Hiệp định RCEP và những điều cần biết

143
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) là một hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới.
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội và được kỳ vọng là hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn nhất thế giới.
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore , Thái Lan và Việt Nam – và sáu đối tác FTA của họ là Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Được đề xuất lần đầu vào năm 2011, RCEP sẽ có thể loại bỏ tới 90% thuế nhập khẩu giữa các bên ký kết trong vòng 20 năm kể từ khi có hiệu lực, có thể là vào đầu năm sau. Nó cũng sẽ thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và sở hữu trí tuệ.
Tại sao chỉ có 15 trong số 16 quốc gia RCEP ký kết?
Đã có 15 quốc gia ký kết do Ấn Độ, một trong những đối tác ban đầu, vào năm ngoái đã tuyên bố rời khỏi cuộc đàm phán vì lo ngại rằng các ngành công nghiệp địa phương của họ sẽ bị tàn phá bởi hàng hóa sản xuất rẻ hơn từ Trung Quốc và các sản phẩm nông nghiệp và sữa từ Australia và New Zealand.
Mặc dù quyết định của Ấn Độ là một đòn giáng mạnh vào quy mô thị trường của hiệp định này, song 15 quốc gia khác cũng đã đồng ý tiếp tục RECP và cho biết cánh cửa sẽ vẫn mở để Ấn Độ tham gia trở lại.
RCEP dự kiến sẽ tạo ra một thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD – Ảnh: Nikkei
Quy mô của RCEP
Ngay cả khi không có Ấn Độ, RCEP vẫn là FTA lớn nhất trên thế giới, với GDP chiếm tới 32% tổng GDP toàn cầu, khoảng 32.000 tỷ USD, chiếm 47,5% dân số thế giới. Nó bao gồm các nền kinh tế hàng đầu như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc cũng như một số nền kinh tế kém phát triển hơn như Lào và Campuchia. Quan trọng hơn, RCEP sẽ đại diện cho các FTA đầu tiên giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc – các nền kinh tế lớn thứ nhất, thứ hai và thứ tư của châu Á.
Tầm quan trọng đối với khu vực
Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực RCEP được ký kết sẽ giúp giảm hoặc loại bỏ thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp, đồng thời đặt ra các quy tắc về truyền dữ liệu. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu của các doanh nghiệp ở các nước thành viên, đặc biệt những nước có quan hệ thương mại lớn và là những đối tác thương mại lớn của nhau.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, các nước liên quan đã mất rất nhiều năm để đàm phán, thương lượng về RCEP và như vậy để thấy rằng, tầm quan trọng của hiệp định này có ý nghĩa rất lớn đối với khu vực, nhất là trong bối cảnh thế giới đang bị ảnh hưởng rất nhiều, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy bởi đại dịch Covid-19.
Vì vậy, việc ký kết được RCEP sẽ tạo nên một sức bật mới, một cú hích mới cho sự phát triển thương mại trong khu vực, đặc biệt là các nước tham gia ký kết.
Đánh giá về ý nghĩa của FTA này, Đại sứ Singapore tại Việt Nam Catherine Wong bày tỏ, việc ký kết RCEP sẽ gửi đi một thông điệp vang dội về sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời thúc đẩy niềm tin vào sự ổn định và hội nhập của nền kinh tế khu vực. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay, điều quan trọng đối với ASEAN là phải cho thế giới thấy rằng chúng ta đang mở cửa kinh doanh, với một nền kinh tế ổn định và hội nhập, tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.
Tầm quan trọng đối với Việt Nam
“Đối với Việt Nam, Hiệp định RCEP khi được ký kết và đưa vào thực thi sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, RCEP được ký kết và đi vào thực thi sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang 14 thị trường trong khối.
Đối với Việt Nam, RCEP sẽ giúp mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, bởi chỉ tính riêng ASEAN, nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất của nước ta hàng năm vượt 30 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang nhập siêu từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, với chủ yếu là nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng như điện tử, máy tính, dệt may, giày dép, ô tô…
Tầm quan trọng đối với Trung Quốc
Trung Quốc đã tìm cách thiết lập một mạng lưới FTA với các đối tác thương mại như một phần trong nỗ lực củng cố ảnh hưởng kinh tế của mình, và những nỗ lực đó đã tăng lên đáng kể khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ thương mại lớn hơn và áp đặt một loạt thuế quan đối với các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Mexico và Liên minh châu Âu (EU).
Sau khi được ký kết, RCEP sẽ là FTA đa phương đầu tiên mà Trung Quốc tham gia, giúp tăng cường tầm ảnh hưởng kinh tế trong khu vực đồng thời mở đường cho khả năng tham gia của Bắc Kinh vào các FTA tiên tiến hơn.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, Trung Quốc đã đạt được các FTA song phương với 17 quốc gia và khối khu vực, và đang đàm phán thương mại tự do với 15 quốc gia. Trong khi đó, Trung Quốc đang đàm phán kéo dài với EU về một hiệp ước đầu tư, mặc dù khả năng tiếp cận thị trường vẫn còn là một trở ngại. Trung Quốc cũng đã đàm phán với Nhật Bản và Hàn Quốc kể từ năm 2012 về một FTA ba bên, nhưng đã đạt được rất ít tín hiêu tích cực cụ thể.
RCEP và CPTPP
Mặc dù RCEP đã đạt được những bước tiến đáng kể về bộ quy tắc, sở hữu trí tuệ và cắt giảm thuế quan, nhưng vẫn chưa đề cập đến một số vấn đề, đặc biệt là khi so sánh với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một hiệp định FTA lớn khác trong khu vực Vành đai Thái Bình Dương.
CPTPP ra đời từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn là phần quan trọng trong chiến lược “xoay trục sang châu Á” của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, nhưng sau đó Mỹ đã rút lui vào năm 2017 khi Donald Trump kế nhiệm Obama. Hiệp định được Nhật Bản và 10 thành viên khác khôi phục thành CPTPP vào năm 2018 và có hiệu lực vào cuối năm đó.
Được coi là một trong những hiệp định thương mại đa phương tiên tiến nhất trên thế giới, CPTPP cởi mở hơn và toàn diện hơn, bao gồm việc loại bỏ nhiều hơn thuế quan (99%) đối với hàng nhập khẩu giữa các thành viên. Nó cũng bao gồm các điều khoản về tiêu chuẩn lao động và môi trường.
Theo Nhadautu
“Giảm cân hiệu quả” tại Organic Town