Mạnh Quang và hành trình trở thành nhà cung cấp cho Honda: Đó là ‘cuộc chơi’ tiêu chuẩn

210
Đối với Mạnh Quang giải thưởng Honda Best Kaizen KI9 là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự nỗ lực cải tiến liên tục để nâng cao chất lượng.

Mạnh Quang hiện là đối tác trực tiếp tier 1 của sumitomo Nacco, Yahata, Lifan, Sufat, Musashi, F.C.C… và đối tác tier 2 của Yamaha, Kubota, Yanmar… Đặc biệt, doanh nghiệp cơ khí này từ lâu đã là nhà cung cấp trực tiếp cho Honda Việt Nam trong hệ thống Honda toàn cầu.

Mạnh Quang hiện là đối tác trực tiếp tier 1 của sumitomo Nacco, Yahata, Lifan, Sufat, Musashi, F.C.C… và đối tác tier 2 của Yamaha, Kubota, Yanmar… Đặc biệt, doanh nghiệp cơ khí này từ lâu đã là nhà cung cấp trực tiếp cho Honda Việt Nam trong hệ thống Honda toàn cầu.
Ông Nguyễn Mạnh Quang, giám đốc điều hành Công ty TNHH Cơ khí Mạnh Quang: “Trong ngành cơ khí, Mạnh Quang không có gì nhiều để “khoe” nhưng có điều có thể tự hào sau quá trình dài thử thách, là chúng tôi có thể hoàn thiện nhiều sản phẩm trong nhà máy, từ công đoạn chế tạo phôi đến tính toán thiết kế, nhiệt luyện, kỹ thuật bổ sung mà những doanh nghiệp khác cùng ngành chưa làm được.”
Công ty TNHH Cơ khí Mạnh Quang là một doanh nghiệp HVNCLC, ra đời cách đây 37 năm tại Hà Nội. Với quy mô ba nhà máy, 230 cán bộ công nhân viên, sở hữu phòng Lab hiện đại, hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015, hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015, giải thưởng Honda Best Kaizen KI90, doanh thu hàng năm gần 200 tỷ đồng.
Trong cuộc trò chuyện với Thế Giới Hội Nhập mới đây, Giám đốc điều hành Nguyễn Mạnh Quang tiết lộ: Từ đầu những năm 2000, đội ngũ tìm kiếm nhà cung cấp của Honda Việt Nam đã tiếp cận và tìm hiểu Mạnh Quang trong chương trình tìm kiếm nhà cung cấp tiềm năng, để tăng tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm thay cho hàng nhập khẩu. Thú thật ban đầu, Mạnh Quang chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn đánh giá nhà cung cấp của Honda, vì thực sự mình còn lạc hậu, làm theo thói quen, chưa tiêu chuẩn hoá. Lúc đó, Mạnh Quang xác định đây là cơ hội tuyệt vời để học hỏi, nâng cấp khả năng kiểm soát chất lượng và quản lý, chuẩn hoá theo tiêu chuẩn quốc tế, nên chúng tôi hết sức cầu thị và rất quyết liệt.
– Vậy Mạnh Quang phải thay đổi những gì để đáp ứng yêu cầu của Honda?
– Trước đây, chúng tôi cũng có những giai đoạn rất phát triển và gặp thuận lợi như các doanh nghiệp của ngành hàng tiêu dùng. Khi khách hàng tín nhiệm sản phẩm, Mạnh Quang thấy tự tin, nhưng từ khi làm việc với Honda thì mới nhận ra rằng, đây là một môi trường khác. Tất cả phải thay đổi, với rất nhiều đòi hỏi cụ thể, cái gì cũng phải chuẩn hoá, làm theo tiêu chuẩn, trong khi trước kia cũng có tiêu chuẩn, nhưng chưa có ý thức để ổn định chất lượng, đảm bảo cho cả quá trình dài.
Từ khi trở thành nhà cung cấp cho Honda thì mình mới vỡ ra rằng, chất lượng sản phẩm đến từ việc phải xây dựng và làm theo tiêu chuẩn, làm theo quy trình. Có tiêu chuẩn thì doanh nghiệp mới có thể đi xa, đi bền.
– Như vậy việc chuẩn hoá phải được đặt lên hàng đầu?
– Đúng như vậy! Công nhân của mình họ có thể làm tốt được hôm nay, nhưng ngày mai tâm trạng họ thay đổi thì không biết chuyện gì xảy ra. Cho nên, nếu không có tiêu chuẩn thì hôm nay họ chỉnh máy như thế này, ngày mai lại chỉnh như thế kia. Làm việc theo kiểu tuỳ hứng, chắc chắn sản phẩm đầu ra lúc tròn, lúc dẹp.
Nhiều người cho rằng việc “lấy” các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9001:2015 ở Việt Nam là rất dễ, nhưng với Mạnh Quang, ISO là một cuộc chơi lớn. Chúng tôi xác định đây không đơn giản là cuộc chơi để có chứng nhận, mà đó là một dự án đầu tư để nâng tầm năng lực, nhân sự và cả hệ thống.
Qua những gì chúng tôi trải nghiệm, có thể nói để làm được ISO một cách bài bản thì doanh nghiệp phải có bộ máy, con người và phải được đào tạo căn cơ về nghiệp vụ, tư duy với rất nhiều công sức.
Để lấy chứng nhận ISO chỉ mất tầm 100 triệu, nhưng để xây dựng hệ thống ISO chạy ngon lành thì phải mất 4 – 5 tỉ đồng. Đây là chuyện nhiều người có thể sẽ không nhìn thấy. Cũng như vậy, khách hàng thật ra sẽ không nhìn vào chứng nhận, mà họ sẽ nhìn vào việc vận hành quy trình đó như thế nào. Đặc biệt, khách hàng sẽ kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm xem nó có được đảm bảo kiểm soát qua từng giai đoạn, qua từng quy trình hay không.
Dù chúng tôi đã có nhiều nỗ lực chuẩn hoá, nhưng thực tế, hiện có rất nhiều cuộc chơi mà Mạnh Quang đang đứng bên ngoài, không phải vì yếu kém công nghệ, mà do hệ thống “chưa có vé vào cửa”. Ví dụ như ngành ô tô, muốn tham gia thì mình phải có tiêu chuẩn IATF 16949:2015, ISO 14001:2015. Nếu không có tiêu chuẩn này thì việc trở thành TIER 2, TIER 3 (nhà cung ứng của nhà cung ứng) cũng không làm được, chứ đừng nói tới nhà cung ứng trực tiếp. Hoặc với lĩnh vực y tế, thì doanh nghiệp phải có ISO 13485 theo yêu cầu đặc thù của ngành này.
– Vậy theo ông, việc áp dụng tiêu chuẩn tốt có tương đương với việc có được thị trường tốt hay không, trong lúc nhiều doanh nghiệp khác than rằng, dù có nhiều tiêu chuẩn nhưng vẫn không có đầu ra cho sản phẩm?
– Đó là điều đương nhiên. Chúng ta có thị trường ngày hôm nay, nhưng không chắc năm năm sau khách hàng còn nhớ đến, vì chiến lược marketing, làm thương hiệu, giữ tiêu chuẩn, chinh phục tiêu chuẩn là một quá trình liên tục. Đơn cử như Mạnh Quang, có thể thế hệ lớp người đi trước còn nhớ nhưng với lớp trẻ sau này, nếu mình thờ ơ thì họ không biết mình là ai, là gì cả. Nên vấn đề đặt ra là khi mình đang có vùng an toàn, thì phải nghĩ đến lúc nguy hiểm trong tương lai, và phải có sự chuẩn bị tốt. Và theo quan điểm của chúng tôi, chuẩn hoá là sự chuẩn bị tốt nhất.
Khác biệt giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc, là doanh nghiệp Trung Quốc đang gia công cho toàn thế giới. Doanh nghiệp Việt Nam vốn ít, kỹ thuật hạn chế, chưa đủ nghĩ lớn, nên khi tạo ra một sản phẩm, mình chỉ mong nó tồn tại được trong nước và đảm bảo cho thị trường trong nước. Với một quy mô nhỏ, cách làm đơn giản, nếu gặp doanh nghiệp nước ngoài xông vào là mình chết ngay!
Hàng từ Trung Quốc có giá rất rẻ, bởi họ sản xuất với quy mô siêu lớn. Họ lại có lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ. Doanh nghiệp Việt muốn cạnh tranh được bắt buộc phải nghĩ xa hơn, rộng hơn và dài hơi hơn trong môi trường toàn cầu hoá. Đây là việc khó cho doanh nghiệp Việt, vì chúng ta quá nhỏ. Tuy nhiên, nếu chúng ta ý thức được từ đầu trong việc ứng dụng kỹ thuật, áp dụng tiêu chuẩn, thì cũng còn đó những cơ hội để mình trưởng thành hơn.
Đối với Mạnh Quang giải thưởng Honda Best Kaizen KI9 là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự nỗ lực cải tiến liên tục để nâng cao chất lượng.
– Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay, ngoài tiêu chuẩn thì Mạnh Quang có “chiêu thức” nào để bán hàng và chinh phục thị trường và phát triển bền vững?
– Doanh số từ mảng bán lẻ luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu của Mạnh Quang. Chúng tôi đánh giá đây là kênh quan trọng, vì đã tạo lập được thương hiệu từ lâu năm và được khách hàng tin dùng, nên Mạnh Quang vẫn kiên trì chăm chút.
Bắt nguồn từ suy nghĩ rất đơn giản là đi “cà kheo hai chân” thì thấy rất nguy hiểm, nên mình phải làm sao như con rết 100 chân, phòng lúc gãy 90 chân thì vẫn còn 10 chân để di chuyển. Cho nên, để bền vững thì chúng tôi phải hình dung và phải định hướng trong tương lai như thế nào.
Thị trường trong nước là tốt, nhưng ngành xe máy đang giảm và đang ở trong giai đoạn cuối cùng khi chuyển đổi từ xe số sang xe tay ga và xe máy điện sẽ là tương lai. Khi Mạnh Quang làm cho OEM (Original Brand Manufacturer – dùng để chỉ các công ty thực hiện các công việc sản xuất theo thiết kế, thông số kỹ thuật được đặt trước và bán sản phẩm cho công ty khác, sản phẩm được đưa ra thị trường dưới thương hiệu của công ty đặt làm ra sản phẩm), thì lại nhìn thấy mình có khả năng làm đối tác cho những ngành khác và cùng lúc cho nhiều ngành. Càng nhiều ngành, nhiều thị trường, càng mở rộng ra thì càng bền vững. Tất nhiên sẽ rất khó khăn. Chính đợt dịch Covid-19 vừa rồi là thử thách để Mạnh Quang nhìn lại thực tại mình và nghĩ đến tương lai.
– Mạnh Quang đã xuất sắc trở thành nhà cung cấp trực tiếp cho Honda, vậy ông có lời khuyên nào cho doanh nghiệp Việt khi muốn trở thành đối tác của các doanh nghiệp lớn?
– Nền tảng cơ bản là mình phải có công nghệ, có thể sản xuất ra sản phẩm họ đang tìm mua. Khi đã có nền tảng đó rồi thì phải nghĩ đến việc vận hành, sản xuất, quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế. Tất cả các tập đoàn lớn đều có bộ tiêu chuẩn đánh giá nhà cung cấp mà bắt buộc mình phải đáp ứng được thì mới có thể bán hàng cho họ. Cái khó khăn nhất là mình phải thay đổi tư duy, thay đổi thói quen, quyết tâm, sẵn sàng thay đổi cho phù hợp với hệ thống đánh giá nhà cung cấp của họ.
Khi mình đã đáp ứng được tiêu chuẩn của một “ông lớn” rồi, thì việc nói chuyện với đối tác, khách hàng khác trở nên dễ hơn, và có khi được giá hơn vì họ yên tâm chất lượng.

Cần có nhiều hơn nữa HVNCLC – Chuẩn hội nhập

  • Rất nhiều năm rồi Mạnh Quang chỉ tham gia mỗi Hội DN.HVNCLC, vì đây là một trong số ít Hội có những hoạt động thực chất, gắn với doanh nghiệp, đặc biệt là sự truyền lửa từ bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội. Dù ở Hà Nội, nhưng Mạnh Quang luôn theo dõi các hoạt động của Hội và nhận thấy những hoạt động của Hội không chỉ đơn thuần là marketing, mà còn làm cho doanh nghiệp thay đổi nhận thức, ngày một trưởng thành và hoạt động tốt hơn, như vận động, khuyến khích, giúp đỡ doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Tôi nghĩ đó là sự chuyên nghiệp của Hội, để sau một thời gian ngắn đã có gần 150 doanh nghiệp HVNCLC – Chuẩn hội nhập. Chúng tôi mong muốn và cũng đòi hỏi rằng, các hoạt động đó sẽ tăng cường và dày hơn ở khu vực phía Bắc, để có nhiều hơn nữa doanh nghiệp HVNCLC – Chuẩn hội nhập.
Hồ Tuyết/BSA ghi