Hành trình Mekong Connect từ ABCD đến “ABCD + +”

Ra đời năm 2015 từ sáng kiến của mạng lưới liên kết cấp vùng ABCD Mekong (gồm An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp (và sau đó có sự tham gia của TP.HCM) với sự điều phối của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) cùng Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh & Hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm BSA), Mekong Connect phản ánh nhu cầu thực tế của khu vực công – tư về đối thoại, kết nối… và kiến giải.
Và điểm nhấn trong chuỗi hoạt động của ABCD Mekong là Diễn đàn kinh tế thường niên ĐBSCL với tên gọi Mekong Connect. Mekong Connect là điển hình của chương trình hợp tác, khởi đầu từ việc hiến kế giải pháp đổi mới sáng tạo, nâng cao vai trò, vị thế doanh nghiệp – doanh nhân, kích hoạt sáng kiến địa phương trong tiến trình thực thi các mục tiêu kinh tế – xã hội của vùng. Mekong hàm ý cả khu vực kinh tế dọc theo sông Mekong, mà trọng tâm trước mắt là ĐBSCL của Việt Nam.
Và Connect đặt trọng tâm của diễn đàn là thảo luận các vấn đề chung và tìm kiếm giải pháp thúc đẩy liên kết trong kinh tế và thực hành kinh doanh. Vì thế, Mekong Connect dành cho các đối tượng bao gồm doanh nhân, doanh nông, nông dân, chuyên gia… với sự tham gia cần thiết của cơ quan quản lý Nhà nước nhằm giải quyết các khó khăn trong phát triển kinh doanh, vốn tựu chung luôn bị vướng trần chính sách nên khó có thể đột phá.
Với mạng lưới liên kết trong phạm vi ban đầu, ABCD Mekong được coi như một mô thức mẫu mực cho việc hợp tác, đối thoại công tư trước khi mở rộng liên kết với TP.HCM và toàn vùng 13 tỉnh thành ĐBSCL trong tầm nhìn với cả khu vực Đông Nam bộ.
Với ý nghĩa này, diễn đàn Mekong Connect, từ những năm đầu tiên đến nay luôn có được sự bảo trợ và cố vấn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ. Cùng với đó là sự đồng hành của VCCI Cần Thơ, Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu (LBC – hoạt động bên cạnh Hội DN HVNCLC & Trung tâm BSA). Là một người theo sát hành trình, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định rằng Diễn đàn Mekong Connect của mạng lưới ABCD Mekong có thể coi như một cơ chế liên kết cả 12 3 2 phạm vi: “Liên kết 4 nhà” và “Liên kết vùng”.
Ở phạm vi thứ nhất, Mekong Connect đã tạo được sự liên kết và có sức lan tỏa tốt, nên mỗi “nhà” đều được mở rộng, ngày càng nhiều thành viên tham gia hơn. Còn phạm vi thứ 2, từ 4 tỉnh ABCD ban đầu, sau này mạng lưới này càng mở rộng, một số khu vực khác cũng bắt đầu quan tâm học hỏi kinh nghiệm…
PHƯƠNG THỨC TIẾP CẬN CỦA MEKONG CONNECT
Sáng kiến hình thành mạng lưới ABCD Mekong là cách xây dựng và phát huy chuỗi liên kết giữa tổ chức chính thức và các cộng đồng. Mekong Connect là điển hình của chương trình hợp tác khởi đầu từ việc hiến kế giải pháp đổi mới sáng tạo, nâng cao vai trò, vị thế doanh nghiệp – Doanh nhân, kích hoạt sáng kiến địa phương trong tiến trình thực thi các mục tiêu kinh tế – xã hội của Vùng, mục tiêu quốc gia.
Liên kết & Hội nhập: Với chủ đề “Liên kết – Hội nhập – Phát triển”, lần đầu tiên Diễn đàn Mekong Connect – CEO Forum – ngày 4.9.2015 tại TP Cần Thơ do Hội DN HVNCLC cùng UBND An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp tổ chức, đã quy tụ 20 diễn giả uy tín, tiêu biểu có nhiều kinh nghiệm trong hội nhập kinh tế thế giới cùng chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm, phát hiện vấn đề, giải đáp thắc mắc về thách thức, cơ hội trong quá trình tham gia các hiệp định FTA, hiến kế và tập hợp đề xuất kiến nghị các giải pháp, chính sách liên quan hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp. Hơn 500 doanh nhân trong cả nước tham gia, cùng với đó là doanh nhân thuộc 4 địa phương An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, chia sẻ & trao đổi kinh nghiệm. Từ đó, Diễn đàn Mekong Connect được kỳ vọng như một “Hub” tích hợp năng lượng mới, sẵn sàng chia sẻ, hiến kế và cùng hành động thiết thực, hữu ích, như thông điệp từ diễn đàn là “Liên kết – Hội nhập – Phát triển”.
Hỗ trợ các sáng kiến địa phương, thúc đẩy đổi mới sáng tạo: Diễn đàn coi trọng vai trò, nội dung liên kết giữa các tổ chức chính thức và các cộng đồng, hỗ trợ sáng kiến địa phương và thúc đẩy hành động, dẫn dắt đội hình tiếp cận những cơ hội rộng hơn, xa hơn. Mekong Connect là cách xâu chuỗi hoạt động liên quan tới sự phát triển mối quan hệ cả ở bên trong và bên ngoài tổ chức, thúc đẩy hành động linh hoạt không chỉ trong thời gian diễn ra diễn đàn mà còn tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy liên kết, hành động trong giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, Diễn đàn nhấn mạnh vai trò đội ngũ doanh nhân đổi mới sáng tạo, quyết tâm tổ chức thành lực lượng coi trọng giá trị và sự khác biệt, định hình chiến lược tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Bám sát thực tiễn, phát hiện vấn đề: Diễn đàn coi trọng việc tập hợp những kiến nghị từ doanh nghiệp và chính quyền các địa phương, nghiên cứu, đề xuất kiến tạo hệ sinh thái bền vững, bắt đầu từ sự đồng bộ hóa thể chế, chính sách – khai phóng nguồn lực.
Lắng nghe hiến kế – tôn trọng khác biệt: Diễn đàn tìm giải pháp, thúc đẩy xây dựng và tối ưu hóa chuỗi giá trị nông nghiệp, ứng dụng kỹ thuật mới, công nghệ cao và mô hình nông nghiệp thích ứng với tác động ngoại cảnh từ khí hậu và môi trường; nhanh chóng tiếp cận tư duy mới về nông nghiệp sạch – nông nghiệp thông minh; tìm cách giải bài toán nhân lực cho nền kinh tế xanh…
Phát triển tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ: Với cách tiếp cận từ ngành hàng dừa, gạo, cá, sen – du lịch và việc ứng dụng công nghệ vào việc phát triển các nguồn tài nguyên bản địa, Diễn đàn Mekong Connect 2017 tại Bến Tre đã “đánh trống” cổ vũ ý thức coi trọng giá trị tài nguyên bản địa, ứng dụng công nghệ mới để tạo ra giá trị gia tăng, bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên thay vì sử dụng và vứt bỏ khi theo đuổi kinh tế tuyến tính. Đồng Tháp đã phát triển đội hình Đàn sếu khởi nghiệp, hợp tác với doanh nhân sáng tạo. Bến Tre đã giảm diện tích lúa không hiệu quả, tăng năng lực ngành hàng dừa xuất khẩu, cách liên kết sản xuất – tiêu thụ dừa hữu cơ đã tác động tích cực tới Trà Vinh – nơi có diện tích dừa lớn thứ hai sau Bến Tre. Đã có hai CLB Doanh nghiệp dẫn của Đồng Tháp và Bến Tre hình thành, một thế hệ doanh nông trẻ là các doanh nghiệp khởi nghiệp xuất sắc của ABCD Mekong từ chương trình “Khởi nghiệp xanh” do Trung tâm BSA điều hành liên tục gần 10 năm qua.
Nâng cao năng lực kết nối theo chuỗi: “Liên kết chuỗi giá trị đồng bằng, tăng cường hội nhập thị trường” là chủ đề Diễn đàn Mekong Connect 2019 chia sẻ cách tiếp cận theo định hướng thay đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, tập trung làm rõ những giải pháp nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản; định hướng ứng dụng công nghệ, kết nối tác nhân chuỗi giá trị. Cũng từ đây, Diễn đàn đưa ra thông điệp “Quan trọng nhất là hiểu sâu, bắt mạch được xu hướng thị trường”. Và ý tưởng về trung tâm sản xuất thử nghiệm giúp doanh nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp sản xuất sản phẩm mẫu (Minimum Viable Product – sản phẩm khả dụng tối thiểu), phải chuẩn hóa ngay từ đầu để tiếp cận thị trường mục tiêu.
Tuân thủ các cam kết quốc tế để hội nhập: Với chủ đề “Đưa sản phẩm dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu”, Diễn đàn Mekong Connect 2020 chọn cách tiếp cận chủ đề lớn, có tính cấp thiết trong quá trình phát triển kinh tế, hướng đến việc tháo gỡ các điểm nghẽn và tận dụng các Hiệp định thương mại tự do. Đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, lợi thế quốc gia khống chế tốt dịch Covid- 19, chinh phục các tiêu chuẩn quốc tế để đưa sản phẩm, dịch vụ ĐBSCL ra thị trường quốc tế.
Thắt chặt liên kết phát triển giữa TP.HCM và ĐBSCL: TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL vừa trải qua những giai đoạn khó khăn nhất, chống chọi với dịch bệnh COVID-19. Nhiều tổn thương, hy sinh, mất mát và cả những ảnh hưởng nặng nề trên các mặt kinh tế – xã hội. TP.HCM cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn Mekong Connect 2021. Lần đầu tiên, TP.HCM tự đặt ra trọng trách, không chỉ là đơn vị đăng cai, kết nối các địa phương mà cùng tham gia chính thức với vai trò thành viên, cùng liên kết phát triển với các địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế Vùng ĐBSCL. Liên kết cùng phát triển giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL là nhu cầu cấp thiết, Diễn đàn mở ra một bước phát triển mới, mở rộng hơn trong liên kết cả chiều rộng 4 5 lẫn chiều sâu chứ không chỉ giới hạn trong 4 tỉnh, thành ABCD Mekong.
Chủ động nâng chất lượng liên kết: Từ những cuộc thảo luận, toạ đàm, cam kết, ký kết, đã đến lúc từng tỉnh, thành trong mạng lưới chủ động xây dựng những dự án, những chương trình để “chào hàng”, kêu gọi các bên cùng tham gia, liên kết tạo ra chuỗi giá trị mới, rõ nét cho khu vực, lĩnh vực, vùng… Tại diễn đàn, các chủ điểm mà các địa phương nêu ra đều được thảo luận, tìm kiếm các sáng kiến, giải pháp phù hợp thông qua việc học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, liên kết nguồn lực với doanh nghiệp ở địa phương khác trong vùng.
KỲ VỌNG KHI MEKONG CONNECT MỞ RỘNG PHẠM VI LIÊN KẾT RA TOÀN VÙNG
• Duy trì và phát huy nguồn năng lượng chính của Mekong Connect là tinh thần và quyết tâm đổi mới, sáng tạo từ những người tâm huyết, hạt nhân hừng hực khí thế, hành động vì việc phải làm, không chờ đợi, ỷ lại, không tư duy nhiệm kỳ, không tư duy “phát sáng đơn lẻ”. Mất nguồn năng lượng này chắc chắn việc điều phối mất thăng bằng, việc vận hành mất đồng thuận, chiến lược khó thực thi – chiến thuật bị đứt gãy.
• Định hình Mekong Connect là mô hình liên kết khai phóng nguồn lực, gắn với liên kết – phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, chuẩn hóa từ nhận thức đến hành động về quốc gia chất lượng, tạo sức cạnh tranh từ năng lực, uy tín, khích lệ cho sự phát triển nền kinh tế xanh, nông nghiệp tái tạo (Regenative Agriculture), kinh tế tuần hoàn, kinh tế trải nghiệm…
• Hướng nguồn lực vào chuỗi liên kết, định vị thế hệ doanh nhân mới coi trọng tài nguyên bản địa + công nghệ tiên tiến + chuẩn hóa + số hóa + khai mở thị trường, tìm cách vượt thoát khỏi nền kinh tế lãng phí tài nguyên.
• Tiếp cận và định hình các mối liên hệ với các nhà nghiên cứu, các chuyên gia công nghệ thích ứng CN 4.0, các chuyên gia kinh tế học… xây dựng trung tâm ĐMST xuất sắc – kịp thời tổng hợp/ phân tích/đánh giá và truyền thông các mô hình theo xu hướng tích hợp.
• Phát triển hệ sinh thái khai phóng nguồn nhân lực coi trọng các hoạt động huấn luyện đào tạo nâng cao kỹ năng, chia sẻ tầm nhìn chiến lược, xây dựng đội hình doanh nhân tiếp cận công nghệ mới/ nâng cao năng lực quản trị – điều hành/tiến tới xác lập tiêu chuẩn đồng đẳng theo nguyên tắc thừa nhận lẫn nhau.
• Nâng tầm hoạt động ĐMST địa phương, gợi mở khả năng chuyển đổi linh hoạt, thắt chặt liên kết tiểu vùng, nội vùng, liên vùng. TPHCM đóng vai trò trục xoay từ thế mạnh lĩnh vực công nghệ 4.0 (AI, IoT, Big Data, Cloud, máy tính lượng tử), kinh tế tuần hoàn, tài chính, ngân hàng, Logistics, thương mại và các vấn đề về công pháp quốc tế.
• Thể chế hóa chính sách và tài khóa – mở cửa thu hút nguồn lực từ khu vực tư tham gia hiến kế, hành động đổi mới sáng tạo liên tục.
TRUNG TÂM BSA – CƠ QUAN ĐIỀU PHỐI