HVNCLC & cơ hội vươn lên thành công trong nền kinh tế xanh

92
Mỗi doanh nghiệp có cách tiếp cận kinh tế xanh theo một cách khác nhau. Duy Tân là doanh nghiệp vốn nổi tiếng bấy lâu nay trong ngành nhựa, nhưng đã có bước đi “tái khởi nghiệp” đầy bất ngờ vào kinh tế xanh và đã ghi dấu ấn tượng.
Phần trình bày của ông Lê Anh, GĐ Phát triển bền vững Nhựa tái chế Duy Tân, đã gây ấn tượng mạnh cho các cử tọa tham dự hội thảo chiều 14/3 tại TP.HCM.
Tại Hội thảo “HVNCLC và cơ hội vươn lên trong nền kinh tế xanh” trong khuôn khổ Lễ công bố HVNCLC 2023, chiều 14/3, trong khi bà Lê Thị Thu Hiền, PGĐ Dự án IPSC tỏ ra băn khoăn, hiện các doanh nghiệp vẫn chưa nhìn thấy khung đánh giá Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) là yếu tố mang tính lợi ích mà chỉ nhìn nhận mang tính chất tuân thủ thì ông Lê Anh, GĐ Phát triển bền vững Nhựa tái chế Duy Tân lại mang đến một minh chứng hùng hồn cho việc kinh tế xanh, phát triển bền vững cũng có thể mang lại “lợi ích không thể ngờ”.
Ông Lê Anh tiết lộ, công ty Tái chế Duy Tân (Duy Tân Plastic Recycling – DTR), một dự án tái khởi nghiệp của Nhựa Duy Tân, đã xuất khẩu thành công 4.000 tấn hạt nhựa tái chế sang thị trường Mỹ – một thị trường khắt khe bậc nhất trên thế giới. Và điều đặc biệt, nguyên liệu làm nên 4.000 tấn hạt nhựa tái chế này đều được công ty thu gom rác thải nhựa từ Việt Nam.
Ngoài thị trường Mỹ, sản phẩm của DTR đã được xuất khẩu sang tất cả 12 nước trên thế giới. DTR hiện cũng là đối tác của các nhãn hàng lớn như lavie, nestle, coca-cola… Để làm được điều này DTR đã đạt các 15 tiêu chuẩn quốc tế khắt khe như ISO, FDA, HACCP… Tính riêng trong năm 2022, DTR đã thu gom và tái sinh hơn 1,3 tỷ chai nhựa.
Được xây dựng vào cuối năm 2019 tại tỉnh Long An và bắt đầu đi vào hoạt động năm 2020, hiện tại nhà máy của DTR có thể thu gom, xử lý, sản xuất 30.000 tấn nhựa PET mỗi năm. Kế hoạch sắp tới sẽ tăng gấp đôi công suất lên 60.000 tấn. Về nhựa HDPE, nhựa PP, hiện tại công suất nhà máy là 10.000 tấn/năm mỗi loại, dự kiến cũng sẽ nâng gấp ba công suất lên mức 30.000 tấn/năm.
Quy trình thu gom, xử lý, tái chế của DTR.
Công ty Tái chế Duy Tân cũng chính là một trong 6 doanh nghiệp tiên phong đang nhận được hỗ trợ kỹ thuật của dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) của Cơ quan phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).
Theo bà Lê Thị Thu Hiền IPSC là dự án lớn nhất của chính phủ mỹ tài trợ cho chính phủ Việt Nam. Đối tượng của dự án là doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng. Họ có thể là hộ kinh doanh cá thể hoặc hợp tác xã. Đa phần hỗ trợ của dự án là hoàn toàn miễn phí. Hiện dự án đang hỗ trợ cho 5.000 doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng. Thứ hai là các doanh nghiệp doanh nghiệp tiên phong, dẫn đầu trong ngành của mình.
Bà Lê Thị Thu Hiền cho biết, gói hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong, hướng đến những doanh nghiệp có trình độ quản lý trình độ tiến tiến hiện đại, hỗ trợ để đưa sản phẩm Việt Nam ra thị trường thế giới. Điều đặc biệt, đối với nhóm này dự án không hỗ trợ tài chính mà hoàn toàn là hỗ trợ kỹ thuật. Hỗ trợ các chuyên gia hàng đầu để hỗ trợ cho doanh nghiệp. “Sau các vòng lựa chọn, từ hơn 100 ứng viên cuối cùng lựa chọn dự án đã chọn được 6 doanh nghiệp tiên phong, trong đó có Nhựa Duy Tân hay tập đoàn Lộc Trời” – bà Lê Thị Thu Hiền nói.
Các diễn giả tham gia hội thảo đều đồng tình nhận định, kinh tế xanh, phát triển bền vững là xu hướng không thể đảo ngược và cũng không thể né tránh. Việc của các doanh nghiệp bây giờ là nắm bắt nhanh và thích ứng kịp thời với xu hướng này.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, và 280.000-730.000 tấn bị thải ra biển. Bộ cho biết chỉ 27% rác thải nhựa được các doanh nghiệp thu gom xử lý, nhưng 90% số đó được vận chuyển đến các bãi chôn lấp hoặc lò đốt, chỉ 10% được tái chế. Vì thế, bước đi tiên phong đột phá của Nhựa Duy Tân vào ngành nhựa tái chế là hết sức có giá trị cả về kinh tế lẫn môi trường.
Cũng tại Hội thảo, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành giải thích, kinh tế xanh là khái niệm tương đối mới trên thế giới và cũng mới được du nhập vào Việt Nam. Thế giới quan tâm đến kinh tế xanh từ 2008. Nguyên tắc chính là giảm thiểu tối đa rác thải độc hại, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, và đảm bảo cân bằng lợi ích xã hội. Từ năm 2010 Việt Nam đã bắt đầu triển khai khi có chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế xanh. Hiện Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có rất nhiều hiệp định thể hệ mới có những đòi hỏi khắt khe về môi trường, phát triển bền vững. “Khách hàng quốc tế hiện nay đòi hỏi không chỉ giá rẻ, chất lượng tốt mà còn phải thân thiện với môi trường. Cả trong nước cũng vậy, người tiêu dùng ngày càng thông thái và khắt khe hơn, ngày càng ủng hộ rộng rãi hơn với các trào lưu như tiêu dùng xanh, đó là yêu cầu mà các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ phải nắm bắt và đáp ứng kịp thời” – ông Võ Tân Thành nói.
Thông tin tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường Chất lượng (Bộ KHCN) cho biết, hiện Việt Nam cũng đã xây dựng được hạ tầng tiêu chuẩn cho cộng đồng doanh nghiệp, với gần 13.500 tiêu chuẩn quốc gia, trong đó khoảng 65% hài hòa với tiêu chuẩn thế giới, trải dài khắp các lĩnh vực. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Linh lưu ý, việc xây dựng tiêu chuẩn không chỉ đơn thuần là công việc của cơ quan nhà nước, việc này cần sự tham gia của các doanh nghiệp. “Chúng tôi rất mong muốn sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào việc xây dựng tiêu chuẩn, để phục vụ lợi ích cho chính doanh nghiệp, biến tiêu chuẩn thành công cụ để doanh nghiệp để cạnh tranh” – ông Nguyễn Hoàng Linh khẳng định.
Mang đến Hội thảo kết quả dự án “Nghiên cứu người tiêu dùng về phương tiện giao thông điện” ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường (UNDP) cho biết, hiện giao thông chiếm ¼ tỷ lệ phát thải dòng của Việt Nam. “Chúng ta có tin tốt, thế giới ngành giao thông xanh, giao thông điện tăng trưởng rất tốt. Cái đó tạo ra công ăn việc làm, tạo điều kiện tốt cho Việt Nam chuyển đổi sang kinh tế xanh. Tin tốt thứ hai là nhận thức, trách nhiệm, cam kết của người tiêu dùng Việt Nam đối với các vấn đề môi trường, phát triển bền vững là rất rõ ràng. 78% người tiêu dùng được phỏng vấn đã nắm bắt và mong muốn được chuyển đổi phương tiện giao thông điện trong thời gian tới” – ông Đào Xuân Lai nói.

Báo cáo cụ thể kết quả dự án “Nghiên cứu người tiêu dùng về phương tiện giao thông điện” ông Hoàng Trọng, chuyên gia của Hội DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho biết, nghiên cứu được khảo sát trên 4 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ba tỉnh, thành có chương trình hỗ trợ của UNDP đó là Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh và Phú Yên. Kết quả cho thấy, về nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông điện trong tương lai có 78% mong muốn sử dụng phương tiện giao thông điện trong tương lai gần. Trên 60% gia tăng sử dụng chuyển đổi sang phương tiện lai xăng điện. “Tuy nhiên, liệu họ có thực tế mua để sử dụng hay không thì còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như giá phương tiện và hạ tầng để sử dụng phương tiện giao thông điện” – ông Hoàng Trọng lưu ý.