Khám phá Dinh Tổng lãnh sự quán Pháp gần 150 tuổi ở Sài Gòn

    (Vietnamtimes)- Ngày 16.9, Dinh Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM vừa mở cửa cho người dân tham quan nhân ngày di sản văn hóa Châu Âu. Tòa nhà gần 150 tuổi này là một trong những ví dụ điển hình của kiến trúc thời thuộc địa từ thế kỉ 19 tại Việt Nam.

    Ngày Di Sản văn hóa châu Âu do Pháp khởi xướng được tổ chức vào ngày chủ nhật tuần thứ ba của tháng 9 hàng năm. Nhân dịp này, Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM đã mở cửa để những người quan tâm di sản đăng ký và tham quan tòa nhà lẫn khuôn viên của Lãnh sự quán.


    Nằm cạnh 3 con đường sầm uất bậc nhất thành phố (Lê Duẩn – Hai Bà Trưng – Nguyễn Thị Minh Khai) nhưng tòa nhà xây từ 1872 này có sự duyên dáng và tĩnh mịch đáng ngạc nhiên. Tòa nhà này từ khởi đầu là dinh của người đứng đầu quân đội Pháp ở Đông Dương, kế đến là dinh của Thống Đốc Nam Kỳ… Trải qua gần 150 năm với nhiều thay đổi chính trị nhưng đây luôn là khu đất được Pháp chọn là đại diện của mình tại Việt Nam. Tư dinh đã được trùng tu vào giai đoạn 1998-1999. Nó đã được chọn để có mặt trong tác phẩm “Những kho tàng của di sản ngoại giao” (Nhà xuất bản Perrin, 2000)…

    Những dãy hành lang dài và rộng với 64 cửa sổ mở ra ngoài, là cách để đảm bảo nhiệt độ trong nhà luôn thoáng mát dù đang ở một xứ nhiệt đới.

    Kiến trúc thuộc địa này khởi đầu từ thời chưa có điện, các ghế hóng mát bố trí dọc hành lang hướng tầm nhìn ra các ô cửa xanh cho cảm giác mát lành.

    Phòng khách, nơi ngài Tổng Lãnh sự tiếp các đoàn khách quan trọng được bày biện theo phong cách xưa. Hầu hết các tạo tác nghệ thuật tại đây đều là bản mô phỏng, không có nhiều giá trị, nhưng cách bài trí và không gian mở khiến phòng khách trang nhã hơn. Trong căn phòng này, vật giá trị nhất chính là bức tranh sơn mài Đám Rước của họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Gia Trí. Có nhiều thông tin cho biết, bức này được Pháp đã mua cách đây hơn 60 năm. Gần đây, người Pháp tại Việt Nam đã ủng hộ tiền để phục chế các hư hao của tranh nhưng phải đảm bảo việc không mang bứa tranh ra ngoài, không được chụp chi tiết vì sợ bức họa bị làm giả. Trần nhà với các ô trang trí bằng gạc vốn đã bị bịt kín nhiều năm bằng la-phông, gần đây mới được tìm thấy và giữ nguyên trạng.

    Một tủ khảm xà cừ và bức bình phong trong phòng ăn đều có nguồn gốc từ Huế. Chiếc tủ có 2 mặt trước và sau như nhau với nghệ thuật khảm và lộng chi tiết rất cao.

    Bức bình phong sơn mài mô tả một buổi chầu ở cung đình Huế với nhiều hình ảnh quen thuộc. Hướng dẫn viên đã không cho biết tác giả và niên đại của bức bình phong này.

    Chiếc cầu thang xoắn ốc bằng gang có mặt trong tòa nhà từ lần xây dựng năm 1872. Với chất liệu và kiểu dáng này, nhiều người cho rằng đây là chiếc thang của một trong những chiến hạm đã tấn công thành Gia Định. Tuy nhiên hiện chưa có tài liệu xác tín về việc này.

    Hồ bơi dành riêng cho gia đình ngài Tổng lãnh sự nằm trong khuôn viên lãnh sự quán.

    Những trang trí trong vườn của tòa nhà, ngoài các cây xanh rợp bóng trăm năm, còn là các tác phẩm điêu khắc cũng đã nhuốm màu thời gian, gợi quá vãng và sang trọng.

    Cặp tượng Phật đặt tại đây vốn được một người phụ nữ Pháp tặng vào những năm 1950.

    Ở khuôn viên, còn có khu bia tưởng niệm tướng sĩ trận vong với bia khắc vào năm 1941 và ba ngôi mộ biểu trưng của người Công giáo, người Hồi giáo và người Việt. Bia chia thành các thời kỳ 1794-1802 (của người Pháp tham dự vào cuộc nội chiến Tây Sơn-Nguyễn Ánh?), 1914-1918 (chiến tranh thế giới thứ 1?) và 1940-1941 (giai đoạn chiến tranh thế giới thứ 2?).

    Như một nhân chứng cho Sài Gòn suốt cả 150 năm đầy biến động, tòa nhà Tổng Lãnh sự quán Pháp là một trong những kiến trúc hiếm hoi giữ nguyên hồn cốt cũ, giúp người đến “đi tìm thời gian đã mất”.

    Nam Thụ – Diễm Châu (Người Đô Thị)