Hàng không Việt Nam chạm đáy: đến 95% đội bay nằm đất, đường bay vàng TP.HCM – Hà Nội lọt khỏi Top 10

384
Ảnh minh họa: Internet
Tiêu điểm

Hàng không Việt Nam chạm đáy: đến 95% đội bay nằm đất, đường bay vàng TP.HCM – Hà Nội lọt khỏi Top 10

Tỷ lệ nằm đất của đội máy bay thuộc các hãng hàng không Việt Nam dao động trong biên độ 65-95% trong tháng 7 vừa rồi. Trong khi đó, tuyến bay vàng TP.HCM – Hà Nội cũng rớt khỏi Top 10 các đường bay bận rộn nhất toàn cầu trong tháng 8 này, sau khi tụt xuống hạng 5 từ hạng 2 trước đó.
Tháng 7 vừa qua là thời gian ảm đạm nhất của ngành hàng không Việt Nam kể từ cột mốc suy giảm vào tháng 4/2020. Trong suốt tháng rồi, sáu hãng hàng không chính của Việt Nam đã thực hiện 3.772 chuyến bay, chỉ nhỉnh hơn 145 chuyến so với điểm đáy tháng 4 năm ngoái.
Trong tháng rồi, Vietravel Airlines chỉ thực hiện đúng 3 chuyến bay, giảm 86,4% so với tháng trước đó. Đây là tháng tệ nhất của hãng bay non trẻ từ khi hãng bay chuyến đầu tiên vào tháng 12/2020. Hãng này hiện có 3 máy bay.
Tương tự, Pacific Airlines cũng “ngủ đông” suốt tháng 7, với 17 trong 18 máy bay của hãng buộc phải nằm chờ ở sân bay, không khai thác do dịch bệnh. Cả tháng 7, Pacific Airlines chỉ khai thác 37 chuyến bay, giảm 76,4% so với tháng trước và giảm 97,6% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nằm đất của hãng con thuộc Vietnam Airlines Group lên gần 95%.
Vasco cũng tương tự Pacific Airlines, chỉ thực hiện 52 chuyến bay trong tháng, giảm 4% so với tháng trước và giảm 95,2% so với cùng kỳ.
Vietnam Airlines là hãng bay thực hiện nhiều chuyến bay nhất với 1.522 chuyến, giảm 79% so với tháng trước và giảm 84,8% so với cùng kỳ. Xếp sau là Bamboo Airways với 1.071 chuyến bay, giảm 14,3% so với tháng trước và giảm 56,7% so với cùng kỳ.
Vietjet Air thực hiện 676 chuyến bay trong tháng 7, giảm 48,8% so với tháng trước và giảm 91,9% so với cùng kỳ.
Theo số liệu của Planespotter, 73/100 máy bay của Vietnam Airlines phải nằm sân, tỷ lệ là 73%. Con số này của VietJet Air là 63/74, tỷ lệ hơn 85%. Chỉ 10 trên 29 máy bay của Bamboo Airways được bay, tỷ lệ nằm đất là hơn 65%.
Trong khi đó, đường bay vàng TP.HCM – Hà Nội cũng lọt khỏi Top 10 đường bay nội địa bận rộn nhất thế giới trong tháng 8 do hãng dữ liệu và phân tích OAG Aviation Worldwide Ltd công bố hôm nay 12/8/2021.
Trước đó, với năng lực tải – hay tổng số ghế – đạt 580.115 ghế do hãng OAG Aviation Worldwide Ltd thống kê, đường bay xương sống nối hai thành phố lớn nhất nước đã tụt xuống hạng năm trong tháng 7 vừa rồi. Điều này đồng nghĩa là thành tích giữ hạng hai từ tháng 11/2020 khi lần đầu tiên đường bay này tăng hạng đã bị “xô đổ”. Sự suy giảm này cũng khiến Việt Nam mất vị trí thứ 19 trong bảng Top 20 các thị trường bay lớn nhất thế giới của OAG.
Nhà phân tích cấp cao John Grant của OAG viết trên blog cá nhân “đây là tình trạng chung của thị trường Đông Nam Á, nhưng Việt Nam chịu tổn thất lớn nhất”.  
Kể từ hôm 22/7, Cục Hàng không Việt Nam đã ra lệnh tạm dừng khai thác các tuyến bay đi và đến các địa phương đang giãn cách xã hội, trong đó có tuyến TP.HCM – Hà Nội.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,4 – 57,1 triệu đồng/lượng, tăng 200.000  đồng/lượng so với giá mua vào và bán ra hôm trước. Chênh lệch giá hai đầu vẫn giữ mức 700.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.750 USD/ounce, tăng 21,2 USD, tương đương 1,23% so với chốt phiên trước.
2/ Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ hè thu năm 2021, nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống hơn 1,5 triệu ha, giảm 9.000 ha; năng suất ước đạt 5,66 tấn/ha, tăng 0,11 tấn/ha. Hiện nay đang vào cao điểm thu hoạch lúa và ước tính tổng sản lượng cả vụ đạt hơn 8,5 triệu tấn, tăng 124.000 tấn so với cùng kỳ. Hiện nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang vào cao điểm thu hoạch lúa hè thu; cùng với đó là triển khai sản xuất vụ lúa thu đông. Được biết, giá thành bình quân vụ hè thu tạm tính là 3.728 đồng/kg, tăng 143 đồng/kg so với vụ hè thu 2020. Nguyên nhân do giá phân bón và vật tư đầu vào tăng. Song, nhờ thực hiện giảm chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… nên chi phí giá thành sản xuất dù tăng nhưng không đáng kể và vẫn đảm bảo mức lợi nhuận cho nông dân cao hơn so với vụ hè thu 2020.
3/ Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong nửa đầu năm nay, trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường như EU, Trung Quốc gặp khó khăn, thì các doanh nghiệp cá tra Việt Nam phải nỗ lực đẩy mạnh sang các thị trường tiềm năng khác, trong đó có Brazil. Tính tới nửa đầu tháng 7/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Brazil đạt 35,5 triệu USD, tăng 86,8% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, hiện nay 1/3 dân số nước này đang tìm kiếm mua sản phẩm thủy sản đông lạnh giàu dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe như cá tra. Người dân Brazil sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm chế biến hay đông lạnh miễn sao chất lượng tốt, có lợi cho sức khỏe và giàu năng lượng.
4/ Theo Bộ Công Thương, nhu cầu của các thị trường lớn trên thế giới đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức khá cao, sau khi các nước đẩy mạnh tiêm vaccine và dần mở cửa trở lại, đi kèm với các gói kích thích kinh tế. Theo đó, các doanh nghiệp vật liệu cơ bản Việt Nam đang hưởng lợi khi sản xuất toàn cầu phục hồi. Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt hơn 185,3 tỷ USD, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm trước, với 27 mặt hàng đạt giá trị trên 1 tỷ USD. Cơ quan quản lý nhìn nhận cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Khác với các năm trước, động lực tăng trưởng xuất khẩu trong 2 năm qua không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.
Nửa đầu năm 2021, có gần 20 doanh nghiệp cá tra Việt Nam tham gia xuất khẩu sang thị trường Brazil. Các DN đang XK chủ yếu là sản phẩm cá tra phi-lê đông lạnh sang Brazil. Nhu cầu sản phẩm chế biến tiện lợi cũng đang gia tăng mạnh mẽ ở nước này. Ảnh: TP
5/ Theo Bloomberg, một tầng lớp tỷ phú tự thân đang nổi lên tại Hàn Quốc, vượt qua các đại gia thuộc những tập đoàn gia đình truyền thống trên bảng xếp hạng người giàu quốc gia này. Đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế 1.600 tỷ USD của Hàn Quốc đang có sự chuyển đổi lớn, ngày càng giảm sự phụ thuộc vào các tập đoàn gia đình (chaebol). Giới quan sát nhận định sẽ còn nhiều tỷ phú tự thân xuất hiện tại Hàn Quốc trong thời gian tới. Dịch Covid-19 thúc đẩy dữ dội nhu cầu trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, giải trí, công nghệ sinh học, các nhà đầu tư ồ ạt đổ hàng tỷ USD vào hàng loạt startup. Thống kê của chính phủ Hàn Quốc cho thấy trong nửa đầu năm nay, đầu tư mạo hiểm ở nước này đạt 2,7 tỷ USD, con số 6 tháng cao nhất từ trước đến nay.
6/ Thị trường nhà Singapore hiện đang tăng trưởng kỷ lục nửa đầu năm do giới siêu giàu xem đây là kênh trú ẩn an toàn cho sức khỏe lẫn tài sản. Theo đó, dòng tiền đổ vào bất động sản Singapore trong nửa đầu năm 2021 đã đạt tổng cộng 32,9 tỷ SGD (24 tỷ USD). Con số này gần gấp đôi so với Manhattan (Mỹ) trong cùng thời kỳ, cho thấy thị trường tại đảo quốc này đang tăng nóng thế nào. Được biết, giá nhà tại quốc gia này đã tăng kỷ lục 4,1% trong nửa đầu năm khi các ông trùm khắp châu Á tìm kiếm một bến đỗ an toàn. Một số đang chuyển tiền từ các nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch hoặc bất ổn chính trị sang. Ngoài ra, tương tự như London, một yếu tố khác khiến Singapore thu hút người mua nước ngoài là quyền riêng tư. Họ có thể sử dụng quỹ tín thác để che giấu danh tính với công chúng và thậm chí cả chính phủ.
7/ Theo Oxfam, đến nay Pfizer/BioNTech và Moderna bán hơn 90% lượng vaccine của họ cho các nước phát triển, với các quốc gia đang phát triển gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vaccine của các hãng này. Được biết, với số tiền tài trợ nghiên cứu lên đến 8,3 tỷ USD từ chính phủ Đức và Mỹ, thì Pfizer/BioNTech và Moderna có thể sản xuất mỗi liều vaccine Covid-19 với giá chỉ vỏn vẹn 1,2 USD. Tuy nhiên, chương trình COVAX phải mua vaccine từ các công ty này với giá cao gấp ít nhất 5 lần con số trên. COVAX cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc mua vaccine Pfizer/BioNTech và Moderna, bởi các hãng dược này bán vaccine cho nhiều quốc gia giàu có với mức giá cao gấp hàng chục lần chi phí sản xuất.
8/ Bộ Nông nghiệp Pháp cho hay sản lượng rượu vang nước này có thể giảm tới 30% trong năm nay, xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua, trong bối cảnh thời tiết sương giá của mùa Xuân và mưa nhiều trong mùa Hè đã làm ảnh hưởng đến năng suất của các vườn nho tại đây. Trong báo cáo triển vọng đầu tiên về sản lượng rượu vang quốc gia, Bộ Nông nghiệp Pháp đã dự báo sản lượng năm 2021 ở mức từ 32,6 triệu hectolit đến 35,6 triệu hectolit, thấp hơn 24-30% so với năm ngoái. Một hectolit tương đương 100 lít hoặc 133 chai rượu tiêu chuẩn. Bộ này cũng cho biết rằng sản lượng rượu năm 2021 được dự báo là thấp nhất trong lịch sử, dưới mức của năm 1991 và 2017, vốn cũng bị ảnh hưởng bởi thời tiết sương giá khắc nghiệt trong mùa Xuân. Trước đó, các nhà sản xuất rượu cũng dự báo rằng thời tiết sương giá có thể làm giảm sản lượng rượu của Pháp khoảng 33%.
Ảnh minh họa: TTXVN
9/ Giá bất động sản Tokyo tăng đang khiến các căn hộ ở Làng Olympic (quận Harumi, gần vịnh Tokyo) trở nên hấp dẫn. Hơn 5.600 căn hộ, đủ chỗ sinh sống cho khoảng 12.000 dân, thuộc dự án này, với tên gọi Harumi Flag sẽ được cung cấp ra thị trường. Theo đó, giới đầu tư bất động sản đang quan tâm trở lại các căn hộ tại Làng Olympic, nơi nghỉ của các vận động viên Thế vận hội vừa qua. Theo công ty nghiên cứu bất động sản Tokyo Kantei Co., giá trung bình cho các căn hộ đã qua sử dụng ở các quận trung tâm thành phố đã tăng 11% trong tháng 6 so với năm ngoái, ở mức 829.000 USD. Giá trung bình cho một căn hộ rộng 72,9 m2 ở Làng Olympic là hơn 515.000 USD. Theo chuyên gia phân tích tại SBI Securities Co. cho biết, các căn hộ tại Làng Olympic rẻ hơn rất nhiều so với các dự án nằm gần nhà ga tàu điện ngầm, điều này khiến chúng rất cạnh tranh.
10/ Vừa qua, Nhật Bản đã cam kết tăng cường hỗ trợ Thái Lan thúc đẩy nỗ lực trung hòa carbon để giúp quốc gia Đông Nam Á tái thiết nền kinh tế đang lao đao vì đại dịch Covid-19. Theo đó, Nhật Bản khẳng định sẽ cung cấp cho Bangkok công nghệ cần thiết để cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide và phát triển năng lượng tái tạo. Đầu năm nay, Chính phủ Nhật Bản đã công bố “Sáng kiến Chuyển đổi năng lượng châu Á”, theo đó cam kết hỗ trợ 10 tỷ USD cho các quốc gia thành viên ASEAN, trong đó có Thái Lan, để thúc đẩy năng lượng tái tạo, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), sử dụng năng lượng hiệu quả cũng như các dự án xanh khác. Theo giới chức Nhật Bản, sáng kiến này không chỉ nhằm giảm phát thải khí nhà kính của khu vực mà còn mở rộng cơ hội kinh doanh cho các công ty Nhật Bản.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
An tâm chất lượng với văn phòng phẩm Xukiva