Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD đồ gia dụng vào năm 2030

184
Hòa Phát đã lập Tổng công ty điện máy gia dụng Hòa Phát hồi cuối tháng 9-2021
Tập đoàn thép lớn nhất của Việt Nam có kế hoạch lấn sân sang mảng đồ điện máy gia dụng, đón cơ hội chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác.
Hòa Phát đặt mục tiêu trở thành hãng sản xuất đồ điện máy gia dụng hàng đầu của Việt Nam và khu vực với doanh thu đạt 1 tỷ USD vào năm 2030. Tập đoàn sẽ tập trung vào các sản phẩm: máy lạnh, tủ lạnh, máy lọc nước và máy giặt, với 50% sản phẩm cho xuất khẩu – Chủ tịch Trần Đình Long nói.
“Trung Quốc có hai vấn đề khiến các công ty lớn phải di dời sản xuất sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Thu nhập GDP tính theo đầu người sắp vượt ngưỡng 10.000 USD và nạn thiếu hụt năng lượng trầm trọng góp phần làm các chi phí sản xuất gia tăng”, ông Long trả lời Bloomberg.
Cổ phiếu của Hòa Phát đã tăng 86% trong năm nay sau khi đã tăng hơn gấp đôi trong năm 2020, giúp Hòa Phát trở thành công ty đại chúng lớn thứ tư tại Việt Nam và đóng góp phần lớn cho sự tăng trưởng của chỉ số VN Index. Doanh số trong chín tháng đầu năm của tập đoàn đã tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,65 tỷ USD.
Chủ tịch Trần Đình Long khẳng định tập đoàn có “nguồn vốn dồi dào” để mở rộng sản xuất. Ông cũng nói rằng tập đoàn nhận ra nhu cầu cao về điện máy gia dụng tại Việt Nam và các thị trường như châu Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ.
Hòa Phát đã thành lập Tổng công ty Điện máy gia dụng Hòa Phát hồi cuối tháng 9 rồi, đầu tư lớn và bài bản vào ngành hàng điện máy gia dụng trên nền tảng thâm niên 20 năm phát triển ngành hàng điện lạnh. Song song triển khai nhanh chóng các nhà máy mới, Hòa Phát ưu tiên hoạt động nghiên cứu phát triển các sản phẩm điện lạnh, hàng gia dụng thiết kế hiện đại, chất lượng và giá thành cạnh tranh tốt với hàng nhập khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để hướng mạnh ra xuất khẩu.
Sau khi cơ cấu lại, Hòa Phát hoạt động trong năm lĩnh vực: gang thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nóng) – sản phẩm thép (gồm ống thép, tôn mạ, thép rút dây, thép dự ứng lực) – nông nghiệp – bất động sản – điện máy gia dụng.
Với công suất thép thô 8 triệu tấn/năm, Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á và nằm trong Top 15 doanh nghiệp thép có vốn hóa lớn nhất thế giới.
Hòa Phát giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng, ống thép và sản lượng bò Úc tại Việt Nam. Ngoài ra, trứng gà sạch của Hòa Phát hiện đang dẫn đầu thị trường miền Bắc với sản lượng khoảng 800.000 trái/ngày. Lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi heo cũng có những đóng góp nhất định vào kết quả chung. Lĩnh vực bất động sản của Tập đoàn đang tập trung mở rộng các khu công nghiệp hiện có, đồng thời nghiên cứu đầu tư một số dự án nhà ở, khu đô thị dịch vụ.
BẢN TIN THỊ TRƯỜNG
1/ Giá vàng SJC đi ngang so với phiên trước, giao dịch mua – bán quanh mức 57,4 – 58,1 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá hai đầu vẫn giữ 700.000 đồng. Tại châu Âu, giá vàng giao ngay ở quanh mức 1.786 USD/ounce, tăng 2 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua và cũng nhích nhẹ 2 USD so với chốt phiên giao dịch tại Mỹ trước đó vài tiếng đồng hồ.
2/ Khoảng 2/3 các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu đứng vững sau các vụ điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, trụ lại được ở các thị trường lớn.
Theo Bộ Công Thương, trong nhiều vụ việc, Việt Nam đã thành công trong việc chứng minh Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu. Chẳng hạn, Úc đã chấm dứt nhiều vụ việc điều tra mà không áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam như vụ việc điều tra đối với ống thép chính xác và dây đai thép phủ màu. Các vụ điều tra chống bán phá giá của Mỹ đối với tôm, cá basa và vỏ xe cũng có kết quả tương tự, giúp kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này được giữ vững và tăng trưởng.
3/ Đến sáng 22-10, có 26 tỉnh thành đạt “vùng xanh”, 37 tỉnh thành được phân loại “vùng vàng” theo công bố cấp độ dịch của Bộ Y tế. Tại TP.HCM, từ tuần tới dịch vụ ăn uống tại chỗ sẽ được phép mở lại ở những nơi đã kiểm soát được dịch. Theo Chỉ thị 18 của UBND TP.HCM, từ 1-10 nhiều ngành nghề, lĩnh vực được phép hoạt động trở lại trừ quán bar, beer club, pub, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, rạp xiếc, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; chợ tự phát, bán hàng rong, vé số dạo. Dịch vụ ăn uống được hoạt động nhưng chỉ được phép bán mang đi.
4/ Trong khuôn khổ dự án “Chính sách thương mại và xúc tiến xuất khẩu của Việt Nam do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ”, Chính phủ Thụy Sĩ sẽ hỗ trợ Việt Nam khoảng 131,5 tỷ đồng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại và năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển thương mại hiệu quả hơn, bền vững và bao trùm hơn tại Việt Nam. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021-2024, chính phủ Việt Nam và các đối tác hưởng lợi sẽ đóng góp 627.000 CHF (khoảng 16,5 tỷ đồng).
5/ Sân bay Sapa sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), với tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng. Dự án sẽ chia 2 giai đoạn đầu tư, dự kiến sử dụng 371 ha đất (giai đoạn 1 là 295,2 ha và giai đoạn 2 75,8 ha). Thời gian đầu tư xây dựng và khai thác dự án sân bay Sapa là 50 năm, trong đó xây dựng 4 năm và khai thác, thu hồi vốn 46 năm.
Giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2021 gồm hạng mục xây dựng sân bay Sapa đạt chuẩn cảng hàng không cấp 4C (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế – ICAO) và là sân bay quân sự cấp 2, có công suất 1,5 triệu hành khách mỗi năm. Giai đoạn 2 xây dựng đầu tư từ năm 2028, sẽ hoàn thành các hạng mục để nâng công suất lên 3 triệu hành khách mỗi năm.
6/ Tại cuộc họp trực tuyến Bộ trưởng Tài chính các nền kinh tế tham gia Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ngày 22-10, các bộ trưởng đã nhất trí thúc đẩy các nỗ lực nhằm mở rộng sản xuất và cung cấp vaccine, cũng như hỗ trợ chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu. Cuộc họp do Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó Thủ tướng New Zealand Grant Robertson chủ trì từ thủ đô Wellington. Tuyên bố của nước chủ nhà cho biết bộ trưởng tài chính các nền kinh tế APEC đã nhất trí sử dụng mọi công cụ chính sách sẵn có để ứng phó với đại dịch COVID-19 và các nền kinh tế sẽ duy trì chính sách kinh tế vĩ mô, ổn định tài chính và hạn chế cạnh tranh phá giá tỷ giá.
7/ Hầu hết các sản phẩm mới của Apple bắt đầu phải lùi lịch giao hàng sang giữa tháng 11 đến tháng 12. Các dòng sản phẩm bị ảnh hưởng bao gồm iPhone 13, iPad Mini, iPad 9, Apple Watch Series 7 và MacBook Pro. Thậm chí thiếu hụt chip còn ảnh hưởng tới sản lượng của MacBook Air và iMac đời mới. Việc Apple trì hoãn giao hàng có thể nằm ở quy mô rộng của nhiều dòng sản phẩm. Chẳng hạn, mẫu iPhone 13 Pro chỉ có trong một tháng và rất khó tìm nguồn hàng mới. Trên trang chủ, Apple cho biết thời gian ước tính giao sớm nhất là từ 19 – 29/11 tại New York City và không có sản phẩm ở 12 cửa hàng khác của Apple. Tương tự, iPad Mini chỉ có ở một hoặc hai cửa hàng ở New York City với cùng thời gian ước tính giao hàng vào cuối tháng 11. Trong khi đó, Apple Watch Series 7 thậm chí còn hết hàng và thời gian giao bị lùi sang tận 30/11 – 07/12. Các mẫu MacBook Pro mới công bố có lịch giao hàng sớm hơn nhưng cũng phải đợi đến 12 – 19/11, tương tự như mẫu iMac M1 24-inch.
8/ Hãng pin xe điện Samsung SDI Co của Hàn Quốc công bố sẽ hợp tác với nhà sản xuất xe hơi Stellantis N.V. và bắt đầu “đổ bộ” xây dựng nhà máy pin xe điện tại Mỹ. Theo thỏa thuận này, Samsung SDI và Stellantis N.V. sẽ bắt đầu sản xuất pin và module xe điện vào nửa đầu năm 2025, với công suất sản xuất 23 GWh/năm và đặt mục tiêu tăng lên 40 GWh trong tương lai. Tuy nhiên, hai công ty không thông báo chi tiết về tên, địa điểm, số tiền đầu tư và quy mô của nhà máy sản xuất pin này.
Samsung SDI và Stellantis N.V. cho hay pin được sản xuất từ nhà máy trên sẽ được cung cấp cho các sản xuất xe hơi ở Bắc Mỹ – gồm Mỹ, Canada và Mexico – của Stellantis N.V., và sẽ được lắp đặt trong các dòng xe plug-in hybrid và xe điện của hãng xe Stellantis. Đây sẽ là nhà máy sản xuất pin điện đầu tiên của Samsung SDI tại thị trường Mỹ và là cơ sở sản xuất thứ ba của công ty ở nước ngoài sau các nhà máy hoạt động tại Hungary và Trung Quốc.
Tại Hàn Quốc, Samsung có một nhà máy pin ở phía Nam thành phố Ulsan.
9/ Trên sàn New York Mercantile Exchange, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12-2021 đứng ở mức 82,56 USD/thùng, tăng 0,06 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 21-10, giá đã giảm 1,24 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 12-2021 đứng ở mức 84,74 USD/thùng, tăng 0,13 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm 1,25 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 21-10.
Giá dầu giảm mạnh trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu vẫn ở mức cao do quá trình chuyển đổi từ than đá và khí đốt sang nhiên liệu dầu trong hoạt động sản xuất năng lượng chủ yếu do thị trường ghi nhận sự cải thiện đáng kể về sự mất cân đối cung – cầu. Các dữ liệu được ghi nhận trên thị trường dầu thô cho thấy, nhiều nhà đầu tư đang đẩy mạnh các giao dịch bán tháo chốt lời sau khi giá dầu thô vọt lên mức cao nhất 8 năm trở lại đây.
Những nỗ lực nhằm bình ổn giá khí đốt, giá than đá của các nước được kỳ vọng sẽ sớm giải giải toả phần nào tình trạng cầu vượt cung trên thị trường dầu thô.
10/ Cổ phiếu của Evergrande trên thị trường chứng khoán Hong Kong tăng 4,3% trong sáng 22-10 sau khi công ty này kịp trả 83,5 triệu USD phần nợ lãi suất trái phiếu USD trong thời gian ân hạn 30 ngày. Theo Securities Times (Trung Quốc), đây là khoản đáng ra Evergrande phải trả vào ngày 23-9. Các trái chủ sẽ nhận được tiền lãi trước ngày 23-10. Evergrande đã bỏ lỡ 4 lần thanh toán lãi suất trái phiếu trong tháng 9 và 10, với tổng cộng 279 triệu USD, theo tính toán của Reuters. Con số này bao gồm 83,5 triệu USD mà công ty vừa kịp chuyển trả. Như vậy, họ vẫn còn nợ 3 lần trễ hẹn thanh toán. Ngoài ra, Evergrande sẽ còn có thêm 4 lần trả lãi khác trong thời gian còn lại của năm. Nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới đang phải gồng mình gánh khoản nợ hơn 300 tỷ USD và đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn để trả cho các nhà cung cấp và nhà đầu tư.

Đài Loan tìm được thị trường mới cho nông sản sau các lệnh cấm của Trung Quốc