Hành trình của người Việt đầu tiên tới Oymyakon, Siberi nước Nga.

    6030

    (Vietnamtimes) – Để đến được Oymyakon tôi đã bắt chuyến bay từ Moscow đến Yakutsk, thuộc Cộng hoà Sakha, nước Nga – thành phố thuộc vòng cực Bắc của địa cầu và từ đây, chuyến phiêu lưu cuộc đời của tôi và bạn đồng hành người Nga bắt đầu.

    Ảnh nhận chứng nhận đến Cực lạnh nhất thế giới có người sinh sống – The Pole of cold – Oymyakon với Cheeshun – The Frost Keeper – vị thần của xứ lạnh này. Tác giả ảnh: Alex Okulovsky

    Đường băng bị bao phủ bởi lớp băng mỏng cho dù các nhân viên hàng không cho dọn thường xuyên mỗi giờ để tráng trơn trượt cho máy bay khi cất cánh và hạ cánh. Bước chân ra khỏi máy bay, nhiệt độ là -36 độ C, tưởng tượng như bạn mở tủ lạnh ngăn đá, khí lạnh ập vào mặt thì khi nhân viên mở cửa máy bay để chúng tôi bước vào đường dẫn thông với sân bay, tôi đã có cảm giác như vậy. (Ngăn đá tủ lạnh thông thường có nhiệt độ xuống tới chỉ -18 độ C), đúng vậy hãy tưởng tượng cái lạnh gấp đôi trong ngăn đá tủ lạnh của bạn, chào mừng tới Yakutsk – cửa ngõ vào cái tủ lạnh khổng lồ trên Trái Đất.

    Ngày đầu tiên đặt chân đến thành phố lạnh giá Yakutsk – thủ phủ Cộng hoà Sakha, nước Nga. Tác giả ảnh: Alex Okulovsky
    Tác giả ảnh: Alex Okulovsky
    Thành phố Yakutsk – là một thành phố ở vùng Viễn Đông Nga, nằm cách khoảng 4° (450 km) về phía nam Vòng Bắc cực. Tác giả ảnh: Alex Okulovsky
    Tác giả ảnh: Alex Okulovsky

    Yakutsk là thủ phủ của Cộng hoà Sakha, Nga và là cảng chính của dòng sông Lena chảy qua mảnh đất này, nơi đây chính là nơi cung cấp chính lượng kim cương và vàng cho nước Nga. Trong thời kì của Stalin, tù binh phải lao động, trong số họ có cả những người sang lập ra chương trình không gian của Soviet, các tướng quân đội, các trí thức và cả những tội phạm thông thường, đã tham gia vào cuộc đua đào vàng, tìm kiếm kim cương nơi này.

    Vùng đất lạnh giá này là nơi tràn đầy kim cương và khoáng sản. Nhiên liệu sử dụng nơi đây chủ yếu vẫn là nhiên liệu hoá thạch, bằng chứng là những cột khói cao từ các nhà máy nhiệt, cung cấp nước nóng và nhiệt cho toàn thành phố. Tác giả ảnh: Alex Okulovsky
    Các ống nước khổng lồ được xây dựng trên mặt đất, với 3 lý do chính: thứ 1 – khi băng tan dưới lớp ống và đông lại, gây hiện tượng giãn nở, ống sẽ bị dịch chuyển ít nhiều, hiện tượng này sẽ được giải thích kĩ hơn trong bài viết, sau một thời gian, vì sự dịch chuyển trong lớp bang dưới mặt đất khiến các ống bị xô chuyển dẫn đến hỏng hóc; thứ 2 – mặt đất là băng vĩnh cửu, việc đào sâu vô cùng khó khăn và tốn kém máy móc, tiền bạc; và Thứ 3 – việc sửa chữa gần như không thể đặc biệt vào mùa đông. Tác giả ảnh: Alex Okulovsky

    Đúng ngày 31/12/2017, cả thành phố chuẩn bị không khí cuối năm, người Nga nghỉ lễ lớn nhất vào ngày này và kéo dài đến qua ngày 7/1/2018, họ không tổ chức lễ Giáng sinh như các nước Tây âu vào ngày 24, thay vào đó là vào ngày 7/1. Lý do đơn giản vì người Nga theo đạo Orthodox và sử dụng lịch Julian thay thì lịch Gregorian của Latin như Việt Nam và các nước phương Tây sử dụng.

    Họ cũng không sử dụng hình ảnh ông già Noel mà chúng ta thường biết, thay vào đó là “Ded Moroz” (Grandfather Frost – Ông già Tuyết) và cháu gái trông giống như nữ hoàng tuyết tên là “Snegurochka” -đại diện của chòm sao bắc cực.

    Đêm đó, chúng tôi đi theo người bản xứ đi lên ngọn núi tuyết cạnh thành phố, ở đó, tôi đã có trải nghiệm tuyệt vời khi họ đốt lên đống lửa giữa rừng tuyết, trăng tròn sang, người bản địa hát ca và nhảy xung quanh đống lửa. Đúng 0h00 phút, cả thành phố dưới chân núi chìm trong pháo hoa rực rỡ, hơn 100 điểm khắp thành phố nổ pháo hoa đồng loạt, cảnh tượng hùng vĩ cả đời lần đầu tôi được chứng kiến. Nhiệt độ đêm đó là -37 độ C, đây cũng là lần đầu tiên tôi mất cảm giác ngón chân mình vì ở dưới cái lạnh quá lâu dù đã trang bị đầy đủ.

    Tác giả ảnh: Alex Okulovsky
    phương tiện chúng tôi đi lại là xe kéo tuyết, ở các vùng lân cận, họ sử dụng chó Laika để kéo xe, còn ở thủ phủ Yakutsk, họ có động cơ để kéo. Đây là trải nghiệm vô cùng thú vị, khi lần đầu được ngồi xe kéo tuyết, băng qua rừng đêm, cả khu rừng chỉ có ánh trăng mờ ảo phản chiếu nền tuyết trắng xoá khắp nơi. Kì thực như một câu chuyện cổ tích. Tác giả ảnh: Alex Okulovsky
    Cả thành phố dưới chân núi chìm trong khói pháo hoa rực rỡ, hơn 100 địa điểm tự phát nổ đồng loạt từ 00h00 đến tận gần sang hôm sau. Tác giả ảnh: Alex Okulovsky

    Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi về thành phố, thứ nhất, đó chính là màu trắng, trắng của tuyết trên mọi con đường, phủ dày nóc các ô tô , trên khắp các mái nhà và đặc biệt mọi cành cây, cảnh vật khác đều phủ trắng một màu băng tuyết.

    Tác giả ảnh: Alex Okulovsky

    Trong kí ức cua tôi ấn tượng thứ hai là Màu vàng, màu vàng hắt ra từ ánh điện trong các căn nhà, căn hộ đại diện cho ánh sáng, ấm áp và sự sống. Màu vàng của lửa giữ ấm cho con người, Màu vàng biểu tượng cho có sự sinh hoạt và tồn tại của con người và cũng là thứ mang lại ấm áp cho tôi sau 15-20 phút đi dạo bên ngoài.

    Tác giả ảnh: Alex Okulovsky

    Ở đây cứ 15-20 phút ở ngoài là tôi phải chạy ngay lại vào ô tô hoặc trong nhà để hơ sưởi.
    Để đi chuyến này, chúng tôi đã phải lên kế hoạch trước đó nửa năm. Vì cái lạnh không phải một trò đùa và chuyến đi từ Yakutsk tới Oymyakon là chạy đường trường 1000km, ko sóng điện thoại, không người ở, hoàn toàn là rừng băng tuyết, các loại pin máy móc chết ngay sau 5 phút ngoài trời, iphone thì chịu được 1 phút, nước đóng băng ngay trong chai lavie không thể uống, và chính chúng tôi, có lẽ chỉ chịu được vài giờ là tối đa của sức khoẻ, vì vậy, nếu phương tiện là ô tô chở chúng tôi chuyến này có vấn đề gì giữa đường, đồng nghĩa với việc tôi sẽ phải dùng tới cái bảo hiểm du lịch không mong muốn.

    Chuyến đi từ Yakutsk – Oymyakon: 1000km – 2 ngày đường bằng ô tô. Tác giả ảnh: Alex Okulovsky
    Đường đi vô cùng hiểm trở, trơn, trượt đặc biệt nguy hiểm khi có bão. Rất nhiều vụ tai nạn đã xảy ra trong quá khứ và đây là những gì còn sót lại, không cứu viện nào có thể đến được đây để cứu xe tải, may thay trong ảnh này, người tài xế đã thoát ra và bắt được xe người dân. Chuyến đi lần này, quả thực không phải trò đùa với những người không có kinh nghiệm hoặc sử chuẩn bị kĩ càng. Tác giả ảnh: Alex Okulovsky
    Cung đường rất hiểm trở vòng qua núi tuyết nhưng cũng vô cùng hùng vĩ. Tác giả ảnh: Alex Okulovsky
    Khung cảnh thực sự vô cùng hung vĩ và độc nhất vô nhị, thật sự không thể tìm thấy ở nơi nào khác. Tác giả ảnh: Alex Okulovsky

    Chúng tôi đều nghiên cứu và chuẩn bị kĩ càng trước chuyến đi, đặc biệt hơn, tôi chỉ là một cô gái nhỏ từ một đất nước nhiệt đới, mùa đông đầu tiên của tôi là năm ngoái khi tôi đi du học tại Hàn Quốc, nhiệt dộ thấp nhất chỉ là -16 độ. Vì vậy, để hướng tới mục tiêu là làng Oymyakon nơi nhiệt độ xuống tới -60 độ C, đây là một thử thách đích thực về cả thể chất lẫn tinh thần. Bạn đồng hành của tôi đã chuẩn bị cho tôi mặt nạ giữ ấm đặc dụng, đây có lẽ là thiết bị quan trọng nhất cho sức khoẻ của tôi trong chuyến đi này, với tiền sử hồi nhỏ bị hen, hệ hô hấp không tốt, với cái lạnh đột ngột lên tới cực độ như vậy dễ dàng gây tổn thương tới phổi và hệ khí quản. Vì vậy, việc bảo vệ hệ hô hấp là tối quan trọng.

    Tất cả đóng băng, hít thở quan trọng nhờ mặt nạ làm ấm đặc dụng. Tác giả ảnh: Alex Okulovsky

    Tiếp theo, không kém phần quan trọng đó là một đôi giày Valenki. Giày Valenki là giày cao cổ làm từ lông cừu của người Nga dung cho những nơi cực lạnh làm tuyết khô lại như nơi này.

    Tác giả ảnh: Alex Okulovsky

    Người dân Yakutsk chuộng đồ lông bởi vì lông động vật giữ cho họ sống sót từ thời cha ông, qua nhiều mùa đông khắc nghiệt. Thêm vào nữa, cơ thể họ cũng có nhiều điểm khác biệt với người phương Nam chúng ta, ví dụ như, vì họ đã quen với điều kiện khí hậu lạnh khắc nghiệt, việc sinh nhiệt dễ dàng hơn, cơ không đòi hỏi hệ thống làm mát của tuyến mồ hôi nhiều như người phương Nam vì vậy họ hầu như không đổ mồ hôi.

    Trẻ con Yakutsk như những chú gấu con. Tác giả ảnh: Alex Okulovsky

    Thực phẩm ở đây chủ yếu là protein vì mùa đông rất dài và hoa màu thì chắc chắn không thể tồn tại. Tuy nhiên, người dân ở đây không bị thiếu chất vì trong sữa động vật cung cấp đủ cho họ những dưỡng chất cần thiết. Ngoài ra, thịt cá là thứ dễ bảo quản nhất nơi đât vì nhiệt độ lạnh, mọi thứ trở nên đông cứng ngay lập tức. Địa điểm ưa thích của tôi ở Yakutsk là chợ cá, lần đầu tôi thấy cá dựng thẳng như tượng, như đồ chơi bày bán trong chợ.

    Chợ cá Yakutsk – địa điểm ưa thích của tôi. Tác giả ảnh: Alex Okulovsky
    Những chú ngựa thấp chúng tôi gặp trên đường đi. Tác giả ảnh: Alex Okulovsky

    Để đến được vùng viễn Đông nước Nga cách Yakutsk 100km – đến làng Oymyakon, chúng tôi phải vượt qua Cao tốc Kolyma – hay còn được biết đến với cái tên “Road of Bones – Con đường bằng Xương”. Trong thời kỳ Soviet, nhiều trại tập trung được thành lập ở đây, nổi tiếng là “Sevvostlag”, con đường này được xây bằng sức lao động của những tù nhân từ năm 1932-1953. Người Nga gọi con đường này là “con đường Xương” vì có ít nhất hàng trăm ngàn tù binh đã hy sinh khi xây dựng con đường này và máu xương của họ ngã xuống ngay lớp đất băng vĩnh cửu này và hoà vào tạo thành chính con đường vận tải chính này… Câu chuyện này làm tôi nhớ đến thời kỳ xây Vạn lý trường thành của Tần Thuỷ Hoàng Trung Hoa.

    Cao tốc Kolyma – “Road of Bones”. Tác giả ảnh: Alex Okulovsky
    Cao tốc Kolyma – “Road of Bones”.Tác giả ảnh: Alex Okulovsky
    Điểm dừng chân duy nhất trên Cao tốc Kolyma, đây là một trạm bơm xăng và café, đồ ăn cho những người từ Yakutsk đến Oymyakon giữa chặng đường 1000km. Tác giả ảnh: Alex Okulovsky

    Người dân Nga tiếp đón tôi vô cùng ấm cúng và nồng hậu. Có câu nói “đến nhà người Nga bạn phải chuẩn bị một cái bụng rỗng” quả không sai, tôi luôn được tiếp đón với bàn tiệc đủ thứ ngon lành từ khai vị, món chính đến tráng miệng dù trong một nhà người bình thường. Cho dù tôi không nói nhiều tiếng Nga và họ thì không nói nhiều tiếng Anh nhưng sự nồng hậu hiếu khách của họ khiến mọi nỗi lo của tôi tan biến hết ngay từ ngày đầu đặt chân tới Moscow.

    Tôi nhớ đến bà Tamara – chủ nhà tại làng Oymyakon, ngôi làng lạnh nhất thế giới với 300 người đang cư trú, bà là người đầu tiên nhận lưu trú khách tới thăm Oymyakon, là người chịu trách nhiệm tiếp đón khách từ khắp nơi trên thế giới đến làng. Tại nhà bà, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn riêng với bà về các câu chuyện tại Oymyakon và tôi cũng vô cùng bất ngờ khi biết mình là người Việt Nam đầu tiên đặt chân tới đây trong 56 quốc tịch đã đến đây. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.. đều đã ở đây nhưng tôi là người Việt Nam đầu tiên. Ngoài mong đợi, tôi rất bất ngờ và tự hào.

    Bà Tamara Jegorovna – người chủ khách sạn đầu tiên và duy nhất tại Oymyakon, tiếp đón 56 Quốc tịch và đang có cuộc phỏng vấn với người Việt đầu tiên – bà là con gái của một nhà khí tượng học, nhà biên niên, nhà văn, người biết mọi thứ về the Pole of Cold. (Cuộc phỏng vấn được quay phim và ghi âm và đề cập tới việc tôi là người Việt đầu tiên và các thông điệp của bà muốn gửi tới Việt Nam sẽ được phiên dịch sang tiếng anh sớm nhất bởi nhiếp ảnh gia người Nga Alex Okulovsky). Tác giả ảnh: Alex Okulovsky

    Câu chuyện thú vị nhất về thực tế ở đây là việc người Yakutsk giải quyết với tử thi, họ đặt người chết vào các thân cây rỗng rồi đặt trong rừng. Phong tục này nghe giống như Thụ tang của người Tây Tạng, người Tây tạng gói tử thi trong quần áo và treo lên cây trong rừng, với họ việc đó có nghĩa là linh hồn được thanh lọc tinh khiết và biến thành những vì tinh tú…

    Tuy nhiên, người Yakutsk không quan niệm nhiều về việc đó, với họ đơn giản là họ không thể chôn người chết dưới lớp băng vĩnh cửu này, vì mọi thứ bị chôn dưới lớp băng từ 1-3m sau một thời gian sẽ tự trồi lên mặt đất. Thử tưởng tượng bạn vừa dự đám tang xong và năm sau quay trở lại thăm mộ, bạn thấy người chết trồi lên khỏi mặt đất, quả thật không vui chút nào…

    Giải thích cho hiện tượng này, đơn giản vì lớp băng ngay dưới các vật thể chìm, hay bị chôn xuống kể cả không phải xác người hay động vật, nghĩa là cả nhà cửa, xe cộ, hàng rào.. mọi vật, sẽ tan ra một ít rồi lại đóng băng lại. Và khi nước rồi đóng băng lại diện tích lại nở ra một chút, chu trình này lặp đi lặp lại, ngày qua ngày và sau một thời gian, vật thể sẽ bị trồi lên mặt đất.

    Ngôi làng Oymyakon vào lúc 11h sang khi mặt trời vừa hé rạng.Tác giả ảnh: Alex Okulovsky
    Ngôi làng Oymyakon ngập trong tuyết với các căn nhà bằng gỗ. Tác giả ảnh: Alex Okulovsky

    Cuộc phỏng vấn với Tamara diễn ra hoàn toàn bằng tiếng Nga và được ghi lại bởi nhiếp ảnh gia người Nga Alex Okulovsky, anh đã dịch lại đề nghị của Tamara, vì tôi là người Việt đầu tiên, bà muốn nhờ tôi giới thiệu vùng đất này với bạn bè, đất nước Việt Nam. Bà muốn gửi thông điệp cho mọi người biết mùa đông thật sự trên trái đất là gì? Đẹp ra sao? Và cái lạnh thật sự vừa đáng sợ và cũng cho thấy sức sống con người mạn mẽ cỡ nào. Mảnh đất càng khó có người tiếp cận lại càng là mảnh đất nhiều sự sống nhất.

    Tác giả ảnh: Alex Okulovsky

    Thoáng nhìn qua khu rừng tuyết, mọi thứ tưởng như chỉ là một màu trắng bất tận nhưng thật ra nếu bạn đi chậm lại, nhìn sâu hơn, theo chân các thợ săn của làng và những chú chó Laika, đi sâu vào những khu rừng bạch dương phủ đầy bang tuyết ấy là cả một đời sống sôi động của hươu, nai, thỏ trắng, chim tuyết, …

    Tôi nhớ chúng tôi được đi đánh cá cùng một người làng tại Oymyakon, đó có lẽ là một giờ lạnh nhất trong cuộc đời tôi từng trải nghiệm nhiệt độ trên sông băng phải xuống tới hơn -60 độ C, không có nhiệt kế thông thường nào đo được tại nơi này, chân tay mất dần cảm giác, mọi loại máy móc ngừng hoạt động, máy ảnh của chúng tôi trụ được khoảng 10 phút dù thay pin liên tục,… vậy mà người đánh cá vẫn kéo lưới bằng tay không,.. quả thực khó tin nổi sự thích nghi phi thường của con người.

    Người địa phương kéo lưới bằng tay không dưới nhiệt độ gần -60 độ trên sông băng, làng Oymyakon.Tác giả ảnh: Alex Okulovsky
    Sông đóng bng lại có màu xanh ngọc bích. Tác giả ảnh: Alex Okulovsky

    Thường xuyên quay trở lại trong các giấc mơ của tôi là hình ảnh các ngôi nhà bằng gỗ phủ đầy tuyết, khói trắng bốc lên từ các ống khói trong làng, người dân bọc trong áo long thú dày cộp đi lại dưới thời tiết lạnh cóng, trẻ con dưới -50 độ vẫn đi đến trường, những chú chó Laika họ hang với Husky Siberia, luôn vui mừng khi đón khách từ mọi nơi trên thế giới. Mặt trời lặn lúc 3h và chỉ còn lại vệt hồng trên nền trời xanh trắng và tối dần trong tuyết.

    Chú chó Laika ở nhà bà Tamara luôn hớn hở đón chúng tôi vào nhà. Tác giả ảnh: Alex Okulovsky
    Tác giả ảnh: Alex Okulovsky

    Chúng tôi đã có rất nhiều thử nghiệm thú vị, như hắt nước sôi vào nhau mà không hề hấn gì vì nước sôi bốc hơi trong không khí lạnh ngay lập tức, tuyết và bang đóng trên tóc, lông mi, lông mày sau 15 phút đi bộ, lưỡi dính ngay vào thứ gì mà bạn liếm. Và tôi đã có kỉ niệm khiến tôi bị dính lưỡi vào món mì tôm bị long lạnh dưới trời -54 độ. Và đặc biệt hơn là trải nghiệm khi bạn chinh phục được The Pole of Cold – Nơi lạnh nhất trái đất có người sinh sống với nhiệt độ được ghi nhận xuống tới 71,2 độ C trong lịch sử.

    Trải nghiệm ăn mì tôm và mì tôm đóng bang ngay sau 10 phút. Tác giả ảnh: Alex Okulovsky
    Tác giả ảnh: Alex Okulovsky
    Cái lạnh dưới -54 độ tại đêm thứ 3 tại làng Oymyakon khiến lông mi, tóc, .. đóng băng. Tác giả ảnh: Alex Okulovsky

    Đâu đó trên trái đất, “đó là một nghịch lý”, người Nga nói, “Đây là nơi không thể nào tồn tại
    được nhưng cũng là nơi đến rồi thì không thể đi hay quên được.”

    – Lưu luyến rời mảnh đất lạnh giá này, trải nghiệm một lần trong đời và là trải nghiệm tuyệt vời nhất. Tác giả ảnh: Alex Okulovsky
    Trong ký ức luôn có hình ảnh ngôi làng cách biệt với thế giới, chìm trong mùa đông lạnh giá lên tới -60 độ và những người Nga hiếu khách, nồng hậu chất phác.Tác giả ảnh: Alex Okulovsky
    Người Việt đầu tiên đặt chân tới Oymyakon trong 56 Quốc tịch – Bài phỏng vấn qua phóng sự của Alex Okulovsky sẽ được dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh trong thời gian sớm nhất. Tác giả ảnh: Alex Okulovsky

    Tác giả bài viết: Bùi Thị Hồng Ngọc – Tác giả ảnh: Alex Okulovsky
    Hiện đang là sinh vien Cao học ngành Luật tại Seoul, Hàn Quốc
    Chuyến đi tới Cực lạnh – the pole of Cold – Oymyakon từ 1/1/2018 đến 7/1/2018.