Hương cà phê Ê Đê bay xa

234

Đầu năm 2018, Y Pốt Niê quyết định bỏ nghề bác sĩ đa khoa, quay về buôn làng khởi nghiệp với hạt cà phê. Cha mẹ đã giận hàng tháng trời, không thèm nói chuyện với Y Pốt Niê.

Không giận sao được chớ, bởi Y Pốt Niê được ăn học đàng hoàng để trở thành bác sĩ. Và bởi Y Pốt Niê là niềm tự hào của cha mẹ, của cả buôn Kla, xã Ðray Sáp, huyện Krông Ana thuộc Đắk Lắk.

Y Pốt Niê tốt nghiệp Trường cao đẳng Y dược Đà Nẵng, học thêm hai năm chuyên tu, sau đó làm việc tại Bệnh viện 175, rồi về Đắk Lắk tiếp tục làm ở bệnh viện. Tại sao đang làm bác sĩ đa khoa, Y Pốt Niê lại bỏ việc?

Những lần từ buôn làng quay lại TP.HCM, anh mang những gói cà phê nhà mình làm để tặng bạn bè, không ngờ người được tặng ai cũng khen chất lượng cà phê ngon, đặc trưng… Từ đó Y Pốt Niê lần mò bắt đầu bán “dạo” trên các nền tảng mạng xã hội.

“Khi nói ra quyết định của mình, em hiểu sự thất vọng của cha mẹ trong thời điểm đó, bản thân em cũng thấy rất khó, nhưng càng khó em càng quyết tâm làm để thay đổi cách suy nghĩ của cha mẹ”, Y Pốt Niê tâm sự.

Giờ đây, khi đang là giám đốc của Công ty TNHH một thành viên Ê Ðê Café, Y Pốt Niê cho biết, cha mẹ đã thay đổi suy nghĩ mà nói “Học gì, làm gì cũng được, nhưng phải giúp ích cho gia đình, buôn làng”. Nhưng dù bận rộn với công việc kinh doanh cà phê, Y Pốt Niê vẫn không bỏ việc cứu giúp người trong buôn làng, ai bị những bệnh lặt vặt vẫn tìm đến để xin thuốc, từ ốm đau thông thường, đau bụng, rách tay chân…

Hiện nay, công ty nhỏ của Y Pốt Niê đang tạo công ăn việc làm cho 25 bà con dân tộc trong buôn làng mình, với mức lương từ 5 – 6 triệu đồng mỗi tháng. “Trong xưởng chế biến cà phê, người lớn tuổi, người trẻ luôn có một thu nhập ổn định như thế. So với đời sống ở một buôn làng, số tiền đó là khá cao”, Y Pốt Niê nói. Trung bình mỗi tháng hiện nay, sau khi trừ hết chi phí Y Pốt Niê thu về 50 triệu đồng. Số tiền này nhiều gấp 10 lần so với lương khi làm bác sĩ.

Làm cà phê hữu cơ

Trong quá trình làm ngành y hơn 4 năm, số tiền Y Pốt Niê tiết kiệm được chưa tới 50 triệu đồng. Có trong tay số vốn ít ỏi đó, thật khó và không biết bắt đầu từ đâu.

“Lúc đó, em nghĩ mình sẽ tập trung vào phần bao bì cà phê trước. Sao cho thân thiện môi trường và thể hiện được những nét văn hóa truyền thống của người Ê Đê buôn làng mình”, anh kể.

Bắt đầu từ hơn 1ha cà phê của gia đình, đến thời điểm này, Y Pốt Niê đã liên kết với khoảng hơn 20 hộ đồng bào, mở rộng vùng nguyên liệu với diện tích hơn 25ha cà phê Robusta và hơn 10ha cà phê Arabica. Tất cả những vùng trồng này đều được canh tác theo hướng hữu cơ, an toàn…

Cà phê sau khi được thu hoạch về phải trải qua nhiều khâu, sau đó được sản xuất hoàn toàn theo cách rang thủ công của người Ê Đê vẫn làm xưa nay.

Thời gian gần đây, với những đơn hàng lớn, Y Pốt Niê phải đầu tư thêm máy rang cà phê cỡ lớn 120kg, máy xay, và máy đóng gói cà phê hòa tan tự động…

Ðến nay, chàng trai Y Pốt Niê đã cho ra đời nhiều dòng sản phẩm cà phê từ buôn làng mình, như Culy, Mix2, Mix3. Đặc biệt, mới đây, công ty của Y Pốt Niê còn nghiên cứu, ra mắt thêm hai dòng cà phê hòa tan là hương sầu riêng và khoai môn.

Dòng cà phê hòa tan này mới ra thị trường nên tiêu thụ chưa được nhiều, nhưng sầu riêng và khoai môn là những nguyên liệu đạt tiêu chuẩn an toàn từ Đắk Lắk. “Trước dịch Covid-19, một số khách hàng từ Singapore, Malaysia đã đến, thử và thích thú hương vị cà phê Ê Đê. Em đang đàm phán với một số đối tác, nhưng do khó khăn về dịch bệnh và chưa thống nhất được yếu tố giá, nên vẫn chưa thống nhất được”, Y Pốt Niê nói.

Vươn xa

Muốn làm theo cách đặc biệt, nên Y Pốt Niê chọn phải làm theo hướng vùng trồng cà phê hữu cơ, sản xuất trong nhà máy phải có tiêu chuẩn quốc tế. Hướng đến điều này, Y Pốt Niê đã mời đơn vị độc lập về chứng nhận ở Đà Nẵng về kiểm tra, đánh giá, xét nghiệm từ đất, nước, hạt cà phê… và thành công có được chứng nhận HACCP và ISO 22000.

Từ đây, khi chào hàng sản phẩm, các đối tác, đại lý, khách hàng cũng yên tâm, tin tưởng vào chất lượng cà phê của Y Pốt Niê. Đến nay, khách hàng mê thương hiệu Ê-Đê Café của Y Pốt Niê đến từ nhiều vùng miền khác nhau, từ TP.HCM, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đà Nẵng…

Để tìm đầu ra, Y Pốt Niê không ngần ngại ra Bắc, vào Nam đến các hội chợ triển lãm để tìm kiếm khách hàng, nhà cung cấp khắp mọi miền, kể cả khách quốc tế. Bên cạnh đó, anh cũng đưa sản phẩm của mình lên các kênh trực tuyến, phân phối qua các đại lý, công ty rang xay cà phê… Trong bốn ngày tham gia Hội nghị kết nối cung cầu TP.HCM và các tỉnh hồi đầu tháng 12.2021, Y Pốt Niê tiêu thụ được hơn 500kg cà phê các loại mà công ty đem tới. Đặc biệt hơn, anh đã kết nối lại được với nhiều khách hàng, đối tác tiềm năng, để tìm lại thị trường đã mất sau dịch Covid-19.

Cho đến nay, nghề bác sĩ đa khoa trở thành phụ. Nhưng quan trọng hơn, Y Pốt Niê tin rằng sự thành công từ thương hiệu Ê-Đê Café sẽ thôi thúc nhiều bạn trẻ người dân tộc thiểu số trong các buôn làng, tự tin bám trụ và lập nghiệp thành công ngay tại quê hương mình, để tạo lập một cuộc sống giàu có, văn minh.

theo Trần Quỳnh (TGHN)