Jenny Trang Lê – mơ ước về nền điện ảnh mạnh

1099
Jenny nói: "Kể từ khi bố mất, mẹ là người bạn thân nhất!"

Sinh ra và lớn lên ở Texas, cô gái mạnh mẽ người Mỹ gốc Việt lập nghiệp ở Sài Gòn trong vai trò nhà sản xuất phim và phó đạo diễn. Cô ấp ủ giấc mơ trở thành đạo diễn các phim về trẻ em và những người phụ nữ mạnh mẽ.

Gắn kết như định mệnh…

Chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên trong ba ngày vào năm 2009 như kết chặt Jenny với Việt Nam. Khi đó, Jenny vừa hoàn thành bộ phim Holly quay trên đất Campuchia cùng các nhà làm phim Hoa Kỳ. Đồng nghiệp thì hăm hở với cảnh đẹp và thiên nhiên của đất nước Chùa Tháp. Jenny lại không hứng thú. Từ Phnom Penh, cô bay về Sài Gòn. “Lúc đó, tôi theo lời rủ rê của một người bạn duy nhất của mình ở Sài Gòn. Ở sân bay, nghe nói tiếng Việt thôi cũng vui lắm. Tôi cảm thấy mình như đang ở trên thiên đường…” Jenny kể với giọng hồ hởi.

Cũng năm đó, Jenny ký hợp đồng một năm với hãng phim Chánh Phương với vai trò phó đạo diễn trong phim Dòng máu anh hùng. Sống và làm việc năm đầu ở Sài Gòn đầy kỷ niệm. “Người Việt mình thích giao tiếp, la cà quán xá. Chỉ cần nói chuyện hơn năm phút trên điện thoại thì câu kế tiếp sẽ là “Rảnh hông? Đi cà phê?”

Jenny và đồng nghiệp từ lúc mới làm phim bên Mỹ hội ngộ tại Sài Gòn. Từ trái qua: đạo diễn Hàm Trần, Jenny, đạo diễn/quay phim Jerry Henry và đạo diễn Lâm Nguyễn

Jenny kể như thế với tôi trong một quán cà phê Highlands đông nghịt, mở nhạc thật lớn. Sau chuyện vui, cô kể luôn chuyện không vui. Đó là một bữa tối năm 2010. Jenny trở về nhà ở chung cư Cao Đạt, Q5. Cúp điện, thang máy không hoạt động. Jenny quyết định đi bộ lên lầu chín của chung cư. Một chàng trai đề nghị cùng leo bộ với cô. Khi Jenny mở cửa phòng thì anh chàng phóng theo, đấm vào mặt và dùng roi điện chích vào người Jenny. Cô la hét và chống cự. Bạn cùng phòng thức giấc. Kẻ kia bỏ chạy. Năm phút sau, điện bật sáng. Máu vương khắp phòng. Jenny được đưa đi bệnh viện và khâu năm mũi.

“Thế em có oán giận hay cảm thấy bớt yêu Việt Nam sau biến cố đó?” Tôi hỏi khi Jenny chỉ cho tôi vết khâu bên trái mắt. “À không, em chỉ xem như chuyện không may. Nhưng em vẫn bị ám ảnh. Vài tháng sau, em dọn khỏi chung cư Cao Đạt… Dù nó không vui, nhưng em đã gắn kết với nơi này”.

Cùng bạn bè trong lễ ra mắt phim “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa”

Bén duyên với điện ảnh Việt

Jenny sinh ra ở Houston, Texas khi bố mẹ của cô định cư và gặp nhau ở đây. Theo học ngành nhân chủng học của đại học UCLA ở Los Angeles, nhưng Jenny lại đam mê điện ảnh và sân khấu từ nhỏ. Cô kể: “Tôi muốn làm nhà văn, nhà thơ từ bé, cũng thích ngành sân khấu, biểu diễn… Tôi gặp anh Hàm Trần tại UCLA  lúc tôi đang học undergrad, còn anh Hàm đang học đạo diễn phim. Hai anh tham gia nhóm kịch ‘Club O Noodles’. Em anh Hàm có mấy dự án thì tôi qua giúp. Bê nước, làm cà phê, mua đồ ăn, dọn rác… gì tôi cũng làm. Tôi có bạn trai làm phó đạo diễn, theo phụ riết rành nghề. Sau đó, vào trung tâm Vân Sơn tôi cũng làm stage manager được sáu năm”.

Hồi ký hợp đồng với hãng Chánh Phương, Jenny hồi hộp lắm bởi mình là “phụ nữ, mà lại là Việt kiều, và lần đầu tiên làm việc ở Việt Nam”. Nhưng niềm đam mê và được mọi người tin tưởng đã giúp Jenny làm việc tốt công việc của mình. Cô nói êkip làm phim rất đặc biệt với cô bởi “nó giống như mối tình đầu, giúp tôi gắn bó với nghề làm phim ở Việt Nam”.

Vậy đó, đã tám năm Jenny gắn bó với điện ảnh Việt Nam trong những bộ phim thành công về thương mại. Danh sách phim Jenny làm phó đạo diễn kéo dài. Sau Dòng máu anh hùng là Cú và chim se sẻ, Nước mắt phương xa, Cô dâu đại chiến phần 1, Bi đừng sợ!, Giao lộ định mệnh… Và mới nhất là bộ phim Em chưa 18 đang “cháy vé” tại các rạp chiếu Việt Nam. Trong vai trò nhà sản xuất là phim Bẫy rồng, Khát vọng Thăng Long, Long ruồi, Tèo em, Tiền chùa, Đoạt hồn…

Gian khổ và để lại nhiều ấn tượng nhất với Jenny là bộ phim cổ trang Khát vọng Thăng Long. Vì là phim hành động và cổ trang, lại quay vào mùa hè, Jenny và đoàn làm phim mới cảm nhận cái nóng ở ngoài Bắc dữ dội cỡ nào. Làm phim cổ trang ở Việt Nam gặp nhiều cái khó vì đoàn phim không có nhiều kinh nghiệm, phim có nhiều đại cảnh, đông diễn viên, địa hình quay phức tạp. Jenny nói cô học được nhiều điều từ đạo diễn Việt Nam: “Anh Lưu Trọng Ninh rất giỏi nghề!”

Buổi trao đổi “Ngày ấy – bây giờ: Vượt qua khoảng cách thế hệ trong văn hóa Việt Nam” tổ chức tối 17/5/2017 tại American Center tại TP.HCM.

Một phụ nữ mạnh mẽ mơ về nền điện ảnh mạnh

Jenny nói cô thuộc tuýp người mạnh mẽ. Cô nói ở cô pha lẫn “tính cách Việt, tính cách Mỹ”. Cô cười lớn trong quán cà phê: “Người Mỹ thì thực tế, thẳng thắn và tôn trọng quy tắc. Người Việt thì tình cảm, tế nhị và hơi linh động…” Cô uốn éo cánh tay để diễn tả từ “linh động”!

Sự linh động đó cho phép Jenny làm tốt cả hai vai trò: nhà sản xuất phim và phó đạo diễn. Tuy nhiên, cô gái người Texas vẫn mơ đến một vai trò đạo diễn phim truyện, nhất là những bộ phim được đầu tư nghiêm túc. Cô nói thêm: “Hơn nữa, ngành phim ảnh Việt Nam chưa có nhiều đạo diễn nữ.”

Jenny đang ấp ủ tới với ba dự định làm phim. Đầu tiên là phim về một phụ nữ Việt kiều sinh sống, làm việc và yêu đương ở Việt Nam. “Cô ta sẽ có cá tính mạnh giống tôi”, Jenny cười. Kế đến là một phim về thiếu nhi bởi “Việt Nam quá ít phim dành cho con nít”. Cuối cùng là phim về Hai Bà Trưng. Jenny nói: “Tôi muốn kể về hai nữ anh hùng này bằng sự nhạy cảm và mạnh mẽ của người phụ nữ”. Jenny nói hăng say về nghiên cứu phục trang, viết kịch bản và đưa đoàn phim sang Thái Lan quay cảnh cỡi voi.

Nhưng nếu đã đủ vốn và kinh nghiệm làm phim thì Jenny sẽ chọn làm phim nào trước tiên? Jenny cười: “À, phim về một phụ nữ Việt Kiều ở Sài Gòn. Đàn ông Việt Kiều về nước thì dễ cưới vợ. Còn phụ nữ Việt Kiều thì không được như vậy bởi các anh Việt Nam đều mong vợ hiền thục, dễ thương, dễ bảo. Tôi thì thích có chồng người Việt hay Á châu. Nếu chồng tương lai chọn ở lại Việt Nam thì vô cùng tuyệt vời! Tôi cảm thấy gắn bó như định mệnh với Việt Nam và nghề phim. Phim đầu tay tôi muốn có hình ảnh mình trong đó!”

Từ số phim sản xuất hằng năm đếm trên đầu ngón tay, đến nay con số đã lên đến 20-30 phim mỗi năm và còn tăng nhanh. Nhưng để bước ra thị trường quốc tế, điện ảnh Việt Nam cần có sự chuyển mình và đầu tư nghiêm túc. Jenny nói: “Bán phim cho thị trường nước ngoài thì chỉ có thể bán phim lịch sử, cổ trang và hành động hoặc hài, mà hài tình huống chứ không phải hài nhảm. Dòng máu anh hùng và Bẫy rồng chỉ bán được qua dạng DVD, chưa ra rạp được. Các phim nghệ thuật hơn chút như Đập cánh giữa không trung, Bi đừng sợ hay Hot boy 1 được đón nhận ở liên hoan phim quốc tế, nhưng để thành công ở rạp chiếu là vấn đề khác. Điện ảnh mình đang khá lên nhưng chưa đủ mạnh, không thể kêu gọi đầu tư vài triệu đến vài chục triệu USD mà dễ thu hồi vốn. Nhưng tôi vẫn mơ và chờ đợi, dù có mười năm hoặc hơn.”

Cảnh trong phim Dòng máu anh hùng. Làm phim hành động về người phụ nữ mạnh mẽ là mơ ước của Jenny.

Jenny Trang Lê là một trong bốn diễn giả của buổi nói chuyện “Ngày ấy – bây giờ: Vượt qua khoảng cách thế hệ trong văn hóa Việt Nam” tổ chức tối 17/5/2017 tại American Center tại TP.HCM. Đây là talk show thứ hai trong chuỗi 3 talk show Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM tổ chức như một cầu nối giúp người Việt tại Việt Nam và cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ hiểu biết nhau hơn.

Cái khó của nhà sản xuất phim là gì?

Mình chịu trách nhiệm với nhà đầu tư khi quản lý đồng vốn của họ, lại vừa đồng hành cùng những người làm phim như là một thành viên trong ê kíp. Vì thế, cái khó nhất là mình phải dung hòa hai vai trò này. Phải tính toán sao cho tính thương mại đủ cho phim có lãi nhưng cũng phải đề cao tính nghệ thuật khi mình cũng muốn ê kíp được sáng tạo, muốn bảo vệ ý tưởng của đạo diễn. Cái đó luôn luôn là khó nhất. Phải có sự cân đối giữa hai điều đó, nhà sản xuất dễ quá thì sẽ không quản lý được tiền, nhưng khó quá thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật. Việc tin tưởng vào đạo diễn là rất quan trọng. Mỗi lần tham gia một dự án trong vai trò nhà sản xuất, mình phải thực sự thích dự án đó, thích kịch bản và tin tưởng vào đạo diễn. Làm phim thì luôn là hên xui, mình không bao giờ đoán được doanh thu cao hay thấp nhưng mình chỉ tâm niệm làm một phim thật tốt. Không thể chỉ đặt mục đích doanh thu mà làm phim ẩu.

Vậy Jenny thích vai trò là nhà sản xuất hay vai trò phó đạo diễn hiện nay?

Thích đi tới đi lui. Phó đạo diễn là người phải biết sắp xếp mọi chuyện thật khoa học, biết hiền dữ đúng lúc, cũng phải biết giữ tinh thần của đoàn, giống như nhà sản xuất vậy. Luôn ở bên cạnh đạo diễn, điều khiển hiện trường nên làm công việc này rất thú vị vì được học hỏi cách làm phim từ nhiều đạo diễn khác nhau. Làm phó đạo diễn mệt hơn vì phải đứng nguyên ngày, luôn có mặt trên trường quay. Nhưng làm nhà sản xuất thì tâm lý mệt hơn vì luôn phải giải quyết rất nhiều việc, từ những chuyện quan hệ trong đoàn, người này không thích người kia, ai đi trễ về sớm cho đến chuyện tiền bạc…

Hồ Nguyên Thảo