Hộ chiếu vaccine chỉ giúp Thái Lan đón 2 triệu lượt du khách trong năm 2021

646
Hiện tại, Bộ Y tế Thái Lan nói việc áp dụng hộ chiếu vaccine cho những người đã tiêm đủ hai liều vaccine ngừa Covid-19 cần phải chờ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra các tiêu chuẩn cần thiết. - Ảnh: Forbes
Tiêu điểm:
Hộ chiếu vaccine chỉ giúp Thái Lan đón 2 triệu lượt du khách trong năm 2021
Sau nhiều lần trì hoãn, kế hoạch tiêm chủng đại trà vaccine của AstraZeneca sẽ được tiến hành tại Thái Lan từ ngày 11/3. Thủ tướng Prayut Chan-Ocha sẽ là người tình nguyện tiêm mũi đầu tiên loại vaccine này. Chiến dịch dấy lên niềm hy vọng tái kích hoạt guồng máy du lịch khổng lồ của đất nước này, nhưng kết quả sẽ không được như mọi người kỳ vọng.
Chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 của Thái Lan sẽ sử dụng song song hai loại vaccine Sinovac của Trung Quốc và AstraZeneca của Anh. Các bệnh viện công sẽ phân phối miễn phí. Hiện, các công ty tư nhân đã đề nghị chính phủ cho phép họ tự nhận nhập khẩu vaccine để tiêm chủng cho nhân viên và bán ra thị trường. Thái Lan chỉ mới mua được 63 triệu liều vaccine, tương đương 45% lượng vaccine cần thiết để tiêm cho 69 triệu dân.
Tuy nhiên, kết quả hay ý nghĩa của chiến dịch tiêm chủng rộng rãi là việc mở cửa trở lại biên giới, đón khách du lịch vốn chiếm đến 20% GDP của kinh tế Thái Lan. Một số hiệp hội du lịch và khách sạn ở Phuket cũng đã từng đề nghị chính phủ cho phép doanh nghiệp tự mua vaccine để tiêm chủng cho 70% trong tổng số 430.000 dân cư của hòn đảo, nhằm giúp Phuket đạt được miễn dịch cộng đồng và có thể mở cửa bầu trời kể từ tháng 10 sắp tới.
Chính phủ Thái Lan đang họp bàn về giải pháp mở cửa cho du khách quốc tế đã tiêm ngừa vaccine ngừa Covid và không phải cách ly 14 ngày khi nhập cảnh Thái Lan. Bộ Y tế nước này nói việc áp dụng hộ chiếu vaccine cho những người đã tiêm đủ hai liều vaccine ngừa Covid-19 cần phải chờ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra các tiêu chuẩn cần thiết.
Trung tâm nghiên cứu Kasikorn (K-Research) cho rằng việc triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 sẽ có tác động sâu sắc đến chiến lược phục hồi và mở cửa lại ngành du lịch của Thái Lan trong năm nay. Tuy nhiên, K-Research dự báo sẽ chỉ có hai triệu lượt khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan trong năm nay, thấp hơn các con số dự báo trước đó từ 4-6 triệu lượt
Kevalin Wangpichayasuk, trợ lý giám đốc điều hành của K-Research, cho biết con đường phục hồi kinh tế của Thái Lan chủ yếu sẽ phụ thuộc vào ngành du lịch khi nước này mở cửa với du khách nước ngoài. Tiến độ triển khai tiêm vaccine và chính sách mở cửa trở lại của các quốc gia khác trên thế giới sẽ là những yếu tố chính quyết định triển vọng phục hồi của ngành du lịch Thái Lan vào năm 2021. Theo thống kê, lượng khách du lịch nước ngoài tới Thái Lan đạt 6,7 triệu lượt vào năm 2020, giảm 83,2% so với năm trước và chỉ là một phần nhỏ trong tổng số gần 40 triệu lượt được ghi nhận vào năm 2019.
Bà Kevalin cho biết, dự báo dựa trên tiến độ tiêm chủng tại 10 quốc gia, là những quốc gia có du khách thường xuyên đến Thái Lan như Trung Quốc, các nước châu Âu, Nhật Bản và Mỹ. Nhưng con số 2 triệu lượt khách du lịch nước ngoài được xem là quá thấp và các doanh nghiệp du lịch của Thái Lan vẫn phải dựa vào khách du lịch nội địa để tồn tại và sống sót.
K-Research dự báo tăng trưởng GDP của Thái Lan dự kiến sẽ tăng 2,6% trong năm 2021, chủ yếu nhờ vào sự phục hồi xuất khẩu, các gói kích thích kinh tế của chính phủ và hiệu quả của chính sách kiểm soát dịch… Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng có thể giảm xuống dưới 2,6% nếu lượng khách du lịch nước ngoài giảm xuống dưới con số 2 triệu lượt dự kiến.
Các yêu cầu kiểm dịch có thể được nới lỏng đối với những du khách được tiêm chủng Covid-19 trước khi họ đến Thái Lan, bắt đầu từ tháng 10. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra bởi hội đồng CCSA, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, tại cuộc họp vào ngày 15/3.

Bản Tin Thị Trường

1/ Hãng hàng không Singapore Airlines cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm thẻ thông hành Covid-19 điện tử từ tuần tới. Đây là hãng hàng không đầu tiên thí điểm mô hình này trong bối cảnh ngành hàng không nỗ lực khôi phục sau đại dịch Covid-19. Ứng dụng trên, do Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) phát triển, sẽ lưu trữ thông tin y tế của hành khách, bao gồm lịch sử xét nghiệm và tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhằm tạo điều kiện cho việc thông hành sau khi mở cửa biên giới. Một số hãng hàng không khác gồm Air New Zealand và Emirates cũng đã đăng ký thử nghiệm ứng dụng trên. Trong khi một số quốc gia ủng hộ ý tưởng này, coi đây là lối thoát cho ngành du lịch và hàng không đang gặp khó khăn, một số quốc gia khác lại bày tỏ nghi ngại bởi đến nay mới chỉ có một tỷ lệ nhỏ dân số thế giới được chủng ngừa.
2/ Giá vàng miếng SJC ở mức 54,84 – 55,27 triệu đồng/lượng, giảm tới 410.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 380.000 đồng/lượng chiều bán ra, chênh lệch hai đầu là 430.000 đồng.  Đây là phiên giảm thứ tư trong năm phiên gần đây của kim loại quý. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.686.7 USD/ounce, giảm 13,4 USD/ounce, tương đương 0,79% so với chốt phiên trước.
3/ Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế của Mỹ, nhập khẩu hạt điều của nước này trong năm 2020 đạt 167.100 tấn, trị giá 1,08 tỷ USD. Trong năm 2020, Mỹ tiếp tục tăng nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam. Nhập khẩu hạt điều của Mỹ từ Việt Nam trong năm 2020 đạt 149.270 tấn, trị giá 963,13 triệu USD, tăng 12,5% về lượng, nhưng giảm 4,2% về trị giá so với năm 2019. Theo đó, Mỹ tăng nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam, trong khi giảm nhập khẩu từ Brazil, Ấn Độ và Indonesia. Nhờ vậy, hạt điều Việt Nam tiếp tục gia tăng tỷ trọng trong tổng lượng hạt điều nhập khẩu của Mỹ. Có thể nói, với việc hạt điều Việt Nam chiếm tỷ trọng xấp xỉ 90%, cứ 10 hạt điều bán trên thị trường Mỹ thì có tới 9 hạt đến từ Việt Nam.
Nhập khẩu hạt điều của Mỹ từ Việt Nam trong năm 2020 đạt 149.270 tấn, trị giá 963,13 triệu USD
4/ Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã đạt 513 – 517 USD/tấn đối với loại 5% tấm và 488 – 492 USD/tấn với gạo 25% tấm. Các loại gạo khác như Jasmine dao động 563 – 567 USD/tấn, gạo 100% tấm có giá 438 – 442 USD/tấn. Xét về cùng loại, giá gạo Việt Nam đang cao hơn 5-7 USD/tấn so với Thái Lan, và vượt xa so với gạo Ấn Độ, Pakistan. Trong hai tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu trên 608.768 tấn gạo các loại, kim ngạch đạt 336,1 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu gạo của Việt Nam hai tháng đầu năm giảm khoảng 34% về khối lượng nhưng lại tăng 22% giá trị kim ngạch. Chưa bao giờ gạo của Việt Nam đạt được mức giá cao như thế này.
5/ World Bank vừa ký với Việt Nam một khoản hỗ trợ không hoàn lại 11,3 triệu USD và khoản bảo lãnh 75 triệu USD cho lĩnh vực năng lượng. Khoản hỗ trợ này được World Bank thay mặt Quỹ Khí hậu xanh (GCF) ký kết với Ngân hàng Nhà nước. Theo cơ quan này, 8,3 triệu USD trong 11,3 triệu USD viện trợ không hoàn lại dùng để hỗ trợ khối tư nhân trong nhận diện, thẩm định và thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng. Chương trình cũng sẽ hỗ trợ cơ quan chức năng về kỹ thuật nhằm cải tiến chính sách, quy định giúp thúc đẩy phát triển thị trường tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam. Quỹ này dự kiến sẽ huy động được khoảng 250 triệu USD từ nguồn tài chính thương mại, cho phép các doanh nghiệp được vay theo điều khoản cạnh tranh hơn và yêu cầu tài sản đảm bảo thấp.
6/ UBND TP.HCM vừa ban hành Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu phát triển 1.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đề án hướng đến mục tiêu hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố ngang tầm khu vực, từng bước trở thành nển tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; phát triển sản phẩm chủ lực của thành phố, góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP đến năm 2025 đạt từ 45-50%. Trong giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm có khoảng 650-700 doanh nghiệp được hỗ trợ nâng cao năng lực.
7/ Theo Nikkei Asia, TNB Renewables, công ty thuộc Tập đoàn Điện lực quốc gia Malaysia Tenaga Nasional Berhad (TNB), dự kiến mua 39% cổ phần tại 5 dự án điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam. Tại Việt Nam, 5 dự án đều được triển khai tại khu vực phía Nam với tổng công suất 21,6 MW, đã hoàn thành vào tháng 12/2020. Hiện Sunseap Group, tập đoàn năng lượng mặt trời hàng đầu Singapore, nắm giữ 90% cổ phần tại 5 dự án này. Sau khi thương vụ mua lại được hoàn tất vào quý 1 năm nay, Sunseap sẽ nắm giữ 51% cổ phần. Còn cổ đông hiện hữu Sun Times Energy tiếp tục nắm 10%. Thời gian qua, hoạt động phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực, đã thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần khai thác hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời có nhiều tiềm năng.
Doanh nghiệp Malaysia mua 39% cổ phần 5 dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
8/ Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải Quan Trung Quốc, xuất khẩu của nước này trong hai tháng đầu năm 2021 đã tăng 60,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng khả quan hơn nhiều so với con số ước tính 40% của Bloomberg. Chỉ riêng trong tháng 2/2021, xuất khẩu tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, nhập khẩu đã tăng hơn 22%, cao hơn mức dự đoán 16% của Bloomberg. Hai tháng đầu năm nay, thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt 103,25 tỷ USD. Xuất khẩu đã bùng nổ trong những tháng gần đây do nhu cầu toàn cầu về thiết bị y tế và thiết bị làm việc tại nhà tăng cao. Triển vọng thương mại cả năm sẽ phụ thuộc vào sự phục hồi toàn cầu cùng mối quan hệ giữa Trung Quốc và chính quyền mới của Mỹ. Trong hai tháng đầu năm, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đạt 51,3 tỷ USD, tăng hơn 81% so với cùng kỳ năm trước.
9/ Theo Bộ Giao thông Vận tải Nga, hơn 5.000 tấn xăng của Belarus đã được vận chuyển bằng tàu lửa trung chuyển qua bến Portenergo (cảng biển Ust-Luga). Chuyến đầu tiên trong số những chuyến hàng này đến Nga vào Thứ bảy lúc 9 giờ sáng và dự kiến ​​sẽ đến bến Portenergo vào ngày 9/3. Nhà máy lọc dầu Mozyr đóng vai trò là đơn vị vận chuyển. Các chuyến hàng đã được thực hiện theo thỏa thuận liên chính phủ được ký kết giữa Nga và Belarus vào tháng 2. Theo thỏa thuận, Belarus bắt đầu sử dụng các cảng biển của Nga để trung chuyển các sản phẩm dầu của mình, bao gồm dầu nhiên liệu, xăng, và dầu. Hơn 9,8 triệu tấn hàng hóa dự kiến ​​sẽ được trung chuyển trong giai đoạn 2021-2023.
10/ Trong báo cáo thường niên mới nhất do Nokia công bố cho thấy, gần 5.000 việc làm đã bị cắt giảm trong năm 2019, và hơn 6.000 việc làm đã biến mất vào năm 2020. Điều này cho thấy Nokia đã sa thải 11% trên tổng số nhân viên của mình trong vòng 2 năm qua. Một phân tích khu vực cho thấy số liệu việc làm của Nokia trên toàn thế giới đều giảm, nhưng Trung Quốc là nước có mức giảm lớn nhất. Năm ngoái, số lượng nhân viên của Nokia tại Trung Quốc đã giảm 12% xuống còn 13.749 người, giảm gần 3.500 người kể từ năm 2018. Tỷ suất lợi nhuận hoạt động của Nokia đã tăng gần gấp đôi lên 4% vào năm 2020, mặc dù doanh số bán hàng của hãng giảm 6% xuống còn khoảng 21,9 tỷ euro (26,1 tỷ USD). Đến năm 2020, Nokia đã đạt được lợi nhuận ít nhất là 885 triệu euro (1,1 tỷ USD). Điều đáng lo ngại nhất là  kế hoạch tiết kiệm ngân sách của Nokia đã khiến chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển giảm đáng kể.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Nhà nữ khoa học pitching 5.000 lần cho dự án thịt hải sản nuôi cấy trong phòng thí nghiệm