Tencent giúp Indonesia trở thành điểm nóng mới của dịch vụ dữ liệu đám mây

692
Tiêu điểm:
Tencent giúp Indonesia trở thành điểm nóng mới của dịch vụ dữ liệu đám mây
Gã khổng lồ Tencent Holdings của Trung Quốc đã tăng tốc trong cuộc đua với các tập đoàn toàn cầu trên thị trường dịch vụ dữ liệu đám mây ở châu Á – Thái Bình Dương. Dự kiến sẽ có hai trung tâm dữ liệu của Tencent sẽ khai trương ở Indonesia vào cuối năm nay.
Tencent nói hãng sẽ đặt phần lớn các trung tâm dữ liệu ở châu Á, bao gồm Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Đông – Poshu Yeung, Phó Chủ tịch cấp cao của tập đoàn, nói với Nikkei Asia.
Tencent hiện điều hành 20 trung tâm dữ liệu bên ngoài Trung Quốc, với các cơ sở đầu tiên đặt ở châu Âu và Mỹ. Nhưng giữa bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây, ông Yeung nói rằng tập đoàn dự định mở thêm 30-50% các trung tâm dữ liệu vào cuối năm nay và phần lớn sẽ đặt ở châu Á.
Các dịch vụ trực tuyến ở châu Á đạt mức tăng trưởng nhanh chóng trong các mảng hội nghị qua video, thương mại điện tử, giáo dục trực tuyến, trò chơi điện tử và dịch vụ livestream.
Để đáp ứng các nhu cầu trực tuyến tăng trưởng vượt bậc, các hãng đại công nghệ như Google, Facebook, Amazon, Microsoft cũng như gã thương mại điện tử khổng lồ Alibaba đang gia tăng đầu tư vào các trung tâm dữ liệu để nắm bắt cơ hội kiếm tiền từ công cuộc chuyển đổi số ở châu Á. Đầu tư vào trung tâm dữ liệu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đạt 2,2 tỷ USD trong năm ngoái, tăng bốn lần so với năm 2019 – theo hãng tư vấn bất động sản CBRE.
Singapore, Sydney, Hong Kong và Tokyo đang là những điểm đích của các nhà đầu tư trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu bởi độ bảo mật dữ liệu cao. Luật an ninh nội địa mới áp dụng ở Hong Kong từ tháng 7/2020 khiến thế giới lo ngại. Đã có sự dịch chuyển mới khi Google và Microsoft quyết định đầu tư vào các trung tâm dữ liệu mới ở Đài Loan. Nay “mặt trận nóng bỏng” này đang được dời sang Indonesia.
Các hãng công nghệ Mỹ như Google, Microsoft, Amazon và Facebook đã công bố các kế hoạch xây dựng các trung tâm dữ liệu đầu tiên ở xứ sở vạn đảo. Alibaba cũng đã mở hai trung tâm và dự kiến sẽ sớm thêm trung tâm thứ ba. Hiện Tencent có dịch vụ điện toán đám mây lớn thứ tư trong khu vực sau Alibaba, Amazon và Microsoft – theo báo cáo của hãng Gartner.
Tencent đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các sự kiện livestreaming trên nền tảng mua sắm điện tử Shopee ở Singapore. Thời lượng theo dõi các sự kiện livestream trên nền tảng này đã tăng 15 lần trong năm ngoái. Với hai trung tâm dữ liệu mới, Tencent đang tìm cách thúc đẩy sự tăng trưởng ở nước ngoài của các dịch vụ của tập đoàn, trong đó có ứng dụng nghe nhạc Joox, nền tảng giải trí WeTV ở các thị trường mới nổi tại châu Á.
“Tôi cho rằng Indonesia thật sự là một trong những thị trường dịch vụ đám mây tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á. Đây là lần đầu tiên chúng tôi hình thành hai trung tâm dữ liệu trong cùng một năm tại cùng một thị trường”, ông Yeung phát biểu.
Hai trung tâm mới được đặt ở trung tâm thủ đô Jakarta sẽ hỗ trợ cho nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ, bao gồm dịch vụ tài chính, thương mại điện tử, giải trí, trò chơi điện tử và giáo dục. Cơ sở hạ tầng dịch vụ đám mây đặt tại Indonesia sẽ giúp giảm thời gian xử lý dữ liệu, cho phép các các công ty đưa ra các dịch vụ cạnh tranh hơn so với các công ty sử dụng dịch vụ đám mây ở nước ngoài.

Bản Tin Thị Trường

1/ Việt Nam đã hợp tác với công ty internet lớn nhất Hàn Quốc như một phần của chiến lược quốc gia nhằm trở thành một quốc gia toàn cầu về trí tuệ nhân tạo. Naver Group đã hợp tác với Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (HUST), một trong những đại học hàng đầu của quốc gia, để khai trương trung tâm nghiên cứu AI đầu tiên của quốc gia Đông Nam Á này tại thủ đô. Cơ sở mới này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong mục tiêu phát triển lĩnh vực công nghệ cao của Hà Nội và trở thành cơ quan dẫn đầu về nghiên cứu và phát triển AI vào năm 2030. Thương vụ của Naver với Việt Nam báo hiệu làn sóng đầu tư tiếp theo của các công ty Hàn Quốc vào Việt Nam, với tập trung vào AI. Làn sóng đầu tư ban đầu do Samsung Electronics dẫn đầu đã biến Việt Nam thành một cơ sở lắp ráp điện thoại thông minh.
2/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 54,7 – 55,1 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 150.000 đồng/lượng chiều bán ra, chênh lệch giá mua vào – bán ra vẫn đang ở mức 400.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.738,7 USD/ounce, giảm 5,5 USD/ounce, tương đương 0,32% giá trị so với chốt phiên trước.
3/ Số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế cho thấy, nhập khẩu hạt tiêu của Nhật Bản trong 2 tháng đầu năm 2021 đạt 1,47 ngàn tấn, trị giá trên 7 triệu USD, giảm 1,0% về lượng, nhưng tăng 6,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Hai tháng đầu năm 2021, Nhật Bản giảm nhập khẩu hạt tiêu từ thị trường Malaysia và Indonesia, nhưng tăng mạnh nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ và Xri Lanka. Đây được coi là tín hiệu tốt đối với xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Hoa Kỳ gặp khó khăn khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Theo đó, nhập khẩu hạt tiêu của Nhật Bản từ Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021 đạt 414 tấn, trị giá xấp xỉ 2 triệu USD, tăng 44,3% về lượng và tăng 51,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
4/ Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, Hàn Quốc đã tăng mạnh nhập khẩu xoài từ Việt Nam trong năm 2020. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2020, xoài Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc đạt đạt 952 tấn, trị giá 3,3 triệu USD, tăng 64,3 % về lượng và tăng 68% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Với lượng và giá trị nhập khẩu như trên, Việt Nam là thị trường cung cấp trái xoài lớn thứ 4 và chiếm 6,2% tổng lượng nhập khẩu xoài của Hàn Quốc. Được biết, Thái Lan hiện vẫn là thị trường cung cấp chính mặt hàng này, tuy nhiên lượng và trị giá nhập khẩu từ Thái Lan giảm mạnh trong 10 tháng năm 2020, đạt 7,9 ngàn tấn, trị giá 25,8 triệu USD, giảm 18,7% về lượng và giảm 22,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, thị trường Trung Quốc chiếm đến 94% lượng xoài xuất khẩu của Việt Nam. Tuy vậy, lượng xuất chính ngạch sang Trung Quốc chỉ chiếm 1%, tức là hầu hết xoài của Việt Nam xuất sang nước này đi bằng đường tiểu ngạch sang thị trường đông hơn tỷ dân. Các chuyên gia thị trường nói tiềm năng cho xoài xuất khẩu Việt Nam là rất lớn bởi kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam chỉ chiếm 1,51% tổng kim ngạch xuất khẩu xoài của thế giới.
5/ Người dân ở các huyện Đại Lộc và Thị xã Điện Bàn thuộc tỉnh Quảng Nam đang lo lắng về nguồn nước tưới cho vụ lúa đông xuân. Trên một số cánh đồng, đất ruộng nứt nẻ, cây lúa khô cháy vào giai đoạn lúa trổ bông – thời điểm có tính quyết định đến sản lượng thu hoạch. Theo thống kê, đã có khoảng 340 ha lúa ở hai địa phương nói trên đang đối mặt với tình trạng khô hạn. Theo đó, trong 10 ngày qua, lượng nước ở các kênh về đồng gần như cạn kiệt, nhiều diện tích lúa đứng trước nguy cơ khô cháy và chết hàng loạt.
6/ Để đảm bảo nguồn cung nước cho nhà máy sản xuất chip trong bối cảnh hạn hán, Đài Loan đã ngừng hoạt động tưới tiêu trên hàng chục ngàn mẫu đất nông nghiệp. Theo báo cáo của NetEase, hơn 90% chip tiên tiến trên thế giới được sản xuất tại Đài Loan. Sản phẩm của các công ty này chiếm thị phần lớn trong tổng số sản phẩm điện tử trên toàn cầu. Trước ảnh hưởng hạn hán nghiêm trọng ở Đài Loan, để đảm bảo nguồn nước cho các nhà máy sản xuất chip, chính quyền đã cắt hệ thống tưới tiêu của lượng lớn đất canh tác. Mặc dù các nhà chức trách Đài Loan đang bồi thường thiệt hại, nhưng người nông dân lo ngại rằng vụ thu hoạch thất bát sẽ khiến khách hàng phải tìm nhà cung cấp khác.
7/ Ứng dụng “Thẻ thông hành số” Digital Travel Pass dự kiến sẽ có mặt trên nền tảng của Apple vào ngày 15/4 tới và sau đó sẽ có mặt trên nền tảng Android.
8/ Theo báo cáo nghiên cứu từ công ty Julius Baer Group Ltd., thì khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện là nơi có chi phí sống xa xỉ đắt đỏ nhất thế giới đối với giới giàu. Trong đó, nơi đắt nhất là thành phố Thượng Hải (Trung Quốc). Báo cáo của đã chỉ ra một trong những nguyên nhân là nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19 năm 2020. Trong khi đó, châu Mỹ là khu vực có chi phí sinh hoạt thấp nhất đối với giới giàu nhờ giá trị đồng USD cũng như nhiều đồng tiền tại khu vực Mỹ Latin giảm. Julius Baer cho biết dù châu Á là nơi đắt đỏ nhất đối với giới giàu, giá hàng hóa và dịch vụ xa xỉ dành cho nhóm thượng lưu này đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, thành phố Thượng Hải chứng kiến sự “bất thường” khi giá cả hàng hóa, dịch vụ xa xỉ cho giới giàu tăng 6% trong năm ngoái.
9/ Sau khi đóng cửa nhiều mảng kinh doanh, Toshiba hiện đang xem xét đề nghị bán mình cho một công ty tư nhân. Theo đại diện tập đoàn Toshiba của Nhật cho biết đã nhận được đề nghị mua lại từ công ty cổ phần tư nhân CVC Capital Partners, có trụ sở tại Luxembourg. Giá trị thương vụ CVC mua Toshiba sẽ dựa vào bộ phận sản xuất chip nhớ, “viên ngọc quý” trong quá khứ của Toshiba. CVC được cho muốn thâu tóm Toshiba với giá 45,6 USD mỗi cổ phiếu, tương đương 20,9 tỷ USD, cao hơn khoảng 30% so với vốn hóa thị trường hiện nay của tập đoàn Nhật Bản. Nếu được bán với giá hơn 20 tỷ USD, đây có thể là thương vụ kiểu đòn bẩy (leveraged buyout) lớn nhất châu Á, vượt qua vụ thâu tóm mảng chip nhớ Toshiba của Bain Capital năm 2018 với giá 18 tỷ USD.
10/ Trung Quốc đã quyết định áp mức phạt 18,2 tỉ nhân dân tệ đối với Alibaba, tương đương 2,8 tỉ USD sau cuộc điều tra chống độc quyền. Đây được xem là cơn ác mộng của tỉ phú Jack Ma trong bối cảnh chính quyền siết chặt quy định dành cho các đại gia công nghệ. Mức phạt 2,8 tỉ USD này tương đương với 4% doanh số nội địa của Alibaba năm 2019. Alibaba đã phải chịu áp lực ngày càng lớn từ các nhà chức trách Trung Quốc kể từ khi ông Jack Ma, người sáng lập Alibaba, hồi tháng 10 năm ngoái đã lên tiếng phản đối cách tiếp cận trong quy định của chính quyền đối với lĩnh vực tài chính. Những bình luận này cũng bị xem là nguyên cớ cho việc chính phủ mạnh tay hơn với Alibaba và các nhánh hoạt động khác, bao gồm ngăn chặn kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) trị giá 35 tỉ USD của Ant Group.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Giữ lửa gia đình Việt với Gas South