Khách sạn Đài Loan tồn tại qua dịch nhờ sáng tạo và chuyển đổi số

628
Tiêu điểm:

Khách sạn Đài Loan tồn tại qua dịch nhờ sáng tạo và chuyển đổi số

Silks Hotel Group đủ sức trụ vững và có lợi nhuận trước các đợt bùng phát dịch ở Đài Loan.
Đợt khuyến mại giá phòng cuối năm 2020 đã thu hút phần lớn lượng khách, nhưng tập đoàn đã vượt bão bằng các đợt bán hàng của các nhà hàng thuộc hệ thống. Silks đã đạt lợi nhuận ròng 730 triệu Đài tệ, tương đương 26 triệu USD, trong năm ngoái dù rằng con số này đã sụt giảm 47% so với năm 2019 – theo tạp chí Business Weekly.
Tuy nhiên, tập đoàn đứng trước thách thức lớn hơn trong năm 2021 này khi cả hòn đảo đang trong giới hạn đi lại cấp độ 3 – toàn bộ các cơ sở ăn uống bị đóng cửa, chỉ được phép bán mang về. Giới hạn này đã kéo chìm luôn cái phao cứu sinh của tập đoàn – dịch vụ ăn uống tại chỗ, khiến doanh số của mảng nhà hàng giảm 85%.
Đợt hỗ trợ tiền mặt của nhà chức trách đã giúp Silks tránh được sa thải nhân công, nhưng tập đoàn cần lượng tiền mặt lớn hơn để tồn tại. Một bộ phận tác chiến nhiều phòng ban được hình thành từ cuối năm ngoái đã cùng lúc tung ra 80 dự án khác nhau để tăng doanh số – theo lời Steven Pan, Chủ tịch của Silks Hotel Group.
Tập đoàn đã nhanh chóng khởi sự nền tảng đặt hàng online, dịch vụ giao hàng cho khách lái xe, và đội ngũ giao hàng tận nhà. Regent Taipei, một khách sạn 5 sao thuộc sở hữu của Silks, đã bán các món ngon do 8 nhà hàng của khách sạn trên nền tảng Take Regent Home. Phần lớn khách của Regent Taipei là những người mệt mỏi với chuyện nấu nướng hàng ngày nhưng vẫn muốn có những bữa ăn ngon trong mùa dịch.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,45 – 57,1 triệu đồng/lượng, giảm tới 550.000 đồng/lượng chiều mua vào và 500.000 đồng/lượng chiều bán ra, chênh lệch giá mua vào – bán ra đang ở mức 650.000 đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.869,8 USD/ounce, giảm 38,4 USD, tương đương 2% so với chốt phiên trước. Được biết, đây là phiên giảm đầu tiên trong sáu phiên gần đây của kim loại quý này. 
2/ Phòng Thương mại Mỹ trong ngày 4/6 đã công bố thông tin mới về hỗ trợ vaccine Covid-19 của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Theo đó, Việt Nam đã được lựa chọn là một trong những nước đầu tiên nhận vaccine từ Mỹ. Theo Giám đốc điều hành Phòng thương mại Mỹ, Mỹ sẽ phân phối 80 triệu liều vaccine ra khắp thế giới ngay trong tháng này và dự kiến sẽ có thêm vaccine nữa được cung cấp trong mùa hè.
3/ Chỉ mất ba tuần, một doanh nghiệp Việt đã sản xuất thành công vòng đeo tay điện tử theo dõi cách ly và kiểm soát thân nhiệt, hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, Công ty Công nghệ cao G-Innovations, trực thuộc Tập đoàn Công nghệ G-Group, cho biết đã sản xuất thành công vòng đeo tay điện tử G-Track – thiết bị theo dõi cách ly và kiểm soát thân nhiệt hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19. G-Track giúp hạn chế tối đa tiếp xúc gần giữa F1, F2 với nhân viên y tế khi đo thân nhiệt và giám sát định vị người đeo. Theo đại diện G-Innovations, thiết bị đã được triển khai đánh giá thử nghiệm và báo cáo lãnh đạo Bộ Thông tin truyền thông đề xuất Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Quốc gia để kịp thời chuẩn bị cho quá trình sản xuất hàng loạt và áp dụng thử nghiệm.
Vòng đeo tay đo thân nhiệt, kiểm soát người cách ly từ xa “Made in Vietnam”.
4/ Tính đến ngày 4/6, tỉnh Hải Dương đã thu hoạch và tiêu thụ 28.000 – 29.000 tấn vải (bằng 85% sản lượng vải sớm và bằng 55% sản lượng vải toàn tỉnh). Trong đó, quả vải được trồng ở huyện Thanh Hà luôn có giá cao hơn từ 10.000 – 15.000 đồng/kg so với các nơi khác… Hơn thế nữa lượng vải thiều xuất khẩu đi Trung Quốc, Lào, Campuchia đã đạt 15.000 tấn. Cùng với đó, đã có 6.000 – 7.000 tấn tiêu thụ tại các chợ đầu mối lớn trên toàn quốc và bán vào các hệ thống siêu thị là 2.000 tấn. Đặc biệt, năm nay quả vải còn xuất được sang các nước có giá trị nhập khẩu cao như Nhật Bản, Mỹ, Australia, EU… nên lượng tiêu thụ vải của Hải Dương tăng gấp 2 – 3 lần so với năm ngoái. Riêng thị trường Nhật Bản đã nhập khẩu 100 tấn, cao gấp hơn 3 lần tổng sản lượng vải cả nước xuất khẩu đi Nhật Bản năm 2020.
5/ Theo bảng xếp hạng của App Annie 2020, các công ty game Việt Nam đứng thứ 7 về lượt game được được tải nhiều nhất trên thế giới. Được biết, cứ mỗi 25 game được tải về thì có một game do công ty Việt Nam sản xuất. Các số liệu khả quan gần đây cho thấy thị trường game ở Việt Nam có tiềm năng lớn và đã có nhiều đột phá trên thị trường thế giới. Từ cú hích Flappy Bird năm 2015 đến nay, danh sách các công ty game đứng đầu khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương về lượng tải game 2021 trên toàn cầu do App Annie công bố đã có đến 5 công ty đến từ Việt Nam. Giám đốc quốc gia Google Châu Á Thái Bình Dương hy vọng có thể sớm thấy sự tăng trưởng vượt bậc của ngành game Việt Nam trên thị trường quốc tế, đưa ngành game trở thành ngành xuất khẩu giá trị cao mũi nhọn, góp phần hỗ trợ quá trình hồi phục kinh tế trong và sau đại dịch.
6/ Công ty Maruha Nichiro Corporation (Nhật Bản) đã mua lại gần 11,6 triệu cổ phiếu CTCP Sài Gòn Food (Saigon Food), tương ứng 57,93% vốn điều lệ. Giá trị thương vụ không được công bố. Được biết, Saigon Food đã có quan hệ hợp tác kinh doanh với Maruha từ năm 2017, công ty Nhật Bản thuê Saigon Food là đơn vị gia công, đồng thời hỗ trợ cải tiến công nghệ sản xuất. Maruha Nichiro cho biết đã quyết định mua lại Saigon Food để tạo nên một cơ sở chế biến hải sản mới, làm nền tảng phát triển sản xuất và kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn. Tại Việt Nam, Saigon Food chuyên sản xuất các loại cháo, lẩu đóng gói, và thức ăn trẻ em trong những năm gần đây.
7/ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Australia đã kết luận sơ bộ xác định ống thép chính xác có xuất xứ từ Việt Nam không bán phá giá và không nhận trợ cấp. Theo đó, Ủy ban chống bán phá giá Úc (ADC) đã ban hành kết luận điều tra sơ bộ và báo cáo dữ liệu trọng yếu trong vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với ống thép chính xác có xuất xứ từ Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc. ADC cho rằng không có bằng chứng cho thấy có sự khác biệt về giá nguyên liệu giữa Việt Nam và các nước khác; và không có sự tác động của Chính phủ làm lệch lạc giá trị thông thường.
8/ Chỗ đậu xe hơi ở Hong Kong đắt đỏ đến mức tự nó đã biến thành một loại bất động sản được các nhà đầu cơ mua đi bán lại liên tục để kiếm lời nhanh chóng. Theo đó, so với kỷ lục được xác lập năm 2019, mức kỷ lục 1,3 triệu USD cho chỗ đỗ xe lần này cao hơn khoảng 300.000 USD. Được biết, với một chỗ đậu xe tiêu chuẩn rộng khoảng 134,5 foot vuông (12,5 mét vuông), giá giao dịch là 74.350 HKD cho mỗi foot vuông. Kỷ lục về một chỗ đậu xe đắt nhất trước đó là 7,6 triệu HKD, được thiết lập vào tháng 10/2019 tại The Center, một tòa tháp văn phòng 73 tầng ở khu Central. Giao dịch các chỗ đỗ xe một lần nữa gia tăng khi tâm lý các nhà đầu tư bất động sản được cải thiện. Ricacorp Properties cho biết doanh số bán chỗ đậu xe hơi đã tăng 18% trong tháng 5.
9/ Hãng xe công nghệ Tesla đã nộp giấy phép đăng ký cho một thương hiệu nhà hàng. Theo Electrek, chuỗi cửa hàng burger này sẽ hoạt động ngay các điểm sạc của xe điện Tesla. Giấy phép này của Tesla bao gồm các mảng: dịch vụ nhà hàng, dịch vụ nhà hàng kiểu quầy, tự phục vụ và mang đi. Theo các đăng ký nhãn hiệu của Tesla, thay vì xây dựng cửa hàng và tự làm đồ ăn, thì công ty sẽ hợp tác với một số chuỗi nhà hàng có tiếng. Hãng tin công nghệ Futurism cho rằng đây là một nước đi thông minh, vì trong quá trình sạc giữa đường của xe Tesla, người lái phải chờ hàng giờ đồng hồ để pin đầy. Trong lúc này, một chiếc burger ngon lành sẽ là niềm an ủi rất lớn cho tài xế, đặc biệt là burger từ Tesla.
Các điểm sạc Tesla Supercharger thường rất đơn điệu. Ảnh: Designnews.
10/ Theo thông báo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), trong tháng 5/2021, giá lương thực thế giới đã tăng cao nhất kể từ tháng 9/2011, đồng thời đánh dấu tháng tăng thứ 12 liên tiếp trong thời gian qua. Được biết, chỉ số giá lương thực của FAO đo lường sự thay đổi hằng tháng đối với ngũ cốc, hạt có dầu, sản phẩm sữa, thịt và đường, đạt trung bình 127,1 điểm vào tháng 5, cao hơn so với mức 121,3 điểm trong tháng 4. So với cùng kỳ năm 2020, giá lương thực toàn cầu đã tăng 39,7%.
11/ Báo cáo mới nhất của nhà cung cấp không gian văn phòng Workspace cho biết công ty đã thua lỗ lần đầu tiên trong 12 năm do sự sụt giảm giá thuê văn phòng và mất khoảng 10% khách hàng vì sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trong năm 2020. Trong báo cáo, Workspace cho biết giá thuê mặt bằng của công ty đã giảm do nhu cầu yếu. Theo đó, thu nhập ròng từ hoạt động cho thuê của công ty giảm 33% xuống 81,5 triệu bảng (115,5 triệu USD) cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2021, với 20 triệu bảng (28,3 triệu USD) chiết khấu và khoản hoãn thanh toán cho khách hàng. Lý giải cho kết quả này là việc nhân viên và người tiêu dùng làm việc tại nhà trong các đợt phong tỏa phòng dịch, các công ty đã cố gắng cắt giảm chi phí và rất ít người lựa chọn đầu tư.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Bản tin hội nhập, từ 27/5 – 3/6/2021