Hành trình đến trường của cậu bé bại liệt

677
Chịu khó học, không đầu hàng số phận là tính cách của Sang. Vượt lên căn bệnh bại não, Sang còn là một kỳ thủ ở xóm làng. Ảnh: Nguyễn Dân

Con đường đất nhỏ quanh co, hai bên cánh đồng lúa thơm ngát, núi vây bọc tứ bề. Đó là con đường 14 năm qua cậu bé bại não, liệt chi Nguyễn Tấn Sang đến trường, vượt qua định số nghiệt ngã của mình để tìm con chữ…

Sang 19 tuổi nhưng trông như đứa trẻ chỉ vừa hơn mười tuổi. Hai cánh tay lèo khoèo, một tay Sang duỗi ra. Tay còn lại, Sang co trước ngực. Cả hai cái gọi là tay ấy của cậu không nắm được vật gì, kể cả bàn tay mẹ!

Thân hình Sang gầy còm như những thanh củi ghép lại đỡ trên mình một cái đầu nghiêng nghiêng. Khi Sang đi, cả thân người xô lệch một bên, lỏng khỏng. Lúc nhỏ Sang chỉ nằm ngửa, không biết lật, không biết bò. Mẹ đặt ngồi lên là Sang lại ngã. Đi khám: bác sĩ nói Sang bị bại não. Trước đó, người anh của Sang đã mất lúc 4 tuổi cũng vì chứng bệnh nan y này.

Ngày em có thể đứng lên, bước những bước đầu tiên của cuộc đời mình, cha mẹ em mừng rơi nước mắt. Chị Đỗ Thị Bé, mẹ Sang kể, đến năm tuổi Sang ngúc ngoắc thân mình đòi đứng dậy. Vì cánh tay gần như bị bại liệt nên em phải quơ quào, vặn vẹo cả thân hình tìm bất cứ chỗ nào làm điểm tựa để đứng lên. Nếu người bình thường tay không chỉ để cầm, nắm, bám mà còn để giữ thăng bằng thì với Sang, em chỉ có thể dựa hoàn toàn vào đôi chân và thân mình. Không bám vào đâu được, em dựa men vào tường mà tập đi. Chuyện té ngã đối với em còn nhiều hơn cơm bữa. Đến cả cái bản năng chống tay đỡ khi té em cũng không làm được nên lúc nào trên người em cũng đầy những vết bầm tím.

12 tuổi, Sang chỉ như một đứa trẻ lên 5, giao tiếp bằng những tiếng “ú ớ”. Nhưng lâu rồi những người thân của em cũng hiểu ý. Những đứa bạn quanh xóm bấy lâu nay chơi với Sang giờ đã đi học hết. Ban ngày, khi ở nhà không còn ai, Sang tập tễnh lang thang khắp nơi. Đến một ngày em tình cờ đến một ngôi trường gần nhà. Ngôi trường làng không hàng rào, chỉ có tiếng ê a của trẻ con vọng ra đã kéo bước chân khấp khểnh lẫn nỗi tò mò của em vào.

Sang bắt đầu học bằng một tấm bảng và viên phấn. Em dùng một chân giữ tấm bảng, một chân kẹp viên phấn mím môi nắn nót từng chữ. Chữ I lúc đầu còn xiên xẹo, sau thẳng dần. Chữ O méo mó rồi cũng tròn trịa… Em ngồi gập người vì tay không chống được thân hình nên cứ viết một lúc là mồ hôi đẫm trán. Sang như con rùa ỳ ạch cõng từng chữ. Người đồng hành cũng là người giáo viên đầu tiên của Sang là cô em gái Nguyễn Đỗ Thủy Tiên thua Sang 5 tuổi lúc này đang học lớp 1.

Chị Đỗ Thị Bé nhớ lại một hôm không thấy con, chị đi tìm khắp nơi và thấy Sang đang đứng trước cửa sổ của một phòng học nhòm vào. Trái tim người mẹ thắt lại. Chị nhận ra con mình  đã “lớn”. Và chị nhìn thấy cuộc đời đầy khó khăn của con trước mắt. Nghe trên thành phố Quảng Ngãi có trường dành cho trẻ khuyết tật, chị Bé lên xin nhưng trường quá xa lại không có chế độ nội trú. Dù chị sẵn sàng làm mướn kiếm tiền lo cho con. Biết chuyện, cô hiệu trưởng thương cậu bé hiếu học, đã liên hệ với trường tiểu học Đức Phú gần nhà để Sang được vào học trường dành cho trẻ em lành lặn.

Đó là thời điểm 2013, lúc đó Sang đã 13 tuổi. Từ đây, Sang bắt đầu một đoạn đường đầy cực nhọc nhưng với em vô cùng hứng thú. Mỗi sáng cha Sang chở một thùng cá viên chiên đi bán dạo đồng thời chở luôn Sang đến trường. Buổi trưa em gái chở Sang về bằng xe đạp. Cô giáo dành riêng cho cậu học trò đặc biệt một chiếc bàn cuối lớp. Chiếc ghế được cha Sang nhờ người đóng riêng cao bằng mặt bàn cho Sang tiện ghi chép bài vở. Cứ như thế Sang lần lượt lên lớp 2, 3, 4… và bây giờ lớp 5. Em học hành cũng như bao người bạn khác. Ba năm đầu tiểu học, Sang là học sinh giỏi. Riêng lớp 4 là học sinh tiên tiến bởi tuy rất giỏi môn toán nhưng môn tiếng Anh và tiếng Việt Sang ghi chép không kịp. Lúc ấy em của Sang ngồi kế bên lại đánh dấu để về nhà chép hộ. Em nói không nhanh nên mỗi lần kiểm tra bài, cô giáo phải nhờ bạn trưởng lớp dò bài trước và báo lại cô.

Máy vi tính mở ra thế giới đầy thú vị và khát khao với Sang. Ảnh: Nguyễn Dân

Bệnh bại não giờ đây đã trở thành mãn tính, tuy không hành hạ em từng lúc nhưng di chứng thì vẫn không chữa được. Thêm nữa, cảnh nhà thiếu thốn, cha đạp xe bán cá viên chiên cả ngày, mẹ đi làm thuê, ai kêu gì làm nấy. Cái ăn bữa đói bữa no nên Sang càng lớn càng khẳng khiu như que củi. Nói năng không trơn tru, khổ nhất là chuyện vệ sinh cá nhân và ăn uống của Sang. Mẹ và hai em gái phải giúp đỡ anh trai mỗi ngày.

Cách đây 2 năm, người chú của Sang ở thành phố về thấy thương nên mua tặng Sang một chiếc máy tính cũ. Em mày mò tự học vi tính. Giờ thì máy tính đối với Sang như người bạn, người thầy. Hàng ngày em lên mạng tải về các bài học mẫu cũng như xem những chuyện khoa học đó đây. Máy vi tính đã mở ra trước mắt em một chân trời đầy bao la và thú vị. Tôi hỏi em lớn lên em mơ ước gì. Em trả lời: “Em muốn thành một chuyên gia về mạng”

Nửa thế kỷ trước, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký cũng bị bệnh bại liệt và phải viết bằng chân, và bằng nghị lực thầy đã trở thành một tấm gương cho nhiều thế hệ bạn trẻ đã vượt thắng khó khăn và ngày nay thầy là thầy giáo ưu tú một trường ở Gò Vấp (TP. Hồ Chí Minh). Tiếp xúc với Nguyễn Tấn Sang tôi tin ước mơ của Sang sẽ trở thành hiện thực

Nguyễn Dân