Học thứ mình thích hay học thứ mình cần?

Một nhân viên kế toán mà hát hay chắc chắn hạnh phúc hơn rất nhiều so với một người chỉ biết hát và được quyền hát cả ngày nhưng phải lệ thuộc vào gia đình, cha mẹ! Ảnh minh họa

Đây là đề tài tranh luận sôi nổi trong các buổi trà đạo với bạn bè có con ở tuổi bước vào đại học.

Dĩ nhiên người trẻ có khuynh hướng chọn học cái mình thích, còn người già thì có khuynh hướng khuyên con nên chọn cái mình cần, hay nói khác hơn, nên chọn ngành nghề nào mà xã hội đang cần, đang “hot”, sẽ “hot” – như vậy sau này sẽ dễ kiếm việc và dễ kiếm tiền hơn.

Có người thì tìm cách dung hòa cả hai, và trường hợp may mắn nhất là cái mình thích lại trúng phóc cái mình cần, xã hội cần. Trường hợp này thì còn nói làm gì nữa. Nhưng điều gì xảy ra nếu cái ngành nghề mình thích lại quá đặc thù kiểu bay bổng để sau này cầm tấm bằng tốt nghiệp đi tìm việc mới thấy “chua”. Và không ít bạn trẻ lúc đó mới nhận ra là mình đã ngộ nhận một vài điều để đi đến một quyết định quan trọng đầu đời chủ yếu chỉ dựa vào con tim, vào sở thích.

Thấy mình hát hay quá, thích hát quá và nghĩ là mình có thể học hát và trở thành ca sỹ. Tốt, nếu bạn trở thành ca sỹ thật sự. Còn nếu không trở thành ca sỹ được thì bạn sẽ làm cái gì đây? Cầm tấm bằng ca sỹ đi xin việc ở mấy công ty coi bộ hơi khó. Cái này thì lúc trước chưa có suy nghĩ kỹ vì đâu nghĩ là trở thành ca sỹ nó khó như vầy, không giống như học xong bằng kế toán là có thể làm kế toán. Rồi mới sực nhớ biết bao nhiêu ca sỹ nổi tiếng đâu phải ai cũng cần bằng cấp gì đâu.

Còn một thứ sực nhớ quan trọng hơn, mình không bao giờ nghĩ là mình cũng cần một công việc đàng hoàng như mọi người khác. Có những thứ tiền bạc mua không được. Gia đình có khá giả, bề thế cách mấy cũng giúp không được trọn vẹn. Vì sự tự hào, niềm hạnh phúc chỉ thật sự đến khi mình tự đứng trên đôi chân của chính mình. Mình phải kiếm được tiền bằng mồ hôi nước mắt của chính mình. Không có gì quý hơn độc lập tự do.

Cho nên phải chọn học cái gì mình cần là vậy. Cái mình cần chính là sự tự hào và niềm hạnh phúc. Cái này quý giá lắm, đừng đánh đổi với bất cứ thứ gì.

Hãy suy nghĩ cho kỹ, hãy lắng nghe những kỹ năng, sở trường, thế mạnh tiềm ẩn của mình thay vì những sở thích bộc lộ tức thời. Hãy cân nhắc những lời góp ý của cha mẹ, ông bà, những người có nhiều kinh nghiệm và nói ra những lời nói chân thành nhất. Hãy thảo luận, tranh luận với mọi người xung quanh cho cặn kẽ để tìm cho ra con đường tốt nhất cho mình. Vì chọn học ngành nào có thể sẽ là một bước rẽ quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình.

Theo quan điểm riêng của người viết bài này thì bạn hãy chọn học ngành nghề nào mà mình có sở trường, thế mạnh – dĩ nhiên đúng ngành nghề mình yêu thích nữa thì càng tốt – nhưng điều quan trọng nhất là phải thực tế, không mơ mộng, bay bổng. Làm gì thì làm, bạn phải tổ chức được một cuộc sống độc lập không lệ thuộc vào ai.

Một nhân viên kế toán mà hát hay chắc chắn hạnh phúc hơn rất nhiều so với một người chỉ biết hát và được quyền hát cả ngày nhưng phải lệ thuộc vào gia đình, cha mẹ!

Lý Quí Trung