Hàng không châu Á bị chính sách phòng chống Covid cản đường hồi phục

138
Singapore Airlines và các hãng hàng không châu Á chịu tổn thất lớn do những hạn chế đi lại nghiêm ngặt ở các nước trong khu vực. Ảnh: Reuters
Các hãng hàng không phương Tây đang dẫn dắt về tốc độ hồi phục từ khủng hoảng Covid,  với các hãng lớn ở Mỹ đạt lợi nhuận ròng trong quí 3 rồi. Nhưng tại châu Á, các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt đã trở thành rào cản với nhu cầu bay nội địa và quốc tế ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á. Các hãng bay đang tinh giản hoạt động với hy vọng có lại lợi nhuận khi một số nước mở cửa bầu trời, và khơi dòng lưu thông hàng không bị tắc nghẽn hay đè nén suốt dịch.
Thiệt hại lớn do chính sách kiểm soát Covid
Hôm 11-11, hãng hàng không Singapore đã ghi nhận mức lỗ ròng 428 triệu đô la Singapore (316 triệu đô la Mỹ) cho quí kết thúc tháng 9 rồi. Đây là quí thứ bảy liên tiếp hãng này thua lỗ. Năng lực vận chuyển hành khách trong tháng 9 của hãng chỉ bằng 32% mức trước khi Covid bùng phát.
Đảo quốc nhỏ bé này không có các tuyến bay nội địa, vì thế doanh thu của Singapore Airlines phần lớn phản ánh lưu lượng hàng không xuyên biên giới ở châu Á hiện rất yếu so với phương Tây.
Trong khi đó, các chuyến bay nội địa tại Trung Quốc đang chịu thiệt hại từ chiến lược “zero Covid” của chính phủ với hàng loạt đợt phong tỏa và các hạn chế đi lại. Các đợt bùng dịch ở các tỉnh phía Đông Nam nước này đã đẩy nhu cầu đi lại xuống đáy, dù là trong kỳ hè hay các dịp nghỉ lễ vừa rồi.
Với 70% doanh số từ các tuyến bay nội địa trước dịch, ba hãng hàng không lớn của Trung Quốc đều báo lỗ trong quí rồi – khác xa mức lợi nhuận ròng ấn tượng của quí cùng kỳ năm 2019. China Eastern Airlines có mức lỗ ròng 2,95 tỉ nhân dân tệ (460 triệu đô la), China Southern Airlines lỗ đến 1,43 tỉ nhân dân tệ (220 triệu đô la). Hãng hàng không quốc gia China Airlines có mức lỗ ròng kỷ lục 3,5 tỉ tệ (550 triệu đô la). Mức lỗ này chủ yếu “do sự kết hợp các yếu tố như các đợt bùng dịch mới, giá nhiên liệu hàng không gia tăng và mức dao động tỉ giá”, Air China nói trong bản báo cáo lợi nhuận.
Tương tự, hai hãng hàng không lớn của Nhật Bản là ANA Holdings và Japan Airlines cũng ghi nhận mức lỗ ròng lần lượt là 47,6 tỉ yen (420 triệu đô la) và 44,6 tỉ yen (390 triệu đô la). ANA dự báo mức lỗ ròng của hãng có thể đạt 100 tỉ yen trong năm tài chính kết thúc tháng 3-2022 – mức trượt sâu từ lợi nhuận ròng 3,5 tỉ yen trước dịch. Như vậy, hồi phục hàng không sẽ không dễ dàng và thuận lợi như đã mong đợi.
“Nhu cầu các thị trường châu Á thật sự thấp hơn rất nhiều so với năm 2019, phần lớn là hệ quả của chính sách kiểm dịch gắt gao đối với chiều đến và đi từ Trung Quốc và các đường bay xuyên châu Á. Một vài thị trường nội địa đang hồi phục, nhưng nhu cầu đi lại trong châu Á giảm hơn 60% so với năm 2019, tức là khá yếu”, Rob Morris, người phụ trách bộ phận tư vấn toàn cầu của hãng phân tích hàng không Ascend by Cirium, phát biểu.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các hãng hàng không lớn nhất của Mỹ gồm Delta Air Lines, United Airlines và American Airlines đều đạt lợi nhuận ròng trong quí 3 vừa rồi. Doanh số các hãng hồi phục về mức 70% trước dịch nhờ vào nhu cầu bay trong nước tăng mạnh. Đây là lần đầu tiên kể từ quí cuối 2019 bộ ba trên bay có lãi.
Ông Morris ghi nhận rằng lợi nhuận của các hãng bay Mỹ được nâng đỡ bởi các hỗ trợ tài chính của chính phủ Mỹ và thị trường hàng không trong nước đã đạt được khối lượng tương tự so với năm 2019.
Thay đổi và tái cấu trúc liên tục
Covid đã vùi dập không thương tiếc công nghiệp hàng không châu Á. Các hãng buộc phải thực hiện hàng loạt các biện pháp cắt giảm chi phí, từ sa thải và cho nhân viên nghỉ không lương đến việc bán các máy bay cũ và tìm nguồn tài chính mới từ ngân hàng và chính phủ.
Nhiều hãng đã khuếch trương mảng vận tải hàng hóa để đón bắt nhu cầu vận chuyển dược và thiết bị y tế, linh kiện điện tử trên toàn cầu. Sự chuyển hướng này ít nhất giảm căng kéo tình hình tài chính của các hãng bay. Chẳng hạn, hãng hàng không quốc gia Korea Air Lines của Hàn Quốc đã có lợi nhuận ròng từ quí 2-2020 nhờ mảng vận tải hàng hóa.
Tại Malaysia, hãng hàng không giá rẻ AirAsia phát triển thêm các dịch vụ số, mở dịch vụ giao nhận thức ăn và thanh toán điện tử ở một số thị trường ASEAN, trong khi đóng cửa mảng hàng không tại Nhật Bản.
Nhưng một số hãng hàng không quốc gia hàng đầu trong khu vực đã có kết quả kinh doanh yếu kém kể từ trước dịch đã không thể qua nổi cuộc khủng hoảng của chính các hãng. Thai Airways International hiện đang tái cấu trúc dưới sự quản lý của tòa, trong khi Philippines Airlines hồi tháng 9 đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Mỹ.
Khi các đợt nghỉ lễ cuối năm đã gần kề, các hãng bay châu Á cuối cùng cũng nhìn thấy ít tia hy vọng cuối chân trời. Trong vài tuần qua, nhiều nước đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế trong nước và các biện pháp kiểm soát biên giới khi tỷ lệ tiêm chủng đã gia tăng ấn tượng.
Singapore hồi tháng 9 đã mở “làn du lịch cho khách đã tiêm chủng” (VTL) cho phép khách nhập cảnh mà không cần cách ly. Đầu tháng 11 này, Thái Lan mở cửa đón du khách mà không cần cách ly từ 63 nước và lãnh thổ, bao gồm phần lớn các nền kinh tế chính ở châu Á. Từ ngày 15-11, Ấn Độ và Campuchia cũng mở cửa đón du khách đã tiêm đủ vaccine. Việt Nam trong tuần tới cũng sẽ đón các đoàn du khách đầu tiên từ Hàn Quốc và Nhật Bản.
“Việc mở cửa một số thị trường có thể xem là diễn biến đáng hoan nghênh đối với hàng không châu Á. Giờ đây, các hãng sẽ có thể bắt đầu hình thành lại mạng lưới bay và hồi phục doanh số – tượng tự như cách các hãng hàng không Mỹ hưởng lợi từ thị trường nội địa và một vài thị trường quốc tế mở cửa trở lại”, nhà phân tích Morris nhận xét.
Các hãng hàng không lớn của Mỹ đạt được lợi nhuận trong quí 3-2021 do thị trường bay nội địa tăng trưởng mạnh mẽ. Đây là lần đầu tiên các hãng Mỹ có lợi nhuận kể từ cuối năm 2019 khi dịch Covid bùng phát. Ảnh: AP
Chính sách nhất quán để hồi phục khắp châu Á
Nhìn về tương lai, một trong những ưu tư của ngành hàng không là giá dầu tăng phi mã, khiến các chi phí nhiên liệu bay thêm đắt đỏ. Công suất hoạt động thấp hơn năng lực thực tế đồng nghĩa rằng tác động của giá dầu còn chưa quá quan trọng. Nhưng một khi số lượng máy bay trở lại bầu trời nhiều hơn, giá nhiên liệu cao hơn có thể tạo ra nguy cơ lớn đối với lợi nhuận của các hãng.
Trong tình hình này, các hãng hàng không đang tinh giản hoạt động để có thể đạt lợi nhuận trở lại. Ví dụ, JAL cho biết kế hoạch giảm dần 2.500 lao động xuống còn 33.500 người vào cuối năm tài khóa 2023. ANA cũng dự định giảm 9.000 nhân viên vào cuối năm tài chính 2025, từ con số 38.000 người trong năm tài khóa 2020.
Nhưng trong buổi họp báo mới nhất, CEO ANA Holdings Shinya Katanozaka đã kêu gọi chính phủ Nhật Bản gỡ bỏ hoàn toàn cách ly bắt buộc với khách doanh nhân và sử dụng hộ chiếu vaccine công nghệ số – ứng dụng chính có thể tăng hiệu quả kinh tế trong các chính sách mở cửa.
Dấu hiệu mở cửa đang ngày càng rõ hơn trong quí cuối 2021 ở châu Á – Thái Bình Dương. Bay nội địa tấp nập trở lại và một vài tín hiệu cho thấy du lịch quốc tế đang trở lại với khu vực. “Nhưng quá trình này rất chậm và từ từ. Tuy có một vài diễn biến đáng khích lệ gần đây, nhưng châu Á vẫn sẽ tiếp tục bị tụt hậu so với phần còn lại của thế giới trong một thời gian”, nhà phân tích hàng không độc lập Brendan Sobie cho biết.
Giữa các thị trường bay và khu vực, chính sách nhất quán và phối hợp chặt chẽ hơn có vai trò quan trọng trong hồi phục của hàng không châu Á. Henk Ombelet, trưởng bộ phận tư vấn của hãng Ascend by Cirium nói rằng kinh nghiệm tại châu Âu cho thấy nhu cầu du lịch sẽ tăng mạnh khi chính phủ các nước EU đưa ra các quy định đi du lịch nước ngoài được đơn giản hóa trong toàn khối. “Đây có lẽ là cách tiếp cận hiệu quả ở châu Á, nơi vẫn còn tồn tại sự chắp vá các quy định và chính sách quốc gia rất khác nhau. Cách tiếp cận này sẽ giúp các hãng hàng không châu Á đạt tốc độ hồi phục như dự liệu”, ông Ombelet kết luận.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng SJC dao động quanh mức 59,95 – 60,65 triệu đồng/lượng, cùng giảm 200.000 đồng/lượng mỗi chiều mua vào và bán ra, chênh lệch giá hai đầu vẫn giữ 700.000 đồng. Trên sàn Kitco, vàng giao dịch ở ngưỡng 1.861 USD/oz. Nhận định về giá vàng trong ngắn hạn, nhiều chuyên gia tiếp tục đặt niềm tin vào kim loại quý. Cụ thể, trong cuộc khảo sát giá vàng tuần này của Kitco với 18 chuyên gia trên phố Wall, có tới 15 dự báo vàng tăng giá, 2 người nhận định giá vàng sẽ đi ngang, 1 ý kiến cho rằng vàng sẽ giảm.
2/ Theo số liệu của Hải quan Đài Loan, nhập khẩu hàng rau củ từ Việt Nam vào Đài Loan trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 295.500 tấn, trị giá 232,9 triệu USD, tăng 3,9% về lượng và tăng 13,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam là thị trường cung cấp hàng rau củ lớn nhất cho thị trường Đài Loan, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 20,6% tổng lượng hàng rau củ nhập khẩu, tăng 8,8 điểm phần trăm so cùng kỳ năm 2020.
Theo trạng FreshPlaza.com, tình trạng thiếu nước tưới từ cuối năm 2020 đến nửa đầu năm 2021 đã ảnh hưởng đến canh tác hoa màu tại Đài Loan. Mùa bão từ giữa năm 2021 cũng ảnh hưởng đến sản xuất. Vì thế, giá rau trong nước tăng lên mức cao mới.
3/ Theo Hải quan Trung Quốc, trong 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu cao su của Trung Quốc đạt 9,18 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Việt Nam là nhà cung cấp cao su lớn thứ hai cho Trung Quốc với kim ngạch đạt 1,5 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam chiếm 16,4% nguồn cao su nhập khẩu vào Trung Quốc, tăng so với mức 14,3% của cùng kỳ năm 2020. Giá cao su tăng gần 30% giúp các công ty cao su Việt Nam có được lợi nhuận lớn khi có thể chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào trong năm nay.
4/ Startup công nghệ bất động sản Homebase huy động thành công 30 triệu USD để mở rộng thị trường và đối tác trong nước. Đây được xem là một trong những đợt huy động vốn lớn thành công của các startup tại Việt Nam trong năm 2021. Homebase mua nhà bằng tiền mặt; khách hàng góp vốn ít nhất 20% giá trị tài sản. Homebase sẽ giúp khách hàng mua trước căn nhà mà họ mong muốn để họ có thể chuyển vào ở từ ngày đầu. Khách hàng góp vốn hàng tháng cho căn nhà của mình, và có thể mua lại toàn bộ vốn góp của căn nhà bất kỳ lúc nào, hay rời đi và kết thúc giao dịch.
Dịch vụ này của Homebase hướng đến khách hàng là các doanh nhân/chủ doanh nghiệp có thu nhập không ổn định, những người trẻ với tiền tiết kiệm không nhiều, chưa thỏa mãn các tiêu chí vay thế chấp nghiêm ngặt từ ngân hàng truyền thống.
5/ Vibev đã tung ra thị trường hai sản phẩm đầu tiên thuộc Thương hiệu Oh Fresh là sữa bắp tươi và sữa đậu xanh tươi. Là liên doanh giữa Vinamilk và Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido, Vibev đặt mục tiêu nắm giữ vị trí số một về thị phần trong ngành nước giải khát có lợi cho sức khỏe với sản lượng 150 triệu chai mỗi năm (tương đương doanh số 2.000 tỷ đồng) sau 5 năm vận hành.
Ngành nước giải khát tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng do điều kiện sống và thu nhập của người dân được cải thiện. Các dòng nước giải khát thiên về sức khỏe sẽ là xu hướng phát triển đột phá. Ngành nước giải khát của Việt Nam tăng trưởng ổn định 8-10% mỗi năm.
6/ Nhà sản xuất và nhà bán lẻ trong nước đang lo lắng là mặt bằng giá cả tháng 12 sẽ tiếp tục tăng cao khi các chi phí đầu vào đều tăng, như chi phí lao động, xăng dầu và vận chuyển… Đây là điều đáng lo bởi sức mua còn chưa hồi phục. Đơn cử, bột mì đã tăng hơn 20%, dầu dùng cho sản xuất tăng 40%; thực phẩm chế biến, thực phẩm đông lạnh có xu hướng tăng từ 10 – 25%; nhóm hàng hóa mỹ phẩm tăng 6 – 12%. Trong các loại nguyên liệu thì chỉ có giá thịt heo có chiều hướng giảm. Còn các loại nguyên liệu khác từ rau củ, tôm… đến các loại gia vị hoặc cà phê đều tăng với lý do giá xăng và gas tăng.
7/ Sàn giao dịch chứng khoán Bắc Kinh đã khai trương sáng 15-11. Đây là thị trường chứng khoán thứ ba tại Trung Quốc sau hai thị trường tại Thâm Quyến và Thượng Hải. Trong ngày giao dịch đầu tiên, hơn 4 triệu nhà đầu tư đã tham gia giao dịch 81 cổ phiếu, trong đó cổ phiếu của 10 công ty lần đầu niêm yết trên thị trường chứng khoán được giao dịch nhiều nhất. Hoạt động trải khắp 25 ngành công nghiệp chính của nền kinh tế, nhóm 81 công ty này chủ yếu đến từ các lĩnh vực như chế tạo tiên tiến, dịch vụ công nghệ cao và các ngành chiến lược mới nổi. Chi tiêu trung bình của nhóm cho nghiên cứu và phát triển là 25,36 triệu nhân dân tệ (khoảng 4 triệu USD).
Đây là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực cải cách thị trường vốn của Trung Quốc khi sàn giao dịch mới sẽ hướng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thực thi chính sách “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trên cả nước.
8/ Ấn Độ đã mở cửa thị trường trái phiếu chính phủ trị giá 1.000 tỷ USD cho các nhà đầu tư cá nhân để tìm kiếm sự tài trợ từ công chúng cho các kế hoạch chi tiêu đầy tham vọng của chính phủ. Nền kinh tế lớn thứ ba châu Á có kế hoạch vay 12.050 tỷ rupee (161,87 tỷ USD) thông qua trái phiếu trong năm tài chính hiện tại kết thúc tháng 3-2021. Chương trình bán lẻ trái phiếu chính phủ giúp các nhà đầu tư cá nhân tiếp cận trực tiếp với trái phiếu do chính phủ liên bang và các bang Ấn Độ phát hành. Các nhà đầu tư cá nhân sẽ có thể dễ dàng mở và duy trì tài khoản chứng khoán chính phủ trực tuyến trên trang của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) miễn phí.
Theo phân tích của Bloomberg, động thái này diễn ra vào thời điểm lạm phát gia tăng gây thêm áp lực buộc RBI phải nâng lãi suất. Chính sách tiền tệ thắt chặt hơn có khả năng làm suy yếu nhu cầu đối với trái phiếu, gây khó khăn cho chính phủ trong việc thực hiện chương trình vay nợ rất lớn này.
9/ Áo là quốc gia đầu tiên tại châu Âu áp đặt lệnh phong tỏa đối với những người chưa tiêm vaccine Covid-19 nhằm ngăn chặn làn sóng dịch bệnh mới đang có nguy cơ khiến hệ thống y tế quá tải. Từ rạng sáng ngày 15-11, khoảng 1/3 dân số gần 9 triệu người của nước này sẽ không được rời khỏi nhà trừ trường hợp cần thiết như đi mua đồ thiết yếu, tập thể dục hay đi tiêm vaccine. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở Áo là 65%, thấp hơn mức trung bình 67% của EU.
Trang khi đó, Hà Lan, Đan Mạch, Pháp và Đức cũng đang có chính sách cứng rắn hơn để phòng ngừa “mùa đông đen tối” quay trở lại với số ca nhiễm tăng vọt. Chính phủ các nước EU đang đưa ra những biện pháp mới như phong tỏa từng phần, bắt buộc người dân phải tiêm đủ vaccine để có thể đến những nơi công cộng, khuyến khích người trên 65 tuổi tiêm mũi tăng cường…
10/ GDP trong quý 3 của Nhật Bản giảm khoảng 0,8% so với quý trước đó và 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này trái ngược với dự báo trước đó là tỷ lệ tăng trưởng quý 3 là 2%. Nhà kinh tế trưởng Takeshi Minami thuộc Viện Nghiên cứu Norinchukin, cho rằng kinh tế Nhật Bản suy giảm nhiều hơn so với dự kiến do nguồn cung bị hạn chế đã khiến sản lượng và chi tiêu bị ảnh hưởng nặng nề. Ông Takeshi nói kinh tế Nhật Bản được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại trong quý 4-2021 nhưng tốc độ hồi phục sẽ chậm do chi tiêu tiêu dùng chưa thể quay trở lại về mức trước đại dịch, dù rằng các hạn chế đi lại đã được nới lỏng từ cuối tháng 9.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) lại nâng dự báo tăng trưởng trong tài khóa 2022 từ 2,4% lên 2,7% nếu tiêu dùng tăng trong bối cảnh chương trình tiêm chủng vaccine được đẩy nhanh. BOJ cũng cảnh báo về sự bất ổn trong tăng trưởng kinh tế Nhật Bản do các diễn biến khó lường của Covid-19.
Ricky Hồ / BSA 

Doanh số tăng kỷ lục, Ngày Độc thân mang lại tín hiệu mới cho kinh tế Trung Quốc?