Hóa trị có làm ung thư di căn?

3874
Cần lưu ý, nghiên cứu của Karagiannis chỉ là bước đầu và bản thân ông cũng nhìn nhận mình chỉ tập trung trên ung thư vú

Vừa qua, cộng đồng mạng xôn xao về một nghiên cứu tại Mỹ, cho thấy hóa trị sẽ làm cho ung thư phát tán và kích thích khối u hung hãn hơn. Thông tin này khiến không ít bệnh nhân hóa trị ung thư lo lắng và tính chuyện ngưng điều trị.

Tuy nhiên, BS Lê Tuấn Anh, phó giám đốc trung tâm Ung bướu kiêm trưởng khoa hoá – xạ trị bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, giải thích:

“Nghiên cứu này cần được nhìn một cách toàn diện, bởi nếu chỉ nhìn một khía cạnh như báo chí phổ thông đăng tải thì ai cũng hoang mang. Ở đây tác giả nghiên cứu, TS George Karagiannis, là một chuyên gia ung thư và làm việc tại khoa Sinh học cấu trúc và cơ thể học trường Y khoa Albert Einstein, đại học Yeshiva TP New York, Hoa Kỳ, như thế ông là một nhà khoa học cơ bản”.

“Trong nghiên cứu, Karagiannis và đồng nghiệp thực nghiệm trên chuột bị ung thư vú và phát hiện sự gia tăng tế bào ung thư trong máu sau khi hoá trị ung thư cho chúng. Cùng lúc này, TS Karagiannis cũng nhận thấy trên 20 bệnh nhân bị ung thư vú hoá trị trước khi phẫu thuật, một số bệnh nhân có hiện tượng mở ra ‘những cánh cổng’ (doorway) giúp ung thư di căn đi khắp cơ thể”.

– Vậy hoá trị đã gây hại cho bệnh nhân?

– Khó nói như thế. Cần lưu ý, nghiên cứu của Karagiannis chỉ là bước đầu và bản thân ông cũng nhìn nhận mình chỉ tập trung trên ung thư vú, cần mở rộng ra trên nhiều loại ung thư khác nhau để xem hiện tượng này có đúng như thế không.

Cũng nói thêm, từ phòng thí nghiệm đến thực tế là một quãng đường rất dài. Không ít nghiên cứu đúng trong thực nghiệm nhưng lại không đúng trên thực tế. Cho đến nay hoá trị vẫn là một trong những cột trụ cơ bản của điều trị ung thư, bên cạnh phẫu thuật, xạ trị và liệu pháp nhắm trúng đích.

Ung thư là sự tăng sinh tế bào ác tính, xâm lấn nhanh những tế bào lành làm cho bệnh nhân tử vong. Trong khi đó hoá trị là giải pháp đưa vào cơ thể bệnh nhân các chất gây độc tế bào (cytotoxic agent) để tiêu diệt tế bào ác tính. Như thế, bản thân hoá chất chắc chắn cũng sẽ làm hại tế bào lành ở một mức độ nhất định, nhưng trong hoàn cảnh cần cứu sống bệnh nhân, người ta phải chấp nhận chuyện này để có thể nhanh chóng tiêu diệt tế bào ác tính. Cân nhắc giữa lợi và hại, hoá trị vẫn mang lại lợi ích nhiều hơn tác hại cho bệnh nhân.

– Thực tế hoá trị vẫn khiến bệnh nhân chịu không ít tác dụng phụ, đôi lúc khiến họ nản lòng và bỏ điều trị…

– Mọi giải pháp điều trị luôn có hai mặt, nhưng người ta có thể làm+ giảm thiệt hại cho bệnh nhân bằng những cách khác nhau. Hoá trị gây tiêu chảy, nôn ói, bác sĩ sẽ dùng các thuốc hỗ trợ, điều chỉnh liều lượng cho phù hợp hoặc đổi phác đồ điều trị để làm giảm tác hại này. Hoá trị làm giảm bạch cầu, bác sĩ dùng thuốc kích thích sản sinh bạch cầu. Hoá trị gây rụng tóc, nhưng sau đó tóc sẽ mọc lại.

Ung thư là một bệnh phức tạp và điều trị rất khó khăn. Ở đây hoá trị là khoa học và nghệ thuật: khoa học vì nó đã được chứng minh hiệu quả bằng nhiều nghiên cứu khác nhau; còn nghệ thuật là vì bác sĩ lâm sàng biết cân nhắc, chọn lựa các loại thuốc để mang lại nhiều hiệu quả nhất, nhưng lại ít tác dụng phụ nhất cho bệnh nhân. Điều này đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm và được đào tạo bài bản.

– Quay lại công trình của TS Karagiannis, bác sĩ cho rằng cần nhìn nhận nó toàn diện, vậy còn điểm nào của nghiên cứu cần lưu ý?

– Mặc dù phát hiện được sự di căn ung thư ở bệnh nhân ung thư vú hoá trị qua cơ chế ‘cánh cổng’, nhưng Karagiannis cũng nhận thấy người ta có thể bịt những ‘cánh cổng’ này lại bằng một loại thuốc có tên rebastinib. Ông cũng đề nghị sau khi điều trị vài liều hoá trị cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật cho họ, bác sĩ có thể làm xét nghiệm để đánh giá xem có hiện tượng di căn hay không, nếu có thì cần ngưng điều trị và cho bệnh nhân phẫu thuật trước rồi mới tính đến hoá trị.

Nhưng trên hết, Karagiannis nhấn mạnh nghiên cứu này không đồng nghĩa với việc loại bỏ hoá trị cho bệnh nhân, mà thay vào đó bác sĩ cần theo dõi bệnh nhân chặt chẽ hơn, để bảo đảm tế bào ung thư không di căn đi những nơi khác.

– Trong vài năm gần đây, điều trị ung thư đạt nhiều tiến bộ vượt bậc, hoá trị nằm ở đâu trong những tiến bộ này?

– Ngày nay y học xếp hoá trị vào một nhóm gọi là nội khoa ung thư (medical oncology) trong đó còn có liệu pháp nhắm trúng đích, miễn dịch trị liệu và xem đây là biện pháp điều trị toàn thân (systematic therapy), chứ không phải điều trị tại chỗ (local treatment) như phẫu thuật và xạ trị. Xếp như thế để trong trường hợp hoá trị gây độc cao cho bệnh nhân thì bác sĩ sẽ thay bằng một phác đồ ít độc hơn, hoặc từ hoá trị chuyển sang những biện pháp khác như liệu pháp nhắm trúng đích, miễn dịch trị liệu… nghĩa là mang lại lợi ích cao nhất cho bệnh nhân, phụ thuộc vào từng cá thể.

Hoá trị là phương pháp điều trị ung thư chủ lực

Cũng trước thông tin lan truyền trên mạng cho rằng “phác đồ hoá trị ung thư hiện nay lỗi thời, lạc hậu, gây hại cho bệnh nhân nhiều hơn lợi”, vừa qua PGS.TS Nguyễn Văn Thuấn, giám đốc bệnh viện K trung ương, đã lên tiếng cho rằng đây là thông tin phản khoa học. Ông nói: “Nếu chỉ định đúng và hợp lý, hoá trị mang lại hiệu quả điều trị và các tác dụng phụ có thể chấp nhận được, hay nói theo từ chuyên môn là người bệnh dung nạp điều trị”.

Phan Sơn (theo TTTG)