 600 tỷ won (khoảng 530 triệu USD) ở Indonesia. Theo đó, tập đoàn này đã lập liên doanh với nhà điều hành sân bay quốc doanh của Indonesia PT Angkasa Pura 1 (AP1) và công ty xây dựng địa phương PT Wijaya Karya Tbk (WIKA) để mở rộng sân bay Hang Nadim Batam vào năm 2024. IIAC sẽ đầu tư 30% cổ phần trong dự án sân bay trị giá 600 tỷ won và vận hành sân bay này trong 25 năm theo thỏa thuận với Chính phủ Indonesia. Thương vụ này là thỏa thuận phát triển và vận hành sân bay ở nước ngoài đầu tiên của Hàn Quốc.
4/ Lên sàn hôm 15/3, đồng token Alice đã ngay lập tức tạo ra cơn sốt trên thị trường khi có giá khởi điểm là 16 USD và cũng thu hút được sự chú ý của giới đầu tư tiền số Việt Nam. Mức giá cho giao dịch nội bộ của nó là 0,1 USD nhưng khi vừa lên sàn hôm 15/3 đã lập tức chạm mốc 16 USD khiến dân buôn tiền số Việt đổ xô lao vào với kỳ vọng tăng cao chót vót. Chỉ trong vòng một ngày, đồng Alice đã lập đỉnh 24 USD với tổng khối lượng giao dịch đạt 2,2 tỷ USD trước khi lao dốc và hiện chỉ còn ở mức 16 USD. Thực tế, diễn biến tăng giá của Alice được đánh giá là khá bất thường, ví như những giao dịch lan đột biến trị giá tiền tỷ. Vì vậy, cuộc chơi Alice đang mau chóng trở thành màn đu đỉnh của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, mặc dù Alice cũng có một lộ trình ra mắt tương đối bài bản. Hiện tổng cung của đồng này là 100 triệu token.
5/ Theo iMore, công ty KPAW LLC của Eleftheriou đã nộp đơn khiếu nại tại California (Mỹ) liên quan đến việc phát hành ứng dụng FlickType trên Apple Watch. Nội dung cho biết, Apple đã cố gắng không hỗ trợ ứng dụng FlickType nhằm gây khó khăn cho nhà phát triển. Theo Eleftheriou, Apple đã lợi dụng quyền lực của mình bằng cách đè bẹp một nhà phát triển bằng những ràng buộc không rõ ràng và bất hợp lý nếu không thể mua ứng dụng mong muốn từ nhà phát triển đó với giá rẻ. Được biết FlickType là ứng dụng tuyệt vời cho người dùng Apple Watch và được đánh giá là một trong số những ứng dụng đầu tiên mà người dùng nên cài đặt nếu sở hữu đồng hồ của Apple.
Theo Eleftheriou, Apple đã lợi dụng quyền lực của mình bằng cách đè bẹp một nhà phát triển bằng những ràng buộc không rõ ràng và bất hợp lý nếu không thể mua ứng dụng mong muốn từ nhà phát triển đó với giá rẻ. – Ảnh: TechCrunch
6/ Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Campuchia cho biết giá mủ cao su tự nhiên của Campuchia trên các thị trường quốc tế tăng hơn 10% trong quý I/2021 nhờ nhu cầu cao liên tục từ Trung Quốc. Theo đó, trong tháng 1-2/2021, Campuchia xuất khẩu 83.620 tấn mủ cao su tự nhiên, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng Giám đốc Tổng cục cao su (Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Campuchia) cho biết đà tăng trưởng kinh tế được cải thiện của Trung Quốc đẩy nhu cầu nguyên liệu cao su tăng mạnh. Các điều kiện này đã thúc đẩy các đơn hàng cao su Campuchia về cảng TP.HCM tại Việt Nam, nơi giá mặt hàng này đang là 1.800 USD/tấn, tăng so với mức 1.500 USD/tấn vào tháng 2/2020. Các chuyên gia tại Campuchia có chung nhận định rằng nếu xu thế tăng giá này được duy trì, diện tích trồng cây cao su tại Campuchia có thể được mở rộng hơn nữa.
7/ Hãng dầu quốc doanh khổng lồ Saudi Aramco của Saudi Arabia không còn là công ty lãi lớn nhất thế giới, sau khidịch Covid-19 gây sụt giảm nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2020. Theo đó, lợi nhuận của công ty đã sụt giảm 44%, còn 49 tỷ USD. Tuy nhiên, dù lợi nhuận lao dốc, công ty vẫn chi 75 tỷ USD để trả cổ tức cả năm. Kết quả này đồng nghĩa với việc hãng công nghệ Mỹ Apple giành danh hiệu công ty lãi lớn nhất thế giới từ Aramco. Tuy nhiên, cũng có thể vị trí này ở lại với Apple không lâu, vì giá dầu thế giới đã tăng mạnh trở lại trong mấy tháng trở lại đây. Trong vòng 1 năm tới đây, Aramco dự kiến sẽ chi 35 tỷ USd đầu tư cố định, thấp hơn nhiều so với mức dự kiến 40-45 tỷ USD trước đó.
8/ Các ngân hàng lớn của Nhật Bản dự kiến sẽ cắt giảm phí chuyển tiền trong thời gian tới, sau khi một cơ quan trong ngành tài chính quyết định giảm phí chuyển tiền liên ngân hàng vốn chưa từng được điều chỉnh trong hơn 40 năm qua. Mạng lưới thanh toán bù trừ giữa các ngân hàng Nhật Bản (Zengin-Net) – nhà điều hành hệ thống chuyển tiền giữa các ngân hàng trong nước cho biết họ sẽ giảm phí chuyển tiền liên ngân hàng xuống 62 yen (0,56 USD) cho mỗi giao dịch. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10 tới. Trước đó, Chính phủ Nhật Bản cũng đã kêu gọi giảm phí chuyển tiền liên ngân hàng xuống mức hợp lý. Phí chuyển tiền liên ngân hàng được sử dụng để tính các khoản phí áp dụng đối với người dùng gửi tiền giữa các tài khoản thuộc những ngân hàng khác nhau.
9/ Công ty viễn thông LG Uplus (Hàn Quốc) vừa mở cửa hàng đầu tiên hoạt động mà không cần sự trợ giúp của các nhân viên bán hàng, theo đó nối gót các công ty khác cung cấp các dịch vụ giảm tiếp xúc trực tiếp để phòng dịch Covid-19. Cửa hàng này được trang bị công nghệ tự động hóa, chẳng hạn như quầy kỹ thuật số cho phép khách hàng thay đổi gói dữ liệu, mua điện thoại mới hoặc thẻ USIM mà không cần đến nhân viên bán hàng. Khi đến cửa hàng, khách hàng sẽ nhận được các mã QR và có thể sử dụng mã này để nhận hàng từ các tủ chứa hàng. Theo LG Uplus, cửa hàng tự vận hành này mở cửa cả ngày lẫn đêm với sự hỗ trợ của công cụ trò chuyện tự động (chatbot) sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Mặc dù vậy, cửa hàng sẽ vẫn có dịch vụ chăm sóc khách hàng trực tiếp trong ngày.
Cửa hàng LG UPlus sẽ tự vận hành và mở cửa cả ngày lẫn đêm với sự hỗ trợ của công cụ trò chuyện tự động (chatbot) sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
10/ Chính phủ New Zealand đã gia hạn biện pháp hỗ trợ lĩnh vực hàng không đến hết tháng 10 tới, qua đó giúp nước này kết nối với các đối tác thương mại và duy trì các dịch vụ hành khách quốc tế. Được biết, năng lực vận chuyển hàng không của nước này đang bằng khoảng 90% của mức trước thời đại dịch Covid-19 nhờ chương trình Năng lực vận tải hàng không quốc tế (IAFC), cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước có thể đưa sản phẩm ra thị trường đúng thời hạn và các mặt hàng quan trọng như thuốc có thể được chuyển đến New Zealand. Kể từ tháng 5/2020, nhờ sự hỗ trợ của chính phủ, hơn 6.000 chuyến bay đã được thực hiện, vận chuyển hơn 120.000 tấn hàng trị giá 8 tỷ NZD (5,7 tỷ USD). Bên cạnh đó, hơn 60.000 người đã trở lại New Zealand thông qua các chuyến bay trong chương trình trên.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Mạo hiểm khởi nghiệp với Sachi, tiền tỷ đã mỉm cười