Hội An – nơi ai cũng có thể chọn làm chốn lưu trú

    229
    Tôi đặt vé máy bay Sài Gòn – Đà Nẵng tối thứ sáu, tới khuya mới đến khách sạn. Chủ homestay là cô gái nhỏ nhắn tên Dung vẫn còn đợi, nở nụ cười nói chồng đem va ly cho khách lên phòng.
    Hai mẹ con đã ăn chiều nên không đói, tắm rửa xong, mở ban công ra hít thở mùi đồng nội, hương hoa lãng đãng quyện với đêm. Trời trong vắt và gió vi vu thổi. Hít thở không khí trong làng Cẩm Hà – nơi có những con kênh và vườn hoa trái bao bọc. Đêm về yên ắng thanh tịnh, không có một ý nghĩa nào thoáng qua ngoài con tim đắm chìm và đêm xanh.
    Xài sao mà hết trăm ngàn
    Buổi sáng sớm thuê xe máy chạy qua mì chị Cưng ở Phú Chiêm, 20.000đ một tô, rồi ghé qua quán cà phê phố cổ ngồi ngắm lồng đèn lắc lư trong gió, 10.000đ ly cà phê đậm đặc với hai cục đá. Chạy dọc theo sông Thu Bồn để tham quan làng gốm Thanh Hà. Ngôi làng cổ và đẹp. Buổi trưa, ra chợ ăn tô cao lầu 20.000đ nữa – dĩa cơm ở đây cũng giá chừng đó, cùng với chén chè bắp 5.000đ. Chiều đến, nếu bạn đi theo kiểu nghỉ dưỡng thì về nhà ngủ một giấc lấy sức, rồi 4 giờ chạy ra biển An Bàng bơi thỏa thích. Tắm chừng một tiếng đã đời rồi về nhà chuẩn bị “lên đồ” đi check in phố cổ Hội An.
    Buổi tối ăn dĩa cơm gà xé ở Phúc Cao Lầu trên đường Phan Châu Trinh. No nê rồi đi dạo phố cổ, leo lên thuyền lênh đênh trên sông Hoài hết 20.000đ. Anh lái đò kể khách ở Hội An sau thời gian dịch Covid còn có một phần ba và toàn là người Việt mình, nhưng vậy là đủ rồi vì đông quá lái đò cứ tung vô nhau mệt lắm (anh cười). Anh vốn ở Huế ra đây tìm việc làm vì có người bà con ở Hội An nhắn: “Vô đây đang có khách du lịch, mi ra ở nhà tau rồi buổi sáng làm vườn, buổi tối đi đò, cũng đủ tiền nuôi vợ con”. Tôi hỏi có đủ tiền không, anh nói cũng đủ thiệt. “Dịch nhiều người đói lắm chị à, em được như vầy là biết ơn lắm rồi!”. Anh ấy nói “biết ơn” xứ này làm mình cảm động hết sức. Có ai đó đã nói, người sống mà “biết ơn” thì trời đất không phụ bao giờ.
    Bánh mì Bà Lành “ngon vô đối”
    Ngày thứ ba mà bạn còn ở lại, thì buổi sáng lại xách xe chạy tới đường cũ có gánh mì chị Cưng Phú Chiêm ở đường Cửa Đại, đi thêm trăm mét nước bên phải sẽ thấy một ngôi chùa phái nguyên thủy, ngay góc ngã tư đèn xanh đỏ có xe bánh mì Bà Lành. Đi sớm trước 8 giờ sẽ được gặp bà, sau 8 giờ bà về đi chợ để anh con trai và đứa cháu họ bán. Bánh mì bà Lành sớm nổi tiếng hơn cả bánh mì Phượng, nhưng có lẽ “PR” kém nên ít người biết hơn.
    Nhưng với tuổi nghề gần 40 năm đứng bán bánh mì ở đây, cộng với tay nghề làm thịt xá xíu, pa tê, xíu mại, ớt xào, nước tương phi ngon vô đối khiến cho ổ bánh mì của bà cũng có vị quyến rũ, quấn quýt cái lưỡi mãi không thôi. Nếu mua đem về làm quà bà sẽ cẩn thận chỉ bỏ pa tê và thịt vào ổ bánh, còn nước sốt, nước xíu mại, ớt xào cùng rau dưa sẽ bỏ riêng từng túi để khi về nhà, bạn tự bỏ vô rồi nướng lại. Bà còn dặn kỹ: “Một ổ chan hai muỗng cà phê nước sốt thôi cho vừa miệng”. Ổ bánh mì giá 15 ngàn đủ no cho bữa sáng.
    Phố cổ quen thuộc
    Đêm Hội An cuối tuần lung linh đầy màu sắc, Chùa Cầu chăng đèn không lộng lẫy mà cổ kính. Khách Việt tràn phố cổ. Khách “Tây” cũng đã là người “bản xứ”, nghe một anh làm chính quyền nói, hiện tại Hội An đã có cả ngàn người nước ngoài lưu trú “xin nhận nơi này làm quê hương”.
    Làm du khách ở Hội An rất sướng, bởi người dân nơi này đa phần rất hiền. Đứng lớ ngớ ở ngã tư ngó đường là có người hỏi mình muốn tới đâu để chỉ. Để quên đồ mấy lần vẫn còn y nguyên, dân không quá đói để thấy đồ bỏ quên thì cuỗm lấy, cho nên “vật nào chỗ nấy” chắc là triết lý sống của họ rồi.
    Mà đúng vậy, cái giếng Bá Lễ nước trong ngon ngọt lòng đất mẹ được nghe kể còn có thể giữ nguyên mạch “nước mội” từ ngàn xưa để lại là nhờ ý thức của người dân nơi này. Đến Hội An chắc chắn bạn phải một lần tới giếng múc uống gàu nước trong, chỉ cần mượn gàu thôi, chẳng ai hỏi bạn phải trả tiền. Đó là của trời đất ban cho mọi người nên không ai được tham. Trời không thuận thì người cũng chẳng yên để sống.
    Sáng thứ bảy, tôi không cần dậy sớm, vì chợ phiên làng chài Tân Thành 8 giờ mới bắt đầu. Từ Cẩm Hà tôi chạy xe qua mất có hơn 10 phút, mà hồi trước đi đâu cũng phải hỏi đường e cũng phiền. Bây giờ chỉ cần Google Map là hướng dẫn cẩn thận đi đúng là tới nơi.
    Nằm trải trên bờ biển Cửa Đại, chợ phiên Tân Thành được một nhóm các doanh chủ là văn nghệ sĩ và chủ nhà tại khu vực này xin phép chính quyền tổ chức làm chợ phiên cho hai ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Mỗi nhà có đồ gì thì bày ra bán trước cửa. Có nhà may đồ, làm mặt nạ, đồ gốm. Có nhà bán bánh su sê, bánh ít từ Cù Lao Chàm chở qua sáng sớm. Có nhà bán bánh thuẩn đổ ngay tại chỗ với bánh mì Hội An, đồ gốm Thanh Hà, có nhà bày một bàn dài sách trước cửa. Có mấy vỉa hè để đồ da may thủ công, và có nhà bán cả đồ cổ. Chợ được trang trí bằng những cánh buồm vải che được nắng hè, xen kẽ có những quán cà phê “rất chất”.
    Tôi đi một hồi, mới nhớ có gì đó rất quen thuộc như tôi từng đến nơi này dù thật ra chợ mới hoạt động có một tháng. À, tôi nhớ ra rồi, đó chính là một góc phố đi bộ ở Bali, quần đảo du lịch nổi tiếng của Indonesia, sạch sẽ và được quy hoạch, thiết kế, trưng bày rất bắt mắt, thu hút bằng cái duyên dáng của sự tao nhã mà lại vô cùng sôi nổi với nụ cười và niềm vui sướng của một cộng đồng tìm được cái thú yêu thích giống nhau.
    An nhiên mà sống
    Những làng rau và đời sống thường nhật đã quay trở lại. Bên cạnh làng Cẩm Hà trồng hoa và đậu là làng Trà Quế. Người Hội An có lẽ sống an nhiên hồn hậu chính là nhờ mảnh đất của những người trồng hoa, trồng rau, trồng lúa quanh năm suốt tháng làm bạn với cỏ cây. Nhưng trước hết họ sống được với những gì thiên nhiên ban tặng cùng với niềm vui được gieo hạt, trổ hoa lá. Sống được rồi, thì ngày càng quay lại với ý thức thiện tâm, cố gắng cải tạo lại đất sạch, giữ nguồn nước trong để tưới cho cây được mãi thơm hương.
    “Chăm sóc một mảnh vườn, cái cây con người sẽ dần bớt ác đi. Bởi con người học được ở thiên nhiên sự hài hòa, vạn vật tương sinh chứ không phải tương khắc. Bởi vạn vật nuôi dưỡng nhau để sự sống tồn sinh và lẽ tự nhiên là thế.
    Một năm sau khi về trồng rau, tôi thấy mình hiền lành hơn, bớt ác đi. Đó chẳng phải là điều mà con người hướng tới? Luân lý đạo đức cũng là dạy con người sống thiện lương mà thôi.
    Nếu con người ta biết đủ, biết sống đúng với khả năng của mình, không sân si tranh đua thiệt hơn, chắc chắc con người sẽ sống với nhau hòa thuận, yêu thương nhau nhiều hơn”, anh bạn tôi Nguyễn Thế Hùng – người Hội An – đã nói với tôi như vậy.
    Ngân Hà
    Điểm đến mơ ước – Clos de Vougeot