IIBF 2024: Khách hàng đến từ smartphone và chiến lược nhắm trúng ‘con ruồi’
Ông Shashi J, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Công nghệ Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam.
Sau phát biểu của Bộ trưởng Khoa học & Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, sáng 12/6, Diễn đàn IIBF tiếp tục sôi động với các phần thuyết trình hấp dẫn của ông Shashi J, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Công nghệ Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam và ông Bùi Văn Trịnh – Phó Tổng Giám đốc, Deloitte Việt Nam.
Ông Shashi J, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Công nghệ Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam, cho biết gần đây có một nghiên cứu cho thấy con người khắp nơi trên thế giới hiện nay tiếp cận điện thoại di động hơn là bàn chải đánh răng.
“Cho dù trong lĩnh vực giáo dục, sản xuất, bán lẻ, tiêu dùng nhanh hay xe hơi… thì khách hàng hiện nay và tương lai đều ở đây”, ông Shashi J vừa giơ chiếc smartphone vừa nói.
“Tức là gì, tức là khách hàng của chúng ta hiện sống trong thế giới kỹ thuật số. Ý tưởng ở đây là làm sao để đưa sản phẩm đến với nơi khách hàng đang sinh sống và từ đó chúng ta tìm túi tiền, tới cái ví của họ. Làm sao lấy được thị phần lớn nhất trong cái ví của họ, đó là câu hỏi chính của chúng ta?” – ông Shashi nói.
Theo ông Shashi hiện nay chúng ta đang sống trong một thế giới ngập tràn công nghệ, với hàng loạt công nghệ mới đưa ra hàng tuần, thậm chí hàng ngày. “Tuy nhiên, đôi khi chúng ta thấy có quá nhiều công nghệ đưa ra thị trường, khách hàng của tôi sẽ ứng phó ra sao? Và bản thân doanh nghiệp chúng ta sẽ phải ứng phó ra sao? Chúng ta muốn tiếp tục duy trì kinh doanh, muốn tiếp tục bám đuổi thị trường trong 10-20 năm nữa, thì chúng ta phải làm sao – đó là câu hỏi mà hầu hết doanh nghiệp trả lời” – ông Shashi J đặt vấn đề.
Lấy ví dụ trong thị trường bán lẻ và tiêu dùng, trong và sau thời Covid-19 mô hình D2C (trực tiếp tới người tiêu dùng) là xu hướng chủ đạo, nhưng đến nay nó đã bị thay thế bởi Q-commerce (giao hàng nhanh, giao hàng tức thời). Bên cạnh đó còn có các xu hướng Social Commerce (thương mại mạng xã hội như TiktokShop, Facebook…) hay Dark Store (cửa hàng trong bóng tối) hay ROPO (nghiên cứu online, mua hàng offline) mà các hãng lớn như: Samsung, Apple và các hãng thời trang… đều đi theo hướng này.
Nhưng câu hỏi đặt ra là chúng ta có nên bắt chước, đi theo những xu hướng này không? – Câu trả lời là “Hãy cẩn trọng”. “Tôi thấy một công nghệ mới, tôi tiêu tiền vào công nghệ mới, đến khi tôi làm chủ được thì nhiều khi đến lúc ra thị trường thì nó đã trở thành lạc hậu, dư thừa thì sao?”- ông Shashi J cho rằng các doanh nghiệp cần phải biết đặt ra những câu hỏi như vậy.
Nếu chỉ “mải mê theo đuổi xu hướng” mà không cẩn trọng, chúng ta có thể bỏ qua những rủi ro tiềm ẩn, dẫn đến hiệu quả đầu tư (ROI) không như kỳ vọng và đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ lạc hậu so với các đối thủ cạnh tranh. Do đó, việc lựa chọn chính xác những giải pháp công nghệ phù hợp rất quan trọng, và sẽ là chìa khóa quyết định thành công trong tương lai.
Kể lại câu chuyện “con ruồi” ở sân bay Amsterdam, ông Shashi J cho rằng, việc nhắm trúng mục tiêu là hết sức quan trọng.
Năm 1990, ở sân bay Amsterdam người ta phát hiện rằng ở phòng vệ sinh nam, nam giới hay làm vương vãi nước tiểu ra ngoài vì “nhắm trật mục tiêu”, khi đó có người đã nảy ra một sáng kiến là “vẽ một con ruồi” ở bên trong bồn tiểu. Kết quả không ngờ, các nam nhân từ đó nhắm mục tiêu tốt hơn hẳn, “con ruồi” đã giúp giảm thiểu đến 80% sức lao động, tiết kiệm 8% chi phí vệ sinh.
“Vấn đề bây giờ là làm sao chúng ta xác định được “con ruồi” để nhắm vào” – ông Shashi J nói.
Dẫn lại câu nói của John Wooden, vận động viên, huấn luyện viên bóng rổ nổi tiếng người Mỹ, “Nhà vô địch là những người xuất sắc trong những việc căn bản”, Shashi J chia sẻ 5 yếu tố nền tảng mà các doanh nghiệp cần xác định rõ ràng trước khi quyết định việc đầu tư vào công nghệ.
Thứ nhất, tăng doanh thu/thị phần: tức là xem xét liệu công nghệ có hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng với những thay đổi của thị trường và khuyến khích văn hóa đổi mới không.
Thứ hai, giảm thiểu chi phí/lãng phí: tức là cân nhắc liệu công nghệ có thể đơn giản hóa quy trình vận hành, giảm chi phí bằng cách tự động hóa các tác vụ và tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực.
Thứ ba, cải thiện an toàn thông tin: tức là, xem xét năng lực của công nghệ trong việc cải thiện an toàn thông tin và bảo vệ thông tin mật và quyền sở hữu trí tuệ, và cân nhắc các mối đe dọa an ninh tiềm ẩn.
Thứ tư, đổi mới linh hoạt: tức là, xem xét liệu công nghệ có hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng với những thay đổi của thị trường và khuyến khích văn hóa đổi mới không.
Thứ năm, phát triển bền vững: tức là xây dựng tương lai bền vững thông qua việc hợp nhất công nghệ với những chiến lược trọng tâm, nhằm đạt được các mục tiêu ESG.
Nhấn mạnh yếu tố bền vững, ông Shashi J cho rằng, “ngày nay, sự đổi mới phải luôn đi kèm với cam kết về sự bền vững”, đó là điều các doanh nghiệp Việt Nam phải lưu ý, bởi theo ông, “các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn một khoảng cách so với các quốc gia phát triển trong khu vực, đặc biệt là về ESG, nhưng lại sở hữu một tiềm năng tăng trưởng đầy ấn tượng so với các nền kinh tế đang phát triển khác”.
Cũng tại tại IIBF 2024, phiên sáng 12/6, ông Bùi Văn Trịnh – Phó Tổng Giám đốc, Deloitte Việt Nam, đã chia sẻ một nghiên cứu được Deloitte thực hiện vào quý I/2023, tìm hiểu sự phát triển của chiến lược phân tích dữ liệu và thương mại kỹ thuật số giữa các công ty hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng tại ba nền kinh tế số lớn nhất Đông Nam Á: Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
Theo đó, phần lớn người tham gia khảo sát đánh giá việc sử dụng phân tích dữ liệu của tổ chức có mức độ trưởng thành thấp; tuy nhiên mức độ tin tưởng vào độ tin cậy và độ chính xác của dữ liệu tương đối cao.
Cụ thể, với câu hỏi: “Bạn đánh giá như thế nào về mức độ trưởng thành của việc sử dụng phân tích dữ liệu của doanh nghiệp của bạn?” thì có chưa đến một phần tư (23%) số người tham gia khảo sát đánh giá việc sử dụng phân tích dữ liệu của tổ chức của họ ở mức độ trưởng thành cao, trong khi phần lớn (77%) đánh giá mức độ trưởng thành còn thấp.
Tuy nhiên, với câu hỏi: “Bạn tin tưởng như thế nào về độ tin cậy và độ chính xác và mức độ tin cậy của nguồn dữ liệu?” thì có hơn hai phần ba (67%) số người tham gia khảo sát tương đối tin tưởng hoặc rất tin tưởng vào độ tin cậy và độ chính xác của dữ liệu tổ chức đang sử dụng.
Theo ông Bùi Văn Trịnh, dựa trên kinh nghiệm của Deloitte, cần có ba yếu tố hỗ trợ dưới đây để hệ sinh thái phân tích dữ liệu có mức độ trưởng thành cao, đó là: Phân tích đề xuất và phân tích dự báo: Phân tích dự báo (predictive analytics) đề cập đến các hoạt động trích xuất thông tin từ các tập dữ liệu hiện có nhằm xác định các mô hình và xu hướng mà có thể dự đoán kết quả trong tương lai, trong khi phân tích đề xuất (prescriptive analytics) là các hoạt động liên quan đến việc tận dụng phân tích để tìm ra hướng hành động tiềm năng tốt nhất cho tình huống nhất định – nói cách khác, câu trả lời cho câu hỏi “chúng ta nên làm gì tiếp” (so-what) là yếu tố thúc đẩy việc ra quyết định. Ra quyết định bám sát mục tiêu kinh doanh: Việc ra quyết định bám sát mục tiêu kinh doanh đề cập đến quá trình sử dụng phân tích dữ liệu nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh thông qua việc xác định các mô hình và thông tin có giá trị để đưa ra các quyết định chiến lược và thúc đẩy tăng trưởng. Nền tảng quản lý quy trình: Các tổ chức với năng lực quản lý quy trình có thể đi sâu vào hiệu suất của từng bộ phận để đạt được các mục tiêu cải tiến hoạt động. Các nền tảng như vậy sử dụng dữ liệu hệ thống theo sự kiện dựa trên mô hình dữ liệu tiêu chuẩn và tạo ra hình ảnh trực quan về các luồng quy trình cũng như phân tích tương tác để đánh giá hiệu suất của quy trình.
Cũng theo kết quả nghiên cứu, lợi ích hàng đầu mà phân tích dữ liệu mang lại là tối ưu hóa vận hành, tuy nhiên thiếu tích hợp vẫn là rào cản chính cho việc sử dụng phân tích dữ liệu. Cụ thể, gần ba phần tư (73%) người tham gia khảo sát đánh giá tối ưu hóa vận hành là lợi ích hàng đầu mà việc sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu mang lại. Tuy nhiên, tích hợp dữ liệu vẫn là rào cản chính đối với việc áp dụng phân tích dữ liệu cho phần lớn những người tham gia khảo sát (88%). Tất cả những người tham gia khảo sát cho biết có sự can thiệp của con người vào việc trích xuất dữ liệu thủ công để đưa ra các báo cáo dữ liệu có ý nghĩa. Ngược lại, việc phụ thuộc nhiều vào các phương pháp thủ công này dẫn đến một loạt vấn đề, bao gồm tăng tỷ lệ sai sót; diễn giải dữ liệu chưa chính xác; tốn thời gian trong việc nhận diện dữ liệu; việc kiểm soát chất lượng căng thẳng đồng thời bị phân tán nguồn lực, không tập trung cho các nhiệm vụ kinh doanh cốt lõi.
Bên cạnh đó, ông Bùi Văn Trịnh cho biết: “Theo quan sát của Deloitte về thị trường, chúng tôi xác định một số trường hợp sử dụng phân tích biểu đồ và phân tích biên mà công ty hàng đầu trong nhiều lĩnh vực đang quá trình triển khai việc trên toàn tổ chức.”
Trong đó, phân tích biểu đồ cho phép kết nối nhiều đối tượng dữ liệu để xác định mối quan hệ và tạo ra các xu hướng có nghĩa. Ví dụ, một ứng dụng là sử dụng lưu lượng truy cập để tối ưu hóa việc vận chuyển, giao nhận và logistics hậu cần. Phân tích biên cho phép kiểm soát hệ thống vận hành tự động thông qua việc thu thập và phân tích dữ liệu theo thời gian thực từ các thiết bị Internet Vạn Vật (IoT). Để minh họa, một doanh nghiệp có thể yêu cầu triển khai các cảm biến IoT để theo dõi mức tiêu thụ năng lượng. Sau đó, phân tích dữ liệu được áp dụng để phân tích xu hướng tiêu thụ năng lượng, xác định những điểm bất thường và cung cấp thông tin chuyên sâu về các biện pháp tiết kiệm năng lượng tiềm năng. Với việc bổ sung bộ điều khiển hệ thống tiết kiệm năng lượng, tất cả các khía cạnh tiêu thụ năng lượng từ luồng không khí đến ánh sáng và hoạt động hành chính đều có thể được xem và kiểm soát thông qua nền tảng đám mây.
Cũng theo nghiên cứu của Deloitte có ba xu hướng chính tóm tắt các động lực định hình hành trình ngành hàng tiêu dùng đạt được sự trưởng thành về kỹ thuật số.
Thứ nhất, xây dựng doanh nghiệp số: Thông qua việc ứng dụng phân tích dữ liệu vào chiến lược thương mại kỹ thuật số, các công ty tiêu dùng tại Đông Nam Á đang tìm cách tận dụng những cơ hội để đáp ứng tốt hơn những mong đợi của khách hàng và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, để đạt được điều này, cần tăng cường các công cụ phân tích thương mại, chẳng hạn như phân tích tiếp thị kỹ thuật số và định giá linh hoạt.
Thứ hai, nuôi dưỡng văn hóa số: Để thực sự đạt được sự trưởng thành về mặt kỹ thuật số, các công ty tiêu dùng ở Đông Nam Á sẽ cần tập trung vào việc thực hiện những thay đổi có mục đích rõ ràng đối với văn hóa tổ chức của họ. Ngược lại, điều này đòi hỏi phải phát triển tư duy kỹ thuật số của tổ chức, cũng như định hướng rõ ràng từ phía lãnh đạo về việc xây dựng môi trường văn hóa đi từ cấp cao
Thứ ba, áp dụng cách tiếp cận đa kênh một cách liền mạch: Giảm thiểu được những mối lo ngại về COVID-19 trên khắp Đông Nam Á, người tiêu dùng lại có xu hướng quay lại yêu thích những kênh mua hàng trực tiếp. Theo đó, các công ty tiêu dùng cũng cần để tâm vào việc phát triển và áp dụng cách tiếp cận đa kênh (omnichannel) mà theo đó có thể tích hợp trải nghiệm khách hàng một cách liền mạch trên cả kênh trực tuyến và trực tiếp.
Diễn đàn IIBF 2024 do Hội DN HVNCLC tổ chức với sự phối hợp thực hiện và điều phối của Trung tâm BSA, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Dẫn đầu (LBC), CIO Việt Nam. Sự kiện thu hút sự tham dự 300 khách mời là lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu và đại diện các cơ quan truyền thông, báo chí.